Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965-1973 (Kỳ 5): Gladunốp Épghênhi Pavlôvích

Tình hình này kéo dài đến tháng 8-1964, khi nổ ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ mà ngày nay toàn thế giới đã biết đến. Các tuần dương hạm của Mỹ đã bắn phá vùng duyên hải Việt Nam, sau đó là những trận ném bom đầu tiên của không quân Mỹ vào vùng mỏ than Hòn Gai.

Những sự kiện ấy không chỉ làm chấn động thế giới và Việt Nam, mà còn làm thay đổi hẳn phong cách sống của chúng tôi ở Hà Nội. Ngày ấy người ta thường nói: trên bầu trời Hà Nội đã sực mùi chiến tranh. Trước đó, đối với chúng tôi chiến tranh chỉ tồn tại trong những câu chuyện kể của các thành viên trong ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ.

to-quoc-khong-quen-chung-toi-1644958887.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đó là đầu năm 1965, khi bầu trời Bắc Việt Nam chỉ mới bị vẩn đục ở ngưỡng cửa của một nguy cơ chiến tranh sẽ nổ ra trong tương lai. Thời điểm ấy Sứ quán chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho chuyến viếng thăm sắp tới của Đoàn đại biểu Liên Xô, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Côxưghin dẫn đầu.

Cuộc viếng thăm ấy diễn ra đầu tháng 2-1965. Những cuộc gặp gỡ trước đó của các nhà lãnh đạo hai nước, hoạt động tích cực của tất cả các đơn vị thuộc các cơ quan ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật và văn hóa của Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tạo mọi tiền đề cần thiết cho cuộc viếng thăm ấy, là cuộc viếng thăm sẽ mở ra giai đoạn mới trong mối quan hệ Việt - Xô.

Tôi còn nhớ rõ chuyến viếng thăm ấy của phái đoàn Liên Xô, cuộc đón tiếp phái đoàn tại sân bay Gia Lâm. Trên thực tế tại đó đã có mặt toàn bộ ban lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, (lúc đó sân bay Gia Lâm là sân bay quốc tế duy nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng sân bay này chỉ có khả năng tiếp nhận những máy bay không lớn như loại IL-14. Vì vậy, đoàn đại biểu Liên Xô do bay từ Mátxcơva trên loại máy bay IL-18, nên đã phải hạ cánh xuống sân bay quân sự Nội Bài, từ đó lại bay trên máy bay IL-14 hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm).

Tôi sẽ không nói về những cuộc hội đàm, vì trước kia đã có nhiều bài viết về những cuộc hội đàm ấy rồi. Tôi chỉ nói rằng những hiệp định được ký kết nhờ kết quả cuộc viếng thăm ấy đã tạo các tiền đề cần thiết để mở rộng sự hợp tác kinh tế và quân sự - kỹ thuật giữa Liên Xô và Việt Nam. Sự hợp tác ấy đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất cho thắng lợi trong tương lai của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất đất nước.

Nhân tiện tôi cũng kể lại rằng gần sáng hôm sau, sau khi phái đoàn Liên Xô tới Việt Nam, giữa đêm tôi đã bị cán bộ trực ban của nhà nghỉ đánh thức dậy và yêu cầu đi ngay. Sau khi tới nơi, tôi được biết có một bức điện từ miền Nam Việt Nam gửi cho ông A. N. Côxưghin và cần dịch ngay bức điện ấy sang tiếng Nga. Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ chào mừng phái đoàn Liên Xô đã đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nêu rõ rằng nhân dân miền Nam Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Liên Xô, coi sự giúp đỡ ấy là "nguồn khích lệ hết sức mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình", đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Chính phủ Liên Xô và nhân dân Liên Xô đã dành sự ủng hộ cho nhân dân Việt Nam.

Trở lại cuộc viếng thăm của ông A. N. Côxưghin tại Hà Nội, tôi muốn kể về một sự việc mà hồi ấy các nhà báo không để ý tới nhưng, theo tôi, sự việc ấy đã có vai trò không nhỏ trong sự hình thành những quan hệ thân hữu giữa cá nhân hai nhà hoạt động nhà nước nổi tiếng của Liên Xô và Việt Nam - giữa ông Phạm Văn Đồng và ông A. N. Côxưghin.

Câu chuyện xảy ra vào một trong những ngày diễn ra cuộc viếng thăm đáng ghi nhớ ấy. Buổi trưa đã diễn cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhưng buổi chiều thì không có hoạt động nào trong chương trình làm việc. Hồi ấy vị đứng đầu Chính phủ Liên Xô và những nhân vật tháp tùng ông đã nghỉ tại Phủ Chủ tịch ở trung tâm thành phố Hà Nội. Hôm ấy tôi là đại diện của Sứ quán ngồi trực tại đó. Sau bữa trưa mọi người đi nghỉ. Tôi bước ra ngoài hành lang và suy nghĩ xem lấp chỗ trống trong chương trình như thế nào. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng chân phía sau lưng, tôi ngoảnh lại và trông thấy ông A. N. Côxưghin. Ông cho biết không muốn ngồi trong phòng, tỏ ý muốn đi dạo quanh vườn bao quanh Phủ Chủ tịch.

Vì Thủ tướng Liên Xô sau bữa trưa muốn nghỉ ngơi, cho nên tất cả các nhân vật Liên Xô tháp tùng ông và các đồng chí Việt Nam cũng tỏa về các phòng của mình hoặc đi làm việc Tôi tìm cách can ngăn ông A. N. Côxưghin không đi dạo hoặc chí ít cho phép tôi gọi ai đó trong đội bảo vệ đến. Ông trả lời rằng không nên làm phiền mọi người, rồi bảo tôi đi dạo cùng ông. Dĩ nhiên, tôi không thể tranh cãi với Thủ tướng. Thế là chúng tôi đi tham quan khu vườn.

Ở cổng ra của khuôn viên, tại cái gọi là Cổng Đỏ, nơi có trụ sở của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chúng tôi trông thấy xe ôtô của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc ấy ông trở về làm việc sau bữa trưa. Khi vừa trông thấy chúng tôi, ông bước ra khỏi xe và lấy làm ngạc nhiên hỏi vị đồng nhiệm Liên Xô:

- Tại sao đồng chí vi phạm chế độ nghỉ ngơi? Cuối buổi hội đàm đồng chí có nói rằng sau bữa trưa đồng chí sẽ nghỉ trưa cơ mà.

A. N. Côxưghin đáp lại rằng ông muốn nghỉ ngơi một cách tích cực và tìm hiểu đôi chút về Hà Nội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị cùng trò chuyện với ông. Thế là cả hai vị Thủ tướng đã đi về phía Hồ Tây. Trên đường đi, tất cả các nhân vật được gọi là các nhân vật hữu quan của phía Liên Xô và Việt Nam đều đuổi kịp chúng tôi.

Trong đống giấy tờ lưu trữ riêng của tôi còn lưu giữ một tấm ảnh nghiệp dư khổ nhỏ, ghi lại cuộc đi dạo ấy. Còn có một tấm ảnh như thế đã được công bố nhiều năm về trước trên một tạp chí nào đó của Liên Xô.

Chúng tôi đi dạo dọc đường Thanh Niên (tôi nghĩ, đó là tên gọi con đường ngăn cách hai hồ. Con đường này đã được đắp lên từ thời xưa theo lệnh của một ông vua thích đi dạo quanh hồ vào những buổi chiều). Ông Phạm Văn Đồng đã kể cho vị khách về lịch sử của thành phố và của hồ này. Khi chúng tôi tiến gần nhà thuyền mới được xây dựng, ông đã nhắc tới nó và nói rằng hiện chưa có nhiều thuyền, nhưng nam nữ thanh niên rất thích bơi thuyền trên hồ….

A. N. Côxưghin (ông vốn ưa thích bơi thuyền, thích thực hiện những chuyến đi bộ đường dài và nói chung, theo tôi nghĩ, là một người ưa thể thao) đã rất chăm chú nghe những lời kể đó và đã lập tức đề nghị Thủ tướng Phạm Văn Đồng bơi thuyền trên hồ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là một người ưa thể thao, và người ta bảo rằng hồi trẻ ông đã từng là cầu thủ trong đội tuyển bóng đá của Đông Dương. Một phút suy nghĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau đó đã vui vẻ ủng hộ sáng kiến ấy. Nhưng những người tháp tùng hai vị Thủ tướng ấy thì chẳng hào hứng chút nào với sáng kiến ấy. Những lời khuyên can tập thể của chúng tôi về việc từ bỏ ý định bơi thuyền đã vô hiệu.

Hai vị thủ tướng say mê thể thao. Họ ngồi vào hai chiếc thuyền nhỏ, thuộc kiểu thuyền cá nhân (vào thời điểm ấy ở nhà thuyền này hoàn toàn chẳng có loại thuyền nào khác). Hai vị đã vui vẻ bơi thuyền. Đội bảo vệ đã lao tới chiếc canô cũ kỹ đậu gần đó. Rất lâu họ mới nổ máy được. Có mấy người nữa, trong đó có tôi, ngồi vào mấy chiếc ôtô vừa tới và đi xe dọc bờ hồ, về phía bên kia hồ. Nơi đó hồi ấy có những biệt thự của chính phủ và chờ đón hai vị thủ tướng bơi thuyền tới. Hai vị Thủ tướng đã bơi thuyền tới đó, tuy mệt nhoài nhưng rất vui. Họ lập tức lên xe và quay về nơi nghỉ. Trên đường hai vị đã trao đổi cảm tưởng về chuyến du ngoạn.

Tôi tin chắc rằng chuyến du ngoạn ngẫu hứng ấy đã có ảnh hưởng rõ rệt đến mối quan hệ sau này của hai vị thủ tướng - họ là những người bạn tốt. Dù sao thì sau này, trong những cuộc gặp gỡ với ông tại Mátxcơva hoặc tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nhắc đến cuộc dạo chơi ấy. Còn ông A. N. Côxưghin cũng nhắc tới cuộc du ngoạn ấy hồi tháng 9-1969 khi tôi cùng ông đến Hà Nội để tham gia Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi nhớ lại những cuộc bắn phá đầu tiên của không quân Mỹ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi mùa xuân 1965. Một trong những cuộc bắn phá ấy đã xảy ra đúng vào những ngày phái đoàn Liên Xô đang ở thăm Hà Nội. Điều này đã gây ra sự phản đối gay gắt từ phía Chính phủ Liên Xô. Cuộc oanh tạc lần khác đã diễn ra đúng vào ngày sinh của tôi, hồi tháng 4, vì vậy tôi đặc biệt nhớ kỹ. Sự việc xảy ra vào buổi sáng, vào lúc chúng tôi vừa tới nơi làm việc. Đột nhiên vang lên còi báo động :

- "Báo động có máy bay địch!".

Theo chỉ thị cách đó không lâu của Đại sứ, tất cả các nhân viên của Sứ quán, trong trường hợp như vậy phải ẩn nấp trong những căn phòng kín không có cửa sổ, để tránh mảnh bom. Tại tầng một của Sứ quán Liên Xô có hai phòng như vậy. Thay vì thực hiện chỉ thị của vị Đại sứ, tất cả chúng tôi bổ nhào ra khỏi Sứ quán, quay về nhà để cứu giúp gia đình mình. Vào cái ngày hôm ấy chúng tôi không có lý do để vui cười. Chúng tôi - trong đó có cả tôi - đã chạy dọc theo đường phố giữa những tiếng đạn nổ loạn xạ và những tiếng hô của công an Hà Nội và các đội tuần tiễu của quân đội. Họ tỏ ra có kỷ luật hơn chúng tôi, họ nấp trong các hầm trú ẩn cá nhân đào dọc bên đường, hoặc nấp dưới những tán lá cây.

Mấy ngày sau trận oanh kích ấy, theo chỉ thị của Đại sứ chúng tôi đào hầm trú ẩn tại Sứ quán, vui vẻ đùa với nhau và kể cho nhau hay về việc từng người đã chạy về nhà như thế nào, trong khi ấy các bà vợ và con cái của chúng tôi lại chạy đến nấp dưới mái nhà của Sứ quán. Phải thú thực rằng vị Đại sứ - ông Ilia Xécghêêvích Sécbacốp, bản thân ông đã tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại - sau sự kiện trên đã mở hội nghị kiểm điểm và như người ta vẫn thường nói, đã "cạo chúng tôi một trận".

Việc xây dựng hầm tránh bom trong khuôn viên Sứ quán, với công sức tập thể của chúng tôi sau giờ làm việc, đã kết thúc một cách hoàn toàn ngoài mong đợi. Cuối cùng thì chúng tôi đã rất vất vả đào được hầm trú ẩn (tại địa điểm vốn là công trường với đống gạch và rác thải xây dựng) sâu bằng chiều cao của người. Nhưng đêm hôm ấy có trận mưa rào như trút nước và trận mưa đã hoàn toàn làm ngập công trình của chúng tôi. Tất cả mọi người, kể cả vị Đại sứ đều đi đến kết luận cho rằng thật vô nghĩa nếu cứ làm theo kiểu nghiệp dư như vậy.

Mãi sau này, sau khi tôi trở về nước, tại địa điểm ấy đã được xây dựng lên một hầm trú ẩn vững chắc thật sự. Tôi đã từng trú ẩn trong hầm tránh bom ấy cùng với anh chị em nhân viên Sứ quán Liên Xô để tránh máy bay Mỹ trong những lần tôi sang Hà Nội sau đấy.

Chẳng bao lâu sau đó đã diễn ra những cuộc oanh kích liên tiếp nhau vào ban đêm. Đó không chỉ là tiếng còi báo động khó chịu giữa đêm, mà còn có tiếng súng nổ dữ dội xé toạc bầu trời về đêm thành hàng nghìn hình vuông và những hình đa cạnh chói loà. Trong một trận oanh kích như vậy, tôi đã không thuyết phục được vợ xuống nơi trú ẩn ở tầng một, còn bản thân tôi lại trèo lên mái nhà để ngắm "vở kịch ban đêm". Tôi lặng người theo dõi những loạt đạn bắn lên xé toạc màn đêm, ánh sáng chói lòa của các loạt đạn ấy hòa lẫn với ánh sáng của các vì sao, trên cao lần lượt loé lên những chùm sáng của đạn pháo cao xạ nổ và ngay trên đầu tôi có những loạt rốc két nổ do máy bay Mỹ bắn xuống.

Bỗng nhiên tôi nghe thấy cách không xa có những tiếng động xào xạc trong những cành lá của những cây cao phía trên mái nhà. Một tiếng "bịch" khô khốc vang lên ngay bên cạnh, có cái gì đó rơi gần chân tôi. Tôi cúi xuống, bò một đoạn và dùng tay lần theo mái nhà. Đột nhiên tay tôi bị bỏng. Hóa ra, đây là mảnh rốc két. Tôi nghĩ, mảnh rốc két này cũng có thể không rơi trúng mái nhà, mà rơi đúng vào đầu tôi. Tâm trạng của tôi liền thay đổi. Tôi đã quyết định từ bỏ trò trình diễn nghiệp dư ấy và lập tức tụt xuống phía dưới, nấp dưới mái nhà mình. Nhưng tôi vẫn lưu giữ mảnh đạn rốc két ấy rất lâu, về sau nó bị thất lạc mất.

Sau những lần oanh tạc ấy không lâu, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị sơ tán tất cả phụ nữ và trẻ em thuộc đoàn ngoại giao ra khỏi Hà Nội, trừ những người ở lại vì nhiệm vụ. Trong quyển sổ nhật ký cũ tôi đọc thấy dòng chữ sau đây, được ghi vào tháng 4-1965:

"Vợ và con gái đi sơ tán vì lý do máy bay Mỹ bắt đầu bay quá gần bầu trời Hà Nội".

Đoàn tầu chở phụ nữ và trẻ em "dưới sự hướng dẫn" của một người đàn ông châu Âu duy nhất - đó là một cán bộ của Sứ quán Bungari đã hết hạn công tác tại Việt Nam và cùng gia đình về nước - đã từ từ chuyển bánh rời sân ga Hà Nội. Còn chúng.tôi tiễn đưa họ, nghẹn ngào trong họng, vẫy tay tiễn đưa đoàn tầu khuất dần. Đa số những người đi tiễn đưa đều hiểu rõ cụm từ "sơ tán" với tất cả những hậu quả của nó. Vì nhiều người trong số đó, đặc biệt là trong số các cán bộ Liên Xô, đã từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Vài tháng sau cuộc tiễn đưa ấy tôi về nước nghỉ phép, nhưng được giữ lại làm việc ở Mátxcơva.

Theo Trái tim người lính

 

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/chien-tranh-viet-nam-la-the-do-1965-1973-ky-5-gladunop-epghenhi-pavlovich-a10801.html