Về với má

Tình quân dân, chúng tôi về với dân và với du kích xã Mỹ Hiệp, Phù Mỹ (Bình Định). Tôi ghi lại mộc mạc chân thành để các con các cháu biết được lòng dân với quân giải phóng Miền nam quý hoá vô cùng .

ve-voi-ma-1646887626.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

  

  Qua năm tháng hành quân, hơn một trăm ngày ròng rã và bao mong đợi đã tới đơn vị. Nếu tính đường chim bay thì đơn vị chúng tôi chỉ cách địch vài cây số, bởi chưng đường rừng vòng vèo núi sông cách trở và ở như vậy rất bất ngờ. Tránh được địch rải chất độc da cam, tránh được B52 rải thảm và thảm báo của địch không thể ngờ tới. Mùa khô phải đào giếng bên bờ suối để lấy nước ăn, mùa mưa nó dữ dằn cuốn phăng tất cả và dòng nước đỏ như dòng máu đỏ...

      Mùa mưa các trận đánh ít diễn ra,chủ yếu là học tập chính trị và bổ xung kỹ chiến thuật. Đêm đêm Văn nghệ đang vui, thì ngày mai tổ chúng tôi sẽ lại đi công tác và tự dưng thấy nhớ mái lán ở rừng của tổ tôi ghê quá..tôi vỗ vỗ vào khẩu AK chúng ta lại lên đường, đêm nay ngủ cho ngon.

      Vừa quen biết anh em trong đơn vị, nay lại chỉnh tề hành quân công tác. Anh chị em túm tít chào chúc nhau lên đường thượng lộ bình an và tôi nhìn thấy khoé mắt mấy đồng chí nữ ứa lệ. Bởi có những tổ công tác ra đi không bao giờ trở lại, vĩnh viễn các anh nằm lại đâu đó trên cánh rừng, bên dòng suối hay bát ngát dừa xanh che Phủ ngàn thu !

      Con suối bé nhỏ mùa khô hôm nay cũng ầm ầm như thác chảy, lại vượt sông Kim Sơn, thác lũ băng băng cuồn cuộn bao cây cối trôi theo và lần này anh bạn trong tổ tôi bị rơi khẩu súng giữa dòng sông Kim Sơn. Anh ta ngồi trên bờ buồn bã mặt dài thượt ngơ ngác: "Chuyến này mình ăn chắc kỷ luật rồi đây ...".

Thôi đừng lo ngày mai nước rút nó sẽ hở ra, thế hả ? Nếu như vậy thì tốt biết mấy. Chúng tôi ngủ lại bên bờ Kim Sơn, nó nổi  giận ầm ầm hôm qua mà sáng nay trôi về biển cả lộ ra bờ cát vàng và khẩu súng của bạn tôi. Anh bạn tôi cứ ôm lấy tôi, miệng luôn nói: "Cậu nói đúng lắm, về đồng bằng mình sẽ khao cậu thích thứ gì? Bánh tráng thịt heo nhá? "Lính với nhau vui như thế đấy, nhưng đồng chí ấy bị pháo địch bắn nát hết đôi chân, tôi vác trên vai chạy bộ hàng chục cây số để tới bệnh viện 21 mà không cứu được. Khi còn sống, anh tâm sự với tôi: "Mình quê ở Hải Dương có người yêu tên là Thắm ...", anh tên là Nhanh. Anh vừa tròn tuổi 22 trắng trẻo đẹp trai cả đơn vị nghe tin ai cũng trào nước mắt !

      Rừng núi lắm dấu chân người đi thành lối, lối mòn từ chân dốc tới đỉnh dốc và sang bên kia thoai thoải, anh em chúng tôi gọi với nhau là dốc Dài. Đây là nơi ác liệt địch bắn phá liên tục, chúng ném bom và trực thăng rà lượn suốt ngày. Nhưng nó là cửa khẩu để mua lương thực của đồng bào để nuôi quân, chứ không có gạo miền Bắc vô được. Biết bao đồng chí đã hy sinh ở xứ sở này với công việc bám địch cho anh em các đơn vị mua gạo vận chuyển lên rừng nuôi quân.

      Đêm đêm bám địch dẫn quân ta về các ấp mua gạo, tình hình không có địch thì các ấp vui như hội. Bởi tình quân dân, ăn ở lời nói quân ta khác quân địch, các Má lại rất thương các con ,vì các con lúc nào nom cũng rất tội . Mấy anh em du kích  cứ hỏi: "Nào nhậu gì chưa? Bánh tráng nghen? ...". Vui nhất là du kích, có chúng tôi là họ vững tâm, như có cách mạng bên sườn không sợ gì hết. Nhưng nhiệm vụ bí mật cũng không nói cho họ biết được,chả là vì họ dễ dao động và có một vài anh em còn quay về với địch.

      Chúng tôi đi mấy hôm là vì đi chuẩn bị chiến trường,phải bí mật cũng đành nói dối với du kích là về họp đơn vị, những ngày ấy lại tìm đài quan sát, mở lối tìm tới các cứ điểm của địch và tiếp cận trinh sát ...kỹ lưỡng mới chui rào.

      Vì có hàng rào che chắn nên kẻ địch lại chủ quan, khuya về chỉ trừ lính gác còn chúng ngủ không biết gì, vì thế chúng tôi chui vào tới căn cứ của chúng nhìn thấy, nghe thấy chúng đang ngủ gáy ò..ò .

      Vẽ được sơ bộ cứ điểm của địch, nắm được số lượng quân? Vũ khí?các lớp rào? ...kỹ lưỡng gửi ngay về cấp trên và lên sa bàn tác chiến.

      Việc lớn mà xong cứ nhẹ cả người, tuổi trẻ của chúng tôi là như thế đấy và đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, đất nước được như hôm nay có biết bao đồng đội của chúng tôi không trở về, đau thương còn có kẻ nói rằng :" Chiến tranh qua rồi nhắc làm gì...xin đừng nói nhiều về quá khứ nữa...". Chân lý không bao giờ thay đổi, hàng ngàn năm sử sách há chẳng ghi biết bao chiến công hiển hách của ông cha ta đó sao? Chỉ có kẻ bán nước làm tay sai cho giặc và kẻ xâm lược đau đớn mỗi khi nhắc tới hào hùng của dân tộc ta mà thôi .

       Mấy đêm đi xa nay về gần lại, anh em du kích mừng quá đỗi: "Mấy anh đi Từ hôm rày địch càn dữ quá hổng vô ấp được, đói hết các thứ xài rồi...". Đêm nay lại được về với Má. Má mờ hai mắt không nhìn rõ ,mái tóc bạc phơ móm mém tay sờ vuốt lên mặt tôi Má nói: "Thằng Chính đây rồi nè, con đi đâu lâu dữ dậy? " Má vuốt đôi tay gầy trên vai tôi: "Sao dạo này con gầy dữ dậy ? ..Bất chợt Má giở cặp võng ni lông xanh đậm màu Cô-Ban Má nói :"Má cho con để con dùng nó nhẹ hơn...". Tôi không dám nhận, vì trong quân đội lời thề không được đụng cái kim sợi chỉ của dân

Nhưng người đội trưởng cho phép tôi nhận. Anh nói:" Má có tấm lòng cho thì em xin Má, không ngại, anh cho phép". Anh nói với tôi bao chuyện và khen như thế là em có duyên chứ anh làm sao được...

      Dưới ngọn đèn dầu, Má sắp cho chúng tôi ăn bánh tráng thịt heo, mùi mắn duốc.

Mặn mà ngon quá, có lần về với Má lại được Má cho ăn mực ống chiên giòn ngon mà nhớ mãi cho tới bây giờ.

      Chỉ còn ít ngày nữa là Tết Má gói bánh tét, Má làm bánh ít, bánh in, bánh bèo, bánh xèo... Má cho chúng tôi một gùi mang lên núi anh em cùng vui Tết. Tết năm ngoái còn ở Trường Sơn không có gạo mài củ sắn gói giả làm bánh trưng nhân đậu ăn mà ngon , nhìn nhau ứa lệ .

      Giao thừa đêm năm ấy, cả đêm cùng anh em du kích không sao ngủ được, họ hỏi chuyện ngoài Bắc? Rồi Tết ngoài Bắc ? Anh yêu ai chưa? Và thiếp đi. Sáng dậy trèo lên cây nhìn về ấp của Má! Nước mắt cứ tuôn trào.

Trái Tim Người Lính

Kiều Phúc Chính

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/ve-voi-ma-a11110.html