Tọa đàm về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch MICE Vĩnh Phúc năm 2022 thu hút 100 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các thành viên của Câu lạc bộ Lữ hành trong cả nước tham gia đóng góp những ý kiến và đưa ra đề xuất các giải pháp để liên kết, hợp tác phát triển du lịch MICE.
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Với những giá trị nổi bật của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa cùng sự thân thiện của người dân, những năm qua, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đột phá, đặc biệt là loại hình du lịch MICE Vĩnh Phúc có hệ thống hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa là những thông điệp văn hóa đặc sắc của người xưa, trong đó có 1 bảo vật quốc gia Tháp gốm men chùa Trò, 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt; cùng hàng trăm làng cổ còn lưu giữ những giá trị độc đáo.
Vĩnh Phúc còn là một trong địa điểm phân bố và thực hành của 3 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; là quê hương của 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 573 di sản văn hóa phi vật thể mang đậm sắc thái văn hóa địa phương. Gần đây nhất, Vĩnh Phúc vinh dự và tự hào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tam Đảo là Khu Du lịch Quốc gia.
Vĩnh Phúc hiện có nhiều công trình hạ tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế được hình thành và phát triển như: Flamingo Đại Lải resort, FLC Vĩnh Phúc resort, Sông Hồng resort, khách sạn Dic Star, khách sạn Westlake, hệ thống khách sạn - nhà hàng - sân golf của Công ty Lạc Hồng, sân golf Tam Đảo, sân golf Đầm Vạc, sân golf Thanh Lanh… Trên địa bàn tỉnh hiện có 517 cơ sở lưu trú du lịch với 8.697 buồng.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu hút khách du lịch MICE đến Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Nguyên nhân do, phát triển du lịch MICE còn mang tính tự phát.
Vĩnh Phúc đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó, tỉnh đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, công nghệ thông tin và diện mạo cảnh quan nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Du lịch MICE cũng được Vĩnh Phúc xác định là một trong 4 trụ cột chính, cùng với các loại hình du lịch văn hóa, thể thao và sinh thái.
Các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần phát triển du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm đặc thù; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá nhằm lan tỏa thương hiệu địa phương; tăng cường kết nối về thời gian, không gian, sự kiện với các tổ chức, địa phương trên cả nước để thu hút khách; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, lưu trú để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là đối tượng khách MICE...
Qua buổi tọa đàm cũng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch tiêu biểu, sản phẩm du lịch MICE của Vĩnh Phúc đến với cơ quan chuyên môn, cơ quan truyền thông và doanh nghiệp du lịch các tỉnh; nghiên cứu, đánh giá đúng thế mạnh của du lịch Vĩnh Phúc, từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, giảm thiểu tác động và góp phần phục hồi ngành du lịch trong và sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tiến Dũng
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-khai-thac-the-manh-du-lich-mice-a11259.html