Phần thì bị hạn chế về thể chất, phần thì tư duy vốn " thuần nông " nên việc tiếp nhận những " gu " trong trang phục chưa hình thành trong tôi và điều cơ bản nhất lại là điều kiện về kinh tế còn eo hẹp nên tôi cũng không theo cùng bè bạn ... chỉ đôi quần satin đen Nam định trong tiêu chuẩn tem phiếu 5 mét được phân phối kể cả " ké " khi bạn bè không ưng cho lại.
Tháng lương còm đầu tiên mấy chục đồng của học sinh mới ra trường nơi chốn phồn hoa đô thị, tôi quyết tâm dành ra mua chiếc áo bà ba tặng mẹ sau mấy ngày dạo quanh khu vực chợ Lớn ( gần 50 năm nay mẹ vẫn cất để dành ... ).
Rồi đến tận ngày cưới ( cuối năm 1980 ) tôi vẫn thời trang áo sơ mi, quần satin, nón lá về nhà chồng.
Hè 1983, khi con đầu lòng hơn 2 tuổi, vợ chồng con cái bồng bế nhau về quê thăm nội, ngoại, lúc ấy tôi mới bắt đầu nghĩ tới việc sắm cho mình một cái quần ống loe.
Mua vải, nhờ bạn bè chỉ tiệm may nên cũng có được cái quần ống loe thời trang đầu tiên và ưng ý ... ngại ngùng lần mặc đầu nhưng lại ở quê nên tôi cũng nhanh quên đi cảm giác lạ ấy dù có vẻ gì đó ... " khác người " chốn quê nghèo .
Vèo cái, kỳ nghỉ phép đã qua, vợ chồng con cái chuẩn bị lên tàu về lại Sài gòn. Trước khi đi, cô em chồng ( kém tôi 5, 6 tuổi ) thỏ thẻ : ... chị vào mua cái khác, để lại cho em cái quần này, em có tiền chị ạ ... Quả thực tôi cũng đắn đo, bán cho em thì không đành mà cho thì cũng khó, đúng là " cả đời " giờ mới sắm được một cái quần " mồi " chưa kể " của nả " dành dụm bấy lâu nay nướng vào chuyến về thăm quê của cả gia đình rồi còn đâu. Bao giờ mới có điều kiện sắm lại được trong khi cô em chồng dù nhà đông con nhưng cô em cũng có được chút vốn liếng riêng tây ( quanh năm gánh gạch, gánh đất thuê cho các lò gach trong vùng, mẹ vẫn thường bớt xén lại cho em ít đồng tiêu pha ). Thời đã thế nên thế phải theo thời, tôi gật đầu đồng ý chuyển nhượng cái quần loe đầu đời của mình cho cô em đúng với giá mua vải và tiền công cắt may để vào mua cái khác cho giống chị giống em trong công ty ( kệ, không trừ đồng nào hao mòn đôi lần giặt ). Vẫn tiếc cái quần đầu tiên ấy vì chả biết mọi người nhìn vào thấy tôi có " giống ai " không thì không biết ( đã mặc đi làm bữa nào đâu mà bạn bè góp ý ) nhưng tôi thì thấy ưng rồi đấy vì quần màu đen, vải cũng mát, ống chỉ hơi loe chút thôi ...
Ít lâu sau, tôi cũng may lại được cho mình cái quần ống loe khác, bộn bề lo toan, tôi quên khuấy chuyện cái quần đã bán lại cho cô em chồng ... nào có biết chốn quê xa ấy một tháng 30 ngày em đi làm thuê cả 30 đã có dịp đi đâu mặc chưa không biết ???
Chừng hơn một năm sau, chú em út được ông xã đưa vào để học lớp công nhân kỹ thuật của trường ảnh đang giảng dạy, chuẩn bị tư trang cho em nhập trường thấy vỏn vẹn độc cái quần loe ... của tôi đã bán lại cho cô em cùng ít quần áo cũ mặc đi làm đồng. Sững người ! Lòng tôi bỗng chùng xuống ... thấy chị dâu im lặng, chú em chồng chậm rãi ... em không có quần áo gì mang theo, chị T. cho em cái quần này ...
Nén nỗi buồn, tôi lặng lẽ ra chợ Dân sinh ( nơi chuyên bán đồ cũ ) mua đỡ cho em một bộ còn tươm tất để đến trường.
Chừng tháng sau, ở trường về, em không nói mà lẳng lặng đưa cho chị dâu tờ giấy, nét chữ nguệch ngoạc của học trò lớp 6 đại ý : Em bị mất cắp cái quần chị T. cho rồi ...
Bần thần cả người rồi tôi cũng kịp trấn an mình : Hắn biết tính ông anh tuổi Cọp ra sao rồi nên không dám báo cáo lại ông anh mà chỉ dám than với chị dâu !!!
Thôi thì lại chỉ có con đường đi tới chợ Dân sinh chứ không có phương án thứ 2 ...
Sau đó thì chú Út cũng vẫn đến được trường như không hề có gì xảy ra.
Chỉ có tôi, một mình tôi ngồi xót thương cho cái quần loe đầu đời của cả 3 chị em nhà tôi không biết nó lưu lạc mãi tận phương trời nào ...
Thôi thì nó cũng từng " phiêu lưu " như cuộc đời chị em tôi và ơn Giời đến nay sau gần 40 năm ngồi ôn lại cùng nhau chị em tôi rất mừng khi không còn phải nỗi lo " cơm áo , gạo tiền " đeo đẳng nữa và cha mẹ già cũng khuất núi từ lâu nhưng mỗi khi Tết đến, xuân về, nhìn tấm ảnh này với chú Út trong cái quần loe ấy tôi không khỏi chạnh lòng.
Theo Chuyện làng quê
Lich Bui
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/cuoc-phieu-luu-cua-cai-quan-loe-a10447.html