Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 38)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 38.

          Ngày 9 tháng 1 năm 1593, một trận hợp vây của quân Nam Triều ở Chí Linh, các chiến lũy phòng thủ Thanh Lâm của quân Mạc tan vỡ, quân Mạc đại bại, bị giết 6 vạn người. Triều đình của Mạc Kính Chỉ tháo chạy. Hoàng Đình Ái cho quân truy kích đến thôn Tân Manh, huyện Hoành Bồ, An Quảng (Quảng Ninh) bắt được bọn Vũ An Vương Mạc Toàn, An Sơn Vương Mạc Kính Thành, Hoàn Lương Công Lý Hựu, Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Phu, Mạc Kính Thân, Mạc Kính Tuần đều là con Mạc Kính Điển…tổng cộng hơn 60 người đem chém hoặc buộc thắt cổ chết ở bến Cỏ (Thảo Tân). Mạc Đôn Nhượng (con của Mạc Thái Tông) chạy lên Lạng Sơn, ít lâu sau thì qua đời.

chuylm1-1645805025.jpg
Thăng long thời Mạc- Lê Trịnh. Nguồn: Internet.

 

Lão tướng quốc cửu nhà Mạc Nguyễn Quyện bị Trịnh Tùng bắt đưa về Thanh Hóa. Ngày 4-11-1593 Nguyễn Quyện bị giết chết trong ngục ở Vạn Lại-An Trường. Các con là Nguyễn Tín, Thọ Nham Hầu Nguyễn Trù, các con của Phùng Hưng Hầu Nguyễn Miễn (em Nguyễn Quyện)  là Phù Hưng hầu Đô Mỹ, Văn Bảng, Nam Dương, An Nghĩa, Nhân Trí chạy theo Mạc Kính Cung lên Cao Bằng. Ái nữ của Nguyễn Quyện là Nguyễn Thị, hoàng hậu nhà Mạc, sau khi Đông Kinh thất thủ không rõ tung tích.

 Năm 1593, Mạc Ngọc Liễn Lập con của Mạc Kính Điển là Mạc Kính Cung lên ngôi ở bờ Bắc sông Nhị, lấy niên hiệu Càn Thống. Ngày 24 tháng 4 năm 1593 Trịnh Tùng cầm quân đánh dẹp. Mạc Ngọc Liễn thua rút chạy. Tùng sai các tướng về giữ các phủ Hạ Hồng, Thượng Hồng, Khoái Châu, Thuận An, Từ Sơn, ra lệnh cho dân phiêu tán do chiến tranh nay về quê lập nghiệp.        

Năm 1594 Mạc Ngọc Liễn đưa Mạc Kính Cung chạy về An Bắc, chạy sang Tư Minh Trung Quốc.

Lúc này Thái Bảo Đà Quốc Công Chưởng Phủ Sự Mạc Ngọc Liễn ốm và qua đời, để lại di chúc cho Mạc Kính Cung là “Thà lánh thân nước ở ngoài chứ đừng mời người Tàu sang hại dân hại nước”. Mạc Ngọc Liễn là con Nguyễn Kính, đại thần nhà Mạc, được mang quốc tính họ Mạc. Ông là một tướng trung thành với nhà Mạc và có tinh thần yêu nước. Năm 1596 Phan Ngạn tiếp tục đánh dẹp, bắt được Trang Vương Mạc Kính Chương, cháu nội Mạc Kính Điển ở An Quảng và giết chết.

Trịnh Tùng sai sửa sang cung điện ở Đông Kinh, sai Thái phó Dương Quốc Công Nguyễn Hữu Liêu đón xa giá vua Lê Thế Tông đã từ Vạn Lại- An Trường về Tây Đô rồi ra Đông Kinh. Ngày 16 Tháng 5 năm 1593 vua ngự ở điện Càn Nguyên nhận lễ mừng của các quan, đại xá thiên hạ, phong thưởng các tướng Nam Triều có công. 60 năm nhà Lê lại về kinh đô cũ nhưng vị thế thời cuộc không còn như xưa.

 Từ năm 1593 đến năm 1594, Nguyễn Hữu Liêu tiếp tục đánh phá và tiêu diệt tàn quân Mạc ở Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Do công lao đó nên được phong thưởng: Được thu thuế 4 phủ xứ Sơn Tây, ăn lộc một số làng Đường Hào, Hưng Yên, Ngọc Sơn, Thanh Hóa, La Sơn Thanh Chương, Quỳnh Lưu Nghệ An.

  Năm 1595 Trịnh Tùng buộc vua Lê Thế Tông phong cho mình làm Bình An Vương, lập phủ chúa bên ngoài hoàng thành, song song với triều đình của vua Lê. Ở trung ương, nhà Trịnh đã lập ra một bộ máy hành chính riêng, gọi là Ngũ phủ liêu, nắm toàn bộ quyền lực của đất nước, biến vua Lê thành hư vị hoàn toàn. Phủ chúa đứng đầu là chúa Trịnh, dưới chúa có chức quan Tham tụng tương đương tể tướng, dưới Tham tụng là Bồi tụng, ở Đông Kinh có ngũ phủ là 5 cơ quan quân sự hành chính, đứng đầu mỗi phủ là tả, hữu Đô đốc. Đó là Trung quân, Đông quân, Tây quân, Bắc quân, Nam quân. Nhà Trịnh còn đặt ra 6 phiên, chức năng là cơ quan hành pháp như 6 bộ của nhà Lê. Phiên binh nắm quân sự, Phiên hình nắm tư pháp, Phiên hộ  nắm dân số nhân khẩu, phiên công nắm xây dựng đường sá, nhà cửa cầu cống, cung điện, công xưởng nhà nước, Phiên lại nắm và bổ nhiệm, thăng giáng, cách chức quan lại, Phiên lễ nắm ngoại giao. Chính quyền địa phương không thay đổi cấu trúc như thời Lê Thánh Tông. Cả nước chia thành các đơn vị hành chính là Trấn, phủ, huyện, xã và làng ở miền xuôi, bản ở miền núi. Chính quyền trung ương ngũ phủ liêu và phiên, chính quyền địa phương các cấp đều dặt dưới quyền của chúa Trịnh. Chúa Trịnh nắm hết thực quyền của đất nước. Vua Lê thành hư vị, chỉ còn được 5000 quân túc vệ, 7 con voi, 20 thuyền rồng, thu thuế 1000 xã làm bổng lộc.

   Ngày 28 tháng 3 năm 1597, vua Lê Thế Tông thân đốc xuất Hữu tướng Hoàng Đình Ái, Thái úy Nguyễn Hoàng (từ Thuận Hóa ra), Nguyễn Hữu Liêu cùng tả hữu đô đốc 8 người đem voi và 5 vạn quân lên trấn Nam Quan giao thiệp với nhà Minh. Hoàng Đình Ái tâu:

-Tình hình nhà Minh hiện nay không thể đánh được nước ta, chỉ có thể là diễu võ dương oai để ta sợ, thực hiện mưu đồ mà xưa kia tổ tiên của họ thất bại, Xin Đô Tướng Tiết chế cho lệnh được tùy nghi đối phó.

  Trịnh Tùng nói:

-Hữu tướng nói phải lắm.

  Trịnh Tùng liền trao cho Hoàng Đính Ái thanh gươm “An Quốc”.

  Đại diện nhà Minh là Vương Kiến Lập trông thấy quân Lê-Trịnh oai  hùng dũng mãnh, khiếp sợ, từ bỏ dã tâm bắt nạt, đe dọa. Cuộc Hội Khám do đó đó tiến hành đúng nghi lễ ngoại giao. Nhà Minh buộc phải công nhận nhà Lê là triều đại cai trị Đại Việt.

 Tháng 3 năm 1597, do công lao to lớn với Nam Triều, lão tướng Nguyễn Hữu Liêu được phong Thái úy Dương Quốc Công. Tháng 5  năm 1597 Nguyễn Hữu Liêu mất, thọ 66 tuổi. Có đền thờ ở Đông Khê, Tây Tựu, Từ Liêm.

  Ngày 3 tháng 1 Năm 1598, Hoàng Đình Ái đem quân đánh quân Mạc ở Lạng Sơn, bắt được Mạc Kính Luân, thu 35 chiến mã và nhiều khí giới. Tháng 6 năm đó, Ái sai Lâm Quận Công Trần Phúc đem 1.000 quân đến châu Thoát Lãng, bắt được con trai Mạc Kính Cung khi đó 12 tuổi, giải về kinh giết bằng thắt cổ. Tháng 8 năm 1598 Mạc Kính Dụng họp quân ở huyện An Bắc, xưng Uy Vương, muốn giết viên Thổ quan là Phú Lương Hầu để cướp đất đai. Phú Lương Hầu giả hàng, dụ Kính Dụng vào núi, giết hết tay chân rồi báo cho Trịnh Tùng. Trịnh Tùng bắt Kính Dụng về kinh thắt cổ chết. Mạc Kính Cung  chạy về cố thủ Cao Bằng.

   Năm 1606 Hoàng Đình Ái ốm nặng. Trịnh Tùng đến thăm và hỏi:

-Hữu tướng quốc một thời công lao dồn lại to hơn núi Thái. Hữu tướng có muốn được gia ơn chức tước gì cho con cháu?

 Hoàng Đình Ái đáp:

-Đa tạ Tiết chế, Người ta sinh ra ở đời, ai có bổn phận người ấy, công lao nên tự lập, chức tước chớ lạm phong.

  Lão tướng Nam Triều Hoàng Đình Ái mất ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mùi 1607 tại Đông Kinh, hưởng thọ 81 tuổi.

  Triều đình Lê-Trịnh thương tiếc, cho để tang 5 ngày, không thiết triều 5 ngày, lấy dân 10 xã làm lính canh giữ phần mộ.

 *

*      *

 Vào một đêm mùa hạ năm 1600, tại Đông Kinh, trong dinh thự của Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê có tiệc rượu mà tham gia là ba tướng tâm phúc gắn bó từ thời bỏ Mạc theo Lê -Trịnh. Trong ánh đèn mờ ảo của những ngọn đèn dầu lạc, trên mâm thức ăn đã vơi đi quá nửa, ba vò rượu chỉ còn vỏ không lăn long lóc. Ba tướng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Bùi Văn Khuê nâng bát tiếp tục mời Phan Ngạn và Ngô Đình Nga.

-Uống đi chiến hữu, uống cho vơi nỗi buồn.

Ba người cạn bát. Ngô Đình Nga đặt bát và hỏi Bùi Văn Khuê:

-Mỹ Quận công có gì buồn vậy?

Bùi Văn Khuê thở dài:

-Ta vì bị tên hôn quân Mạc Mậu Hợp bức bách mới sang với Nam Triều. Ta đã đem hầu hết lực lượng thủy binh của Nhà Mạc về, nhờ vậy Đô tướng Tiết chế Trịnh Tùng mới giành được toàn thắng, bắt được Mạc Mậu Hợp. Vậy mà…

Phan Ngạn hỏi

-Vậy mà sao Mỹ Quận Công?

-Vậy mà Trịnh Tùng không nể công lao của ta, vẫn đem nhạc phụ của ta là Nguyễn Quyện và một số con em ra giết khiến cho ta xấu hổ hết đường ăn nói với phu nhân của ta. Tại sao Trịnh Tùng lại không thể tha thứ cho một ông già đã 82 tuổi về với điền viên vui thú nhàn tản vài năm. Giết ông già để làm gì kia chứ.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-iv-tieu-thuyet-lich-su-ky-38-a10850.html