Ngồi trên giường tầng trong phòng ở ký túc xá sinh viên, Lê Thị Sâm mở chiếc bàn gấp và hí hoáy viết thư gửi Toàn để báo cho anh biết cô đã đỗ vào khoa Sử của Trường Đại học sư phạm Vinh. Bây giờ đầu tháng chín, trời đã vào thu nhưng cái nóng ở “chảo lửa Thành phố Đỏ” vẫn còn oi ả…Trong thư Sâm viết: “Anh thương yêu!, thế là ước mơ cháy bỏng được làm cô giáo tương lai của em đã trở thành hiện thực. Em đã chính thức nhập học được hai hôm rồi, nhưng vì lo xếp sắp nơi ăn chốn ở nên hôm nay em mới biên thư gửi anh. Anh vẫn mạnh khỏe chứ ,chắc vất vả nhiều, học viên trường sĩ quan “Luộc quân” mà anh…Nói đùa vậy thôi, mặc dù em không hình dung được sự học tập, huấn luyện của anh vất vả thế nào, nhưng nghe mọi người nói về Trường Sĩ quan Lục quân rèn quân khiếp lắm…Anh nhớ viết thư đều về thăm bố mẹ nhé. Hôm chuẩn bị đi học em có sang chào hai bác, các cụ nhớ anh nhiều lắm đó… Có mỗi đứa con trai độc nhất, mà hai bác vẫn cho anh đi bộ đội rồi học sĩ quan xa nhà hàng năm trời đằng đẳng”… Cuối thư Sâm viết: “Anh nhớ giữ gìn sức khỏe để Tết năm nay nếu anh được về phép, em sẽ báo với bố mẹ để cho gia đình bên anh được đi chạm ngõ nhé…Gửi anh nhiều cái hôn”.
Vừa ở thao trường huấn luyện về, nhận được thư của Sâm, Trần ThanhToàn mừng quá, anh vội bóc thư đọc và hồi tưởng lại gương mặt người yêu…Toàn vội vàng lục ba lô lấy bút giấy ra biên thư gửi cho Sâm: “Em thương yêu! Vậy là chúng mình xa nhau được hai năm rồi, anh vẫn nhớ như in hôm anh được về nghỉ phép để đi học Trường Sĩ quan, gặp em cô gái học sinh lớp 9 nhỏ nhắn, xinh xắn nước da trắng trẻo và mái tóc dài đã có sức hút kỳ lạ làm mê lòng anh…Thế rồi trời cũng xe duyên cho chúng mình yêu nhau, mặc buổi đầu cô bé hàng xóm vẫn “Thẹn thùng nép sau cánh cửa”…Ngày tiễn chân anh đi học, em đã mạnh dạn hơn nhiều. Anh thật sự bất ngờ khi em kề vai hôn lên má, vào tóc anh trước lúc lên đường…Suốt quảng đường từ Thị xã Đồng Hới (Quảng Bình) đến Thị xã Sơn Tây (Hà Tây) nơi đơn vị đóng quân, anh luôn mỉm cười mãn nguyện và bâng khuâng nỗi nhớ về em… Anh mong ngày tốt nghiệp ra trường nhanh chóng để được về bên em”…
Tình yêu đầu tiên của đôi bạn trẻ thật mộc mạc, giản dị nhưng cũng hết sức sâu lắng và đã trở thành động lực để họ giúp nhau trong quá trình học tập và rèn luyện…Thắm thoắt ba năm học tập của Toàn trôi qua, anh tốt nghiệp ra trường đạt loại Giỏi nên được thăng quân hàm Trung úy, được kết nạp vào Đảng Công sản Việt Nam, đây là vinh dự to lớn không chỉ riêng anh mà còn cả gia đình và người thân. Anh được điều động đến công tác tại đơn vị thuộc binh chủng đặc công. Trước lúc nhận công tác, Toàn được đơn vị cho về nghỉ phép mười lăm ngày, để cưới vợ nhưng sự thật rất phủ phàng, thời gian này Sâm đang đi thực tập ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình…
Toàn và Sâm cùng sinh ra và lớn lên ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi có con sông Nhật Lệ trong xanh đã đi vào huyền thoại…Nơi mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông dưới làn mưa bom, bão đạn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy Toàn lớn tuổi hơn Sâm nhưng họ cũng đã có những kỷ niệm sâu sắc của thời thơ ấu…Còn nhớ một lần Sâm đi chăn trâu vì mãi đọc sách, nên trâu bỏ chạy xuống ruộng lúa, Sâm vừa khóc vừa chạy theo …Vừa lúc đó Toàn cũng trên đường đi học về, thấy vậy, anh nhanh chóng nhảy xuống ruộng lúa túm lấy dây thừng dắt trâu lên bờ. Hành động đó làm cho Sâm vô cùng cảm phục và càng quý mến Toàn.
Do hoàn cảnh chiến tranh, đường sá đi lại khó khăn lại nhận tin quá muộn, nên Sâm không thể về để tổ chức đám cưới được. Gia đình hai bên rất buồn. Bố của Toàn hết thở dài lại thở ngắn, đứng ngồi không yên. Mẹ của Sâm suốt ngày như ngồi trên đống lửa. Những ngày đầu nghỉ phép, Toàn bồn chồn, day dứt, suốt ngày gần như chẳng nói năng gì, đầu óc lúc nào cũng nhớ đến Sâm. Thương con, hai gia đình động viên anh sớm nguôi đi nỗi buồn và cũng tổ chức lễ ăn hỏi để anh yên lòng …Chớp mắt lại đã hết mười lăm ngày phép vẫn không thấy Sâm về, Toàn đành xin phép bố mẹ hai bên để trở về đơn vị trong nỗi buồn man mác…và anh tự động viên mình: “Thôi đành phải thế vì Sâm cũng đã học xong đâu, cưới xong mà nhỡ ra Sâm có bầu thì làm sao mà học tiếp được”…nghĩ vậy, rồi anh vội vàng bước lên xe để về đơn vị trả phép…
Lại nói về Sâm, sau khi không thể về tổ chức đám cưới được, cô cũng buồn lắm, nhưng còn hơn năm học nữa lại phải tập trung thi tốt nghiệp nên cô cũng tạm bằng lòng, rồi cô quyết định ra đơn vị thăm Toàn…Vì chưa tổ chức đám cưới nên đơn vị không thể bố trí cho hai người ở cùng nhau được mà cũng không thể cho Toàn nghỉ huấn luyện để tiếp khách nên họ chỉ được phép gặp nhau trong chốc lát rồi Sâm lại trở về trường… Gặp nhau họ mừng lắm, nhưng hai người cũng chỉ nói được mấy lời:
-Em tìm đơn vị anh có khó không? Toàn hỏi
-Khó mấy em cũng tìm, tại vì em mà chúng mình không làm đám cưới được, xong thực tập là em lên với anh ngay.
-Nhưng tiếc quá về nguyên tắc đơn vị không thể bố trí cho chúng mình ở chung được.
-Em biết rồi, chỉ gặp anh là em quá vui rồi…
-Anh cũng vậy, lỗi tại chiến tranh mà
-Được anh thông cảm vậy là em cũng vơi đi nỗi ân hận…
Đã đến giờ huấn luyện… tiếng còi của Trực ban vang lên réo rắt, hai người chia tay nhau trong nỗi luyến tiếc, bịn rịn, Toàn chỉ kịp hôn nhẹ lên đôi môi e ấp và nỗi buồn day dứt khôn nguôi, không tránh khỏi những giọt nước mắt lăn tròn trên hai gò má… Sâm lững thửng đi bộ ra bến xe để trở lại trường, lòng trĩu nặng nỗi nhớ thương Toàn da diết…
Một buổi chiều mùa Đông cuối năm 1971, khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về cùng với những cơn mưa phùn làm cho khí hậu thêm lạnh lẽo, đơn vị của Toàn nhận mệnh lệnh hành quân thần tốc vào B5 để tăng cường cho mặt trận Trị Thiên- Huế, Toàn vội biên thư gửi Sâm để báo tin, trong thư có đoạn Toàn viết: “Nhận lệnh cấp trên đơn vị anh phải hành quân gấp, anh ghi vội vài dòng để báo tin em… đừng buồn nhé, chiến tranh mà em, rồi ngày mai chiến thắng anh lại trở về bên em”…
Nhận được thư Toàn, Sâm buồn lắm, lúc này Sâm cũng đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp nên cô vẫn phải cố gắng tự động viên mình: “Dù sao mình cũng phải vững vàng lên chứ, điều tốt nhất bây giờ là phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp để ra trường toại nguyện ước mơ làm cô giáo trẻ...còn anh Toàn đi chiến đấu rồi sẽ trở về và làm đám cưới lúc đấy mình sẽ được sống hạnh phúc bên anh mà…”
Tháng 4 năm 1972, đế quốc Mỹ tiếp tục leo thang đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, lúc này Sâm cũng vừa tốt nghiệp ra trường và được phân công về dạy ở trường cấp 3 của một huyện miền núi tỉnh Quảng Bình. Suốt cả năm đó cô không nhận được bất kỳ một bức thư nào của Toàn. Do địch đánh phá ác liệt nên trường của cô phải đi sơ tán, cuộc sống rất khó khăn. Đây thực sự là những ngày tháng rất buồn của cô giáo trẻ khi mới bước vào nghề…Nhưng với nghị lực quyết tâm được nuôi dưỡng bằng tình yêu đẹp của người lính“Cụ Hồ”, nên cô đã bình thản vượt qua…
Hai năm sau, Trần Thanh Toàn được bổ nhiệm giữ chức vụ Tiểu đoàn phó.Anh được đại diện đơn vị cử về binh chủng dự Lễ báo công.Trong dịp này, anh đã được đơn vị cho phép tranh thủ mấy ngày ghé thăm gia đình và người yêu. Không thể nói hết sự vui mừng của Sâm khi gặp lại Toàn. Cô sà vào lòng anh vui mừng khôn xiết… rồi hai người kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện trong những tháng ngày xa cách. Xúc động trước tình yêu đầy sóng gió vì chiến tranh, phần thì thương người yêu nên Sâm không thể giữ được mình được nữa, cô chủ động hôn lên má và đôi môi thâm quầng vì những cơn sốt rét ác tính luôn dày vò anh. Toàn nằm xuống ôm cô vào lòng trong hơi thở gấp, người run run…Sâm bất chợt đẩy nhẹ Toàn ra:
-Đừng anh, mình chỉ nên âu yếm thôi, em sợ lắm… nhỡ nhà trường biết thì chết…
-Không sao đâu đêm đã khuya có ai ở đây đâu mà sợ…
-Cái Phượng ở phòng bên sắp về rồi đấy, nó đang đi chơi với người yêu…
-Không ! Chắc Phượng không về đâu, cô ấy cũng tâm lý lắm…Nói rồi Toàn ôm ghì chặt Sâm hơn, thân hình bé nhỏ nằm trọn trong vòng tay rắn chắc của Toàn, cô bất lực không còn phản ứng gì nữa và nói…
-Nếu tổ chức biết anh chịu trách nhiệm đấy nha…
-Đương nhiên rồi, anh dám, làm dám chịu, em là vợ chưa cưới của anh, đơn vị ai cũng biết mà…
Trong căn phòng nhỏ được trát bằng vách đất, dưới ánh đèn dầu mờ ảo, họ đã có một đêm thật sự hạnh phúc…Một tháng sau, Sâm bổng thấy trong người mình khang khác và cô chợt nhận ra điều gì đó đã đến…
Suốt đêm Sâm không tài nào chợp mắt, tâm trạng khó tả “không biết nên vui hay nên buồn” đã dày vò cô. Sâm vui vì cô nghĩ sẽ sinh cho Toàn đứa con niềm vui của cả họ hàng và gia đình mà anh lại là con một, nhưng cô cũng buồn vì “ việc tạm ứng” đã để lại hậu quả. Trong dư luận của xã hội lúc này, cái tội chưa có chồng mà đã con là một điều xấu xa lắm… Cô không dám đối mặt với dư luận, sợ mất việc, sợ vi phạm đạo đức nhà giáo… Sau nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, cuối cùng cô đã mạnh dạn báo cáo với tổ chức để đi phá thai…vẫn biết đó là giọt máu thiêng liêng của hai người, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác…Sâm rất đau đớn và giằng xé trong sự mất mát…
Vừa bỏ đi đứa con đầu lòng, kết quả của mối tình trong trắng giữa Sâm và Toàn chưa đầy một tháng, Sâm chợt chợt nhận tin dữ, Toàn đã hy sinh trong một trận chiến đấu hết sức ác liệt ở Cửa Ái Tử. Đó là một đêm mưa phùn, gió bấc, đơn vị đặc công do anh chỉ huy một mũi tiến đánh mục tiêu của địch…nhưng do sơ suất của một chiến sĩ nên đơn vị anh bị lộ, hỏa lực địch bắn ra như mưa, Toàn xung phong đi trước không may bị trúng đạn và hy sinh tại chỗ.
Mấy tháng sau, đơn vị báo tin Toàn đã hy sinh tại mặt trẩn B5… trái đất như sụp đổ, Sâm bàng hoàng ngã khụy xuống, mặt tối sầm và ngất lịm đi…rất may cô giáo Phượng ở cạnh phòng đi sang cấp cứu kịp thời…Người Sâm vốn đã bé nhỏ lại vừa trải qua vụ “ giải quyết” khi nhận tin như sét đánh ngang tai, người cô gầy rộc da xanh xao mất mấy tháng trời. Nỗi ân hận dày vò cô suốt nhiều năm … cứ nhắm mắt lại là hình ảnh của Toàn một chiến sĩ giải phóng quân với dáng hình to cao, da ngăm đen và hình hài đứa con lại hiện về. Hai bố con họ như suốt ngày níu lấy cô…Trong giấc mơ Sâm thấy Toàn hiện về và nói:
-Em để con anh đâu rồi mà dưới này anh vẫn không gặp…
Rồi cô khóc thét lên, tỉnh dậy thắp hương trước di ảnh của Toàn trên bàn thờ để xin anh tha thứ…Nỗi ám ảnh vì bỏ mất đứa con của Toàn đã dày vò cô, sự ân hận muộn màng làm sao lấy lại được…khi biết Toàn hy sinh nhiều lúc cô như người mất trí, lúc khóc, lúc cười khi hát ru con trông rất tội nghiệp. ..
Mãi đến mấy năm sau, khi đất nước hoàn toàn thống nhất những vết thương chiến tranh phần nào vợi bớt, lúc này sự dày vò và nỗi ân hận của Sâm cũng đã nhẹ hơn. Cô được điều chuyển về giảng dạy ở trường cấp 3, huyện nhà. Tại đây, sau một thời gian công tác cô đã gặp Nguyễn Văn Trung, một thương binh từ mặt trận Campuchia trở về. Do dẫm phải mìn của địch nên một chân anh bị dập nát phải cưa cụt. Thương cảm người chiến sĩ tình nguyện không may bị thương, Sâm đã nhận lời yêu anh. Họ chung sống với nhau rất hạnh phúc và sinh được ba đứa con cả trai lẫn gái. Nhân ngày giỗ của Toàn, Sâm đã nói với gia đình xin phép được thờ cúng và phụng dưỡng bố mẹ Toàn. Ban đầu, do mặc cảm, gia đình Toàn không chấp nhận, nhưng có lẽ thông cảm vì nỗi đau mất mát do chiến tranh mà mỗi người ai cũng phải gánh chịu, nên cuối cùng họ cũng cho phép Sâm sớm tối đi về…
Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng nỗi ám ảnh vẫn cứ dày vò Sâm, nỗi nhớ thương Toàn trong cô vẫn không dứt… Ngoài công việc ở trường, những ngày nghỉ cô thường tìm đến các đình, các chùa để gửi nỗi niềm day dứt trong lòng…Chỉ có đến đây, lòng cô mới thực sự thanh thản để sống tiếp với cuộc đời thực của mình, hết lòng phụng dưỡng bố mẹ Toàn, yêu thương chăm sóc chồng con để làm tròn bổn phận của mình./.
Truyện ngắn của Trần Anh Tuấn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-am-anh-cuoc-doi-a11248.html