Những năm tháng không thể nào quên

Có những con người dũng cảm bằng trí óc tài giỏi, nghị lực phi thường, lòng yêu nước nồng nàn và lý tưởng cao đẹp, họ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân ta. Đó là những chiến sỹ biệt động hoạt động trong lòng địch. Một trong số những con người quả cảm ấy là ông Trần Như Lai.

Ông Trần Như Lai sinh năm 1920, quê ở làng Đông Trì, xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ ông đã lên Hà Nội để làm thuê. Năm 16 tuổi ông vào Nam làm phu đồn điền cạo mủ cao su. Ông được giác ngộ Cách mạng và nguyện cả đời đi theo con đường cứu nước cứu dân. Ông hoạt động Cách mạng tích cực cho đến khi Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết.

chuytrtim3a-1643766062.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham quan căn hầm vũ khí của ông Trần Như Lai nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sau năm 1954, ông được giao nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch với cái vỏ hợp pháp là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế. Ông còn được tổ chức của Ta sắp đặt vào làm tại cơ quan Viện trợ hậu cần của Mỹ để thu thập tin tức.

Một nhà thầu khoán giàu có, được tự do ra vào dinh Độc lập, bọn địch đâu có ngờ ông là C trưởng biệt động, đơn vị 159 biệt động Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Ông có biệt danh là Năm U.Som.

chuytraitim2-1643765921.jpg

 Anh hùng LLVTND Trần Như Lai . Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Năm 1962, chuẩn bị cho kế hoạch Ta tấn công vào cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn phải tìm một địa điểm thuận lợi dùng ém quân và cất giấu vũ khí, ông đã bán hai tòa biệt thự là tài sản riêng ở Phú Nhuận để mua ba căn nhà mặt phố Nguyễn Đình Chiểu. Ông đã tự đào, vận chuyển hàng tấn đất đá, xây dựng hầm bí mật. Rồi ông tự mình vận chuyển, cất giấu 2, 5 tấn vũ khí. Số vũ khí này phục vụ cho cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 đánh vào Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh hải quân.

Ông đã vẽ chi tiết đường đi lối lại ( bản đồ) dinh Độc Lập, hệ thống cống ngầm và vận chuyển trót lọt tài liệu ra căn cứ. Tài liệu này rất có giá trị thời điểm đó và cả sau này năm 1975.

Sau Tết Mậu Thân 1968, ông bị lộ và tạm lánh về Quảng Ngãi để hoạt động tiếp.

Địch đã công bố treo đầu ông hai triệu đồng và đã tịch thu của ông toàn bộ tài sản, nhà cửa, tiền vàng...

Từ năm 1970 đến năm 1974 bị địch bắt hai lần, ông nhất quyết không khai báo, không để lộ tung tích mặc dù bị tra tấn thật dã man, tàn bạo.

Sau năm 1975 ông công tác tại đơn vị Tiền phương B12, Bộ Tư lệnh thành đội Sài Gòn- Gia Định.

Năm 1977 ông công tác tại Phòng tổng kết chiến tranh thuộc Bộ tư lệnh thành phố.

Năm 1981 ông nghỉ hưu với thương tật 1/4 (81%).

Năm 2002 do sức khỏe ốm yếu, hậu quả của những trận tra tấn dã man của địch trong nhà tù nên ông đã từ trần.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông đã xây dựng được 20 cơ sở Cách mạng, xây dựng và thiết kế 7 căn hầm tại các nhà riêng. Các căn hầm vừa là nơi cất giấu vũ khí, vừa là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động nội thành Sài Gòn. Ông cùng những chiến sỹ biệt động, đồng đội của mình, dệt nên những chiến công bất hủ, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước, giúp cho cuộc kháng chiến mau tới ngày toàn thắng.

Vinh danh và ghi nhớ công lao của ông Trần Như Lai ( Mai Hồng Quế), năm 2015 Đảng và Nhà nước đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Trái tim người lính

 

Huỳnh Hồng Điệp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen-a10336.html