Sắp diễn ra Ngày hội 'Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc'

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 7/2 cho biết: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 12-13/2.

Chú thích ảnh Ảnh minh họa: langvanhoa.com.vn

 
 
Ngày hội nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện sự kết nối cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần năm 2022; cắt băng khánh thành nhà truyền thống Nghệ An, nhà Rường truyền thống Quảng Nam.

Đồng bào các dân tộc sẽ phục hồi, tái hiện, giới thiệu nhiều nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp để người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống Việt Nam trong hoạt động đón Tết, vui Xuân.

Trong đó, đồng bào dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang tái hiện lễ cúng tổ tiên. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Hàng năm, lễ cúng tổ tiên được người Lô Lô duy trì và thực hành đều đặn theo truyền thống. Mỗi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên riêng, nhưng lễ cúng tổ tiên thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm, có sự hưởng ứng, tham dự của cộng đồng, làng, bản.

Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm sửa lễ vật, các gia đình trong dòng 3 họ đóng góp theo khả năng. Lễ cúng tổ tiên là một sinh hoạt dân gian thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, có ý nghĩa giáo dục hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ giúp giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự kết nối cộng đồng trong dòng họ, gia đình, làng bản… Nghi lễ linh thiêng này ẩn chứa và phô diễn nghệ thuật dân gian, các nghi thức cổ truyền của người Lô Lô...

Còn đồng bào dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai sẽ tái hiện lễ cưới truyền thống. Phong tục cưới hỏi với những nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc luôn được coi trọng và giữ gìn cho đến ngày nay. Lễ cưới, tiếng Ba Na gọi là “pơ koong”, thường được tiến hành vào cuối năm, sau mùa thu hoạch, trong tháng “khay ning nong”, tương đương với tháng 12 và tháng 1 dương lịch. Đó là lúc nông nhàn, thóc lúa đã đầy kho, trâu bò đầy chuồng, gà đầy sân. Ngày cưới bao giờ cũng là ngày giữa tháng, ngày trăng tròn - ngày được coi là tốt nhất để tiến hành công việc trọng đại. Đám cưới diễn ra trọn một ngày và là ngày hội của làng. Trai, gái Ba Na đến tuổi trưởng thành đều có thể tự do chọn lựa bạn đời với tiêu chuẩn trung thực, khỏe mạnh, giỏi làm rẫy, trai có tài săn bắn, lấy củi, gái thạo đan lát, dệt vải. Từ lúc yêu nhau cho đến khi nên vợ nên chồng, đôi trai gái phải qua hai lễ tục bắt buộc là lễ trao vòng và lễ cưới..

Đồng bào dân tộc K’ho tỉnh Lâm Đồng tái hiện lễ mừng lúa mới. Người K'ho quan niệm, lễ mừng lúa mới là dịp để buôn làng cầu khấn thần lúa phù hộ cho cuộc sống ngày càng no ấm và bình yên. Do đó, sau khi lúa đã về kho, đồng bào thường tổ chức lễ cúng tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà làm lễ lớn hay nhỏ…

Chương trình “Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước” do đồng bào đang sinh sống hàng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ trình diễn các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, những thành tựu của dân tộc Chơ Ro tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giới thiệu sắc màu văn hóa vùng miền của các cộng đồng dân tộc nhân dịp đầu năm mới...

Thanh Giang (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngay-hoi-sac-xuan-tren-moi-mien-to-quoc-se-dien-ra-ngay-12-132-a10442.html