Mía ngọt đánh cả cụm

Câu “mía ngọt đánh cả cụm” chính là ám chỉ một người đàn ông lấy hai hoặc ba bà vợ cùng một nhà. Nhưng tại sao các cụ ngày xưa lại làm như vậy?

mia-ngot-1645062416.jpg
 

 

Đã là mía thì chắc chắn ngọt rồi!

Nhưng ngọt nhiều, ngọt ít, ngọt thanh, ngọt đậm…thì tuỳ từng giống mía sẽ cho vị ngọt khác nhau. Vị ngọt của mía còn phụ thuộc vào đất đai (thổ nhưỡng), thời tiết và cách chăm bón của người trồng.

Người ăn mía thấy ngọt, giòn mềm tròn vị thì sướng lắm, muốn ăn nữa, ăn nhiều lần… thế mới có câu: “Mía ngọt đánh cả cụm”.

…..

Năm tôi mới năm, sáu tuổi được ông nội dẫn đi ăn giỗ ở nhà cụ Cố. Cụ Cố khi đó đã gần tám mươi tuổi, nhưng vẫn còn phong độ lắm! Da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, râu tóc bạc phơ, đẹp nhất là bộ râu trắng như cước được cắt tỉa rất cẩn thận. Ông nội dẫn tôi vào chào cụ Cố đang ngồi trên sập gụ. Tôi lễ phép khoanh tay chào cụ. Cụ nhìn tôi từ đầu đến chân, vẫy tôi lại gần bảo tôi vén áo lên cho cụ xem bụng. Xem xong cụ phán luôn với ông nội tôi rằng: “Thằng cháu đích tôn của anh dễ nuôi, lớn lên nó giỏi và thông minh lắm. Thằng này bắt cá rất tài..”. Ông nội tôi được cụ khen cháu mình thì phấn khởi lắm, cứ ông ông, con con… thân mật. Vừa lúc cụ Cố vê điếu thuốc lào vào lõ chiếc điếu bát, tôi đứng bên cạnh rút ngay chiếc đóm tre hai tay đưa lên cho cụ châm lửa hút thuốc, cụ sướng quá xoa đầu khen tôi nhanh ý.

Đến bữa tôi được ngồi cùng ông nội uống rượu với cụ Cố ở mâm trên. Dưới nhà còn mấy mâm nữa, rất nhiều người ngồi ăn nhưng ai cũng lễ phép đến chào mời cụ Cố trước khi ăn.

Tôi thấy có ba bà cụ ngồi cùng một mâm với mấy cô bác phụ nữ. Tôi ghé tai hỏi ông tôi “ba bà cụ kia là ai hả ông?”, ông tôi nói nhỏ “vợ cụ Cố đấy”.

Trên đường về tôi hỏi ông nội “sao cụ Cố nhiều cụ bà thế hả ông?”. Ông xoa đầu tôi cười bảo cụ Cố nhà mình “mía ngọt đánh cả cụm”.

Tôi khi đó còn quá nhỏ chẳng hiểu gì cả. Lớn lên tôi mới biết cụ Cố nhà tôi lấy ba bà vợ là ba chị em ruột. Vậy là tôi hiểu câu “mía ngọt đánh cả cụm” mà ông nội tôi nói ngày xưa là như thế nào rồi.

Câu “mía ngọt đánh cả cụm” chính là ám chỉ một người đàn ông lấy hai hoặc ba bà vợ cùng một nhà. Nhưng tại sao các cụ ngày xưa lại làm như vậy?

Thứ nhất là do ngày xưa (thời phong kiến) chế độ hôn nhân không cấm lấy nhiều vợ, một người có thể lấy hai hoặc ba vợ (đa thê), những người lấy nhiều vợ chủ yếu là người giầu, nhiều tài sản, ruộng đất… nên họ lấy người một nhà là chị em ruột thịt để dễ bề quản lý tài sản và cũng dễ ứng xử trong cuộc sống hằng ngày.

Thứ hai là ngày xưa lấy vợ, gả chồng thường tìm nơi “môn đăng hộ đối. Con gái của những gia đình nề nếp, gia giáo được nuôi dạy tử tế, nên rất ngoan hiền. Giống như cây mía ngọt được trồng và chăm sóc trên mảnh đất tốt. Người ăn được một cây thấy ngon lại muốn ăn cây nữa… thế là “mía ngọt đánh cả cụm” luôn.

Khi hai gia đình của hai dòng họ có con gả cho nhau, cuộc sống của đôi trẻ luôn thuận buồm xuôi gió, vợ chồng chí thú làm ăn… đấy là điềm lành báo hiệu một cuộc hôn nhân bền vững. Hai dòng họ ấy cứ người này giới thiệu cho người kia có con trai, con gái gả cho nhau (có trường hợp hai anh em ruột, lấy hai chị em ruột). Đây cũng là một kiểu “mía ngọt đánh cả cụm”.

Ngày nay pháp luật quy định hôn nhân một vợ, một chồng. Bác nào có muốn thêm theo kiểu “mía ngọt đánh cả cụm” thì không được đâu. Tự mình rước khổ vào thân đấy.

 

HD-16/02/22-NH – Chuyện làng quê

 

 

 

Nguyễn Hộp

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mia-ngot-danh-ca-cum-a10668.html