“Tháng ba” và Trần Chấn Uy

Thơ Trần Chấn Uy, dẫu truyền thống nhưng vừa có hiện thực vừa vô tận, vừa dung dị vừa thanh cao. Ông đi vào lòng người đọc bằng cách ấy, rất riêng như cách chơi, cách cảm của ông. “Tháng ba”, bài thơ mới của ông có vẻ đẹp lộng lẫy của cô đơn.

hoa-soan1-1646744898.jpg
Hoa Xoan rắc tím

 

Nhà thơ Trần Chấn Uy ở Nha Trang vừa bị nhiễm “đặc hữu”, nhưng tháng ba đến cũng tặng ông “đặc hữu”. Đó là nhớ nhung, ông đang lang thang giữa mơ hồ của xuân hạ. Ông gửi cho tôi bài thơ “Tháng ba”, nghe đâu sáng tác từ lúc 3h sáng. Có nghĩa là nhà thơ, thức cùng giấc ngủ. Nguyên văn bài thơ:

Trần Chấn Uy

THÁNG BA

 

Tháng ba đủng đỉnh về trời

Hoa xoan tím đã rã rời xác xuân.

 

Bướm hoang đậu dậu cúc tần

Bóng người vô hạnh đã dần dần phai.

 

Ta ngồi uống cạn đêm dài

Giọt trăng vụn vỡ rụng ngoài sân rêu.

 

Sương đêm choàng giấc mơ yêu

Vẳng nghe chim vạc khản kêu gọi chồng.

 

Với tay về phía hư không

Vốc đầy nắm gió bỏ chồng đi hoang.

 

Đò khuya lẻ bóng người sang

Liêu trai lạnh bến, ai mang người về?

 

Ta ngồi rót cạn đêm quê

Rượu khan nhắm với tái tê nỗi mình.

 

TCU

 

Thưa, thơ lục bát, thể loại thơ tạo hiệu ứng “đưa nôi” (chữ của nhà văn, nhà LLPB Ngô Tự Lập). Trần Chấn Uy đang “đưa nôi”: “Tháng ba đủng đỉnh về trời / Hoa xoan tím đã rã rời xác xuân” và “Bướm hoang đậu dậu cúc tần / Bóng người vô hạnh đã dần dần phai”.

Thơ truyền thống, thường khổ thơ có 4 câu, nhưng trong thi pháp hiện đại; ngắt khổ, ngắt câu cũng là thủ pháp. Giữa câu hai và câu ba có “khoảng trắng”, như vậy 4 câu thành 2 khổ và trong toàn bài đều như vậy, có dụng ý của nhà thơ. Ở đây, nhà thơ gửi đến thông điệp: hãy cảm và ngộ cùng ông.

Điều dễ nhận ra là gì? Bốn câu đầu cho thấy khách thể của nhận thức, đời sống thực đang diễn ra ngoài kia (bây giờ đang nằm trong cảm thức của ông) đó là “tháng ba”, “hoa xoan” đã bung nở (rắc tím), xuân gần qua (xác xuân), lũ “bướm hoang” đang tiếp tục đẻ trứng thành sâu trên giậu cúc tần. Cúc tần có thể gặp đâu đó, hoa xoan ai từng sinh ra ở quê không lạ.

Trong cái hiện thực vận động ấy, có “Bóng người vô hạnh đã dần dần phai”. Đây mới chính là “cắc cớ” để thi sỹ thức đến 3 giờ sáng. “Vô hạnh” không có nghĩa là “không có hạnh phúc”. “Vô hạnh” vừa có gốc Hán – Việt, vừa có gốc ngôn ngữ Phật giáo, trong trường hợp này là bóng người mong hạnh ngộ nhưng chưa gặp, đang dần dần phai đi, ảo hơn. Đây là hiện thực thứ hai, hiện thực ảo, chỉ thấy trong tâm hồn thi sỹ. Vì thế tâm hồn nhà thơ mới bị đẩy đến hoàn cảnh:

...

Ta ngồi uống cạn đêm dài

Giọt trăng vụn vỡ rụng ngoài sân rêu.

            ...

Với tay về phía hư không

Vốc đầy nắm gió bỏ chồng đi hoang.

tran-tran-uy-1646744899.jpg
Bìa tập thơ “Bóng làng”
tran-tran-uy2-1646744899.jpg
Nhà thơ Trần Chấn Uy

 

Đến đây, bóng dáng của hiện thực cuộc sống cũng đã không còn, nhường chỗ cho “hiện thực nội tâm” hướng nội của nhân vật trữ tình “ta” ngồi uống cạn đêm dài. Trong khung cảnh “Giọt trăng vụn vỡ rụng ngoài sân rêu”, thi sỹ “Với tay về phía hư không”. Bài thơ phát triển đến tâm trạng, tư tưởng của chủ thể: Ta thực và Ta mơ! Với tay về phía hư không, ta cũng chỉ còn là cái bóng, sắp trở thành hư không.

...

Đò khuya lẻ bóng người sang

Liêu trai lạnh bến, ai mang người về ?

 

Ta ngồi rót cạn đêm quê

Rượu khan nhắm với tái tê nỗi mình.

 

Hai khổ cuối của bài thơ cho thấy “thế giới thực” ở “hư không” mà nhà thơ vừa cập bến. Nghe có vẻ mâu thuẫn về ngôn ngữ, tuy nhiên nếu nhận ta thi sỹ đang cô đơn trong “thế giới mơ”, thì dễ nhận ra “thế giới thực” của ông. Bài thơ rất lãng mạn, “lãng mạn Trần Chấn Uy” – phong tình, mơ mộng và quyến rũ.

Trần Chấn Uy là nhà thơ chung thủy với “truyền thống”, nhưng trong truyền thống, luôn có sự mới lạ của “liêu trai”. “Ta ngồi uống cạn đêm dài”, “Với tay về phía hư không”, “Đò khuya lẻ bóng người sang”, “Ta ngồi rót cạn đêm quê” là những câu thơ hay, thi ảnh buồn đến lạnh người nhưng đẹp. Thơ Trần Chấn Uy, dẫu truyền thống nhưng vừa có hiện thực vừa vô tận, vừa dung dị vừa thanh cao. Ông đi vào lòng người đọc bằng cách ấy, rất riêng như cách chơi, cách cảm của ông.

Trần Chấn Uy là nhà thơ của “Bóng làng”. Bóng làng đổ lên tâm hồn ông, nên thơ thấm đẫm hồn làng. Ông từng có hai bài thơ viết về tháng ba là “Bài thơ tháng ba”, “Tháng ba” – đã in trong tập thơ “Bóng làng” NXB Hội Nhà văn 2018, nhưng bài “Tháng ba” này nỗi cô đơn dồn nén trở nên lộng lẫy. Tháng trong năm tâm hồn thi sỹ dễ đổ nồm, dở chứng./.

 

8/3/2022

NĐH

 

               

Ngô Đức Hành

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-ba-va-tran-chan-uy-a11070.html