Năm nào cũng vậy. Còn gần một tháng nữa mới tết, thế mà pháo đã nổ đì đẹt, khói hương trầm cuộn trong mưa xuân phủ trắng như một lớp sương mù, làm cho chúng ta đang ở xa quê nhớ đến nao lòng. Trẻ con bắt đầu đánh đáo, thời gian này chưa có tiền nên đánh thắng ăn bằng cúc, cúc bộ đội gấp đôi cúc thường, cúc áo véc thì gấp bốn... Đứa nào cũng về vặt trộm cúc của nhà, thành phong trào của thế hệ chúng tôi hồi ấy, vào tháng này đứa nào cũng bị vài ba trận đòn vì cúc...
Cha mẹ thì bắt đầu lo đủ thứ cho mấy ngày tết, con cái thì vui, nhà tôi đông anh em, cha mẹ sắm cho đứa cái áo thì thiếu cái quần, mua rộng hơn một số để mặc chung và sang năm không sợ bị chật, bọn con trai trong làng bắt đầu rủ nhau làm súng diêm, nhiều đứa về cậy ống tiết kiệm lấy tiền để mua van xe đạp và ống đồng làm nòng súng....
Trong nhà bắt đầu treo câu đối đỏ, ảnh Bác Hồ và tranh cá chép. Cành đào đã chặt vào đốt gốc, nụ đã chớm hé. Không khí tết đã về tới làng quê với mọi nhà, sắc xuân đã nhìn thấy ở mọi nơi.
Nhiều nhà đã làm thịt lợn để chia nhau, cả làng rộn ràng tiếng xay lúa và giã gạo, mẹ tôi bắt đầu bóc hành, gọt su hào, củ cải và cà rốt phơi héo để làm dưa món, ngày 29 mẹ mới rang cốm, làm mứt... Tôi thích nhất là món thịt bụng luộc ngâm với nước mắm, thịt bò rim và món chẻo làm từ bã rượu chấm với rau sống, mấy ngày tết không thể thiếu được món thịt đông và nồi giả cầy ăn với dưa cải muối... C ho đến tận bây gìờ tôi vẫn còn nhớ mãi cái hương vị của những món do mẹ tôi làm sao mà ngon đến thế. Năm nào cũng vậy cúng chiều 30 xong, khoảng 22 giờ là vớt bánh chưng, nước sôi trong những cái nồi nhỏ để vây xung quanh bếp dùng chế thêm nước vào nồi bánh và dùng cho cả nhà tắm. Mẹ và bà nấu thêm nồi chè đậu xanh và bánh ngào nữa là cúng giao thừa, mấy anh em chúng tôi thay đồ mới và chọn băng pháo tốt nhất để đón năm mới cho may mắn...
Sáng mùng một tết bọn trẻ con trong xóm ngồi chờ cho có khách đập đất rồi mới dám sang nhà nhau, đứa nào cũng có tiền mừng tuổi, bây giờ đánh đáo bằng tiền, súng diêm vẩn nổ đì đẹt, đi chơi nhà bà con họ hàng lúc nào cũng có ăn...
Ngày mùng hai năm nào cũng vậy từng nhóm chung nhau đi mừng tuổi thầy cô, đứa quả cam, đứa bao thuốc, gói kẹo Hải Hà... Đến nhà mà không thấy thầy cô ở nhà là ngồi chờ ngoài ngõ, khi nào thầy cô về mới vào chúc tết.
Mấy thằng đến nhà nhau chơi uống trộm rượu chanh, say ngất ngưởng mặt đỏ như gà chọi không giám về nhà, mà chui vào đụn rơm nằm chờ cho tan rượu mới về.
Những ngày tết cỗ truyền của dân tộc là dịp để ôn lại những nét văn hóa truyền thống và được ăn nhiều món ngon sau khi cúng trời đất và tổ tiên, nhà nghèo hay giàu đều có mâm cỗ giống nhau và mọi thứ nhà nào cũng chuẩn bị rất cầu kì, chu đáo và thành tâm, thời ấy không có tủ lạnh như bây giờ, thế mà các món ăn để cả mấy ngày tết vẩn không sao...
Còn tết bây giờ ngày 30 chỉ cần một cú điện thoại là họ đưa đến tận nhà, thậm chí mua cả xôi gà đã chín chỉ còn đặt lên bàn thờ là xong, cái gì họ cũng mua chứ ko tự tay làm như thời cha mẹ chúng ta. trẻ con không còn có những trò chơi truyền thống vào dịp tết như ngày xưa nữa. Tết của thời @ sao không giống như tết cỗ truyền nữa ...Nuối tiếc và thèm lắm những hương vị của ngày xưa ...
Berlin - DD
Dinh Dung
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tet-ngay-xua-bay-gio-chi-la-hoai-co-a10305.html