Ở nơi được coi là quê hương của người Thái, vùng đất Mường Lò tươi đẹp, điệu xòe vốn được lưu giữ qua nhiều thế hệ, nay càng có thêm điều kiện để trường tồn mãi với thời gian.
Mường Lò là cánh đồng lòng chảo lớn thứ 2 miền Tây Bắc, bao trọn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Đây là nơi quây quần của 17 dân tộc anh em và được coi là quê hương của người Thái ở miền Tây Bắc. Mường Lò cũng được biết đến là vùng đất còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào Thái.
Xuân gõ cửa, hoa mận hoa đào bừng sáng núi đồi, dọc theo quốc lộ 32, xuôi dốc Thái Lão, qua cánh đồng tươi tốt bắt đầu vào vụ, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ đón khách với niềm vui và sự phấn khởi rất lớn. Không vui sao được khi Xòe Thái vừa được UNESCO vinh danh.
Gần 90 tuổi, nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến đã dành trọn cuộc đời mình cho việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các điệu xòe cổ. Ông cho biết, những điệu xòe không biết có từ bao giờ, chỉ biết đã theo người Thái qua bao thế hệ đến ngày nay.
Trong các tài liệu còn ghi, người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven các sông, suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, chống lại thú dữ. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù, thú dữ, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam nữ, già trẻ nhảy múa, ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên các điệu xòe. Có thể nói, những điệu xòe chính là mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Thái.
Theo năm tháng, xòe đã được lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa hết sức đồ sộ về khối lượng trong cộng đồng. Các điệu dân vũ ấy diễn ra thường xuyên vào những dịp vui hội, lễ tết nhưng mức độ và hình thức thể hiện có khác nhau. Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: "Cái gần nhau được nhiều nhất từ cấp trên cấp dưới, người già người trẻ, muốn gần gũi nhau thì chỉ có xòe. Nó thể hiện sự bình đẳng rất cao, cho nên người Thái có dịp vui như tiệc cưới hay mừng nhà mới, hay bất cứ cuộc liên hoan gì đó mà không có xòe thì không vui, không thành công".
Nghệ nhân Điêu Thị Siêng ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ - người cũng dành mọi tâm huyết cho việc truyền dạy và lưu giữ những điệu xòe suốt mấy chục năm qua cho biết: Người Thái quan niệm "không xoè không vui, không xoè lúa không tốt, không xòe trai gái không thành đôi". Chính vì vậy trong bất cứ hội vui nào, các vòng xòe lại được rộng mở. Tình đoàn kết cộng đồng như được thắm đượm hơn, công việc trôi chảy, thuận lợi hơn. Với ý nghĩa ấy, các điệu xòe không khi nào tách khỏi đời sống, sinh hoạt thường ngày và luôn có trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái.
"Những điệu xòe đều do cha ông, các bà các mẹ để lại, đó là tài sản quý với các thế hệ. Điệu xòe như cơm ăn, nước uống hàng ngày", nghệ nhân Điêu Thị Siêng nói.
Hướng dẫn các cháu thanh thiếu nhi nắm tay nhau xếp thành hình vòng, nghệ nhân Điêu Thị Siêng bắt đầu hô nhịp tiến, lùi, nâng tay, hạ tay rồi uốn nắn cho từng cháu, sao cho động tác thật chuẩn, thật đúng.
Bà Siêng bảo, điệu xòe đầu tiên bà dạy các cháu bao giờ cũng là điệu “Khắm khen”, có nghĩa là nắm tay cùng xòe. Đây là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái. Điệu xòe này được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai; khi săn được con thú, hay mỗi khi có niềm vui trong gia đình, trong cộng đồng thì mọi người nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Đây cũng là những động tác cơ bản đầu tiên làm tiền đề để phát triển thành những điệu xòe tiếp theo và phát triển thành những tác phẩm múa dân gian đặc sắc. Điệu xòe biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui cùng nhau nhảy múa và cả khi gặp khó khăn hoạn nạn, cộng đồng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Theo lời nữ nghệ nhân thì xòe Thái có nhiều điệu, nhưng tựu trung đều bắt nguồn, cải biến từ 6 điệu xòe cổ. Các điệu xòe cổ này không chỉ đơn thuần để biểu diễn mà còn mang trong mình tất cả quan niệm về cách sống, cách nghĩ và nếp sinh hoạt của cộng đồng người Thái từ bao đời nay.
Ngoài “Khắm khen” còn có 5 điệu xòe khác là: “Nhôm khăn” (tức Tung khăn), Đổn hôn (tức Bước tiến lùi), Phá xí (tức Bổ bốn), Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu) và “Ỏm lọm tốp mư” (tức Đi vòng tròn vỗ tay), đều diễn tả, mô phỏng cuộc sống như: niềm vui của con người trước những thành quả lao động của mình; tình đoàn kết cộng đồng; sự trân trọng đối với khách; niềm hân hoan trong ngày hội... Khi thực hiện các điệu xòe cổ này thì người thiếu nữ Thái sẽ phải mang trang phục truyền thống gồm: váy, áo cóm, khăn Piêu và chỉ khi đó, những điệu xòe cổ mới đúng, đẹp và có hồn nhất.
"Tôi và các nghệ nhân muốn dạy cho các cháu để điệu xòe không bị mai một. Bây giờ các cháu thích học xòe nên học rất nhanh. Không chỉ nắm bắt được động tác mà còn hiểu được ý nghĩa từng điệu xòe. Tôi thấy thật sự thấy rất vui", nghệ nhân Siêng chia sẻ.
Từ năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn bài giảng "Nghệ thuật xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò”, do nghệ nhân Lò Văn Biến là chủ biên để truyền dạy 6 điệu xòe trong cộng đồng. Theo đó, đã truyền dạy cho đội ngũ cán bộ của thị xã Nghĩa Lộ, sau đó đội ngũ cán bộ này trực tiếp xuống các xã, phường, bản, làng để truyền dạy. Kết quả là ở Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn hiện nay có trên 5.000 nghệ nhân có thể xòe hay, xòe đẹp, diễn tả được “hồn” xòe. Nhờ đó, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức thành công nhiều màn đại xòe kỷ lục hàng nghìn người tham gia, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam.
Ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Hàng năm, vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã luôn tổ chức các hội thi xòe cấp cơ sở, thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia: "Thị xã Nghĩa Lộ chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát huy việc truyền dạy các điệu xòe trong các nhà trường. Tiếp tục phát triển, thành lập các đội xòe ở các thôn bản để phát huy nét văn hóa riêng có cộng đồng dân tộc Thái".
Tháng 12/2021, Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, bởi điệu xòe vốn được lưu giữ qua nhiều thế hệ, từ đây càng có thêm điều kiện để trường tồn mãi với thời gian.
Một mùa Xuân mới lại về và vòng xòe ở Mường Lò sẽ lại rộng mở đón chào du khách gần xa, như bao đời nay vẫn thế.
Đinh Tuấn/Tây Bắc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/khong-xoe-khong-vui-khong-xoe-trai-gai-khong-thanh-doi-a10362.html