Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 21.

Trịnh Kiểm đến Đông Bộ Đầu quan sát chuẩn bị vượt sông tấn công sang Gia Lâm. Trịnh Kiểm thấy thủy binh Mạc đậu thành thế trận kín đặc dòng sông Hồng với tên đạn, hỏa pháo sẵn sàng đánh trả. Bên kia sông là chiến lũy bằng đất có đến 6 vạn quân canh giữ. Các cầu phao trên sông đã bị phá hủy. Cầu không có, quân Lê lại không có chiến thuyền. Nếu đánh sang Gia Lâm thì cực kỳ khó khăn và tổn thất lớn.

chucudix-1644332923.jpg
Tranh minh họa: 

Nguyễn Ư Dĩ: Người nuôi dạy chúa Tiên Nguyễn Hoàng, góp công mở cõi.
Nguyễn Ư Dĩ hay còn gọi là Nguyễn Ư Kỷ, tự là Vô Sự. Tổ tiên ông vốn là người huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, sau dời vào Thanh Hóa. Ư Kỷ là con Nguyễn Kính Diện - Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thự vệ sự đời Lê. Vợ của Nguyễn Kim (cha chúa Tiên Nguyễn Hoàng) là em ruột của ông. Ư Kỷ làm quan nhà Lê tước đến Thái phó Uy quốc công. Nguồn: Internet

 

Trịnh Kiểm trở lại hành dinh trong hoàng thành, một tháng sau vẫn không nghĩ ra cách tấn công sang Bồ Đề vì không có thủy binh. Thủy binh là một thế mạnh của nhà Mạc. Thiếu thủy binh là một yếu điểm của quân Lê. Chợt có quan phụ trách lương thực vào báo:

-Dạ bẩm Tiết chế, không cho phép lấy của dân nuôi quân nên lương thực đã gần cạn rồi ạ.

Lại có thám mã vào cấp báo:

-Dạ, thủy binh Mạc do Mạc Kính Điển trực tiếp chỉ huy đang tiến vào Thanh Hóa ạ.

Trịnh Kiểm nói:

-Sắp hết lương thực, giặc thừa cơ quân chủ lực ta ra Đông Kinh tấn công Thanh Hóa. Ta ra lệnh nhanh chóng rút quân về cứu Thanh Hóa.

Trịnh Kiểm gọi:

-Bay đâu.

-Dạ.

-Ngươi chạy ngựa gấp đưa thư này cho tướng Lại Thế Khanh, càng nhanh càng tốt

-Dạ, tuân lệnh Tiết chế.

Lại Thế Khanh nhận được thư, giở thư đọc. Thư viết: “ Tướng quân đem 2 vạn quan chặn cửa biển Lạch Trường, đồng thời cử Nguyễn Quyện, Nguyễn Hữu Liêu đem quân mai phục ở sông Đáy và sông   sông Hoàng Giang tiêu diệt quân Mạc Kính Điển.

Lại Thế Khanh lập tức triển khai quân như lời Trịnh Kiểm dặn.

Lại nói quân của Mạc Kính Điển vào cửa biển Thần Phù, chuẩn bị đổ bộ vào Lạch Trường tiến lên đánh Tây Đô theo đường sông Mã, chợt có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Nhiếp chính vương, Trịnh Kiểm nghe quân ta tiến vào Thanh Hóa đã rút quân khỏi Đông Kinh về Thanh Hóa.

Mạc Kính Điển nói:

-Nay ta vào Tây Đô mà bị quân Lại Thế Khanh đánh mặt trước, Trịnh Kiểm đánh mặt sau thì quân ta lâm nguy. Cửa biển Lạch Trường đã có phòng thủ kiên cố. Chi bằng ta kéo quân mai phục ở Hoa Lư tiêu diệt quân Trịnh Kiểm đang trên đường rút về là thượng sách.

 Nguyễn Kính nói:

-Khiêm Vương nói phải lắm.

Mạc Kính Điển liền ra lệnh cho chiến thuyền chở 5 vạn quân đi ra rẽ vào cửa Đại An, vào sông Đáy và tiến vào sông Hoàng Giang, quân Mạc ghé thuyền vào bến đổ bộ lên bờ. Thốt nhiên, có nhiều phát tên châm lửa bắn lên trời, tiếp theo là những trận mưa tên từ các rừng cây rậm rạp bắn ra xối xả vào quân Mạc. Hàng nghìn quân Mạc trúng tên chết chồng chất lên nhau. Sau những trận mưa tên là mưa gạch, đá, chất cháy ném xuống dòng sông và ném xuống chiến thuyền. Một số chiến thuyền ven bờ bốc cháy. Mạc Kính Điển biết là bị mai phục, sợ bị đánh hỏa công nên ra lệnh rút xuống thuyền chạy vội ra cửa Đại An, thoát về Bắc, bỏ lại 1 vạn xác chết quân Mạc trên bờ Hoàng Giang, Ninh Bình.

*      *

*

  Năm 1558, kinh đô lâm thời của Nam Triều Vạn Lại-An Trường, đêm mùa hè nóng nực, trong tư dinh, Thái sư Tiết chế Trịnh Kiểm không ngủ được. Ngài đang suy nghĩ một việc quan trọng, liên quan đến quốc gia và đến cả quan hệ gia đình. Đó là lời thỉnh cầu của Đoàn Quận Công Nguyễn Hoàng xin được vào trấn thủ Thuận Hóa.

  Số là Thái sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim có ba người con, trưởng nữ là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, trưởng nam là Nguyễn Uông, thứ là Nguyễn Hoàng. Nguyễn Kim là một trong những khai quốc công thần khai sinh ra triều Lê Trung Hưng. Trịnh Kiểm là người có tài thao lược, lại gặp được Nguyễn Kim là người biết trọng dụng nhân tài, đã cất nhắc Kiểm lên hàng Đại tướng, lại còn gả Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho Kiểm dù Kiểm đã có chính thất là Lại Thị Ngọc Trân, con gái khai quốc công thần Lê Trung Hưng Lại Thế Vinh. Trong thời thế loạn lạc, có tài mà không được trọng dụng cũng coi như bỏ đi. Cho nên Trịnh Kiểm rất nhớ ơn nhạc phụ Nguyễn Kim, không nề hà xuất thân nghèo hèn của Kiểm, đưa Kiểm đứng vào hàng ngũ đại thần. Chẳng may, năm 1545 Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Không lâu sau trong một trận giao chiến với quân Mạc, Tả tướng Lãng Quận Công Nguyễn Uông tử trận. Nhưng trong thiên hạ dị nghị rằng cái chết của Nguyễn Uông là do Trịnh Kiểm sắp đặt để chiếm quyền lực. Thực ra trước khi từ trần chính Nguyễn Kim đã di mệnh lại rằng người kế thừa Thái sư và Tiết chế là Trịnh Kiểm, điều đó đã nói lên Nguyễn Kim đã đặt quyền lợi của Lê Trung Hưng lên trên quyền lợi gia đình, mặt khác cũng nói lên Nguyễn Kim biết rõ tài năng của Trịnh Kiểm, người có khả năng đưa cuộc kháng chiến chống Mạc của Lê Trung Hưng đến thắng lợi. Di mệnh của Nguyễn Kim được nhiều đại thần chứng kiến. Cho nên buổi thiết triều đầu tiên sau đám tang Nguyễn Kim, các đại thần và vua Lê Trang Tông đã nhất trí cử Trịnh Kiểm là Thái sư Tiết chế quân thủy bộ, nắm quyền quân quốc trọng sự, quyền dân chính và quyền quân sự. Mọi quyền lực đã vào tay, vậy Trịnh Kiểm còn giết Nguyễn Uông để làm gì.

  Sau cái chết của Nguyễn Uông, quan hệ giữa Nguyễn Hoàng và Trịnh Kiểm vẫn bình thường. Trịnh Kiểm vẫn quý mến Nguyễn Hoàng và giao cho nhiều trọng trách, chỉ huy nhiều trận đánh quan trọng và lập được nhiều công lao. Nhưng trong một lần trò chuyện với Nguyễn Ư Dĩ, cậu của Nguyễn Hoàng, Đại thần của Nhà Lê Trung Hưng, người có công nuôi dạy Nguyễn Hoàng sau khi Nguyễn Kim mất. Nguyễn Ư Dĩ nói:

-Muốn biết tương lai của cháu và của dòng họ Nguyễn như thế nào thì nên đến thỉnh giáo Trình Quốc Công Thái bảo Nguyễn Bỉnh Khiêm, trạng nguyên nhà Mạc thì rõ.

  Nguyễn Hoàng cả mừng hỏi:

-Trình Quốc Công nay ở đâu cậu? Ngài ta có tài dự báo tương lai số phận con người thực sao?

-Trình Quốc Công nay về trí sĩ ở quê nhà là làng Trung Am, Phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Năm 1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên đời Mạc Thái Tông, niên hiệu Đại Chính thứ 6. Đã từng giữ các chức vụ Đông Các Hiệu Thư, Tả thị lang bộ hộ và sau này là bộ hình kiêm Đông các Đại học sĩ. Dưới thời Mạc Hiến Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin vua trừng trị 18 tên lộng thần, trong đó có cả Phạm Giao là rể ông. Vua Mạc không nghe, ông xin về làm trí sĩ năm 1542 sau 8 năm ở triều chính nhà Mạc. Ông nổi tiếng trong thiên hạ về thuật dự báo.

NguyễnHoàng nói:
-Cậu hãy vì họ Nguyễn mà bí mật đi gặp Trình Quốc Công một chuyến được không?

-Ta sẽ đi.

  Rồi Nguyễn Ư Dĩ bí mật từ Vạn Lại-An Trường Thanh Hóa đi về quê Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người nhà vào báo:

-Bẩm ông, có đại thần nhà Lê Trung Hưng Nguyễn Ư Dĩ muốn vào gặp.

-Cho vào.

  Nguyễn Ư Dĩ bước vào, trông thấy một ông già râu tóc dài trắng như cước, khuôn mặt hồng hào quắc thước, mắt sáng như sao. Ông già đứng chắp tay sau lưng ung dung ngắm hòn non bộ giữa sân. Nguyễn Ư Dĩ chắp tay hành lễ:

-Xin kính chào Trình Quốc công, Thái bảo trạng nguyên tiên sinh.

  Nguyễn Bỉnh Khiêm không đáp lễ, cũng không mời Nguyễn Ư Dĩ vào nhà tiếp trà như phong tục chủ khách mà chỉ nói:

  -Không dám, đại nhân khó nhọc từ Thanh Hóa đến đây là vì Nguyễn Hoàng. Hãy nhớ kỹ câu này mà hành sự: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-21-a10464.html