Tết nội

Chạy chiếc xe đạp từ đầu hẻm đến cuối hẻm, quay đầu lại thì nó thấy thêm vài cô chú bác từ chiếc xe lam xuống bước vô nhà. Nó dựa chiếc xe vào tường rồi vào nhà kiếm nước uống. Đi ngang chỗ đi văng Bà Nội ngồi, nó bị gọi giựt ngược lại.

‘Cu Đen, con chào bà Ba, bà Năm, ông Hai đi con!’

Nó gật lia lịa như gà mắc tóc rồi chuồn lẹ ra nhà sau, chỉ nghe loáng thoáng tiếng Bà ‘nó con trai út của Ba Nhạn đó’ rồi tiếng cười vang khắp nhà. Đó là ngày 25 tháng Chạp Âm Lịch, ngày giỗ của ông Cố. Nó nhớ hoài vì còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán.

tet-noi-tetngoi-1643594566.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

 

Từ nhỏ đến lớn nó cứ lẻo đẽo theo nội, mấy cô chú anh chị cũng đã lớn, nên bà dắt nó theo để cho vui vì bà khoái con nít. Tết thì thợ thầy về hết, nên cứ 29 Tết là nó vô ở nhà nội, nhờ thờ của cả gia đình. Dịp này là lúc con người ta mang theo suốt đời những ký ức khó quên.

Bà Nội sống rất giản dị, nên để đón một cái Tết ấm cúng bà sửa soạn thật chu đáo và đầy đủ. Chậu Mai Vàng mua tại khu Châu Văn Liêm quận 5. Cặp dưa hấu đỏ tại chợ Cây Gõ. Bà đặc biệt chú ý đến mâm ngũ quả cúng đất trời đêm 30 Tết.

Cứ dịp Tết đến bà thường kể tui nghe kí ức về gia đình. Bà bảo, hai ông bà dắt nhau từ Phước Lý Long An lên Sài Gòn. Những năm 60 của thế kỷ trước Sài Gòn còn vắng lắm. Ông đi học nghề nhà ông Tư tận khu Tạ Thu Thâu, bà thì phụ hợ. Thế rồi ông bà cũng về được căn nhà ấm cúng tại khu Vườn Chuối. Bà nói những phong tục từ Long An bà mang lên cả Sài Gòn. Bà nói ‘có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành’.

Vậy đó, nhà tôi đều học phép tắc, lễ nghĩa theo bà. Mâm ngũ quả đêm 30 Tết được bày trước bàn Thiên, bà kể tôi nghe là do ngày xưa cứ độ Tết đến Xuân về là sau mùa gặt hái, những phẩm vật đẹp nhất, ngon nhất được dâng lên tổ tiên. Cầu Sung Vừa Đủ Xài, quả mãn cầu, quả sung, trái dừa, trái đu đủ và xoài. Bà bảo ai phú quý, ai giàu sang, riêng bà chỉ cầu bình an cho cả gia tộc là đủ đầy. Mình hỏi:’ bà ơi, bà khấn chư vị có nghe không?’ Bà gõ đầu nhẹ và bảo. Đêm giao thừa là tiết thiêng liêng nhất của cả năm, lúc đất trời giao thoa, các vị quan canh giữ trời và đất giao ban cho nhau, ông lên trời, ông xuống hạ giới. Lúc đi đường cũng khát nước, ghé chỗ nhà thành tâm mời để hưởng lễ. Nên mình khấn họ nghe. Nhưng tựu chung là phải sống tốt họ mới nghé. Và như xưa giờ, bà nói là tôi mãi tin.

Tiếng pháo rền vang khắp xóm cũng là lúc bà cúng xong. Đồng hồ gõ Bong báo hiệu đã bước qua năm mới. Mắt tôi cay xè vì khói pháo. Tôi cứ thắc mắc mãi họ đốt pháo làm gì mà treo từ tầng 4 xuống đến đất. Tiếng pháo ngày xưa là âm vang không thể thiếu của những ngày Tết. Mà tui cũng nghi lắm, chắc bác Võ Văn Kiệt nghe bài ‘Tết này anh không thèm chơi đánh bài, Tết này anh không thèm đốt pháo vì đã có tiếng cười em rộn rã khắp sân nhà....’ và pháo bị cấm từ đó.

Dân gian có câu: mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Để nhắc nhở các thế hệ nhớ về nguồn cội, cha là nội, mẹ là ngoại và Thầy là người dạy ta chữ. Do nhà nội và ngoại tôi gần nhau nên năm nào ba má cũng dắt đi thăm hỏi đầy đủ. Mà khoái cái chỗ cả nhà tôi sáng mùng một là tụ hợp tại nhà nội để chúc Tết và nhận lì xì. Là con nít ai chẳng khoái lì xì, càng nhiều càng tốt vì có vốn làm vài ván bài cào hay đi xem hát ở Đình.

Bà nội thật vĩ đại trong trái tim tôi, mỗi dịp Tết đến, dâng nén nhang khấn đất trời là tôi nhớ đến nội, nếu lúc giao thời của Tiết trời đất bà có đi ngang xin ghé dùng chút lễ ngũ quả, uống ngụm trà lài con dâng thì con mãn nguyện.

Theo Chuyện làng quê

Thien Tiger

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tet-noi-a10263.html