Vĩnh Phúc là sự hợp nhất của 2 tỉnh cũ VĨNH YÊN –PHÚC YÊN từ ngày 12/2/1950. Vĩnh Phúc là một từ Hán Việt, ngữ nghĩa là HẠNH PHÚC LÂU DÀI. Đầu năm 1968, Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. Từ 1/1/1997, sau 29 năm sáp nhập lại tách ra thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Năm nay Nhâm Dần (2022), VĨNH PHÚC tái lập tỉnh tròn 25 năm. Đó là một chặng đường không dài nhưng cũng không phải là ngắn, đủ để có cái nhìn khách quan về tiến trình phát triển sau tái lập của tỉnh này.
Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ, là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có cả ba vùng sinh thái: Đồng bằng, trung du, vùng núi, trong đó vùng đồi núi chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh. Với một hệ thống sông ngòi chằng chịt gồm 4 sông lớn là sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ,…và nhiều sông suối ngắn phát nguồn từ dãy Tam Đảo, tạo cho địa hình Vĩnh Phúc núi, đồi, sông, suối đan xen và tương hỗ hình thành vùng khí hậu thiên nhiên, cảnh quan và môi trường sống khá đa dạng và phong phú.
Cách nay hàng nghìn năm, chính mảnh đất Vĩnh Phúc này đã là nơi người Việt cổ chọn để làm nơi sinh tụ, góp phần vào việc xây dựng một vùng đất trù phú và khởi tạo nên một nền văn minh lúa nước Sông Hồng. Dấu tích còn lưu tại Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc) được phát lộ từ năm 1962 đến nay đã 7 lần khai quật phát hiện được rất nhiều di vật khảo cổ với hàng nghìn tiêu bản hiện vật, hàng tấn mảnh gốm các loại, cực kỳ phong phú về chất liệu, chủng loại, đa dạng về loại hình, kiểu dáng tiêu biểu cùng di cốt người cổ được xác định có niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14) cho thấy lớp sớm nhất ở Đồng Đậu có niên đại hơn 3.500 năm trở về trước. Đó là bằng chứng vô cùng quý giá minh chứng một qúa trình định cư ổn định, lâu dài của cư dân Việt cổ ở Đồng Đậu – Vĩnh Phúc để hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt - Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt cổ ở Đồng Đậu – Vĩnh Phúc đã biết làm nông nghiệp. Lúa nước đã là loại cây trồng phổ biến và giữ vai trò quan trọng trong đời sống. Bên cạnh nghề nông, thủ công nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng với các nghề làm đá, làm đồ xương, dệt vải, đan lát, và đặc biệt là luyện đúc đồng.
Trên nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước và cơ cấu làng bền vững, dần dần người Việt cổ từ Đồng Đậu – Vĩnh Phúc tỏa đi muôn nơi, đã hình thành được lối làm ăn sinh sống, xây dựng được tính cách, những truyền thống và bản lĩnh vững vàng, góp phần hun đúc nên nền văn minh Đông Sơn chói lọi ở giai đoạn tiếp theo.
Đó cũng là tổng hợp những phẩm chất tốt đẹp của cư dân nông nghiệp vùng đất cổ Văn Lang, dòng dõi người Việt cổ Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Làng Cả, những người đã tham gia công cuộc chinh phục thiên nhiên vùng đỉnh chóp châu thổ sông Hồng (Vĩnh Phúc ngày nay) từ những ngày đầu dựng nước, đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp 4000 năm dựng nước và giữ nước. Họ đã góp phần bảo lưu được nhiều nét đặc trưng truyền thống nhân ái của người Việt với những đức tính cổ truyền tốt đẹp: Lòng yêu nước, tính đoàn kết, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, chí kiên cường bất khuất, niềm tin sâu xa và mãnh liệt vào tài năng của mình trong sự nghiệp kiên cường dựng nước và giữ nước, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, đấu tranh chống giăc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Là cư dân thuộc vùng đất tổ, Vĩnh Phúc là nơi lưu giữ được khá đầy đủ nhũng giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó truyền thống yêu nước là một giá trị điển hình. Điều đó được thể hiện trước hết là tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vẫn luôn được ca tụng đời đời. Truyền thống nhân ái đó trở thành nếp sống đẹp không chỉ ở Vĩnh Phúc mà lan tỏa khắp cả nước, là đặc trưng tiêu biểu của người Việt, trở thành ý chí, tinh thần yêu nước, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo, được phát huy cao độ trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh.
Không cần phải dẫn chứng đâu xa, ngẫm nghĩ lại, chỉ hơn 2 năm qua, thử thách do đại dịch Covid 19 gây ra chưa có tiên lệ, mang tính toàn cầu, truyền thống đoàn kết, nhân ái ở Vĩnh Phúc tiếp tục được phát huy, lan tỏa, huy động được sức mạnh tổng hợp thích ứng an toàn, linh hoạt trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch. Hẳn mọi người chưa quên, Covid 19 xuất hiện tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên là ổ dịch đầu tiên trong cả nước vào đầu tháng 2/2020 đến nay trải qua 4 đợt dịch, nhưng Vĩnh Phúc chỉ 2 đợt dịch mà đợt dịch thứ 2 từ 30/4/2021 đến 15 giờ ngày 7/2/2022 có 13.603 người nhiễm Covid 19, trong đó có 10.002 người được chữa khỏi, còn 3.601 ca F0 đang được điều trị tập trung và tại nhà riêng, chỉ có 7 người tử vong do Covid 19. Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng về phòng chống dịch Covid 19, thực hiện mục tiêu kép, là một trong những tỉnh, thành phố có ít người tử vong nhất do đại dịch nguy hiểm này.
Trong “cái khó đã ló cái khôn”, 100% thôn, tổ dân phố ở Vĩnh Phúc đã thành lập Tổ Covid cộng đồng với 11.186 thành viên hoạt động tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid 19.
Vĩnh Phúc đã thành lập Ban tiếp nhận và cấp phát hàng tài trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid 19, đồng thời chủ động bố trí kho bãi, phương tiện và các điều kiện đảm bảo phục vụ công tác tiếp nhận, phân bổ hàng hóa, vật tư đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Kết thúc đợt vận động, hỗ trợ, toàn tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền: 12.306.207.000đ, tổng số gạo đã tiếp nhận 150.220 kg; đã hỗ trợ bằng tiền cho 14.149 người với tổng số tiền 9.283.600.000đ; hỗ trợ bằng gạo cho 7.676 người vượt qua khó khăn do dịch Covid 19 gây ra, góp phần ổn định cuộc sống.
Vĩnh Phúc cũng vận động quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ một số địa phương bạn trong lúc phong tỏa, cách ly do dịch bệnh, cử bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ TP HCM, Hà Nội và một số tỉnh miền Nam phòng chống dịch lúc cao điểm. Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp. Tính đến cuối năm 2021, các cấp công đoàn trong tỉnh Vĩnh Phúc đã thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho công nhân viên chức lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 với số tiền là hơn 2,5 tỷ đồng; vận động ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền là 2.226.600.000đ, cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế và các nhu yếu phẩm... Tình làng nghĩa xóm, nghĩa đồng bào tiếp tục được phát huy, lan tỏa cùng với hơn 480 mô hình hay trong năm qua ở Vĩnh Phúc đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đã có nhiều hình ảnh đẹp về “Nghĩa đồng bào" đối với Vĩnh Phúc không đơn độc trong cuộc chiến phòng chống Covid 19. Không chỉ được quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Trung ương mà tỉnh đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của những tấm lòng nhân ái từ khắp miền đó đây, có những trái tim từ nửa bán cầu đã gửi tặng khẩu trang, quần áo bảo hộ y bác sĩ, hàng trăm nghìn chai nước sát khuẩn và nhiều nhu yếu phẩm y tế cho nhân dân xã Sơn Lôi bị phong toả, cách ly phòng, chống Covid 19. Qua thử thách chưa từng có này, lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo địa phương tiếp tục được gây dựng, củng cố để bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid 19, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
(Còn nữa)
Đón đọc Bài 2: Những bước đột phá thoát nghèo
V.X.B - N.T.D
Vũ Xuân Bân - Nguyễn Tiến Dũng