Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 6)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

chudong-hoi-9-1646750117.png

Lũy Thầy Đồng Hới (Quảng Bình) ngày nay.

Lũy Thầy, (hay còn gọi là Lũy Đào Duy Từ), do tướng Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng năm 1630; và đã hoàn thành sau 3 năm.. Lũy Thầy chứa đựng những độc đáo về kiến trúc và giá trị lịch sử, năm 1992 được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Lũy Thầy đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc chiến tranh thời Phong Kiến và Thực Dân. Các di tích còn lại chỉ là những mảnh ghép nhỏ trong hệ thống Lũy Thầy năm xưa.Tuy nhiên giá trị văn hóa, lịch sử, quân sự thì trường tồn mãi theo năm tháng. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 6.

Một lát Lê Khuê và Nguyễn Khái vào:

-Dạ, chúa công cho gọi mạt tướng?

Trịnh Tráng nói:

-Ta sẽ thống lính 20 vạn binh mã đánh Thuận Hóa. Tướng Lê Khuê nghe lệnh.

-Dạ.

-Tướng quân đem 200 chiến thuyền và 3 vạn quân đi đường biển vào sông Linh Giang chở bộ binh qua sông.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Nguyễn Khải nghe lệnh

-Dạ, có mạt tướng.

-Ta làm chủ soái, tướng quân làm phó soái chỉ huy 7 vạn quân cùng ta tiến vào Linh Giang theo đường bộ.

-Dạ, mạt tướng tuân lệnh.

-Thế tử Trịnh Tạc nghe lệnh.

-Dạ, Tạc nhi nghe lệnh.

-Thế tử thay ta ở nhà nhiếp chính.

-Dạ, Tạc nhi tuân lệnh.

-Bãi triều.

                                                          III

200 binh thuyền và 3 vạn quân Trịnh do tướng Lê Khuê chỉ huy xuất phát từ Lục Đầu Giang qua sông Kinh Thầy xuôi ra cửa Nam Triệu, tinh kỳ rợp trời theo đường biển tiến vào sông Linh Giang. Mỗi thuyền có 26 mái chèo nên thuyền đi như tên bay. Trên mỗi thuyền đặt 3 đại bác, ở mũi thuyền một khẩu, phía sau 2 khẩu. Gió thổi vi vu, sóng vỗ vào mạn thuyền tung bọt trắng xóa. Đoàn thủy binh đi 3 ngày 3 đêm đã vào sông Linh Giang chờ bộ binh do Trịnh Tráng và Nguyễn Khái đang tiến vào theo đường bộ. Chờ 10 ngày sau, 7 vạn quân Trịnh đến bờ bắc sông Linh Giang. Lý Khuê cho thủy binh xuống bờ Nam để dùng thuyền chở bộ binh qua sông. Mất một ngày 7 vạn bộ binh mới qua hết bờ Nam. Một phần ba bộ binh mang vũ khí nhẹ như súng hỏa mai, cung tên, gươm giáo, tạc đạn. Tạc đạn ném vào quân địch cho nổ tung, sát thương bằng các mảnh kim loại, gốm, sứ vỡ bên trong. Yếu điểm của bộ binh Trịnh là không có đại bác vì nặng không tiện cho việc hành quân, đại bác chỉ có gắn trên chiến thuyền mà thuyền chỉ ở biển cửa Nhật Lệ, không thể bắn vào quân Nguyễn hoặc công phá chiến lũy. 3000 kỵ binh và xe cộ lương thực cũng đành để lại bên bờ Bắc Linh Giang. Quân Trịnh hạ trại ăn lương khô gồm bánh chưng, bánh đa, giò lợn, giò bò, tự người lính phải mang theo bình nước uống cho mình. Trịnh Tráng ra lệnh canh phòng nghiêm ngặt đề phòng quân Nguyễn cướp trại.

Ngày hôm sau khi hừng đông báo hiệu một ngày mới thì 10 vạn quân Trịnh cũng thức dậy. Chưa bao giờ bờ bắc sông Nhật Lệ lại nhộn nhịp như vậy. Quân Trịnh chia làm 3 đạo, quân phục màu nâu, gươm, giáo, súng hỏa mai sáng lòa, lưng mang nặng trĩu tạc đạn, cung tên, lương khô, nước uống. Trên đầu hàng vạn cờ vàng bay phấp phới. Trịnh Tráng nói to trước hàng quân:

-Hỡi ba quân, quân đội của chúng ta đã bách chiến bách thắng, đánh bại quân Mạc. Hôm nay chúng ta quyết phá tan lũy Thầy của quân Nguyễn, vượt sông Nhật Lệ tiến về thủ phủ Phước Yên, tiêu diệt họ Nguyễn, đưa Thuận Hóa về với Đại Việt, với Lê Trung Hưng. Nay ta ra lệnh:

-Đại tướng Lê Khuê chỉ huy 3 vạn quân tiến đánh lũy Trấn Ninh

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Đại tướng Nguyễn Khái chỉ huy ba vạn quân tiến đánh chiến lũy Trường Dục.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Đại tướng Nguyễn Khắc Liệt chỉ huy thủy quân sẵn sàng đánh thủy quân Nguyễn ở cửa sông Nhật Lệ, bảo vệ phía sau cho quân ta ở bắc Nhật Lệ.

-Mạt tướng tuân lệnh.

 6 vạn quân Trịnh chia thành hai khối ngang tiến về Bắc Nhật Lệ. Chỉ còn cách Nhật Lệ khoảng 6 dặm thì quân Trịnh phải đi qua cánh đồng hẹp, còn hai bên phía Đông và phía Tây là những chiến lũy dựng đứng đắp bằng đất sét dầy và cao. Trên mặt chiến lũy cờ vàng bay phấp phới, dưới những lá cờ là hàng trăm khẩu thần công. Trên mặt chiến lũy thấp thoáng bóng quân Nguyễn. Quân Trịnh càng tới gần sông Nhật Lệ càng thấy rõ những bức thành cao sừng sững với những khẩu thần công đen ngòm như những thần chết đang sẵn sàng nhả đạn vào họ. Chưa đánh mà quân Trịnh đã thấy hoảng hồn rợn tóc gáy.

  Trong khi quân Trịnh đang tiến vào thì trong lũy Trấn Ninh tướng Nguyễn Hữu Dật cùng 2 vạn quân đã sẵn sàng nhả đạn vào quân Trịnh. Tại lũy Trường Dục dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Phúc Trung cùng 2 vạn quân cũng đã nằm bên những khẩu thần công và máy bắn đá, chỉ còn chờ lệnh là dáng sấm sét xuống đầu quân Trịnh. Cấu trúc của lũy Thầy là bên ngoài thành dựng đứng, bên trong thoai thoải có bậc thang cho quân lính di chuyển dễ dàng. Bên trong chiến lũy là doanh trại, kho lương thực, kho đạn dược, thuốc súng, nhà ăn, nhà cứu thương.

Quân Trịnh đứng trước chiến lũy mà không có phương tiện trèo lên, không biết cửa lũy ở đâu mà phá. Lý Khuê và Nguyễn Khái ra lệnh cho quân ném tạc đạn vào lũy để mong phá sập thành đất, nhưng tạc đạn cách xa không vào được chân thành. Sau những tiếng nổ ầm ầm thì quân Trịnh hò reo tiến vào. Tiếng hò reo vang dậy, tiếng trống trận thúc liên hồi, hàng vạn quân Trịnh lao vào ném tạc đạn vào chân chiến lũy, bắn súng hỏa mai lên trên mặt thành. Hàng vạn ánh chớp lóe lên, tạc đạt liên hồi thi nhau nổ như sấm. Trong khói lửa mù mịt, quận Nguyễn trên chiến lũy bắt đầu nã máy bắn đá, tạc đạn, cung tên và súng hỏa mai vào quân Trịnh. Hàng nghìn quân Trịnh gục xuống. Hàng vạn quân Trịnh cố xông lên gần và ném tạc đạn. Tạc đạn gần có thể làm chiến lũy tổn hại cho nên Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến quyết định thảm sát quân Trịnh:

-Bắn súng thần công.

  Sau mệnh lệnh, hàng trăm khẩu thần công nổ vang như sấm, phụt khói. Đạn trái phá rơi vào hàng ngũ dày đặc của quân Trịnh và nổ, hàng nghìn xác lính nổ tung và bay lên trời trong khói lửa và mảnh đạn. Quân Nguyễn cũng ném tạc đạn xuống. Đại bác và tạc đạn làm lần lượt hàng nghìn xác lính Trịnh bay lên trời. Quân Trịnh khiếp sợ bắt đầu tan vỡ tháo chạy ra phía Bắc. Họ dày đạp lên xác đồng đội mà chạy. Trong cuộc đời chinh chiến họ chưa thấy một loại vũ khí nào khủng khiếp như vậy. Thấy quân đội tan vỡ bỏ chạy, vả lại có đứng lại cũng chỉ làm mồi cho đại bác và tạc đạn, hai tướng Lê Khuê và Nguyễn Khái cũng thúc ngựa chạy về bờ Nam sông Linh Giang.

  Trịnh Tráng trong tổng hành dinh ở Bắc Nhật Lệ khoảng 10 dặm, nhìn thấy phía trước như giông bão của lửa đạn biết rằng cuộc tấn công có thể bị thất bại vì quân Trịnh không có đại bác. Đại bác trên chiến thuyền quân Trịnh từ sông Linh Giang bắn không tới, nếu tới cửa Nhật Lệ thì bị đại bác trên chiến lũy tiêu diệt. Quả nhiên như linh tính, hàng vạn quân Trịnh mặt mày hoảng sợ, quần áo đen kịt hoặc lành lặn hoặc bị thương chạy trong rối loạn về trước tổng hành dinh. Nguyễn Khái và Lê Khuê quân phục tơi tả chạy về quỳ trước Trịnh Tráng:

-Dạ bẩm chúa công, quân đội sợ hãi uy lực của thần công quân Nguyễn, tự động tan vỡ và tháo chạy. Mạt tướng xin chúa công trị tội.

Trịnh Tráng hỏi:

-Sao không tiến sát chân thành ném tạc đạn phá chiến lũy địch?

-Dạ bẩm chúa công, quân ta bị máy bắn đá, tạc đạn và sau cùng là súng thần công khống chế không thể vào gần được chân thành, chỉ từ xa ném tạc đạn nên không có kết quả.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-6-a11076.html