Quảng Bình khoan khoan hò khoan… Còn nhớ chăng?

Nạn dịch covid-19 ở quê tôi, cứ lên bổng xuống trầm; tăng rồi lại tụt. Kéo dài 3 năm nay chưa dứt. Mọi người nhà tôi và chung quanh phải thực hiện chế độ 5k từ già đến trẻ. Tin cậy và luôn lắng nghe các chỉ thị của chính phủ từ loa truyền thanh phường để thực sự (chống dịch như chống giặc). Những năm trước, tết đến, gia đình tôi luôn đầy đủ con cháu, có gì ăn cũng vui.

Tết năm Nhâm Dần, vừa qua con cháu tôi làm việc xa, không về đoàn tụ vì dịch. Dù không thiếu gì cho tết, vẫn cảm thấy bùi ngùi thương nhớ. Hôm nay, đã gần vào tiết thanh minh, trời hướng xuân còn mát lạnh. Bổng ngoài đường phố vang lên bài ca (Quảng Bình quê ta ơi, của nhạc sỹ Hoàng Vân) từ một xe đẩy bán hàng. Tôi nghe nó sao thao thiết rộn ràng sau những nốt nhạc giao lưu của dàn đàn giây. Mọi kỷ niệm của trời đất tỉnh Quảng Bình ở thời kỳ chống Mỹ cứu nước lại ùa về trong tim.

quang-binh-que-ta-oi-1644719148.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi nghỉ đến nhân dân Quảng Bình, đã chịu đựng bao bom đạn, hy sinh tổn thất. Nay trời đất Quảng Bình có cuộc sống đầy đủ hơn xưa. Nhờ đoàn kết lao động sáng tạo từ nhân dân yêu thương ấy. Lại có những kỳ quan mà thiên nhiên trao tặng đã hàng triệu năm nhưng trong bài hát (Quảng Bình quê ta ơi) không thấy nhạc sỹ nhắc đến. Đó là kỳ quan Phong Nha Kẻ Bàng. Tôi nghỉ lại, thấy cũng phải vì lúc dầu sôi lửa bỏng. Sống chết kề bên, thì ai mà nghĩ được tham quan du lịch, ngắm hoa, ngắm cảnh được.

Quảng Bình có động Phong Nha

Có đèo  Đá Đẽo - có phà Xuân Sơn

Câu ca dao này không biết có từ bao giờ. Nhưng mỗi cán bộ chiến sỹ C10-D15-E284 chúng tôi ai ai cũng thuộc. Rất gần gũi, thật gắn bó với trời đất và nhân dân Quảng Bình để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao trong Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Cũng như biết bao đồng chí, đồng đội đã từng qua Quảng Bình tuyến lửa, nhằm góp phần nhỏ bé vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Tôi vinh đự được qua Phong Nha bốn lần. Xin kể để bạn đọc được hiểu.

Cuối 1966 - chúng tôi những chiến sĩ rất trẻ của quân đội nhân dân Việt Nam, hành quân bộ đã hàng tháng trời hướng về Nam. Khi qua Phong Nha, nhân dân đón, chở chúng tôi qua sông bằng loại thuyền độc mộc. Đến một địa điểm bên làng, thanh thiếu niên, phụ nữ, phụ lão nhận từng tổ bộ đội về từng gia đình nghỉ ngơi. Tôi và Thường được cháu Hoàng Thị Đào dẫn về. Nhà tranh đơn sơ nhưng đã có hầm hào bên trong để phòng tránh khi phi pháo của địch ập đến. Cởi ba lô, lên giường nghỉ, rửa tay chân, chúng tôi thưởng thức những củ khoai, củ sắn đang bốc khói, những quả cam, quả chuối ngọt lịm với vài câu chuyện quân dân rồi lăn ra ngủ hồn nhiên. Sáng hôm sau, đã phải rời Đào, rời gia đình và Phong Nha hành quân vội vã.

Cuối 1967, sau những trận đánh với lính thủy, đánh bộ ở Gio Linh, Cam Lộ, Quảng Trị. Một lần bị địch tập kích tại hàng rào điện tử Mácnamara Đồng chí Thường quê Thanh Hóa dũng cảm hi sinh. Tôi bị thương xuyên cánh tay trái. Trên đường ra Bắc điều trị, dừng lại Phong Nha là trạm chuyển thương, Cháu Hoàng Thị Đào đã có mặt, Đào thường xuyên giúp đỡ, chăm sóc thương binh bằng những việc tắm rửa, giặt giũ quần áo không e ngại. Đào kể chuyện, hát hò vui nhộn như con chim rồi giúp nuôi quân rửa ráy, nấu nướng. Nghĩa là làm đủ những công việc bình thường mà mọi người có thể làm được để giúp bộ đội càng nhiều càng tốt.

Có ai ngờ bốn năm sau, tôi đã chỉ huy một đại đội pháo phòng không về bảo vệ vùng Phà Xuân Sơn. Ấy là 1971, chung quanh Phong Nha, lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam mạnh mẽ chưa từng có. Từ xã Sơn Trạch, đến các khe suối đồi núi đâu đâu cũng có bộ đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Với những kho hàng đạn dược, lương thực, thực phẩm đầy ắp. Đủ các phương tiện, ngày đêm vận chuyển ầm ầm vào Nam. Hoặc lên đường 10, đường 20 để sang mạn Tây Trường Sơn, kẻ địch hình như (ngửi thấy mùi) chúng tìm cách ngăn chặn sự chi viện lớn lao ấy. Phong Nha trở nên căng thẳng khốc liệt hơn.

Ở đây tôi lại được gặp Hoàng Thị Đào - cô gái 17-18 tuổi luôn gọi tôi bằng chú, với nước da hồng hào, khỏe mạnh lúc nào cũng hồ hởi vui tươi nhanh nhẹn tháo vát. Mọi công việc của Đào cũng như một số cán bộ nhân dân xã Sơn Trạch lúc bấy giờ đều tập trung cao nhất cho sự nghiệp chống Mỹ. Đào lại giúp đỡ nuôi quân làm tiếp phẩm. Có Đào cán bộ chiến sỹ C10 chúng tôi ăn những bữa cơm có rau tươi như chuối xanh, rau muống. Thay cho những bữa ăn lâu ngày bằng rau khô, đồ hộp. Đào còn gánh cơm nước, chặt ngụy trang cho trận địa. Đào đã để lại những hình ảnh cho nhiều cán bộ chiến sĩ đơn vị tôi không thể nào quên trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Cũng năm đó đại đội chúng tôi được Đảng, Nhà Nước phong tặng tập thể danh hiệu Anh hùng, lực lượng Vũ trang do bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống một số giặc lái Mỹ. Trong thành tích chung đó, phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ, chăm sóc của nhân dân Quảng Bình mà Hoàng Thị Đào ở Phong Nha là cụ thể.

Đầu 1972, Đại đội anh hùng chúng tôi rời Xuân Sơn, cùng các quân binh chủng hợp thành ào ạt tiến công giải phóng Quảng Trị, nhiều thắng lợi huy hoàng nhưng cũng đầy gian khổ hi sinh, căng thẳng nhất là khi quân địch liều chết hòng chiếm lại thị xã Quảng Trị. Tại Long Hưng phía Nam Thành cổ, một mảnh bom làm tôi gãy xương đùi phải. Vết thương quá nặng, các bác sỹ quân y sơ cứu rồi bó bột tôi từ bàn chân đến cổ. Được bộ đội, dân quân du kích dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong cõng, cáng.

Cũng có chặng, được vận tải bằng ô tô thì xóc đau dữ dội. Thế mà gần một tháng trời mới đến chuyến thương. Phong Nha! ở đây thương binh mới từ chiến trường về rất đông vì địch liên tục đánh phá tắc đường. Lại có những trận mưa bão ào đến. Nhân dân Phong Nha vui vẻ đón nhận thương binh về nhà mình chăm sóc. Đào lại kể chuyện, hát hò động viên để tôi quên đi nỗi đau. Đào kiếm thêm hoa quả, trứng, cá để tôi ăn mau lại sức nhưng nhà Đào thi nghèo luôn độn sắn, độn khoai. Đào tắm rửa, giặt giũ cho tôi và theo dõi từng hơi thở của thương binh bên cạnh những quân  y sỹ tận tình. Còn tôi chịu ơn, xem như có mẹ, chị em gái chăm sóc, luôn cảm động đầy nước mắt, vết thương nặng, dịch mủ ướt thấm qua bột hôi thối nồng nặc khó chịu. Nghĩ đến những thương binh do vết thương quá nặng, lại bị địch tập kích bằng bom đạn dọc đường, dù đã về đến hậu phương lớn, vẫn phải hy sinh sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tuyến trước...

Chiến tranh kết thúc gần trên 50 năm, tôi được nhân dân chăm sóc, được quân y tận tình cứu chữa, được nhìn đất nước tự do đổi mới nhưng mang thương tật 81%. Cũng như nhiều thương binh khác, tôi có hạnh phúc gia đình, có vợ hiền đảm đang, có con ngoan chăm học. Tôi bồi hồi xúc động nhớ đến biết bao đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường và cũng không quên những người đã chăm sóc cứu sống mình trong chiến tranh giữ nước như Hoàng Thị Đào ở Phong Nha.

Lần kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, tôi được vinh dự đi với đoàn thăm lại chiến trường xưa. Khi dừng lại ở cầu Xuân Sơn hiện đại bắc qua sông... trên đường Trường Sơn hùng vĩ. Cả đoàn được ngắm đất trời Quảng Bình nơi chúng tôi từng chiến đấu bảo vệ. Chúng tôi còn được lên cao hơn, vào sâu hơn để ngắm nhìn kì quan thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng mà trước đây chúng tôi chưa có điều kiện lưu tâm. Ngủ lại Phong Nha quán một đêm, tôi lục xem nhật ký cũ nát của mình thời chiến tranh mà bốn lần đã qua quê hương Phong Nha Kẻ Bàng.

Thật bồi hồi, tôi hỏi bà chủ quán cùng vài gia đình gần đó, có biết chị Hoàng Thị Đào năm xưa...? Bà con hồ hởi, rộn ràng đưa Đào đến ngay. Chị sừng sững trước mặt tôi bằng da, bằng thịt. Chị đã gần 60 tuổi và đã làm mẹ, làm bà. vẫn nước da hồng hào, vẫn nhanh nhẹn và thấp đậm như xưa, tôi mừng cho chị nhưng với tôi thì chị không nhớ. Khi tôi trao món quà nhỏ để gọi là của chú thương binh các đây 33 năm được chị chăm sóc nay cám ơn chị. Chị xúc động rồi kể liên miên về các chú bộ đội, các anh chị thương binh, về kho hàng đạn dược, về đơn vị này, đơn vị kia, về một thời sôi động mà chính tuổi xuân của chị không được mang áo trắng. Chị kể, mắt sáng ngời như đang sống lại những ngày tươi đẹp nhất của cuộc đời ngay trên mảnh đất chôn rau cắt rốn của chị. Một điểu kì lạ là: không nghe chị kể về thành tích của mình thấy chị nói cười vui vẻ mà tôi cứ thương chị muốn khóc!...

Từ ấy đến nay, tôi không có dịp trở lại Phong Nha để tham quan và thăm chị vì thương tật. Không biết chị và gia đình chị có mạnh khỏe bình an hay không. Là một chiến sỹ được chị và nhân dân Quảng Bình động viên giúp đỡ để tôi vượt qua gian khổ nguy nan. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi luôn nhớ đến chị. Muôn ngàn lần cảm ơn chị và nhân dân Quảng Bình.

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/quang-binh-khoan-khoan-ho-khoan-con-nho-chang-a10575.html