Hà Nội: Huy động nguồn lực giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Hà Nội huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Đó là một trong những mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của thành phố đến năm 2025.

Chú thích ảnh Tương truyền khi xưa, Phùng Hưng sau khi đánh thắng giặc Đường thì nghỉ chân tại thành Tống Bình (làng Triều Khúc ngày nay). Ngài lệnh cho một số lính nam cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ sau này điệu múa trở thành điệu múa có một không hai của hội làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

 

Cùng với đó, ngành Văn hóa phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương, cộng đồng thực hành di sản triển khai các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể tới người dân trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thế.

Trong thời gian này, Hà Nội xây dựng 3-4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng các ấn phẩm giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể. Trong công tác bảo tồn, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương, đơn vị thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức 2-3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Thành phố tổ chức liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các chương trình giáo dục di sản; giới thiệu, trình diễn, phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Thành phố khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia thực hành, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh, khen thưởng tổ chức, nhóm cộng đồng, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Với di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, thành phố Hà Nội triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, các nội dung đã cam kết với UNESCO khi đăng ký ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị. Các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ, Hà Nội ưu tiên các nguồn lực cho việc triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tổ chức nghiên cứu, sưu tâm, tư liệu hóa di sản; phục dựng, hỗ trợ truyền dạy, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị.

Hà Nội cũng đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước trong việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, thành phố vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm đa dạng nguồn lực thực hiện các dự án bảo vệ, phát huy giá trị.

Đinh Thuận (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/huy-dong-nguon-luc-toan-xa-hoi-giu-gin-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-a10809.html