Với 1.248 trang sách, tập “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ Đặng Vương Hưng, ra mắt vào những ngày cuối mùa thu, Hà Nội vừa ngớt giãn cách lần thứ 4 và tái bản ngay sau khi được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh. Nghĩa là Đặng Vương Hưng làm sách trong thời gian phong tỏa. Năm trước, khi có dịch Covid, Đặng Vương Hưng cũng lặn lội đến từng tác giả nhà văn người lính, người còn, người mất, lấy tư liệu, nhọc công cùng công sự để làm bộ sách “Nhật ký thời Chiến Việt Nam” hơn 4.000 trang. Với anh, hình như Covid đứng ngoài cánh cửa, Covid bó tay trước sức lao động của nhà văn Việt Nam. Ở đâu đó có người còn ngồi sợ chết, có thường dân lo đủ thứ linh tinh trên đời. Nhưng nhà văn Việt Nam, người bản lĩnh vẫn viết và làm sách và họ đứng cao hơn cái chết. Chỉ có dừng lại mới là sự chết.
Đặng Vương Hưng với Mỗi ngày viết mấy câu chơi/ Nhặt đầy yêu thích, đánh rơi vui buồn. Trước hết là một cách tiêu thời gian của nhà thơ cho chữ nghĩa chứ không phải việc gì khác. Nhà văn không đi, thì đọc và viết. Thơ lục bát ở nước ta có những nhà thơ có những câu thơ thật hay, nằm lòng, viết như lên đồng, như nhà thơ Đồng Đức Bốn, bình dị chân quê như Nguyễn Duy, Phạm Công Trứ, lục bát thế sự như Lê Đình Cánh… riêng Đặng Vương Hưng viết lục bát mỗi ngày không phải như lên đồng, mà vì đam mê thích viết. Đơn giản thế thôi.
Nhưng thơ viết mỗi ngày, nếu đọc khắt khe thì thơ Đặng Vương Hưng đọng lại câu lục và câu bát hơn là toàn bài. Dù anh viết rất vững về nghề, kỹ lưỡng và có nhiều bài thế sự lan tỏa. Trong cách nhìn hướng đời và đạo, cách nhìn mái tóc đen đơn giản của một sư nữ với nén nhang trong chùa và đặt ra một giả thiết khát vọng sống ở góc nhìn tinh tế, một cách xin không dễ cho: Về đây xin một lần thôi/ Để cho mái tóc em tôi lại dài. Viết mà như không viết, chỉ là cách đối thoại thường nhật mà đi vào lòng người. Hay như nhà thơ đi chợ cầu may. May rủi vốn đi hết một đời người ở chợ người: Chợ trời đâu chỉ mình tôi/ Bán mua những cái cuộc đời bỏ đi. Cái cuộc đời bỏ đi vào thơ lục bát Đặng Vương Hưng, trong cách nhìn đồng tiền phiêu dạt: Nhiều tiền mua cả trời xanh/ Ít tiền ước một bát canh cua đồng. Giản dị như chân quê trong cách nhìn chiếc lá mồ côi. Sao mồ côi lại là chiếc lá? Sao mồ côi lại là nơi em đợi? Ngày mai phía cuối còn đường/ Và mưa gió thế em thường đợi ai? Hóa ra cái lá đợi cũng mồ côi trong lục bát mỗi ngày. Hay nghĩ về đoạn kết của đời người không tính giàu nghèo, câu thơ chùng xuống: Giàu nghèo chết cũng bằng không/ Như nhau nấm mộ giữa đồng cỏ hoa…
Không phải là đại biểu quốc hội, chất vấn giữa nghị trường, nhà thơ là đại biểu của nhân dân chất vấn hạnh phúc con người bằng lục bát, có câu hỏi về hạnh phúc thế này: Có ai đổi được vàng mười/ Thành hạnh phúc với tiếng cười hay không? Hay như người ở quê ra ở phố, lạc bước không phủ nhận mình vốn gốc quê, hiền lành: Nhớ thời chân đất áo nâu/ Tuổi thơ lạc bước chân trâu đi cày.
Hình như thơ viết cho cái riêng, cho tình yêu, nhưng Đặng Vương Hưng hướng tới thế sự rộng hơn, một cách nhìn vào chùa chiền Việt Nam, từ cách dâng sao giải hạn cũng đi vào lục bát và thơ chua xót thay cho lòng từ bi nơi cửa phật, thơ gióng tiếng chuông cảnh tỉnh con người: “Dâng sao giải hạn tràn lan/ Vào chùa cứ ngỡ họp bàn công ty/ Giám đốc nhưng kiêm trụ trì/ Xây chùa to đẹp cũng vì kinh doanh”. Thơ lục bát đi vào đời sống hiện đại và góc nhìn của nhà thơ trước thực tại, giữa đời và đạo, đang tải những gập ghềnh khó gỡ, nếu không gỡ được thì văn hóa truyền thống Việt đi về đâu? Hay ở góc nhìn khác, bài “Danh nhân”: Cho dù gác tía lầu son/ Cũng thành cát bụi héo mòn mà thôi.
Cách nhìn về vay và trả của đời người, lại không tính được qua quả tim người: Không tin? Áp ngực mà xem/ Trái tim sẽ bảo đang thèm được vay/ Vay hôm qua trả hôm nay/ Vay sau trả trước, vay ngày trả đêm. Thì bạn đọc thật thú vị với cách tiêu pha vay trả của không gian thời gian không có lượng bạc vàng, hay tiền tài, lỗ lãi, mà thơ ca có sức nặng khác đó là giá trị của thời gian vay không trả được, chỉ có thời gian mà thôi, chỉ có đêm trả cho ngày mà người tiêu pha thời gian thật khó trả.
Với góc nhìn đa diện, về tình yêu, quê hương, người lính, về thiên nhiên và sự xê dịch xa, rộng của hơn một ngàn trang sách, có thể người đọc không thể tải hết trong một vài lần đọc. Vẫn biết “Câu thơ hay chắc gì ai đọc lại” (Lưu Quang Vũ). Người viết bài này vẫn tin thơ hay rất cần đọc lại.
Với khoảng một nghìn trang thơ lục bát mỗi ngày, một cách làm sách riêng, một cách bảo tàng thơ lục bát như tài sản chữ cho riêng mình, Đặng Vương Hưng đã làm được điều mình đam mê, mà ở đời không phải ai cũng dụng công làm sách. Thích sách, và mê sách. Anh vốn từng làm người lính, rồi làm báo chuyên nghiệp, và anh có nhiều tác phẩm văn xuôi như các tiểu thuyết “Tin đồn”, “Những kẻ giời hành”; các tập phóng sự và tư liệu: “Chạy trốn và mất tích”, “ Nếu tôi là tỷ phú”, “Đa tài và đa tình”, “Phát hiện và khám phá”, “Văn nghệ sĩ tài danh”... Đặc biệt là bộ sách tư liệu quý “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” (nhiểu tập) và còn nhiều đóng góp khác, những âm thầm, dâng tặng cho công trạng hy sinh không bờ bến vì nghĩa cử người lính vì người lính. Gia tài của Đặng Vương Hưng còn có thơ, mà sở trường anh vốn đam mê thơ lục bát. Thơ Đặng Vương Hưng lạc quan và yêu sống. Anh viết về Hà Nội: Đêm qua một trận mưa rào/ Hồ Gươm xanh đến nao nao không ngờ. hoặc: Người hôm ấy cứ lặng thinh/ Để ai gác bút, một mình ngồi mơ.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng yêu Hà Nội không lặng thinh, thế sự không lặng thinh, anh không như ai gác bút mà vẫn như con ong cái kiến chuyên cần viết, tự thú “Ta mang theo chút bùa mê”. Mê thơ, vậy thôi.
Xin chúc mừng “Lục bát mỗi ngày” – Tuyển tập ghi dấu ấn 40 năm sáng tác của nhà thơ mặc áo lính đã rất xứng đáng được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh năm 2021!
Trái tim người lính
Hoàng Việt Hằng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/luc-bat-moi-ngay-rat-xung-dang-duoc-hoi-nha-van-ha-noi-ton-vinh-a10288.html