"Ngọn lửa vẫn cháy"

22:44' Thứ 6 ( 11-2-2022 ) tôi nhận được tin nhắn của Nhà báo Kiều Xuân Sơn : “ Cháu Lan báo chị Dương Thị Duyên mất rồi anh ạ ! “ .

Cháu Lan là con gái chị Duyên. Cháu Lan, nhà báo về hưu, nguyên Biên tập viên Ban Biên tập Tin Thế giới – TTXVN .

22:34' Thứ 7 , Anh Sơn nhắn tin tiếp : Ngày 14-2-2022 , 8 h đến 9 h, tang lễ chị Dương Thị Duyên tại Bệnh viện 354 …

Buồn thương … nghiệt ngã ! Điều không đợi …vẫn cứ đến .

chuyng1-1644749107.jpg
Chị Dương Thị Duyên (hàng ddaaud thứ hai từ phải sang), phóng viên biệt phái TTXVN tại Hội nghị đàm phán Paris (Pháp) thời Kháng chiến chống Mỹ cứu nước .

 

Tuổi già sức yếu, đang dịch COVID-19, trời rét đậm rét hại . Giá như tang lễ chị tổ chức ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng , buýt tiện đường tôi cố được , còn ở BV 354 phải qua 2 chặng buýt , tôi chẳng thể ; đành ngồi nhà đọc lại mấy dòng đã viết hôm đến thăm chị lần cuối ; cùng hai đồng nghiệp Kiều Xuân Sơn , Lê Mạnh Bỉnh . Đọc lại bài thơ “ NGỌN LỬA VẪN CHÁY “ của anh Bỉnh . Xem lại mấy tấm ảnh anh Sơn ghi lại. Thắp nén hương lòng tưởng niệm Chị …

&

Trích nhật ký thăm đồng nghiệp

NỮ KÝ GIẢ TÀI ĐỨC VẸN TOÀN

Chiều10-9- 2020 , cùng hai anh Kiều Xuân Sơn và Lê Mạnh Bỉnh -Ban Biên tập Tin Thế giới trước đây , tôi tới thăm chị Dương Thị Duyên .

Trên Dòng thời gian ,anh Kiều Xuân Sơn thông báo với đồng nghiệp TTXVN kịp thời và khá đầy đủ . Rất đồng ý với anh , chị Dương Thị Duyên - “ Một Thủ trưởng tài sắc vẹn toàn “ ; tôi muốn thêm “ tài đức vẹn toàn “ .

chuyng1-1644753960.jpg
Các cựu Nhà báo lão thành của TTXVN Nguyễn Văn Trường, Lê Mạnh Bỉnh, Kiều Xuân Sơn thăm bà Dương Thị Duyên. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhớ lại cách nay gần một năm …? Đúng rồi , vào những ngày Hà Nội Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không , gặp anh Đặng Quốc Bảo , chồng chị ; ở Bệnh viên Hữu Nghị mình có hỏi thăm chị . Anh nói chị đau yếu suốt . Định đến thăm chị , tuổi già sức yếu đâu có dễ , rủ Nam Minh , chị Hảo …rồi cũng chưa đi được nên cứ áy náy hoài . Với chị Duyên , tôi có một vài kỷ niệm , ngoài đồng nghiệp hằng ngày gặp nhau ở cơ quan ; trong chiến tranh đôi lần chị đi công tác cùng anh Lê Bá Thuyên , anh Trần Hữu Năng , trên đường Quộc lộ 2 lên Phú Thọ , Tuyên Quang , các anh , chị thường ghé thăm gia đình tôi . Bố tôi cứ khen hoài “ cái chị trong Đoàn sao mà phúc hậu , ăn nói dễ thương … “ . Phần nữa qua chị Dương Thị Ngân- đồng môn lớp phóng viên khóa 1 TTXVN với tôi - Chị Duyên là em gái chị Ngân . Hằng ngày nghe tôi đọc báo ở tổ học tập , cuối khóa chị rủ tôi về Đài Tiếng nói VN :“ Em tốt giọng , về Đài tốt đấy !” . Đôi lần , tôi còn được nghe anh Trần Hữu Năng kể chuyện vui hồi ở ATK trong đó có chị Duyên … Vì vậy tôi có chút thân tình với chị .

&

Ngày 15-9 , cách nay 75 năm , chị Dương Thị Duyên là một trong những người đầu tiên làm việc tại VNTTX khi tách khỏi Đài Tiếng nói VN . Khi ấy Anh Hoàng Tuấn lãnh đạo VNTTX . Anh Trần Lâm lãnh đạo Đài TNVN. Chị Dương Thị Duyên năm nay đã 91 tuổi đời , hơn 70 năm tuổi Đảng , nguyên Trưởng Ban Biên Tập Tin Thế giớí ( sau hai anh Đào Trọng Từ , Thế Đức ; trước anh Trần Công Đắc ) . Có một thời gian chị thay chị Bội Lan , trưởng Phòng Biên tập tin Miềm Nam . Chị là nữ phóng viên duy nhất của TTXVN biệt phái tại Hội nghị đàm phán Hòa bình Paris . Nhẽ ra chị ngồi ghế Phó Tổng Giám đốc TTXVN , nhưng không hiểu sao Tổ chức TƯ điều động chị sang Trung ương Hội Phụ nữ với chức vụ Trường ban Quan hệ Quốc tế của TƯ Hội , rồi về hưu . Bảo tàng Báo chí CMVN lưu giữ nhiều kỷ vật quý trong cuộc đời làm báo của mình do chị hiến tặng . .Như anh Kiều Xuân Sơn đã viết , chị là “ Một thủ trưởng tài sắc vẹn toàn “ , còn tôi xin thêm :” Chị là một nhà báo nữ đức tài trọn vẹn “ . Chỉ một chuyện nhỏ tôi mới đọc , vợ anh Kiều Xuân Sơn viết , kể : “Cách nay 53 năm, hồi ấy anh Sơn đi công tác xa , khi em sinh đứa con đầu lòng Kiều Xuân Lâm . Chị đến thăm em, khi ấy cả nước còn khó khăn ,chị cho em con gà khi ở cữ .Ôi , nghĩ lại em ứa nước mắt …”

&

Nhà anh chị ở 17 Phố Phan Đình Phùng , gần “ bốt “ Hàng Đậu , vốn là khu gia binh nay cơi nới thêm, có mấy mét mặt tiền , chắc anh chị cho thuê thêm chút đỉnh dưỡng già . Căn nhà vốn chẳng mấy rộng , lại phải xén bớt để có lối hẹp đi vào nhà trong .Nghe tiếng chuông , anh Đặng Quốc Bảo - chồng Chị - chống gậy lẫm chẫm cùng cháu Lan ra mở cửa đón chúng tôi . Lịch thiệp mà có phần trang trọng , anh đeo huy hiệu 75 tuổi Đảng , hỏi ra anh mới được Đảng trao tặng nhận dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày CM Tháng Tám và Quốc khánh năm nay . Anh 93 tuổi , nặng tai , còn minh mẫn và quan tâm đến chuyện thời sự .

chuynguy2-1644754275.jpg
Nhà báo Nguyễn Văn Trường ân cần động viên bà Dương Thị Duyên.

 

Căn phòng khách hẹp chừng hơn chục mét vuông , nếu không có điện thì thiếu ánh sáng . Vẫn bộ “ sa lông” cũ kỹ , thấp tè . Ấm chè pha loãng , mấy trái quýt nửa vàng , nửa xanh. Trên bức tường cũ kỹ treo tấm ảnh rất mờ , hồi anh chị mới cưới nhau ở rừng Việt Bắc , đầu kháng chiến chống thực dân Pháp . Nổi bật hơn cả là tấm hình anh chị chụp chung với Chủ tịch Trường Chinh , người anh em trong nhà . Tấm hình Chủ tịch Phi-đen Cát - xtơ- rô thân thiết ôm anh .

Cháu Lan dẫn chúng tôi lên lối thang thang hẹp . Tuổi cao , mắt kém tôi cứ phải vịn chắc , từng bước lên, đến bên giường , chị vẫn thiếp đi, anh Bỉnh ngồi bên lay gọi mãi chị mới ú ớ nhận ra rồi gật gật đầu mà chẳng nói được lời nào . Cháu Lan và bà giúp việc cho biết đến hơn hai tháng nay bệnh tình của chị xem ra có phần nặng hơn . Chị nằm đây , cũng trong gian buồng hẹp lỉnh kỉnh những đồ dùng thường nhật cho một người liệt giường . Nội thất chẳng có gì gọi là cao sang .

Giả nghèo , giả khổ chăng ? Chắc là không , anh chị chẳng việc gì phải giả nghèo giả khổ , chức quyền còn đâu nữa , gần đất xa giời rồi… “ Bánh đúc bày sàn “cả thôi . Những điều tôi thấy ; đây là thực , nó gần gũi, hòa đồng với mức sống của đa phần người dân khu phố này . Cán bộ thời trước đều vậy , chẳng có đâu mà cao sang , cho tới lúc về hưu . Còn thời nay cứ có tý chức quyền là lạm dụng , nhà cao cửa rộng , mức sống cách biệt dân . Những lời dao giảng cán bộ là công bộc , đầy tớ của dân , lo trước dân , hưởng sau dân trở thành lời nói suông .

&

Thăm anh chị , ngắm tấm ảnh ngày cưới của anh chị hồi đầu kháng chiến trên đại ngàn Việt Bắc ,tôi mường tượng …đẹp như mơ ! Nàng - “ dáng Kiều thơm “ , chàng - “ côn –bát ngưạ hồng “ , “ lưng khoác chiến y .Và hồn nương bóng quốc kỳ …”

Chị Dương Thị Duyên , anh Đặng Quốc Bảo thuộc lớp tri thức trẻ dứt bỏ cuộc sống “ vàng son “ của mình , cống hiến tuổi tthanh xuân cho Tổ quốc , tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến , trải qua 4 cuộc chiến tranh vệ quốc … cho đến ngày nghỉ hưu , cuộc sống vẫn đạm bạc như đa số dân thường , đó chẳng là đức độ sao ! Chị đã nhận huy chương 70 tuổi Đảng , Huân chương Độc lập hạng ba . Anh, Huân chương Hồ Chí Minh . Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSVN , Ủy viên Trung ương Đảng ,Trưởng ban Khoa Giáo Trung ương của Đảng .

Chị Dương Thị Duyên xuất thân từ một gia đình truyền thống nho học . Cha là giáo sư , học giả Dương Quảng Hàm . Cụ dạy học Trường Bưởi danh tiếng thời Pháp và là Hiệu trưởng đầu tiên Trường Chu Văn An , trực tiếp dạy môn lịch sử văn học Pháp . Học giả Dương Quảng Hàm tác giả của 11 đầu sách trong đó , đặc biệt là cuốn “ Việt Nam văn học sử yếu “ – cuốn sách đầu tiên viết về lịch sử văn học nước ta . Cuối năm 1946 , Cụ đã hy sinh trên đường công tác – liệt sĩ đầu tiên của ngành giáo dục kháng chiến . Ghi công Cụ , Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều có tên Đường phố Dương Quảng Hàm . Chị Dương Thị Duyên có hai người chị gái ghi dấu ấn trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám . Đó là bà Lê Thi ( Dương Thị Thoa ) – người kéo lá Cờ đỏ sao vàng trước Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội trong cuộc mit tinh tuần hành lớn ngày đầu khởi nghĩa . Bà Dương Thị Ngân , người đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trên Đài Tiêng nói Việt Nam .

Tạm biệt người anh , người chị .Cầu mong anh chị mạnh khỏe sống lâu .Hẹn gặp lại !

&

NGỌN LỬA VẪN CHÁY

( (Thơ Lê Mạnh Bỉnh )

Người đàn bà xưa tài sắc

giờ quanh một chiếc giường

mắt mờ

tai ngơ ngác

trong vô thức

níu bàn tay người khác

áp lên môi

để cảm nhận

vẫn còn có cuộc đời

Một thời

tà áo dài

thấp thoáng trên diễn đàn

nhấp nhoáng ánh đèn

Một thời

bao người lắng nghe

tiếng nói âm vang

sau những chuyến bay

vượt châu lục

vượt đại dương

Một thời

những điều khúc triết

những câu phân tích

sau nụ cười duyên

Một thời

nghẹn ngào chờ

những tin xé ruột

để đáp trả

những đối thoại

trên bàn cờ

thế sự

15 năm

Người nằm đây

những luận bàn

những nghi thức

không còn

những ánh vàng

đã tắt

Chỉ còn những kỷ niệm

lặng thầm

của một thời mộng mơ

những đắm say sóng sánh

của một nàng Kiều

những dư vị ngọt ngào

của xúc cảm

vẫn đâu đây

chẳng mất

Chẳng còn nghe tiếng dội nào

song ngọn lửa

vẫn da diết cháy

qua đôi ngón tay

thiết tha

run rẩy

mơ hồ.

Nguyễn Văn Trường

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ngon-lua-van-chay-a10585.html