Đi tìm đồng đội và trò đùa của số phận

Lứa lính sinh viên chúng tôi nhập ngũ tháng 9 năm 1972; sau 3 tháng huấn luyện ở Mai Sưu (Lục Nam, Hà Bắc; nay là Bắc Giang) là hành quân bộ xuyên rừng Trường Sơn vào bổ sung cho chiến trường B2 (miền Đông Nam Bộ).

Thật may, trong 3 tháng huấn luyện, hơn 200 lính sinh viên của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; ĐH Bách khoa Hà Nội; một số kỹ sư nông nghiệp; cử nhân ĐH Kinh tế quốc dân đều được ở cùng một tiểu đoàn (Tiểu doàn 495; Trung đoàn 568); lính sinh viên khoa vật lý chúng tôi còn được ở chung một Trung đội (B4; C2; D495). Tiểu đoàn 495 chỉ đổi phiên hiệu (thành Đoàn 2004) khi hành quân vào chiến trường chứ tổ chức và quân số các đơn vị trong tiểu đoàn không bị xáo trộn nhiều; những tiểu đội trưởng khung huấn luyện được giữ lại ngoài Bắc thì các cấp phó được đôn lên thành cấp trưởng nên sự gắn kết, tình nghĩa ngày càng tăng. Sau 3 tháng huấn luyện là 8 tháng hành quân sẻ dọc Trường Sơn và sau đó  phần lớn được bổ sung về Trung đoàn 271; chiến đấu ở mặt trận Quảng Đức; Phước Long; Long An cho đến 30 tháng Tư năm 1975. Gần 3 năm được nếm trải gian khổ cùng nhau; cùng nhau đối mặt với súng đạn, hy sinh là thời gian đủ để thấu hiểu nhau về nghĩa tình đồng đội.

dong-doi-1644383392.PNG
Ảnh do tác giả lựa chọn

Sau 30 tháng Tư năm 1975; phần lớn những người lính sinh viên được trở về trường học tiếp; học xong lại tiếp tục bươn trải với cuộc sống rất khó khăn của miền Bắc giai đoạn 1980 – 1990. Phải sau 1990; lứa lính sinh viên năm ấy (1972) mới dần ổn định được cuộc sống; một số đã bắt đầu khấm khá cả về kinh tế lẫn vị trí công tác và bắt đầu nhớ về đồng đội của mình. Hội cựu chiến binh Trung đoàn 271 đã được thành lập; Hội này không thuộc biên chế của Hội cựu chiến binh Việt Nam (các hội viên không có thẻ hội viên và cũng chẳng cần thẻ hội viên). Hội cựu chiến binh Trung doàn 271 Hà Nội được thành lập đầu tiên với đa số các hội viên là lính sinh viên năm xưa (nay đã là tiến sỹ; cử nhân; kỹ sư) với tôn chỉ “chúng ta mãi mãi là đồng đội”. Hội cựu chiến binh Trung đoàn 271 kết nối với Tỉnh đội Long An; Tỉnh đội Đắc Nông trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ và hỗ trợ về kinh tế cho những đồng đội, những người dân nơi đơn vị từng đóng quân có hoàn cảnh khó khăn (từ ngôi nhà đến con trâu…). Các hội viên còn thay nhau đến thăm, tặng quà cho các thân nhân liệt sỹ của Trung đoàn 271 vào ngày 27 tháng 7 hàng năm.

“Đi TÌM ĐỒNG ĐỘI” là mối quan tâm bởi các cựu chiến binh sinh viên chúng tôi; nó khác với đi tìm hài cốt liệt sỹ (luôn được sự hỗ trợ của nhà nước; của quân đội; của hội cựu chiến binh Việt Nam; của xã hội). “ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI” là tìm kiếm thông tin của những đồng đội của mình đã trở về sau chiến tranh nhưng ít xuất hiện hoặc không thấy xuất hiện trong những lần tổ chức gặp mặt Hội cựu chiến binh Trung đoàn 271. Những cựu chiến binh “mất tích” ấy thường đang gặp khó khăn về cuộc sống; vì bệnh tật nhưng lại rất tự trọng; không muốn làm phiền đến đồng đội của mình. Nhiều khi tìm kiếm thông tin về những cựu chiến binh “mất tích” ấy với chúng tôi còn khó hơn mò kim đáy biển.

Cựu chiến binh Vũ An Ninh – đồng đội của tôi có lẽ là một tấm gương đáng nể trong việc “ĐI TÌM ĐỒNG ĐỘI”; anh luôn kiên trì và có niềm tin trong việc tìm kiếm đồng đội của mình mặc dù công việc đó tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức của anh. Vũ An Ninh từng làm Tổng biên tập tạp chí Thị trường chứng khoán; từng làm Giám đốc Trung tâm báo chí của Văn phòng chính phủ; nhưng ngay cả thời kỳ đương chức anh luôn để tâm đến việc tìm kiếm thông tin đồng đội và coi đó là bổn phận. Nhờ quảng giao là luôn nhiệt tình nên anh đã tạo nên những kỳ tích khó tưởng tượng.

“BA MƯƠI HAI NĂM TÌM KIẾM”: Anh Đinh Kim Phong khi nhập ngũ (23/9/1972) đã là kỹ sư nông nghiệp; anh hơn lứa lính sinh viên chúng tôi khoảng 7 tuổi; bố anh Phong là cán bộ miền Nam tập kết (quê Quảng Ngãi), đang làm việc ở Văn phòng Chính phủ. Đơn vị chúng tôi khi đó có 4 kỹ sư nông nghiệp; hai anh là kỹ sư cơ khí nông nghiệp (được giữ lại miền Băc ngay sau đợt huấn luyện); anh Phong và anh Vĩnh (đã hy sinh ở Quảng Đức) là kỹ sư cây công nghiệp cùng hành quân vào B2 với chúng tôi. Anh Phong nói giọng miền Nam; đẹp trai, đàn hay, hát giỏi. Những ngày huấn luyện của chúng tôi đỡ tẻ nhạt là nhờ tiếng đàn và những bài hát (nhạc xanh) qua giọng hát của anh. Mỗi buổi chiều, sau một ngày huấn luyện hoặc trong những ngày nghỉ, đám lính sinh viên khoa lý chúng tôi thường tụ tập bên anh trên bờ cỏ của thửa ruộng trồng rong riềng để nghe anh đàn, hát (Chiều Maxcơva; Đôi Bờ; Tuổi trẻ sôi nổi; Sông Danube xanh; Trở về Surriento…). Khi nhập ngũ, anh Phong đã có vợ người Hà Nội và sắp có con đầu lòng (con trai anh sinh đúng đợt B52 ném bom Hà Nội; trước khi chúng tôi đi B khoảng 10 ngày nhưng phải đến 1975 anh Phong mới được gặp con trai lần đầu). Chị Nga, vợ anh Phong cũng là kỹ sư cây công nghiệp (cùng lớp với anh Phong), là con gái phố Bảo Khánh. Chị Nga có nét đẹp sang trọng của con gái Hà Nội; chị đã ôm cả cái bụng mang thai vượt mặt lên thăm anh Phong và chúng tôi tại Mai Sưu; chúng tôi quý chị như chị gái dù mới gặp chị một lần.

Anh Đinh Kim Phong được cử làm tiểu đội phó của tiểu đội tôi trước khi hành quân đi B; chắc nhờ mẹ vợ làm ở Cục chuyên gia mà anh giắt lưng được 25 mảnh sâm Triều Tiên sấy khô (sâm Triều Tiên hồi ấy quý như vàng); anh đã san sẻ những mảnh sâm quý của mình cho Vũ An Ninh khi thấy Vũ An Ninh lê bước không nổi vì sốt rét. Anh Phong là trường hợp hiếm khi là con cán bộ miền Nam tập kết, là kỹ sư, bố lại làm ở Văn phòng chính phủ mà vẫn hành quân bộ vào tận B2 với chúng tôi. Ngay khi đơn vị chúng tôi tập kết ở Cà tum (Tây Ninh), sau 8 tháng hành quân từ miền Bắc (kể cả thời gian nghỉ ở các trạm); anh Phong được điều chuyển đi đơn vị khác, còn chúng tôi được bổ sung về Trung đoàn 271, đang chiến đấu ở Quảng Đức (Đắc Nông). Chúng tôi mất thông tin về anh Phong từ đó.

Vũ An Ninh sau khi trở ra Bắc học tiếp ở ĐH Tổng hợp Hà Nội đã luôn kết nối, tìm kiếm thông tin của đồng đội trong đó có anh Đinh Kim Phong. Nhiều đồng đội đã được kết nối nhờ nỗ lực của Vũ An Ninh; tuy nhiên không có một thông tin nào về anh Phong. Sau khi ra trường; được cử làm Tổng biên tập của một tờ báo, rồi làm Giám đốc Trung tâm thông tin của Văn phòng chính phủ, được đi nhiều nơi, giao lưu với nhiều người; Vũ An Ninh tiếp tục tìm kiếm thông tin của anh Phong. Vũ An Ninh đã gặp cả Hội đồng hương Quảng Ngãi ở tp. HCM và hy vọng nhưng mọi người đều lắc đầu.

Cho đến năm 2005 (tức là sau khoảng 32 năm chia tay anh Phong ở Cà Tum); trong đám giỗ của một đồng nghiệp làm báo, Vũ An Ninh ngồi cùng mâm với một Vụ trưởng, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghe ông Vụ trưởng giới thiệu là quê ở Quảng Ngãi; Vũ An Ninh liền hỏi cầu may:

 “Anh có biết ai là Đinh Kim Phong là kỹ sư nông nghiệp và đi lính năm 1972 không” thì nhận được câu trả lời:

 “Thằng Phong vừa nói chuyện điện thoại với tớ xong; cậu có cần nói chuyện với Phong để tớ gọi hay số đt của nó để tớ cho”; đúng là may mắn trời cho. Vũ An Ninh vội xin số đt của Đinh Kim Phong và ra sân gọi ngay để xác nhận và cũng vì sợ anh ấy thay đổi số đt. Điện thoại đầu dây bên kia đổ chuông nhưng cứ chập chờn mãi mới nghe được tiếng trả lời:

“A lô! Ai gọi tôi đấy ạ?”

“Anh Đinh Kim Phong phải không? Em Ninh đây; Ninh tiểu đội 10, B4 với anh đây”

“Ối trời ơi! Thằng cún con! anh Phong đây; sao mày có số điện thoại của tao?”; chúng tôi ở đơn vị hay gọi Vũ An Ninh bằng Ninh cún vì hắn nhỏ con, cũng là để phân biệt với một Ninh béo cùng tiểu đội.

“Em Ninh cún đây, 32 năm mới tìm ra anh. Bây giờ anh không được đổi số điện thoại này nhé để em còn liên lạc lại, giờ em đang bận công chuyện nên không nói nhiều được”.

“Anh đang ở trang trại trên Đồng Xoài; chắc chắn anh sẽ giữ số đt này để chờ em gọi, gặp được em là anh mừng lắm đấy”; anh Phong trả lời điện thoại của Vũ An Ninh trong xúc động hiếm thấy của một người đàn ông Quảng Ngãi từng trải. Sau này khi gặp nhau, anh Phong mới nói là để nghe rõ được cuộc điện thoại của Ninh con, anh ấy phải trèo lên mái nhà vì ở trang trại tại Bình Phước hồi ấy, sóng điện thoại rất yếu.

 Năm 2006; anh Phong ra thăm Hà Nội; cựu chiến binh của tiểu đội 10 Đoàn 2004 đã có cuộc gặp gỡ ấm cúng tại nhà bố mẹ tôi ở Thổ Hà (Vân Hà; Việt Yên; Bắc Giang); sau đó anh Phong đến thăm nhà tôi ở Thụy Khuê, Hà Nội. Anh Phong tâm sự “mấy đứa em đã giúp anh quay trở lại với cuộc sống bình thường; sau gần 7 năm anh gần như cách ly với xã hội vì thấy xã hội không hiểu mình”. Anh đã ra phố Lãn Ông mua 7 – 8 vị thuốc Đông y về và mất cả buổi để sao tán và ngâm rượu xoa bóp vết thương cho tôi (khi đó, tôi mới bị tai nạn xe máy làm bong dây chằng khớp gối); Thuốc xoa bóp anh làm rất hiệu nghiệm đối với những vết bầm dập do va chạm (y hệt mật gấu ngâm rượu).

Năm 2014; Tôi và Vũ An Ninh cùng hai đồng đội nữa đã đến thăm trang trại Cao su của anh Phong tại Đồng Xoài (Bình Phước). Anh đã nhờ người làm thịt một con lợn rừng để tiếp bọn tôi. Một đêm ngủ giữa rừng cao su như đưa chúng tôi trở lại với rừng xưa, với chiến trường; kèm theo là nỗi buồn vì cuộc sống có vẻ cô đơn, buồn tẻ của tiểu đội phó Đinh Kim Phong. Chúng tôi biết hai vợ chồng anh đã có thêm một đứa con gái vào năm 1978; tuy nhiên anh chị đã ly dị từ năm 1991 vì “TRÒ ĐÙA CỦA SỐ PHẬN”

TRÒ ĐÙA CỦA SỐ PHẬN: Tôi đã muốn viết câu chuyện của cựu chiến binh Đinh Kim Phong từ lâu nhưng vì chưa xin phép anh cũng như còn thiếu nhiều thông tin về cuộc đời anh trong giai đoạn đầy biến động (1980 -1997) nên tôi chưa thể bắt đầu. Gần đây bỗng thấy anh có lời bình trong một câu chuyện về đồng đội tôi đăng trên mạng; tôi đề nghị được viết câu chuyện về anh thì được anh đồng ý. Tôi đã có hai buổi nói chuyện với anh qua điện thoại để tôi có thể gõ phím; tôi với anh hẹn khi nào gặp nhau thì có thể tâm sự nhiều hơn và rất có thể sẽ có nhiều bài viết khác về cuộc đời cũng như sự đời liên quan đến anh.

Chia tay với chúng tôi ở Cà Tum (cuối năm 1973); anh Phong được về đơn vị Hậu Cần của Trung ương Cục miền Nam (Sư đoàn 600); anh được giao nhiệm vụ cung ứng tài chính cho các đơn vị. Phương tiện đi lại của anh năm 1974 là xe HONDA 90; số tiền lớn nhất mà anh đã từng chuyên chở, giao nhận là 2.000.000 Ria (tiền Campuchia; tương đương với 20.000.000 đồng, tiền VNCH hồi đó; 1 cây vàng lúc ấy giá khoảng 43.000 đồng VNCH) và 20.000.000 đồng VNCH. Số tiền vận chuyển và giao nhận do anh đảm nhận thời ấy là rất lớn, tuy nhiên chưa bao giờ anh làm thất thoát một đồng.

Sau 30 tháng Tư năm 1975; anh Phong chuyển công tác cho vợ về tp. HCM và chị Nga được vào làm tại Công ty xuất nhập khẩu rau quả tp. HCM. Anh Phong được chuyển về Cục Kinh tế của Quân khu 7; chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra cũng là lúc anh phải thường xuyên xa nhà để phục vụ cho các đơn vị tuyến trước. Cuộc sống của viên chức giai đoạn 1976 -1986 ở tp. HCM rất khó khăn; thu nhập của chị Nga thời đó gấp rưỡi lương Trung úy của anh Phong; tuy nhiên để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 4 nhân khẩu thì phải tằn tiện. Chị Nga thường đi làm từ sớm đến tối mới về; nhiệm vụ đưa đón con đi học và nấu ăn trưa cho mấy bố con là anh Phong phải đảm nhận (khi anh Phong không phải đi công tác); chính vì vậy nên chị Nga luôn phản đối khi anh Phong phải đi công tác xa nhà. Đã có những cuộc tranh luận; đã có những bất hòa; đã có những rạn nứt bởi những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Anh Phong đã phải nghĩ đến khả năng xin giải ngũ để về bên vợ con nhưng anh thuộc diện không được giải ngũ nên bài tính đó trở nên bế tắc. Môi trường công tác và nhịp sống đô thị ở tp. HCM đã làm chị Nga thay đổi cách nhìn đối với chồng mình; anh không còn là thần tượng một thời trong mắt chị nữa... Sự đổ vỡ niềm tin, lòng tự trọng đã buộc anh viết đơn ly dị; nhưng phải ba năm sau; khi anh được phép giải ngũ (lúc đó anh là Đại úy; còn chị Nga là Trưởng phòng kế hoạch của Công ty xuất nhập khẩu rau quả tp. HCM) hai người mới chính thức chia tay.

Anh Phong sau khi giải ngũ (năm 1991); được một người quen giới thiệu, anh về làm nhân viên phòng Kế hoạch của Vinacafe miền Nam. Một sỹ quan quân đội với 20 năm làm việc theo nếp quân đội thời chiến nay phải va đập với những lươn lẹo của những công ty “nửa nhà nước” trong nền kinh tế đang thị trường hóa thì khó mà thích nghi; đúng hơn là không thể thích nghi. Sau hai năm làm việc cho Vinacafe; anh Phong xin thôi việc và lập một xưởng may tư nhân, may hàng xuất khẩu (không hạng ngạch) đi Nga. Hồi ấy đang có phong trào đi Nga kinh doanh; anh Phong đã dấn mình vào thử thách ở xứ người để tìm một cơ hội lập nghiệp, lúc đó anh đã 46 tuổi (năm 1993) và rồi cũng không thành công. Hai năm sau (1995), anh trở về tp. HCM với vốn liếng không nhiều.

Mới về nước; chưa tìm được việc làm thì anh gặp một người đồng đội cũ vốn là cấp dưới của anh nhưng nay đã làm Giám đốc Công ty dệt may 7; Quân khu 7. Ông Giám đốc biết anh có kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc nên mời anh về làm Phó giám đốc Công ty. Anh nhận lời về làm ở Công ty nhưng chỉ làm Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu. Làm được hai năm ở Công ty dệt may 7; anh Phong thấy mình không còn phù hợp với guồng quay của Công ty, nên một lần nữa anh lại xin thôi việc.

 Năm 1997; anh Phong dồn vốn liếng mua một trang trại ở Đồng Xoài (Bình Phước) để trồng nhãn; sau khi nhãn bị thoái trào là trồng cao su thay thế. Vốn là kỹ sư cây công nghiệp nên canh tác cây trồng là sở trường của anh. Anh có nhà ở tp. HCM nhưng lại thích sống ở trang trại tại Đồng Xoài hơn. Cuộc sống ở trang trại như giúp anh xoa dịu được nỗi đau về tình cảm; tránh được sự chướng tai gai mắt của việc làm ăn chụp giật, bất chấp luật pháp. Thật ra, anh đang trốn chạy cái xã hội mà anh nghĩ nó không chịu hiểu anh, chẳng ai trong xã hội đó hiểu anh.

Anh đâu ngờ rằng; ở ngoài Bắc, các đồng đội của anh vẫn mải miết đi tìm anh suốt 32 năm qua vì linh cảm sự mất tích của anh ẩn chứa một điều gì đó không bình thường. Cuối cùng thì Vũ An Ninh đã tìm ra anh; tiểu đội 10 đã tìm được tiểu đội phó của mình. Anh Đinh Kim Phong đã vui trở lại vì còn rất nhiều người hiểu anh cho dù xã hội chưa thật hiểu anh. Anh đã có thể dốc bầu tâm sự với đồng đội của mình; để rồi giờ đây đồng đội của anh vừa ngồi gõ bàn phím vừa trào nước mắt vì thương anh và thương cho cả chị Nga – hai nạn nhân của “TRÒ ĐÙA CỦA SỐ PHẬN”.

P/S. Anh Phong đã dần trở lại với nhịp sống bình thường; với vốn liếng Đông y học được, anh đã chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân và không ít người trong số đó đã được chữa khỏi. Chị Nga vẫn đơn thân cho đến nay; chị ở với gia đình con gái (con của chị với anh Phong) trong một ngôi nhà đẹp hơn xưa ở tp. HCM.

Trái tim người lính

Nguyen van Noi

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/di-tim-dong-doi-va-tro-dua-cua-so-phan-a10475.html