Gladunốp Épghênhi Pavlôvích, ông là Phó tiến sĩ kinh tế, cố vấn ngoại giao cấp 1, viện sĩ Viện Hàn lâm quốc tếcác công trình nghiên cứu hệ thống.
Ông sinh ngày 4-4-1931 tại thành phố Bixcơ thuộc miền An tai. Bắt đầu cuộc đời lao động, ông làm công nhân từ năm 1943.
Năm 1963 ông tốt nghiệp Học viện quan hệ quốc tế Mátxcơva thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô.
Từ năm 1963 đến năm 1965 là tuỳ viên, sau đó là Bí thư thứ ba, và từ năm 1974 đến năm 1978 là Tham tán công sứ của Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam.
Trong những năm 1965 - 1974 là chuyên viên của Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đã nhiều lần có mặt tại Việt Nam trong những chuyến công tác.
Từ năm 1978 đến năm 1991 là Vụ trưởng Vụ các nước Đông Dương thuộc Ban đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Từ năm 1991 là Chủ tịch Hội hữu nghị Xô - Việt. Năm 2004 được bầu làm Chủ tịch Hội liên hiệp hợp tác quốc tế của Liên bang Nga.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc, Huy hiệu Vẻ vang, các Huy chương Vì lao động xuất sắc trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945; 50 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945; Lao động lão thành. Ông được tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, Huân chương Lao động hạng 1 và hạng II và các Huy chương của Việt Nam
Theo tôi, viết hồi ký là công việc khá khó khăn. Không chỉ vì phải lục lọi các tài liệu lưu trữ trong lớp bụi, tìm kiếm những ghi chép cũ, khẳng định và làm rõ thêm những sự việc nào đó, những ngày tháng, những tình tiết.
Mà còn vì trong những tìm kiếm ấy ta cảm nhận được một cách đặc biệt rõ rằng thời gian trôi đi rất nhanh. Thật vậy, khi ta nhìn vào những bức ảnh cũ, những trang ghi chép ngày xưa trong các cuốn nhật ký, bỗng nhiên ký ức buộc ta quay trở về quá khứ, ta bắt đầu nghĩ về nhiều dự định đã không được thực hiện. Những suy nghĩ ấy đã xuất hiện trong tôi khi tôi bắt đầu viết các bài báo kể về những ngày công tác xa xưa của tôi tại Việt Nam.
Rõ ràng mỗi con người đều trải qua con đường đời của riêng mình. Con đường ấy không giống đường đời của người khác. Đúng như vậy, nhưng rõ ràng điều chủ yếu lại ở chỗ khác: con đường đời ấy sẽ để lại dấu tích gì trong ký ức của người thân, trong ký ức của mọi người. Đó có phải là một luống cày sâu hay chỉ là một vết xước khó nhận biết mà bụi thời gian sẽ che phủ mất rất nhanh.
Vào những năm 60 của thế kỷ XX chúng tôi còn là những nhà ngoại giao trẻ tuổi, hôm qua vừa mới tốt nghiệp Viện quan hệ đối ngoại Mátxcơva và cũng vừa mới tới Hà Nội công tác. Chúng tôi vẫn còn có thói quen trình diễn các tiết mục văn nghệ nghiệp dư và diễn những tiết mục của Câu lạc bộ những người vui tính và tháo vát, các vở kịch ngắn trong câu lạc bộ của Sứ quán chúng tôi. Dĩ nhiên, tất cả những tiết mục văn nghệ nghiệp dư và những buổi trình diễn các tiết mục của Câu lạc bộ những người vui tính và tháo vát ấy đã phai mờ trong ký ức; ngoại trừ một số tình tiết. Chỉ còn nhớ lại sự hài hước bất tận của những vở kịch thời thanh niên ấy và khẩu hiệu chính của những vở diễn ấy là: "Những ai tháo vát thì làm việc ở Pa ri, còn tất cả những ai vui tính thì làm việc ở Hà Nội".
Tại thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày ấy bao trùm bầu không khí tỉnh lẻ, ngoại giao đoàn không đông đảo, chủ yếu gồm sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu và châu Á. Thành viên của các đoàn ngoại giao ấy còn trẻ tuổi, do vậy chúng tôi đã sớm làm quen với nhau.
Tôi đã đến Hà Nội sau lần làm việc với đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu, thăm chính thức Liên Xô vào hồi tháng 7-1961. Do vậy tôi đã có được khá nhiều người quen trong Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài việc đọc và tìm hiểu qua báo chí địa phương, tất cả những điều đó đã giúp tôi nhanh chóng tìm hiểu đất nước Việt Nam, có thêm những người bạn mới và những người quen mới.
Vào đầu năm 1965 các cán bộ trẻ của Sứ quán Liên Xô, cùng với các đồng chí lớp trên trong Sứ quán và cùng với những bạn Việt Nam cũng trẻ tuổi như chúng tôi và mới hôm qua còn là những bạn đồng môn với chúng tôi, đã tiến hành Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Liên Xô. Chúng tôi hồi tưởng những lần chúng tôi đi xe lửa từ Mátxcơva đến Hà Nội, xuyên qua toàn bộ đất nước Liên Xô và Trung Quốc, thay đổi chỗ ngồi trên các toa xe tại biên giới Xô - Trung và biên giới Việt - Trung. Chúng tôi đã mơ ước đến ngày mở đường bay sắp tới Mátxcơva - Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi đi lại bằng máy bay và không phải nghe suốt hai tuần lễ những tiếng lách cách của các bánh xe lửa. Cảnh vật thường xuyên thay đổi, thấp thoáng sau các ô cửa sổ. Thoạt đầu đó là cảnh tượng thú vị, nhưng sau đấy làm cho người ta nhanh chóng mệt mỏi.
Bắt đầu viết hồi ký từ đâu? Cần nêu bật những giây phút nào trong quãng đời "Việt Nam" của tôi trong vô vàn những sự kiện lớn nhỏ, những cuộc gặp gỡ và những công việc đan kết chặt với nhau và tạo nên thực chất cuộc sống của chúng tôi?
Số là, chuyến công tác đầu tiên của tôi đến Việt Nam năm 1962 đã liên quan đến một vài sự việc còn lưu lại trong ký ức tôi trong nhiều năm. Sự việc thứ nhất là chuyến du ngoạn cùng với một người bạn Việt Nam. Trong lần làm quen đó anh ấy cho tôi biết rằng anh ấy làm nghề luật sư và đang trở về nước sau chuyến công tác đến một số nước châu Âu. Anh ấy nói chuyện rất hay và là một con người rất thú vị. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ ấy lẽ ra chỉ là một câu chuyện nhỏ trên đường, nếu không có một chi tiết thú vị: sau nhiều năm tôi gặp lại người bạn đường xa xưa ấy. Anh ấy hỏi về tình hình công việc của tôi, làm tôi kinh ngạc về trí nhớ của anh ấy Anh ấy gọi tên vợ tôi, tên con gái tôi mà anh ấy đã cùng trò chuyện ngày xửa ngày xưa trên xe lửa. Tôi kể ra điều này vì trong những năm tôi công tác ở Việt Nam tôi đã nhiều lần lấy làm kinh ngạc về trí nhớ kỳ lạ của nhiều bạn Việt Nam của tôi. Họ kể chi tiết về những sự việc đã qua từ lâu và đôi khi lại là những sự việc không có ý nghĩa gì lắm.
Sự việc thứ hai là thời gian dừng chân ngắn ngủi tại Thiên Tân. Tại đó tôi đã gặp lại anh bạn đồng môn với tôi. Anh ấy đến Trung Quốc sớm hơn một chút để thực tập. Tôi đã cùng với anh ấy, và được anh ấy hướng dẫn nếm thử lần đầu tiên các món ăn Trung Quốc, trong dó có món ăn được nấu từ những con cầu gai. Chúng tôi đã cùng nhau đến Bắc Kinh và đã lưu lại Bắc Kinh mấy ngày đi dạo quanh thành phố, chúng tôi đã đến tham quan các ngôi mộ thời Minh vừa được phát hiện trước đó ít lâu. Sau đó lại lên đường tới Hà Nội. Tôi còn nhớ chuyến đi xe lửa của chúng tôi trên nền đường sắt và qua cây cầu mới xây tạm, vì những nền đường và cây cầu cố định trước đó đã bị phá huỷ nặng nề bởi nước sông Hoàng Hà tràn mạnh vào. Trận lụt năm ấy đã phá huỷ nhiều chục kilômét đường bộ và đường sắt, hàng trăm ngôi làng. Trong nhiều năm tôi vẫn còn lưu giữ những ấn tượng về chuyến xe lửa đi qua khu vực bị ngập lụt ấy. Ở đó lần đầu tiên tôi đã chứng kiến tác động phá hủy dữ dội của sức mạnh thiên nhiên.
Sự việc thứ ba: những bước chân đầu tiên trên đất Việt Nam và những ấn tượng đầu tiên tại ga biên giới Đồng Đăng đã gặp phải một sự cố buồn: con gái của tôi lúc ấy ở tuổi mẫu giáo, đã chạy băng qua đường sắt, bị vấp ngã và bị gãy tay. Tiếng kêu thét của cháu đã làm tất cả mọi người chung quanh đó nhớn nhác - chỉ có bà con Việt Nam chạy tới giúp chúng tôi, khiến vợ chồng tôi lại càng lúng túng hơn, không biết phải làm gì. Nhưng các cán bộ của nhà ga đã nhanh chóng tìm được các bác sĩ. Các bác sĩ đã bôi một loại thuốc nước mầu đỏ lên tay con gái tôi và băng bó chặt chỗ đó. Giữa những lời động viên, chúng tôi bước vào toa xe và xe lửa chuyển bánh về Hà Nội.
Cho đến tận cuối năm 1964 công việc tại Sứ quán vẫn diễn ra bình thường. Đã có nhiều cuộc gặp gỡ, những chuyến công vụ ở trên đất nước này cùng với vị Đại sứ và những cán bộ khác của Sứ quán. Ngày ấy ngay ở Hà Nội - chưa kể ở đâu đó nơi tỉnh lẻ - mọi sự xuất hiện của người châu Âu trên đường phố đều làm xuất hiện một tốp những cậu bé tò mò và hết sức hồn nhiên. Chúng nhất thiết chăm chú liếc ngắm, còn những cậu bé bạo dạn nhất thì sờ mó những ông Tây "mũi dài" ấy. Cuộc làm quen ấy thường hay kèm theo những tiếng hô:
- Liên Xô! Liên Xô!,…..
Mặc dù những câu hô ấy có thể không liên quan đến những công dân Liên Xô. Nhưng đó không phải là điều chủ yếu trong lúc này. Điều chủ yếu là ở chỗ khác: tại Việt Nam thời hiện đại, một Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường tiến bộ, có thể chưa nhanh lắm, nhưng đã không còn nữa những nét hồn nhiên đáng yêu, không còn sự giao tiếp cởi mở giữa mọi người, đó cũng đã từng là những nét vốn có trước đây ở các tỉnh lẻ của nước Nga.
Chúng tôi đi ôtô đến khu vực phi quân sự ở Vĩ tuyến 17. Từ những rặng cây chúng tôi nhìn thấy lá cờ có các vạch sọc vàng của chế độ Sài Gòn bay trên bò bên kia sông Bến Hải. Năm 1963 chúng tôi đã cùng Đại sứ đến dự lễ khai mạc đợt một của Nhà máy thuỷ điện Thác Bà. Báo chí Việt Nam đã đưa tin về buổi lễ khai mạc ấy. Báo "Nhân Dân" đã đăng bức ảnh chụp buổi lễ khai mạc. Tóm lại, cuộc sống trôi đi một cách bình thản và đều đều.
Trái Tim Người Lính
Phạm Thúy Hậu
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chien-tranh-viet-nam-la-the-do-1965-1973-ky-4-quang-doi-khong-the-nao-quen-cua-toi-a10717.html