Ba bà cháu ngồi ở ghế sau quan sát cảnh vật thay đổi mà bồi hồi xao xuyến...Khu nhà tôi ở ngày xưa kia rồi. Nhớ về một thời tuổi trẻ gắn bó với thị trấn miền núi thân thương.
Tự nhiên nhớ về những người hàng xóm đã từng sống khi tắt lửa tối đèn có nhau , cùng vượt qua những ngày gian khó. Hồi đó khu nhà chúng tôi toàn lợp bằng cỏ tranh và lá mía. Ngày nắng thì mát nhưng ngày mưa to thì bị dột. Có đêm mưa phải dậy che áo mưa lên đình màn cho con ngủ. Chúng tôi sống gắn bó với nhau, đúng là bán anh em xa mua láng giềng gần. Nhà này với nhà kia không kín cổng cao tường như bây giờ.
Nếu ai có công việc gì thì cả xóm chung tay vào giúp sức
nên rất thân thương và gần gũi.
Bất giác tôi bật cười khi nhớ đến câu "chồng nhà người ta"câu cửa miệng của chị hàng xóm thời ấy.
Chị tên là Ngự vợ chồng chị làm công nhân chăn nuôi của nông trường. Anh chị cũng lớn tuổi, khi lấy anh, chị đã có một cậu con riêng. Anh chồng thấp bé hom hem, chị vợ thì khỏe, phốp pháp,dáng lực điền. Chị ăn to nói lớn, đi làm thì thôi về đến nhà là cứ quang quác... Suốt ngày mắng chồng rồi chửi con... Chúng tôi nhớ nhất cái câu nói cửa miệng của chị là :" Mở mắt ra mà nhìn chồng người ta kia kìa v v... và vv... Hầu như nhiều ông chồng được chị nêu gương còn anh chồng không bao giờ cãi lại câu nào... Chúng tôi đôi lúc cũng góp ý với chị nhưng chị không sửa mà còn được nghe chị kể tội anh rất nhiều, mệt thật !
Có lần chúng tôi túm vào đùa chị là: Chồng người ta như thế mới lấy được vợ người ta như vậy... Chồng mình thế này thì mới lấy mình... Tự an ủi mình chứ anh ấy quá hiền lành. Còn nếu chị tự cắt việc ra cho anh và nhắc anh ấy làm thì mình đỡ mệt... Chị mắng át chúng tôi. Bó tay !
Thế mà chị sửa được mới tài. Chuyện là thế này : Trong ngõ chung có một anh giáo tên là Thế ,anh hiền lành tốt tính không uống rượu không hút thuốc , rất chăm chỉ giúp vợ con . Vợ anh là chị Lan nuôi dạy trẻ , hay phải đi sớm về muộn. Cứ về đến nhà là anh cửi vội áo dài và quần dài ra treo lên rồi mặc quần đùi đi gánh nước tưới rau hoặc chăm sóc vườn rau...Rồi nhóm bếp nấu cơm .
Chị Ngự đi qua nhìn thấy anh Thế chăm chỉ quá. Về nhà , từ ngoài ngõ đã nghe tiếng chồng mình đang rít thuốc lào , tiếng kêu vọng ra như tiếng con chim khiếu hót...Điên tiết chị quát to :
- Suốt ngày cắm đầu vào cái điếu cày ,ra mở mắt to mà nhìn chú Thế kia kìa ,vừa về đến nhà là cửi quần đùi ra đi gánh nước ... Nhìn chồng người ta mà thèm !
(Đáng ra nói cửi quần dài thì chị nhầm là quần đùi...)
Thực sự ,anh chồng chả để ý ,vì chị nói kệ chị . Thấy hai chị hàng xóm cười thật to và réo cả xóm có nghe thấy gì không ? Rồi các chị nhắc lại cái câu đó , chúng tôi không thể nhịn được cười và những ngày sau cứ nhìn thấy chị Ngự là chúng tôi lại cười ... Mấy cậu hay tếu còn hỏi ..."dài ngắn vv"... Chuyện đồn đến tai anh giáo, anh ngượng chín cả mặt . Rồi từ hôm đó có nóng mấy anh vẫn phải mặc quần dài để gánh nước tưới rau ... Ngày mai mấy ông giáo trêu chọc anh ấy từ "gánh nước" sang "bổ củi"... Khổ thân anh giáo !
Thời bao cấp cái gì cũng thiếu.Lúc đó chỉ có mấy bà vợ ông lái xe, hay ai đi buôn bán chạy chợ còn kha khá, chứ cái cảnh viên chức chỉ trông chờ vào đồng lương còm thôi , thì ai mà chả khổ. Cái khó cái khổ khiến không ít người vợ trong thời đó so bì chồng người ta và chồng mình... Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng. Có điều nhiều người ý tứ không nói ra sợ bạn đời buồn.
Tuy nhiên các anh chồng cũng thế mà , họ cũng có nghĩ "vợ người ta " đấy !...
Chả thế mà có cái câu : "Văn mình vợ người " đó thôi .Văn mình có dở mấy thì đọc vẫn xuôi... Vợ người nhìn thấy mình lúc nào chả nở nụ cười xã giao... Còn vợ mình có xinh đẹp mấy mà lúc cau có cũng thua vợ họ.
Xa nơi một thời gắn bó, tôi cứ nhớ như in những ngày hàng xóm sống bên nhau. Trong cái cảnh nghèo khó mà chan chứa yêu thương... Thị trấn ngày xưa ấy, lúc nào cũng ở trong trái tim tôi. Những câu chuyện buồn vui vẫn in đậm trong ký ức. Và hình như càng có tuổi thì lại càng hay nhớ về những kỷ niệm của ngày xưa.
Mùng bảy tết Nhâm Dần
Theo Chuyện làng quê
Nguyễn Thị Kim Chi
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tim-dong-doi-va-tro-dua-cua-so-phan-a10474.html