Bác Hùng

Con Còi!

- Bác đợi cháu ạ?

- Còn gì nữa, nghe tin mày về là tao ra cổng ngóng đây. Mẹ bố con Còi, khoẻ không?

- Cháu biết mà, thế nào bác cũng mong cháu về.

Đấy là câu cửa miệng của bác hàng xóm cũng là bác sĩ của trạm xá lâm trường - nơi ghi dấu “ Tuổi thơ dữ dội” của những đứa trẻ như tôi.

bac-hung-1646006283.png
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Ngày ấy, khi chúng tôi chào đời đều được bác đón tay. Vỗ vào mông một cái cho khóc to lên. Bác cười và nhận xét từng đứa: Lì, hiến, đanh đá, làm phi công… Các bà mẹ biết đó là câu nói hài hước nhưng vẫn cố cười mặc dù rất mệt.

Nhà tôi sát nhà bác, cách nhau mỗi cái giậu râm bụt. Hai nhà có gì ăn đều chia cho nhau. Nên bác coi chúng tôi như con cái trong nhà. Những đứa trẻ ở đội sản xuất gần lâm trường hầu như không biết đến bệnh viện là gì. Từ người lớn tới trẻ nhỏ hầu như do bác thăm khám và điều trị . Bố tôi kể: "Bác rất giỏi về chuyên môn. Bác từng phục vụ nhiều năm trong quân đội, sau đó, bác chuyển ngành về làm trạm trưởng trạm xá của lâm trường". Thảo nào, bác giỏi thế. Tôi nghĩ vậy.

Khi tôi tròn 6 tháng tuổi phải cai sữa vì mẹ mắc bệnh gan. Bác vừa điều trị cho mẹ, vừa hướng dẫn bố chăm sóc tôi. Tôi lớn dần nhưng nhỏ con hơn các bạn trong lớp mẫu giáo. Mọi người quen gọi là Còi.

Bắt đầu vào lớp 1 được 2 tháng, tôi bị viêm gan như mẹ. Bố xin phép cô giáo cho tôi nghỉ học. Cả nhà lo lắng. Bác bảo: “không sao, tôi sẽ điều trị cho con bé khỏi bệnh”.

Những ngày ở trạm xá, tôi thấy bác tất bật với bệnh nhân. Đêm khuya, có ca cấp cứu bác vẫn chữa trị tận tình.

Ngày xuất viện, bác cho tôi ngồi lên xe đạp chở về tận nhà. Có lẽ từ đó tôi đã quý bác như người cha của mình.

Tôi nhớ khi học lớp 7, buổi trưa hôm chủ nhật, nghe tiếng có người kêu thất thanh:

- Mọi người ơi, cái Nga nhà Năm Kính bị sét đánh chết rồi!

Cả xóm tất tả chạy lên nhà chú Kính. Bác Hùng bắt mọi người giãn ra. Cái Nga mặt xám ngoét. Bác hô hấp cho nó. Cô y tá tiêm trợ sức. Mọi người đưa nó vào trạm xá. Sau một hồi điều trị tích cực, cái Nga đã mở mắt nhìn mọi người. Cô Năm mừng quá vừa cười vừa khóc. Sau này đến lớp, cái Nga mới kể lại câu chuyện " giời đánh không chết". Trưa hôm đó, nó bám vào dây thép phơi quần áo lúc trời chuyển giông. Chỉ nghe tiếng xẹt, và nó không biết gì nữa.

Tôi lại càng ngưỡng mộ bác.

Cũng cuối năm đó, tôi bị ngã xe ở dốc 27. Một người ở ngoài bến phà đi qua lâm trường báo tin. Nghe thấy thế, chú lái xe ở lâm trường chở bác vào tận nơi vì mọi người nghĩ tôi bị rơi xuống vực. Xe đỗ trước mặt tôi. Bác mang theo túi thuốc, bước xuống xe. Thấy tôi chỉ bị đau ở tay mà không bị xây xát gì. Bác gí tay vào trán tôi và cười:

- Con Còi, mày làm cả nhà lo. Bố nhỡ phà chưa về. Có bác đây, đừng lo nhé!

Tôi rơm rớm nước mắt.

Ngày tôi đi công tác xa nhà, bác cũng đã về hưu. Bác vẫn chăm sóc bệnh nhân như thế. Và mỗi lần nghe tôi được nghỉ là bác lại sang nhà trò chuyện với bố tôi:

- Con Còi sắp về chưa chú?

Rồi một ngày, trên đường bác đi thăm khám cho bệnh nhân, trên đường về bác đã bị quệt xe.

Tôi không kịp về đưa tiễn bác.

Một chiều đông, tôi lặng người khi thắp nén nhang trên mộ của bác nghẹn ngào:

- Con cảm ơn bác!

Chuyện làng quê

Phạm Thúy Hậu

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-hung-a10889.html