Lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Cùng với đó, Tổng Bí thư cũng chỉ đạo phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, mỗi người dân, chủ thể đều là những nhà “Đại sứ văn hóa” với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh ngoại giao văn hóa đang trở thành một chiến dịch của toàn Đảng, toàn dân, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Việt Nam, đã chia sẻ về vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa và chỉ ra phương hướng triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

 

PV: Xin Thứ trưởng đánh giá vai trò của ngoại giao văn hóa trong việc lan tỏa giá trị văn hóa, con người Việt Nam và quảng bá hình ảnh quốc gia?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Để bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và khu vực. Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại tham gia vào nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng khắp với sự tham gia của nhiều chủ thể bao gồm các bộ, ngành, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp; triển khai trên diện rộng cả trong và ngoài nước; hướng đến các đối tượng đa dạng: chính giới, nhân dân thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao đoàn và người nước ngoài ở Việt Nam dưới nhiều hình thức phong phú.

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần hoàn thành các mục tiêu đối ngoại, đồng thời tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam; nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

PV: Trong năm 2021, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã ghi được những dấu ấn gì nổi bật?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống, trong đó văn hóa và ngoại giao văn hóa là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động thích ứng, kiến nghị nhiều hình thức và biện pháp mới, linh hoạt triển khai nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021).

Chiến lược đã bám sát các nội dung của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII liên quan đến đối ngoại và phát triển văn hóa, gắn kết việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế năm năm 2021-2025, các chiến lược trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Đây là văn bản quan trọng, định hướng công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới, thích ứng trong tình hình mới.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sỹ, Bộ Ngoại giao đã lần đầu tiên tổ chức Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 tại Thụy Sỹ theo hình thức trực tuyến nhằm giới thiệu tới công chúng Thụy Sỹ và các nước châu Âu hình ảnh một Việt Nam có nền văn độc đáo, đậm đà bản sắc; một đất nước thân thiện, giàu sức sống; sẵn sàng cùng Thụy Sỹ tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là đổi mới, sáng tạo vì phát triển bền vững.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài với nhiều hình thức như dựng tượng Bác tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ; khánh thành biển tưởng niệm Bác tại thành phố Marseille, Pháp; xuất bản sách “Tiểu sử Bác Hồ” và “Bác Hồ viết di chúc” bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ; khánh thành Không gian trưng bày hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Đại học Rómulo Gallegos, Venezuela...

Thứ ba, tiếp tục vận động thành công thêm các danh hiệu UNESCO cho Việt Nam. Năm 2021, tổ chức UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công nhận hai Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Kon Hà Nừng và ra Nghị quyết cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế khi được các nước bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025. 

Bộ Ngoại giao có phương hướng, kế hoạch gì để triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Trước hết, cần tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đối với các bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với các chủ thể liên quan xây dựng Chương trình hành động/Kế hoạch triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên cơ sở gắn kết việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa với việc thực hiện các chiến lược ngành trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ hai, phát huy vai trò điều phối của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; huy động mọi chủ thể và nguồn lực triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, kết hợp quảng bá hình ảnh quốc gia và các giá trị văn hóa Việt Nam với quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt.

Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng tinh hoa văn hóa từ các nền văn hóa khác nhau thông qua việc hỗ trợ, phối hợp với Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa của các nước tại các địa phương khác nhau của Việt Nam.

Thứ tư, linh hoạt thích ứng với tình hình, bối cảnh mới; tích cực đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức các hoạt động ngoại giao văn hóa; nghiên cứu đề xuất các chương trình ngoại giao văn hóa lớn có tác động lâu dài, rộng rãi; tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện mới để truyền tải rộng rãi và hiệu quả hình ảnh và các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!.

PV

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/lan-toa-van-hoa-viet-nam-a10408.html