Thật ra nghĩ cũng đúng vì khi còn nhỏ hoang chơi làng trên xóm dưới, chẳng được tích sự gì cả trong khi con gái giúp cha mẹ từ rất sớm. Mẹ cầm roi đi kiếm khắp xóm về bắt học bài, bắt tắm, rửa chân trước khi đi ngủ. Chật vật bao nhiêu năm mới học hành ra trường nhưng chưa kịp báo hiếu là thành thân với người khác. Về tay chị này hầu hết ít được sử dụng và phát huy thành quả của cha mẹ chồng để lại mà mấy chị đào tạo lại theo ý mình nên hầu hết thói quen, lề lối cũ phải bỏ hoặc gác lại hết. Bị tiếp quản nên phải học lại và thích nghi cái mới mất nhiều năm nữa nên người đàn ông cứ loay hoay mãi sẽ khó trưởng thành đúng nghĩa là vậy. Khi bị bẻ ngược hay phải thế này thế nọ làm đàn ông thiếu tự tin không biết đâu là cái để làm theo cho đúng. Một số đâm ra bất mãn, ương bướng cãi lại hoặc buông xuôi cho qua ngày tháng.
Mấy chị ngồi với nhau là phàn nàn chồng nào là vô tâm vô tư, nào là lo ăn nhậu tối ngày, nào là bồ bịch trai gái... có khi nào khách quan ngồi trao đổi tìm hiểu lại tại sao chồng mình ra vậy không trong khi họ được cha mẹ nuôi nấng cho ăn học đàng hoàng mới gả cho mình.
Đàn ông thuộc tính ham chơi là đúng, công bằng thì ham chơi cũng có cái hay là học được nhiều thứ ở đời như: sự thông cảm, sẻ chia, người sẽ hoạt bát lanh lợi và rộng lượng hơn... chứ không chỉ là sa vào cái xấu như mấy chị nghĩ đâu. Ông bà ta đúc kết không sai" trẻ không chơi già đổ đốn", trẻ dễ được tha thứ và có cơ hội làm lại và tốt hơn nhiều kiểu "thép đã tôi" mà. Chồng trẻ bị mấy chị kèm cặp khắt khe quá không khéo về già hư hỏng lại không biết đâu mà lần. Ngay bạn bè của chồng mà thấy không vừa mắt là mấy chị không cho chồng mình chơi, cứ đổ cho là làm hư chồng mình. Hầu hết mấy chị lại quên câu : "giàu nhờ bạn sang nhờ vợ"
Ngày xưa còn bé, mẹ cầm roi kiếm về, nay mới đi đâu một tí vợ gọi điện i ới gọi về thì khác chi đâu, mãi là trẻ nít thôi mà. Khác chăng là mẹ kêu về bắt học bài, còn vợ kêu về không được quên trả bài.
Tôi có anh bạn học hành rất giỏi, khéo tay làm gì cũng được, hơn hẳn bạn bè trang lứa. Ba mẹ chúng tôi thường lấy gương anh ra để la rầy mỗi khi thấy chúng tôi mắc lỗi. Nhưng khi lấy vợ về là anh như con ngựa bất kham. Đặc biệt món cờ bạc là món ruột. Anh bỏ đi chơi qua đêm mê muội sát phạt trên sòng bạc, bida hay các trò đen đỏ khác. Nhờ trí tuệ thông minh nên không đến nỗi phải "bác thằng bần" nhưng lúc nào anh cũng say mê món này. Nhiều lúc bạn bè lâu năm về thăm đúng lúc anh đang chơi thì anh cũng quên luôn, ngày hôm sau mới nhớ, gọi hỏi bạn đâu rồi ! Chị vợ đến là khổ với anh này. Cứ hàng đêm gọi điện tìm anh thì ò í e thuê bao hẹn khi khác trả lời. Có cái hay là khi về nhà biết lỗi nên anh chịu trận tơi bời và làm việc tăng cường độ gấp đôi để bù lại.
Vợ thấy vậy cũng chép miệng thở dài. Theo thời gian lấy nhau mấy chục năm cũng ròn ròn 3 đứa con ngoan đủ nếp tẻ, đứa lớn nay đã vào đại học. Gia đình cũng bề thế là ao ước của bao nhiêu người. Tết vừa rồi về gặp vợ chồng anh vui vẻ. Chị vợ nói chuyện vẻ hài lòng là chồng mình mới trưởng thành được 2 năm nay. Thôi thì cũng mừng cho anh, vợ nào không mong, trễ còn hơn không. Nhìn qua anh, u60 rồi, bất giác nao nao nỗi niềm khó tả. Không biết mình đã trưởng thành chưa chứ cũng thường xuyên bị vợ la rầy. Thôi thì ai bảo làm đàn ông làm gì. Đôi khi cũng tự trấn an mình: tránh voi chẳng xấu mặt nào. Đảo qua một vòng thì phần nhiều những gia đình thành đạt, êm ấm hầu hết mấy anh sợ vợ cả. Cũng nhờ họ mà chúng ta cố gắng "trưởng thành" một lần trước khi chết chứ.
Chuyện làng quê
Nguyễn Thế Hưng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-truoc-khi-truong-thanh-a10643.html