Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965-1973 (Kỳ 2): Tổ quốc không quên chúng tôi

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít Nhà xuất bản "ЄKЗAMEH" Mátxcơva (Liên bang Nga) ấn hành cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973)" với lời đề tựa: “để tưởng nhớ các chuyên gia quân sự xôviêt - các cựu chiến binh tại Việt Nam.

Đây là một tập hồi ký chân thực, sinh động và hấp dẫn của các chuyên gia Liên Xô - cả dân sự lẫn quân sự - từng công tác tại Việt Nam trong những năm 1965-1973….”

Tổ quốc không quên chúng tôi

Khi mới đến Việt Nam tất cả chúng tôi đều trải qua cùng một khó khăn: sự nóng bức và độ ẩm cao, khát nước liên tục, thời gian dài vắng bóng thư từ của gia đình. Chỉ mãi tháng 8-1965 mới nhận được những bức thư đầu tiên. Khí hậu ẩm ướt, tình trạng thiếu thốn các phương tiện cần thiết bảo đảm vệ sinh cá nhân, trước hết là thiếu vòi tắm và bồn tắm, - đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho nhiều chuyên gia chúng tôi bị ngã bệnh. Thông thường, những căn bệnh ấy không chữa trị được ở đây và bệnh nhân được đưa về Liên Xô chữa trị.

to-quoc-khong-quen-chung-toi-1644958887.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

 

Ngoài ra, những khoản tiền cấp phát thời gian đầu là quá ít ỏi hầu như chật vật lắm mới đủ chi dùng cho ăn uống và thuốc lá. Mọi người bắt đầu công khai phàn nàn. Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã thông báo vấn đề này với Cục trưởng hữu quan trong Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô. Đến cuối tháng 8-1965 có một đại diện Tổng cục Tài chính Bộ Quốc phòng Liên Xô đến Hà Nội để giải quyết tất cả những vấn đề đã chín muồi. Chẳng bao lâu sau quả thật tất cả các sĩ quan đã được tăng lương, các gia đình chúng tôi ở Liên Xô được trích 70% - chứ không phải 30% - số lương của chúng tôi theo chức vụ khi còn ở Liên Xô. Việc nhận thư từ cũng được cải thiện. Giờ đây đã có thể mua sắm đôi chút cho bản thân và cho gia đình.

Ngày 6-11-1965, nhân kỷ niệm Quốc khánh Liên Xô, Bộ tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức tại Hà Nội buổi chiêu đãi trọng thể tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong buổi lễ này Thượng tá Đdưda đã công bố lệnh phong quân hàm như thường lệ! quân hàm thiếu tướng cho Đại tá N. V. Bagienốp; quân hàm thiếu tá cho Đại úy A. B. Daica. Cuối cùng mỗi chuyên gia được phát một bao thuốc lá Liên Xô. Sau buổi tiếp đón long trọng, đoàn ca múa của Binh chủng phòng không - không quân Việt Nam đã có buổi biểu diễn văn nghệ ngắn.

Vào giữa tháng 11 đã bắt đầu việc rút về Liên Xô các chuyên gia quân sự đã đến Việt Nam hồi tháng 4-1965, trong nhóm chuyên gia quân sự đầu tiên của Liên Xô. Những người về nước chủ yếu là những chuyên gia mà vai trò giúp đỡ của họ không còn cần thiết nữa, vì đa số các chuyên viên Việt Nam đã tự mình đảm đương được công việc hoặc là những người bị đau ốm hoặc do hoàn cảnh gia đình. Dĩ nhiên, những người còn ở lại cũng mong được như họ. Trong số những chuyên gia về nước có viên chỉ huy trung đoàn, Tướng N. V. Bagienốp, các viên chỉ huy các tiểu đoàn là Trung tá I. A. Liakisép, Thiếu tá Iu. G. Têrêsencô và những chuyên gia khác.

Ngay trước Tết, Thiếu tá Daica đã thông báo cho chúng tôi về chuyến thăm Hà Nội sắp tới của đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Chính phủ Liên Xô. Hơn nữa, chúng tôi sẽ được gặp gỡ với những vị lãnh đạo của phái đoàn ấy, vì họ sẽ trao cho chúng tôi các phần thưởng của Chính phủ.

Chúng tôi, mặc lễ phục, xếp hàng theo đội hình. Thiếu tá Daica kiểm tra từng người, nhắc nhở về phong cách bề ngoài và ấn định thời hạn sửa chữa các khiếm khuyết.

Đây là Đoàn đại biểu quan trọng và có thẩm quyền. Đứng đầu phái đoàn này là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A. N. Sêlêpin. Các đoàn viên gồm có Đ. Ph. Uxtinốp là nhân vật hồi ấy phụ trách các vấn đề quốc phòng, Đại tướng pháo binh Tôlúpcô và những nhân vật quan trọng khác. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đã tập hợp tại Sứ quán Liên Xô. Tôi ngồi cạnh Thiếu tá A. B. Daica, ở ghế thứ hai, cách bục phát biểu khoảng 5 mét. Ngay sau đó, tất cả các thành viên của phái đoàn đã xuất hiện trong hội trường. Ông A. N. Sêlêpin phát biểu đầu tiên. Ông đánh giá cao công việc của chúng tôi và tuyên bố rằng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chăm chú theo dõi tình hình diễn biến tại Việt Nam. Cuối cùng, A. N. Sêlêpin chúc tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong nhiệm vụ quan trọng của mình.

Sau đó Đại tá A. M. Đdưda công bố danh sách những người lưu lại hội trường và những người rời sang hội trường khác. Trong hội trường của chúng tôi có Đ. Ph. Uxtinốp, một cán bộ công bố Sắc lệnh khen thưởng và một nhân viên nhiếp ảnh.

Đứng đầu danh sách những người được khen thưởng là Tướng G. A. Bêlốp - Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Người thứ hai trong danh sách này là tôi. Tôi bước lên giơ tay chào Uxtinốp theo điều lệnh. Uxtinốp đã trao cho tôi Huân chương Cờ đỏ và chúc mừng tôi đã được nhận phần thưởng cao quý. Sau khi quay người với câu đáp lễ thông thường: "Nguyện phục vụ Liên bang Xôviết", tôi trở về chỗ ngồi. Thiếu tá Daica cũng chân thành chúc mừng tôi đã được nhận phần thưởng. Sau 2 người nứa đã đến lượt thiếu tá Daica được nhận phần thưởng như vậy. Sau buổi trao thưởng mọi người đã tập hợp ở hội trường. Tướng G. A. Bêlốp tiến lại chỗ ông A. N. Sêlépin và nghiêng đầu nói nhỏ gì đó với ông Sêlêpin. Ông Sêlêpin lập tức lớn tiếng tuyên bố.

- Dĩ nhiên là có thể!.

Tướng Bê lốp nhìn xuống hội trường và hỏi:

- Ai biết cách mở rượu sâm banh nào?

Không hẹn nhau, tựa hồ như theo mệnh lệnh, tôi và 3 anh bạn ngồi cạnh - V. Sennhicốp, V. Lưsaghin và A Nikitin đã giơ tay. Ngay lập tức Tướng Bêlốp chỉ thị cho chúng tôi sang phòng bên cạnh, mở tất cả các chai sâm banh và rót vào cốc Chúng tôi đã nhanh chóng bước sang phòng bên và rất tích cực thực hiện tất cả mọi việc theo yêu cầu. Một lúc sau ông A. N. Sêlêpin và các thành viên phái đoàn đã có mặt trong hội trường. Mọi người đã nâng cốc, sau câu chúc mừng vắn tắt, đã cạn chén.

Cùng với phái đoàn Đảng và Chính phủ đến Hà Nội còn có một máy bay nữa chở quà tặng cho chúng tôi. Mỗi người được nhận một gói quà: các sĩ quan cấp trên thì nhận được gói số 1, các sĩ quan cấp dưới nhận được gói quà số 2, những chuyên gia được gia hạn phục vụ, các hạ sĩ quan và binh sĩ phục vụ theo thời hạn nghĩa vụ thì nhận được gói quà số 3.

Nội dung trong các gói quà đều giống nhau, nhưng chỉ có sự khác nhau về độ giá trị của loại rượu: các sĩ quan cấp trên nhận được rượu sâm banh và 2 chai cô- nhắc, các sĩ quan cấp dưới thì nhận được rượu sâm banh, 1 chai vốt ca "Thủ đô", 1 chai rượu trắng "Mátxcơva", những chuyên gia khác thì nhận được 1 chai sâm banh, 2 chai rượu trắng "Mátxcơva':.

Ngoài ra, trong mỗi gói quà đều có tấm thiệp của Bộ trưởng Quốc phòng đích thân chúc mừng, có cả giò, trứng cá, bánh bích quy, thuốc lá nhãn hiệu "Nôvốt", đôi dép đi trong nhà, đôi giầy cao cổ theo .. kiểu giầy mà bộ binh Mỹ vẫn sử dụng ở Nam Việt Nam, áo đi mưa, quần dài, áo len. Cũng còn có thêm một túi đựng 4kg bánh mì đen cho mỗi người! Bánh mì đen, cá trích muối và nước ướp lạnh - đó là mơ ước của mỗi chúng tôi. Cuối cùng thì một phần ước mơ ấy đã thành sự thật! Ai ai cũng có bánh mì đen, chỉ ăn mọi thứ với bánh mì đen, nhắm rượu cũng với bánh mì đen.

Những túi quà được trao vào ngày 31-12 tại nơi ở của chúng tôi, ngay sau khi nhận phần thưởng. Vẫn còn lâu mới tới nửa đêm. Mọi người long trọng xử lý các phần thưởng vừa nhận được. Để đón đêm giao thừa Năm mới 1966, vào đúng nửa đêm tất cả mọi người tập hợp tại nhà ăn. Tại đây A. B. Daica đã tổ chức các hình thức vui chơi có thưởng, thi hát, thi khiêu vũ và thi độc tấu văn nghệ nghiệp dư. Mọi người đều hồ hởi tham gia vào các tiết mục ấy.

Chúng tôi cũng không quên các đồng chí Việt Nam. Tôi đã tặng chiếc áo choàng và đôi giầy cao cổ cho anh phiên dịch. Hầu hết các chuyên gia chúng tôi đều làm như vậy. Những ngày vui đã kết thúc như thế. Nhưng chiến tranh thì vẫn tiếp tục. Thế là chúng tôi lại ra trận địa để thi hành nhiệm vụ.

Theo Trái im người lính

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chien-tranh-viet-nam-la-the-do-1965-1973-ky-2-to-quoc-khong-quen-chung-toi-a10647.html