Phong tục đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động gắn liền với đạo Phật. Nó đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh được duy trì ở nhiều gia đình Việt.
Trong tôi, chùa là nơi mang nhiều yếu tố tâm linh nên đi lễ chùa ăn mặc như thế nào là điều tôi cần phải chú ý. Tôi luôn chọn quần áo có màu sắc nhã nhặn khi đi lễ chùa, không nên mặc áo trễ cổ. Hãy lựa chọn cho mình một chiếc áo sơ mi có cổ kín đáo. Có thể là chiếc áo khoác cổ bẻ hoặc bộ áo dài truyền thống lịch sự tinh tế
Trước khi đi chùa không được có tư tưởng xấu, cần giữ tâm thanh tịnh, đó là điều tôi luôn nghĩ đến. Khi đến cổng chùa, tâm hồn tôi thanh thản nhẹ nhàng. Chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi truyền bá tư tưởng của đức Phật. Vậy nên, tôi nghĩ không phải dâng lễ to, cúng hoành tráng là có thể thể xin được nhiều hơn. Nếu như chúng ta không biết trân trọng giá trị cuộc sống, hành xử không đúng pháp luật, sống không có đạo lý làm người, lại muốn làm giàu bằng con đường bất chính, muốn hưởng thụ mà không lao động, thì Phật không bao giờ phổ độ cho những loại người như vậy.
Và trong tư tưởng, tôi nghĩ, khi đi chùa nên cầu xin gì? Tôi hiểu, nhiều người đi chùa để cầu bình an, cầu xin con, giải hạn, cầu may, cầu thi cử, cầu lộc, cầu duyên… Nhưng mọi người cần hiểu: chùa là nơi linh thiêng, sẽ tách biệt với thế tục nhân gian.
Thần Phật có lòng từ bi giúp con người ta sám hối, cầu xin cơ hội sửa chữa và làm việc thiện chứ không có vật chất, tiền bạc để cho ai. Nên cầu Thần Phật phù hộ cho quốc thái dân an, gia đạo bình an khỏe mạnh. Cầu cho tâm hồn an yên, con cái học giỏi, gia đình an lạc, công việc hanh thông và thiện duyên…Tùy vào sở nguyện của người nhưng đừng cầu quá tham mà không được. Sau đó bạn nguyện hồi hướng công đức cho người đã khuất và các chúng sinh vong linh được siêu thoát.
Dù tết đến xuân về tôi có thể đi nhiều chùa, nhưng tôi luôn không có sự so sánh giữa chùa này với chùa khác, nơi đâu thiêng hơn, nơi đâu cầu xin được nhiều tiền tài, vật chất hơn. Đó là những quan niệm sai lầm, không đúng với giáo lý nhà Phật.
Khi đã ra khỏi chùa, tâm hồn tôi vui vẻ thanh tịnh và tôi nhận thấy đây là một nét đẹp văn hóa của người dân Việt. Đi lễ chùa là để sám hối những việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Đi lễ chùa, ngoài việc giúp cho con người giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, nhằm hướng tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống, để làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
Chuyện làng quê
Phương Uyên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/dau-xuan-di-le-chua-a10411.html