Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về thăm Thanh Hóa. Gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Người giao nhiệm vụ: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Khắc ghi lời dạy lời dạy của Bác, suốt 75 năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đoàn kết một lòng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, dồn sức cho kháng chiến và kiến quốc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ thắng lợi của các chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Hòa Bình, Đông Xuân, Tây Bắc, Thượng Lào, đến chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đều có sự đóng góp công sức rất lớn của người dân Thanh Hóa. Trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa vào ngày 13/6/1957, Bác đã hết lời khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thanh Hóa vừa làm tròn trách nhiệm của “hậu phương lớn”, vừa trực tiếp cùng quân dân cả nước làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy cao độ nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2020 đạt 10,3%/năm. Đặc biệt, trong năm 2021 vừa qua, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song kinh tế của tỉnh vẫn giữ vững đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%. Quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 8 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chính trị ổn định, văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhân dân các tộc tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu này, Thanh Hóa phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội như: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu lại và sử dụng hiệu quả nguồn lao động. Tỉnh nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, điều hành linh hoạt ngân sách, bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trao bằng khen cho 54 tập thể, cá nhân. 18 Cụm trưởng các cụm thi đua của tỉnh Thanh Hóa cũng đã ký kết giao ước thi đua năm 2022.
Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-niem-75-nam-ngay-bac-ho-lan-dau-tien-ve-tham-thanh-hoa-a10724.html