Nỗi nhớ tháng giêng

Tháng giêng về, quê tôi vào đợt thu hoạch khoai lang. Thường thì khoai lang được trồng vào khoảng tháng 9, 10 âm lịch.

khoa-lang-thang-gieng3-1644035081.jpg
 

    

     Khoai lang quê tôi được trồng trên đất pha cát và trên rẫy. Đất miền trung duyên hải nên dường như có chút mặn mà của biển mà sản phẩm nông sản cũng ngọt và đậm đà lắm. Những ngày khoai lang bén đất, ngọn vươn dài hơn cả gang tay, xanh non, cọng rất giòn. Đây là món rau hàng ngày trong bữa cơm gia đình vào mùa khoai lang. Chỉ cần tay cắp chiếc rổ ra vườn hoặc lên rẫy là sẽ có ngay một bữa rau lang luộc xanh um, giòn, ngọt.

     Đến sau tết là bắt đầu thu hoạch. Sau 3 ngày tết mọi nhà đều tranh thủ đào khoai. Những củ khoai lang đủ chất dinh dưỡng to, khoẻ nứt cả giồng. Có củ to như chú heo con vậy. Nhà nào cũng trồng rất nhiều nên khoai được gánh về đổ đầy sân. Đêm tối, cả nhà tranh thủ xắt khoai để sáng sớm hôm sau đem phơi nắng. Dao xắt khoai được đóng trên một tấm ván, có bốn chân như chiếc bàn con ( gọi là bàn xiết). Ngay lưỡi dao là một cái cần gỗ đóng dính một đầu trên mặt ván, một đầu như chuôi dao để người xắt cầm điều khiển. Củ lang được đưa vào sát lưỡi dao, chỉ cần điều khiển chiếc chuôi đẩy củ lang vào lưỡi dao, thì củ lang được cắt từng lát đều tăm tắp như nhau, rơi xuống chiếc mủng đã được đặt sẵn. Ngoài kiểu xắt tròn, khoai lang còn được xắt cọng dài như ngón tay gọi là xắt hột xoài. Kiểu này rất tốn công nên mỗi nhà thường xắt một ít để dùng cho những dịp nấu món "sang" hơn bình thường.

     Khoai lang xắt xong được đem rải phơi dọc hai bên đường quốc lộ ( thời ấy xe chạy rất ít, khoai lúa đều được đem phơi trên quốc lộ). Cái nắng tháng giêng vàng tươi như mật, chỉ cần ba đến bốn nắng là khoai đã khô giòn. Đây là nguồn lương thực dự trữ chính cho gia đình nhà nông. Mỗi mùa, mỗi nhà cũng dự trữ đến vài thùng phuy để dùng quanh năm: ghé cơm hàng ngày( khoai nhiều hơn cơm), hoặc nấu các kiều khác. Món sang trọng là khoai lang hột xoài nấu chín rồi cho đường và dừa xò thành sợi vào trộn đều, để lửa nhỏ cho món khoai sánh lại, sau đó đem quyếch ( bỏ vào cối giã vừa nhỏ), ăn vừa ngọt vừa béo béo, thơm thơm thật ngon (Nhưng món này hiếm khi được làm vì tốn thêm dừa với đường, lúc ấy được xem là món xa xỉ). Những ngày giáp hạt, khoai lang khô là lương thực chính thay cơm.

khoa-lang-thang-gieng-1644035081.jpg
 

     Với bọn trẻ chúng tôi, thích nhất là món khoai lang trụng. Đó là khoai lang xắt xong, trụng chín rồi mới đem phơi. Những hôm đi học về trời trưa đói bụng, mấy đứa học trò chúng tôi gặp được những nong khoai lang trụng phơi bên đường, thế là ngó trước nhìn sau lén nhón lấy vài lát bỏ bụng ngon ơi là ngon. Chủ nhân của món khoai này đều là bà con xóm giềng với nhau nên biết chúng tôi hay "ăn vụng" như vậy vẫn không la mắng. Vì hồi đó nhà nào cũng có con đi học, nhà nào cũng xắt khoai nhiều lắm, nên việc trẻ con nhón vài lát bỏ bụng người lớn không nỡ la rầy.

     Mùa khoai lang ngày xưa rộn ràng trên khắp quê tôi, là mùa thu hoạch lương thực chính thứ hai sau lúa. Tháng giêng về chợt nhớ không khí ngày xưa ấy, quê cũng không còn mùa khoai lang nhộn nhịp nữa. Những loại khoai lang trước kia: lang dương ngọc, lang bắc, lang ruột trắng.... hầu như không còn.

    Bây giờ, mỗi lần đi chợ mua khoai lang, chỉ thấy loại khoai lang tím nhật hoặc khoai lang ruột vàng, khoai lang mật...

    Giá khoai lang bây giờ cũng thuộc hạng cao trong các loại nông sản ( cao hơn giá gạo ).

     Vậy mà trong tôi vẫn ngóng tìm những loại khoai lang ngày xưa trong luyến tiếc. Nhớ lắm tháng giêng - mùa khoai lang xưa cũ.

khoa-lang-thang-gieng1-1644035081.jpg
 

Chuyện làng quê

 

 

 Lệ Thuỷ

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-nho-thang-gieng-a10383.html