Quê

Nhiều bạn bè biết tôi trồng ớt trong bồn sai quả nhưng chắc không biết tôi sinh ra từ vùng đất của cây ớt cay cay...

cay-qua-ot1-1644544505.jpg
 
cay-qua-ot3-1644544505.jpg
 

Quê nội của tôi là vùng đất trồng màu (ngôn từ của người dân quê) - tức là vùng trồng các loại rau xanh, hành tỏi.

Rau xanh tứ mùa. Ngàn đời nay vẫn thế.

Đấy là thời có hợp tác xã nông nghiệp. Lúc ấy tôi còn  bé tý. Thế mà trong trí nhớ của tôi bây giờ vẫn hiện lên một  con đường rợp bóng phi lao. Hai bên đường là cánh đồng mênh mông xanh thẳm màu lá của cây ớt và thuốc lào. Cái ngày ấy, hợp tác xã chuyên canh trồng cây công nghiệp. Đó là ớt và thuốc lào. (Trước đó, xa hơn nữa còn trồng cả cây bông).

Mới đầu là một màu xanh mát chỉ của lá thôi. Rồi chuyển sang pha lẫn với từng đốm trắng của hoa. Lại trở về với màu xanh của lá và quả. Khi cả cánh đồng có  một sắc màu đỏ chót lẫn  vàng - Ấy là lúc ớt đã chín rộ.

Những ai ở lứa  tuổi bằng tôi trở lên chắc sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh những cái sân gạch, những con đường làng được bầy la liệt những chiếc nong to ơi là to để phơi ớt. Chao ơi cái nắng gay gắt của  mùa hè dịp tháng 6 tháng 7 chiếu dọi vào những nong ớt khô rồi phả vào thịt vào da của những người dân quê. Cả làng Đó, cả không gian cứ hầm hập nóng. Những năm 60 -70 của thế kỷ trước, điện và máy điều hòa nhiệt độ vẫn chỉ le lói nằm trong miền viễn tưởng của những bộ óc xuất chúng nhất nơi xứ quê mùa .

cay-qua-ot4-1644544505.jpg
 

 

Người lớn thì chịu cái vất vả của người lớn. Bọn trẻ con thì có cái khốn khổ của bọn trẻ con - Âý là mải chơi, lê la ở chỗ phơi ớt, chẳng may bụi ớt bám vào thì thôi rồi Lượm ơi. Tôi và Mị  đã bao lần nhảy tưng tưng  dội nước giếng khơi, em có nhớ không?

Kết thúc của mùa trồng ớt là phải làm cho ớt khô thành bột.  Khổ ơi là khổ.  Vì máy móc chưa có , dân ta đành phải cho vào cối giã như giã gạo. "Gạo đem vào giã bao đau đớn". Ớt bị giã cũng thế chăng? Nhưng gạo hiền hơn nên khi được giã trắng ra đã  nhăn răng như cười với người làm cho nó  trắng. Còn ớt thì không. Khi được giã , vị cay bốc lên , nó hành hạ không chỉ người đang giã mà còn làm khổ  cái mũi của bao người quanh khu vực đó. Tôi vẫn nhớ, góc sân nhà tôi gần cái cối giã gạo nhà ông Phỗng.  Cả xóm có mỗi mình nhà ông có cối giã gạo và đương nhiên là cả xóm sang giã nhờ. Thế là, khi có người nào sang giã ớt thì bên nhà tôi cũng được hắt hơi.

Cái thời ý tôi còn bé lắm. Gia đình lại nửa tỉnh nửa quê nên cũng không vất vả như các bạn cùng trang lứa . Nhưng những trò chơi con trẻ cùng bạn bè thì không vắng mặt nơi nào.

Vì là vùng chuyên trồng cây công nghiệp nên chắc cũng được truyền thông rộng  rãi. Lần ấy đang cùng với các  bạn chơi đùa ở cánh đồng thì thấy một đám người vác máy quay phim. Tò mò cả lũ chạy đến xem (em Quỳnh Hải có nhớ không nhỉ). Chả hiểu nhìn thế nào mà một người trong đoàn kéo tôi vào, làm mẫu rồi bảo tôi cầm chùm  ớt chín đỏ lên , kêu tôi nghiêng mặt cười để họ quay phim. Khi quay xong thì chú ấy bảo : cháu sẽ được đem ra nước  ngoài đấy.  Cả thế giới sẽ được nhìn thấy cháu.

Lúc ý còn bé, người ta cho mình ăn cứt gà sát mình cũng chả biết giề. Thế nhưng vẫn có một  niềm tin, một niềm tin tuyệt đối để rồi đến bây giờ , bao năm lăn lộn nơi xứ người , tuổi đời  trong vòng U60  rồi mà mỗi khi trên màn ti vi chiếu phim về  rau màu, củ quả , tôi vẫn dừng lại nghiêng ngóng, dõi tìm...

cay-qua-ot2-1644544505.jpg
 

 

 

Đào Như Lý

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/que-a10518.html