Cánh cò trong lời ru của mẹ tôi (Tản văn)

Mỗi khi ai ru con bài “Con cò đi đón cơn mưa” tôi lại bồi hồi, xúc động khi nhớ đến người mẹ thân yêu của mình. Lời ru sao mà buồn, khắc khoải và da diết đến thế.

"Cái cò đi đón cơn mưa,

Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.

Cò về thăm quán cùng quê,

Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh."

canh-co-1644957015.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Người mẹ kính yêu của tôi được sinh ra ở quê hương chiêm trũng Hà Nam (Một thời tỉnh sáp nhập có tên Nam Hà, sau này tách ra tái lập thành Hà Nam và tỉnh Nam Định). Bà ngoại mất khi mẹ mới khoảng 4 hay 5 tuổi mà sớm phải xa hơi ấm của người mẹ. Mẹ đi theo chị gái tản cư vào xứ Thanh rồi lớn lên ở đó. Mẹ tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, được chị gái cưu mang cũng là điều tốt lắm rồi! Mẹ vẫn phải sống thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Bác gái tôi dù thương em gái nhưng bác quá bận rộn phải lo cuộc sống cho gia đình và đàn con đông của bác nên cũng không thể quan tâm đến em gái, không thế thay thế hoàn toàn người mẹ được.

Ông ngoại tôi, vì có hai người con trai đi bộ đội đều mất nên đã đi bước nữa ở Hà Tây (Hà Nội ngày nay) và có một người con trai giáp út và mấy người con gái, cùng cha khác mẹ với mẹ tôi.

Rồi mẹ tôi rồi lấy chồng xa quê. Mỗi khi gặp đồng hương Hà Nam là mẹ vui lắm. Mẹ hỏi thăm xem quê hương có đổi khác không. Mẹ lại được nghe giọng nói của quê mình. Mẹ đã gắn bó với xứ Thanh - như quê hương thứ hai của mẹ cho đến khi từ giã cõi đời.

Tôi không biết mẹ có ru tôi bài hát ru “Con cò đi đón cơn mưa” hay không vì tôi cũng rời vòng tay mẹ rất sớm để đi sơ tán xa bố mẹ vì máy bay Mỹ ném bom. Khi hòa bình trở lại, tôi và các anh chị mới về ở cùng với cha mẹ.

Đêm đêm tôi lắng nghe mẹ ru các em tôi. Lời ru của mẹ chao nghiêng theo nhịp võng đưa, chứa đựng nỗi nhớ những cánh cò quê mẹ và những cánh đồng ngập trắng nước mùa lũ qua lời kể của mẹ. Rồi tôi cũng chìm vào giấc ngủ khi nào không biết.Tôi thường mơ thấy tiếng sóng vỗ dập dềnh trên biển nước mênh mông trắng xóa, dập dờn những đàn cò trắng bay.

Những lời ru của mẹ, do từ nhỏ được nghe nhiều lần khiến tôi thuộc lòng. Sau này, khi có gia đình riêng, khi mẹ đã mãi đi xa, thỉnh thoảng tôi cũng ru con bằng lời ru “Con cò đi đón cơn mưa” của mẹ. Tôi không thể ru tha thiết và sâu lắng như mẹ được. Nhiều lúc tôi không thể ru tiếp vì bỗng nghẹn lời vì thương nhớ mẹ.

Mẹ là người phụ nữ ít nói, nhẫn nhịn và không bao giờ bộc lộ những nỗi buồn của mẹ. Ngay cả khi bố tôi mắc lỗi của người chồng rất khó tha thứ với mẹ tôi, mẹ tôi cũng giấu sự buồn giận trong im lặng, cam chịu và rồi đành tha thứ.

Chúng tôi vô tâm cũng không biết nỗi buồn của mẹ. Chúng tôi không biết an ủi và chia sẻ với mẹ, để mẹ riêng một mình gói ghém và chôn chặt nỗi buồn thầm lặng đó trong lòng.

Có lẽ chưa bao giờ mẹ có lúc thảnh thơi vì những năm tháng gần về hưu mẹ tôi rất vất vả bị sức ép công việc. Mẹ tôi làm việc ở Cửa hàng Lương thực huyện, ông Cửa hàng trưởng muốn mẹ tôi tham gia vào việc tham ô của hắn nhưng mẹ tôi kiên quyết từ chối nên hắn giao thêm rất nhiều việc để mẹ tôi không kham nổi để hắn cho “tay chân” làm thay việc mẹ tôi. Mấy năm sau, chú thủ kho cơ quan mẹ tôi phải đi tù vì tham ô mấy chục tấn thóc kho Dự trữ Quốc gia. Chú này đã xuất kho rất hàng trăm tấn thóc mà không có hóa đơn, chứng từ cho người thân của ông cửa hàng trưởng chở đi. Mỉa mai thay! Ông này, sau này ông ta đã dùng tiền bán thóc ăn cắp từ kho nhà nước để “chạy” chức Trưởng phòng thanh tra Sở và về thành phố làm việc. Mấy năm sau, trước khi về hưu chú thủ kho phải đi tù vì tội tham ô thóc, chịu tội thay cho ông “sếp”. Chú ấy không thể giải thích gì với công an vì xuất kho không có giấy tờ và lệnh xuất kho từ miệng ông cửa hàng trưởng và ông ta vô can.

Khi về hưu mẹ tôi vẫn phải bươn chải kiếm thêm thu nhập cho gia đình còn nhiều khó khăn, chúng tôi đang phải đi học, chưa có nghề nghiệp, chưa có gia đình riêng.

Suốt mấy chục năm trời, mẹ không về thăm quê ngoại vì ở quê nhà họ hàng đã ly tán hết. Mẹ tôi chỉ vài lần về thăm gia đình một chị gái ở Nam Định. Khi mẹ đi xa mãi mãi, mẹ vẫn còn lo buồn vì không biết đứa con trai cả ở đâu, nơi quê người mà Tết không về. Những đứa con trai khác của mẹ thì vẫn chưa có nghề nghiệp ổn định và chưa có gia đình riêng.

Buồn thương cho mẹ, xa quê từ khi còn rất nhỏ để rồi khi còn nắm xương tàn cũng gửi nơi đất khách quê người.

Buồn thương cho mẹ cả đời chưa lúc nào được nghỉ ngơi, an nhàn và sung sướng.

Buồn thương cho mẹ chưa bao giờ hết lo lắng cho các con, cho gia đình của mình. Mẹ là cánh cò đơn côi, xa quê mãi mãi không thể bay trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Mong linh hồn mẹ được quay về quê hương tuổi thơ của mẹ để gặp linh hồn của ông bà ngoại, để sải cánh bay theo những cánh cò trên cánh đồng quê ngoại ngày xưa như mẹ hằng mong ước “ Cò về thăm quán cùng quê, thăm cha thăm mẹ …” trong lời ru của mẹ năm nào.

Chuyện làng quê

Trần  Mạnh Trung

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/canh-co-trong-loi-ru-cua-me-toi-tan-van-a10642.html