Thật hạnh phúc cho mỗi người sinh ra có quê hương, biết rõ nguồn gốc tổ tông của mình. Ai đó, nếu vì lý do gì mà không biết quê hương, nguồn gốc, nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì thật là đáng tiếc.
Tôi thật may mắn sinh ra ở làng quê Ngọ Xá (1) một làng cổ nằm ở bên con ngòi lớn chảy ra Sông Cầu. Làng tôi có Đình cổ và hai ngôi chùa cổ: chùa Hương và chùa Đống; lại có nhà thờ cổ kính hơn trăm tuổi, người Pháp xây dựng từ năm 1910. Nhưng làng Ngọ Xá quê tôi thì còn cổ xưa hơn nữa. Các cụ vẫn truyền lại rằng từ thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, khi về đến bờ Sông Cầu thì trời vừa tối, vua đã nghỉ lại đêm ở nơi bãi đất cao của làng, sau này gọi là gồi AnVương, nhưng để tránh phạm húy mà làng từ đó có tên là Ngọ Xá, bởi Ngọ là ngựa của vua, còn Xá là nơi vua nghỉ.
Làng tôi nằm dọc hai bên của con ngòi lớn (mà không hiểu sao các cụ vẫn gọi là đầm) như thế của con rồng uốn khúc mềm mại chảy ra sông Cầu. Làng có hai xóm là Đoàn kết gồm đội 1, đội 2, đội 3 và xóm Liên Minh gồm đội 4, đội 5, đội 6 và hai xóm được kết nối với nhau bằng những cây cầu. Trong ký ức của tôi có hai cây cầu lớn là Cầu Thờ (gần nhà thờ) ở vào vị trí giữa làng và Cầu Cao ở vị trí cuối làng. Hai cây cầu này đều có hai nhịp và giữa các nhịp lát bằng gỗ. Tôi còn nhớ cầu làm bằng gỗ lim với nhiều cọc đóng xuống lòng đầm rất chắc chắn, đen và mốc đầy vẻ phong trần trông như những cọc gỗ lim ở bãi cọc sông Bạch Đằng mà sau này lớn lên tôi đã được thăm quan. Đây là nơi thanh niên, trẻ con trong làng hay tắm. Không thể nào quên những buổi trưa hè bọn trẻ con chúng tôi nhảy “tùm” từ trên cầu xuống đầm nước trong mát, sủi tăm ùng ục, lặn một hơi, rồi lại bơi vào, trèo lên cầu ngồi cười đùa, chọc gẹo nhau. Ngoài hai cây cầu gỗ ra làng còn nhiều cây cầu bằng tre khác để đáp ứng nhu cầu đi lại, làm đồng của bà con dân làng: đó là cầu Chùa Hương, Cầu Vườn, cầu Cống Ngưa, cầu Bến Đình, Cầu Khổ. Mỗi tên cầu đều gắn với địa danh nơi đó. Riêng Cầu Khổ có giai thoại các cụ kể lại cầu làm bằng tre nên rất yếu, đường đi nhỏ, người hai bên cầu cứ phải chờ đợi nhau đến là khổ; có khi vừa vác cày, bừa vừa dắt trâu qua cầu, cầu tre gãy nhịp, rơi xuống đầm, lại phải lặn ngụp mãi mới lấy được cày bừa lên, rõ khổ.
Làng tôi sở hữu rất nhiều đồng ở quanh làng với hai vụ mùa và vụ chiêm. Trong đó cánh đồng Chùn, đồng Ngưa, đồng Chóa là to nhất. Ngoài ra còn có đồng Chợ ( có Chợ ở gần đó), đồng Trước ( ở trước làng), đồng Sau ( ở sau làng), đồng Muộn ( gần làng, trồng màu đi làm về muộn), đồng Sớm (ở xa làng phải đi sớm rồi về sớm để tránh nắng). Rồi còn đồng Dâu, đồng Chạ, đồng Chúng, đồng Nét và những cánh đồng nhỏ nữa mà tôi không nhớ hết. Đồng ở Ngọ Xá cũng rất phong phú, nhiều vẻ: Có những cánh đồng bằng phẳng, rộng thẳng cách cò bay; có những đồng nhiều ruộng bậc thang phải tát nước chống hạn rất vất vả; có đồng chiêm chũng mùa nước nổi rộng mênh mông có cả từng bãi cỏ năn, cây tóc tiên, cây hoa súng nở rất đẹp.Tôi biết được như vậy là khi còn nhỏ tôi được đi chăn trâu, được đưa cơm cho bố mẹ đi cày, đi cấy ở những cánh đồng. Còn bé tý, nửa buổi ông nội đã chuẩn bị cho tôi một gánh tòng teng: trước là cái ấm tay nước vối, đằng sau là cái rổ đựng cơm và thức ăn. Cơm thì ít mà cả nửa rổ khoai lang luộc; rồi một bát cà nén, một ít muối vừng, thi thoảng mới có món cá kho hay ít tép kho tương. Trong khi bố mẹ ăn cơm vào lúc đã quá trưa thì tôi chạy nhảy, khi thì mò cua bắt cá, khi thì nhổ rau má, rau ngổ …loanh quanh chờ đến tận quá trưa sang chiều, tôi mới đưa trâu đi chăn ở cánh đồng khác. Lúc đó bọn trẻ trâu chúng tôi mới thực sự rảnh để vui chơi các trò như tập trận giả, đánh ngựa, vật nhau, chọi gà bằng cỏ…cho đến tối mới cưỡi trâu về nhà.
Làng tôi có nhiều dòng họ cùng nhau xây đắp nên truyền thống của làng. Có tới hơn 10 dòng họ, hai họ đông nhất là họ Nguyễn Đình và Nguyễn Bá, cùng với các họ Ngọ, họ Nguyễn Văn, họ Ngô, họ Khổng…
Theo tục lệ, hội làng Ngọ Xá tổ chức vào ngày 11, 12 tháng giêng của mùa xuân hàng năm. Đình làng thờ thành hoàng Đức thánh tam giang. Theo đó, hàng năm mở hội làng có tế lễ ở trong nhà Thánh, ngoài sân đình và ở bến đình thường có đánh vật, cờ người, thả chim...; đến tối còn có hát tuồng, hát chèo, dân làng xem kín cả sân đình.
Một kỷ niệm tuổi thơ là những buổi đánh cá của làng. Đó là vào những ngày mùa thu cuối tháng tám âm lịch, khi tiết trời se lạnh, khi con đầm quanh làng đã cạn nước, chỉ còn nước ở lòng đầm và những ao, những chuôm là đến mùa đánh cá. Cả làng vui như vào hội. Vào đầu giờ chiều, bỗng có tiếng hú to vang lên của các trai làng ở Bến Đình, ở Cầu Thờ...: Hú u u u u u, cá đê ê ê ê ê ê... Đó là tín hiệu của các buổi đánh cá của làng. Rồi cả làng nhộn nhịp hẳn lên, mọi người lục tục kéo nhau ra hai bên bờ con đầm chuẩn bị cho cuộc đánh cá. Chẳng bao lâu đã có tới hàng chục người nào rập, nào nơm, nào chài, nào vó ....đã sẵn sàng và tiếng cười nói râm ran. Thế rồi cả đoàn người lao xuống nước, chỉ trong chốc lát đã vào một đội hình với hàng trăm người: đoàn đánh rập đi đầu là các bậc trung niên tráng kiện và những thanh niên trai tráng, họ trấn ải phần giữa lòng đầm nước sâu; tiếp sau, đoàn rất đông đảo bao gồm cả người già, các thiếu niên, có cả trẻ choai choai như bọn tôi úp nơm, chiếm lĩnh cả hai bên sườn đầm, những chỗ nước nông hơn. Một số những lão nông kéo vó, quăng chài thì luôn ở cách phía trước đội hình độ hai chục thước, và họ luôn phải di chuyển chạy trước đoàn người đánh rập, úp nơm để đón những đàn cá đang bị xua đuổi. Cứ thế, nước réo ầm ào, tiếng reo hò vang trời. Ở trên hai bờ đầm, còn bao nhiêu người không trực tiếp đánh cá cũng chạy theo, reo hò cổ vũrất náo nhiệt.
Thường thì buổi đánh cá được bắt đầu từ Cống Ngưa, qua Bến Đình, đến Cầu Thờ rồi xuống Cầu Cao. Ở nơi Cầu Thờ, Cầu Cao chỗ này con đầm mở rộng, uỳnh ra, vừa sâu, vừa rộng...là nơi có nhiều cá to như cá chắm, cá chép. Cũng ở đó thi thoảng lại có bè tre của nhà dân ngâm, đến đó mọi người reo hò, rung trà cá mè nhảy lên như mưa trắng xóa cả một vùng. Ai cũng ngửa rập, nơm lên hứng. Tôi còn nhớ, có lần may mắn được con cá rơi vào nơm thì sung sướng vô cùng. Quần thảo mấy vòng qua Cầu Cao, đoàn người lại di chuyển xuống tiếp qua đầm của Ngọ Khổng, rồi xuống tận Cống Cái, nơi thoát nước của con ngòi ra Sông Cầu.
Những lần đánh cá xong mọi người đều rét vì lạnh nhưng ai ấy khuôn mặt đều tươi rói, miệng vẫn luôn nở nụ cười bởi ai cũng có chiến lợi phẩm. Những bác đánh rập thì lủng lẳng đùm cá chép, cá chắm; có người may thì được tới hơn chục con. Người úp nơm thì ai cũng được xâu cá lỉnh kỉnh, ít thì một món cá rô, cá riếc, cá chày. Những người kéo vó, quang chài thì ai cũng có một giỏ đầy.Những năm 70, 80 của thế kỷ trước trong điều kiện rất khó khăn về lương thực và thực phẩm, mỗi tuần có hai, ba lần đánh cá cũng cải thiện cuộc sống và làm không khí vùng thôn quê yên bình trở nên đầm ấm, vui vẻ.
Trong ký ức của tôi có một cây gạo ở đầu làng là “cây gạo viếu”, không biết có từ bao giờ nhưng các cụ thượng già nhất làng kể rằng khi còn bé đã thấy cây gạo như vậy rồi. Cây gạo không cao nhưng rất to, thân nó gồm nhiều vai, nhiều chân, nhiều hang hốc, ở đó sinh ra các viếu xù xì nhưng rất vững chắc nên gọi là cây gạo viếu. Chu vi của nó có lẽ rộng ngang ngửa với “cây chò ngàn năm ở rừng Cúc Phương” mà tôi đã có dịp đến thăm. Những hang hốc của cây gạo là nơi chú mưa, chú rét của bọn trẻ con chúng tôi, nhất là bọn trẻ con xóm Ngoài, xóm Cầu Thờ, xóm Cầu Cao khi đi chăn trâu, chăn bò.
Tôi không thể nào quên có những năm rét đậm, bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa cầm một ống bơ thổi phù phù mà than lửa chính là phân bò khô để sưởi ấm; ngồi chen chúc trong hang hốc của cây gạo viếu mà chọc gẹo nhau, mà cười khúc khích. Và quên sao được những lần cưỡi trên lưng trâu bơi qua đồng Chùn mênh mông nước nổi, vào tận gồi Chuôm, đồng Chạ, bờ Ba...Lúc về thế nào cũng phải dừng lại chỗ cây gạo viếu, có hôm còn nướng cá, nướng trứng vịt rồi cùng ăn ở dưới gốc cây gạo viếu. Tôi đi bộ đội xa nhà từ đầu năm 1975 rồi sau này nghe dân làng kể lại cây gạo viếu đã khô rồi chết. Ai cũng tiếc. Đầu làng Ngọ Xá bây giờ chỉ thấy những ngôi nhà đúc bê tông. Còn trên cánh đồng chiêm nước nổi năm xưa bây giờ là đường cao tốc, cứ mỗi sáng hàng trăm xe to, ùn ùn chở công nhân đi làm ở công ty Sam Sung ngay bên Đông Xuyên. Thoắt cái đã hơn bốn mươi năm rồi.
Từ nơi này tôi đã lớn lên, đi học trường cấp 1 ở làng Ngọ Xá. Trong ký ức của tôi vẫn còn một kỷ niệm vào năm 1969, cuối năm học đó tôi được chọn đi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Tôi còn nhớ thầy giáo Bùi, dùng xe đạp đến tận nhà tôi đón và đưa tôi lên Tỉnh. Địa điểm thi là trường Ngô Sĩ Liên ở Thị Xã Bắc Giang, tỉnh Hà Bắc cũ; từ nhà tôi đến đó cũng chừng gần 30 cây số. Đó là lần đi xa nhất của tôi, cũng là lần đầu tiên tôi được lên Tỉnh. Thú thực mãi về sau này tôi không nhớ được cuộc thi như thế nào, nhưng câu chuyện về chuyến đi thì tôi không bao giờ quên. Ấn tượng đầu tiên là khi thầy đèo tôi qua cầu Sông Thương, thầy còn dừng lại trên cầu và nói: “Đây là Sông Thương”. Rồi thầy đọc câu ca dao: “Sông Thương nước chảy đôi dòng / Bên trong, bên đục em trông bên nào”. Tôi hỏi thầy: “Sao lại có hai dòng, bên trong và bên đục?”. Thầy nói: “thầy cũng không biết, thấy người ta vẫn nói thế”. Thầy chỉ tay xuống sông, tôi nhìn theo thì đúng quả là nước một bên trong, một bên đục. Tôi ở gần sông Cầu, đã nhiều lần ra sông, thấy mọi người qua sông chỉ có đò, có phà chứ chưa nhìn thấy cầu bao giờ. Giờ từ trên cầu nhìn xuống dòng sông thấy chênh chao, thấy mình thật nhỏ bé, tôi hơi sợ nắm chặt vào tay thầy giáo. Khi thầy trò qua cầu bắt đầu vào Thị xã thì thấy mọi người dừng lại tất cả. Thầy lại nói: “Dừng để chờ tàu hỏa đi qua đã”. Thì ra tàu hỏa đang đi tới. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tàu hỏa; trông như con quái vật to và dài, đầu nó phun khói, phụt cả lửa lên trời, rồi tiếng nó kêu sình sịch, tiếng thở phì phò, thở hồng hộc. Tôi thấy có rất nhiều người ngồi trong các toa tầu vẫy tay; trên nóc còn có cả mấy thanh niên đu bám ở đó nữa. Đoàn tàu rầm rập đi qua, tôi há mồm, tròn mắt nhìn theo. Chiều hôm ấy sau thi xong thầy đưa tôi về, lúc qua chợ Thương ở thị xã, khi thầy dừng lại mua bánh đa Kế (loại bánh đa có tiếng, vừa ngon vừa giòn, có cả vừng rắc trên bánh) thì tôi trông thấy một người da đen, cao lớn; anh ta tóc xoăn, da đen kịt, răng trắng trông vừa ngộ nghĩnh vừa sợ. Tôi thốt lên: “Thầy ơi, ở đây có cả người da đen này”. Như đoán được suy nghĩ của tôi thầy nói: “Ừ, người da đen, họ gốc ở châu Phi, bố của anh ta là lính đánh thuê của Pháp, sau khi quân Pháp thua, là tù binh của chúng ta. Anh ta là con của các tù binh Pháp sinh sống ở ta, giờ cũng là người Việt Nam đấy”. Sau này về quê, bạn bè hỏi chuyện đi thi ở trên tỉnh thế nào, tôi cũng kể đi kể lại câu chuyện ở trên cầu Sông Thương, chuyện nhìn thấy tàu hỏa trông như con quái vật khổng lồ và chuyện trông thấy người da đen, cao ơi là cao, to ơi là to. Không hiểu sao khi đó tôi có vẻ hãnh diện về những điều đó chứ không quan tâm về chuyện mình đi thi giỏi văn cấp tỉnh.
Chúng tôi vào học trường cấp 2 ngày ấy vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở trong giai đoạn khắc nghiệt nhất, đất nước đang ở trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng, phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm sức người sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Thật hạnh phúc biết bao chúng tôi vẫn được cắp sách đến trường, vẫn hát vẫn cười, đầu đội mũ rơm để tránh mảnh bom của không quân Mỹ.
Tôi còn nhớ ngôi trường nhỏ mới được xây dựng vài năm còn rất đơn sơ nằm khiêm nhường bên con ngòi chảy ra sông Cầu. Những cây điền thanh xanh tốt làm thành hàng rào bao quanh, bên trong là mấy cây bàng và hàng phi lao mới trồng. Các lớp học khung cột tre được lợp bằng mái rạ, bên trong có bàn gỗ nhưng gế được gép bằng những đoạn tre, học trò ngồi cứ khấp khểnh, nhấp nhô. Điều rất ấn tượng là xung quanh trường có các giao thông hào chạy ngoằn ngèo, thi thoảng có hầm chữ A để chúng tôi trú ẩn khi có máy bay Mỹ. Bên cạnh đồng lúa rì rào xanh tốt, đêm trước mưa rào sáng đến trường vẫn còn bản hòa tấu râm ran của ếch nhái, nghe thật vui tai. Có lần cô Lượng đạp phải ổ trứng ếch bên bục giảng giật mình kêu thất thanh làm cả lớp cười bò cả ra.
Những năm 1970-1971, khi tôi đang học lớp 6 cũng là thời điểm không quân Mỹ hay đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Những cây cầu Long Biên, Cầu Đuống của Hà Nội, cầu Sông Thương, cầu Thị Cầu Hà Bắc là các trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ. Cho nên ở địa bàn Xã Châu Minh, Huyện Hiệp Hòa, Tỉnh Bắc Giang lúc đó, chúng tôi được chứng kiến các trận chiến trên không giữa máy bay của ta và của địch. Cứ mỗi lần đang học có báo động thì thầy cô và học sinh vớ lấy mũ rơm đội lên đầu, chạy nhanh theo giao thông hào vào các hầm trú ẩn. Cũng nhiều lần như vậy ở khu vực chúng tôi không thấy có bom rơi nên một số không vào hầm, ở giao thông hào xem máy bay. Tôi nghe tiếng pháo cao xạ bắn nổ râm ran, đì đùng. Có lần chúng tôi nhìn thấy máy bay của Mỹ bay rất thấp trông đen sì, như cái vỉ ruồi (sau này tôi biết đó là loại máy bay tiêm kích F 105), còn máy bay của ta thì nhỏ màu cánh bạc thường bay cao hơn. Thú vị nhất là xem tên lửa của bộ đội đuổi theo máy bay: trời trong xanh bỗng có những đường trắng như phấn vẽ chạy từ từ rồi lao vào một chấm đen, bùng ra cả một đám mây trắng. “Cháy rồi”! Hóa ra cả thầy và trò của lớp 6B cũng đang đứng trên nóc hầm đang reo to.
Thời của chúng tôi lúc ấy là thời của bút sắt, mực tím. Thời gian đầu bút ngòi sắt lá lúa quản gỗ, mỗi lần chấm mực chỉ viết được vài chữ, sau đó có bút sắt cải tiến chấm mực một lần, viết được cả một dòng. Do vậy mà trò nào cũng biết pha mực (không đặc, không loãng quá) biết sử dụng bút và giữ gìn cẩn thận để mực không dây bẩn ra sách vở, quần áo. Ai cũng cố gắng thi đua “vở sạch chữ đẹp” để được thầy cô khen. Thầy cô giảng bài có đủ phấn trắng bảng đen, bởi các trò trực nhật có sáng kiến vò lá khoai lang với tro bếp đánh cho bảng đen bóng mới thôi. Nhớ lại các thầy cô ai cũng nhiệt tình say sưa giảng bài, các học trò thì háo hức há mồm ra nghe quên cả trống trường đã gõ. Thầy Đệ, thầy Sáng, thầy Hiền, thầy Đắc…rồi cô Bắc, cô Bài, cô Lượng, cô Phê v.v thầy cô nào cũng tâm huyết với nghề, say mê truyền thụ tri thức cho học sinh, không chỉ dạy chữ mà còn dạy người. Quên sao được các buổi học toán, thầy Sáng thâm trầm, hóm hỉnh, vẽ hình bằng tay không cần dụng cụ gì mà hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật…vẫn thật đẹp và chính xác đến lạ lùng. Vẫn còn nhớ thầy Hiền say sưa hùng biện về văn học thời Trần, đọc “Hịch tướng sĩ” truyền cái hào khí Đông A cho học sinh mà sau này tôi mới thấm thía đó là bài học về tình yêu Tổ quốc, về lòng tự hào dân tộc.
Từ mái trường thân yêu bên con ngòi nhỏ này chúng tôi tiếp tục học lên cấp 3 Thường Thắng, trường của Huyện rồi mùa xuân năm 1975, đang học lớp 10 trường cấp 3, theo tiếng gọi non sông tôi nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ Quốc.
Sau 45 năm xa quê tôi đã trưởng thành, là một cán bộ cao cấp trong quân đội, là Phó giáo sư tiến sĩ giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện Chính trị. Tôi đã tham gia chiến đấu ở biên giới Lạng Sơn năm 1983, ở Cao Bằng năm 1987, đã trải cuộc đời người lính, được đi khắp mọi nẻo đường của đất nước và được ra cả nước ngoài. Tôi biết thế nào là sông dài, biển rộng; biết nhân dân ta thật thông minh và anh hùng; biết Tổ quốc ta thật là tươi đẹp; biết cuộc sống thật muôn màu và thế giới này thật là to lớn mênh mông. Nhưng dù ở đâu, làm gì tôi vẫn luôn mang trong mình ký ức về tuổi thơ tôi, về quê hương xứ Ngọ, về mái trường cấp 1, cấp 2 ở làng Ngọ Xá với bao kỷ niệm dản dị, trong sáng và ấm áp; nó đã chắp cánh ước mơ cho tôi mãi mãi vẫn luôn là động lực và niềm tin cho tôi trong cuộc sống.
Con người làng tôi chất phác, hay làm, cần cù chịu khó. Bao nhiêu người từ khi tôi lớn lên và biết, rồi xa quê còn đọng trong ký ức. Lứa ông nội tôi, đã mất ngày bão to năm 1972, thọ 71 tuổi; lứa ấy đã hơn một trăm tuổi giờ không còn ai nữa. Rồi đến lứa bố mẹ tôi, bố tôi đã mất năm 2015 thọ 92 tuổi, mẹ tôi mất năm 2017 thọ 94 tuổi, lứa ấy đã ngoài chín mươi tuổi giờ các cụ đã mất nhiều chỉ còn một số nữa thôi! Lứa trẻ con chúng tôi chăn trâu, đánh khăng, đánh đáo bên gốc cây gạo viếu giờ cũng đã hơn 60 tuổi rồi.
Tôi luôn nghĩ rằng mọi người làng tôi dù ai còn ai mất, dù ở quê hay đã xa quê đều rất yêu quê hương mình, đều mang trong mình ký ức về một làng quê đẹp, hiền hòa với tuổi thơ trong trẻo tắm đầm, chăn trâu cắt cỏ, với cây gạo viếu, với bến đình, những ngôi chùa, nhà thờ...với hội làng ngày xuân tháng giêng. Nhân lúc rảnh rỗi và với cảm xúc lâng lâng của ngày xuân tôi gi lại một vài nét chấm phá để lưu lại kỷ niệm đẹp về tuổi thơ của tôi.
(1) Thuộc Xã Châu Minh, Huyện Hiệp Hòa, Tỉnh Hà Bắc ( nay là tỉnh Bắc Giang).
Trái tim người lính
Nguyễn Đình Gấm
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tuoi-tho-cua-toi-a10394.html