Việt Nam diễn nghĩa – Tập V (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 17)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập V “NỘI CHIẾN TRỊNH -NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 17.

Sau chiến thắng năm 1660, tháng 1 năm 1661, Trịnh Tạc cử 7 vạn bộ binh, 300 chiến thuyền do Trịnh Căn làm thống lĩnh cùng các tướng Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến vượt sông Linh Giang tấn công Lũy Thầy. Phía quân Nguyễn do lão tướng Nguyễn Hữu Dật ra sức phòng thủ. Hai bên đánh nhau 3 tháng trời, chết hàng nghìn quân, cuối cùng do hết lương thực, đạn dược vũ khí, Trịnh Căn phải rút về Thăng Long.

chungphuctan-1647700313.jpg
Tranh minh họa chúa Nguyễn Phúc Tần. Nguồn: Bìa sách NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh.

 

Năm 1672, Trịnh Tạc lại sai Trịnh Căn chỉ huy thủy binh với 200 chiến thuyền, Lê Thì Hiến chỉ huy 6 vạn bộ binh tiến đánh lũy Thầy. Bên quân Nguyễn lúc này Nguyễn Hữu Tiến đã mất. Chúa Nguyễn Phúc Tần cử con Nguyễn Hữu Tiến là Nguyễn Hữu Hiệp làm thống lĩnh cùng các tướng Nguyễn Mỹ Đức, Cao Tương, Nguyễn Hữu Dật ra chống cự. Quân Trịnh xông lên, hàng nghìn quân chết dưới đạn súng thần công, tạc đạn, cung tên, máy bắn đá mà không công phá được lũy Thầy. Đang khi đó thám mã đến báo cho Trịnh Căn:

-Bẩm thế tử, thân phụ của người ốm nặng, mời thế tử về Thăng Long ngay ạ.

Trịnh Căn ra lệnh:

-Hai tướng Lê Thì Hiến và Lê Sĩ Triệt nghe lệnh.

-Dạ có mạt tướng.

-Hai tướng ở lại trân thủ Bắc Bố Chính, không để quân Nguyễn đánh ra . Rõ chưa?

-Đa tạ thế tử, mạt tướng tuân lệnh.

Sau hơn 55 năm chiến tranh đã làm cho hai bên kiệt quệ, chết chóc. Suốt một dải từ sông Nhật Lệ đến Nghệ An là chiến trường máu lửa, bách tính chết chóc khổ cực, đói khát, kinh tế tiêu điều, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều kiệt quệ, không thể tiếp tục chiến tranh được nữa. Cuối cùng hai bên phải lấy sông Linh Giang làm giới tuyến chia đôi đất nước. Bắc sông Linh Giang trở ra gọi là Đàng Ngoài (Bắc Hà), Nam sông Linh Giang trở vào gọi là Đàng Trong (Nam Hà). Đây là cuộc chia cắt đất nước lâu dài nhất trong lịch sử. Nếu tính từ 1558 lúc Nguyễn Hoàng  vào Nam đến năm 1786, lúc Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc lật đổ nhà Trịnh thì chia cắt kéo dài 228 năm, nếu tính từ 1627 khi nhà Trịnh mở cuộc tấn công vào Đàng Trong lần thứ nhất đến 1786 thì cuộc phân ly đất nước dài 159 năm.

                   CHƯƠNG II

                NỘI CHIẾN TRỊNH- NGUYỄN- TÂY SƠN

                    I

          Đó là một buổi sáng tháng 8 năm Quý Tỵ 1773, trời đã vào thu nhưng ở xứ Quy Nhơn thuộc miền Trung này hình như 4 mùa không rõ rệt. Tháng 8 mà nắng vẫn chang chang rải xuống ấp Tây Sơn, rải xuống vùng Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn, rải xuống đèo An Khê hiểm trở điệp trùng cây lá vươn lên reo trong nắng gió. Một vùng nông thôn xanh mướt, đường sá quanh co, xóm làng chen lẫn ao hồ. Nắng dội xuống những mái nhà gianh xơ xác mà chủ nhân là những nông dân lam lũ, cơ cực đói nghèo quanh năm.

          Bên rặng dừa mát ven đường, một quán nước mái lợp lá dừa, vách đất ngoảnh mặt ra đường. Chủ hàng nước là một bà già tóc bạc phơ, mồm liên tục nhai trầu bỏm bẻm nhưng rất tươi cười niềm nở. Quán của bà không chỉ bán nước mà còn bán cả rượu. Rượu có thể mua từng chai lẻ đem về nhà, có thể uống rượu tại quán mà không cần đồ nhậu. Sớm nay, ngồi trong quán gian bên trong là ba ông già, người thì râu tóc bạc phơ dáng Nho sĩ, người thì buộc khăn màu nâu, áo dài nâu, người thì buộc khăn đen, áo dài đen. Qua câu chuyện cả ba người đều có vẻ quan tâm tới thời cuộc của Đàng Trong thời kỳ họ đang sống, tức là  thời của chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1753-1777). Những câu chuyện của họ thường xuyên bị đứt quảng bởi những tốp người đàn ông trai tráng đói rách dừng lại hỏi thăm đường:

          -Dạ, xin chào các cụ, các cụ cho hỏi thăm đường vào chân đèo An Khê ạ.

          Cụ có bộ râu tóc trắng vuốt râu đáp:

          -Đi đâu? À, lại đến gia nhập quân đội của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc đúng không?

          -Dạ, đúng ạ.

          -Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc và hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng nhiều tướng lĩnh thân cận dấy binh từ năm 1771, sao nay các dũng sĩ mới đến?

          -Dạ, chúng con nay mới thu xếp được ạ.

          -Đây là Tuy Viễn, đất của Tây Sơn Vương rồi. Cứ theo con đường nhỏ này đi về hướng Tây, lên gặp con đường thượng đạo rẽ trái thì đến đèo An Khê, đó là Tây Sơn Trung và là hành dinh của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc.

          -Đa tạ các cụ ạ, xin cáo biệt.

          Hết tốp này lại đến tốp khác, mấy cụ già cạn chén rồi lại chỉ đường rồi lại nâng chén. Cụ chít khăn nâu mặc áo dài nâu hỏi:

          -Chúa Nguyễn cai trị kiểu gì mà bách tính khổ cực, đua nhau theo về Tây Sơn hết rồi?

          Cụ già râu tóc trắng,  áo dài trắng quần trắng vuốt râu nói:

          -Thời cuộc loạn lạc, đúng là “ Quan bức dân phản mà”.

          Cụ buộc khăn nâu, áo nâu ngắn, quần nâu dáng nông dân hỏi:

-Xin cụ cho lão phu biết nhà chúa Nguyễn này đổ đốn từ khi nào hả cụ?

Cụ già râu tóc trắng cạn một ly rượu rồi nói:

-Lão phu cũng đã đọc vài cuốn sách, biết Đại Việt ta từ thời nhà Trần, đất đai đã đến Bố Chính và Thuận Hóa, Năm 1471 Hoàng đế Lê Thánh Tông đã mở đất đến Quy Nhơn. Từ năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng đã mở đất đến Phú Yên, từ năm 1653 chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) đã mở đất từ Phú Yên đến Diên Khánh, Phan Rang, năm 1697 chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) đưa dân khai hoang đến Bình Thuận. Năm 1708, Mặc Cửu đã phục tùng theo chúa Nguyễn Phúc Chu, đã dâng toàn bộ vùng đất Kiên Giang, Cà Mau và Mạc Cửu được phong là Tổng trấn Hà Tiên. Từ năm 1732 đến 1758, dân Việt tiếp tục khai hoang tất cả các vùng đất  Trấn Biên, miền Đông và miền Tây Gia Định ngày nay. Ngoài biển Đông, các chúa Nguyễn  đã làm chủ Hoàng Sa cách ngày nay gần 100 năm. Từ năm 1711 các chúa Nguyễn đã làm chủ Trường Sa, từ năm 1708 làm chủ Phú Quốc, Côn Đảo và các đảo khác. Nay Đàng Trong của chúng ta là từ Nam sông Linh Giang đến mũi Cà Mau. Như vậy, cai trị Đàng Trong cũng nhiều chúa giỏi giang, đã mở mang đất nước, phát triển Kinh tế, văn hóa, quân sự. Đến đời chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát thì bắt đầu suy tàn, thối nát. Sau khi Nguyễn Phúc Chú mất năm 1738 thì Nguyễn Phúc Khoát kế vị. Đây là vị chúa lười nhác, ham hưởng lạc, sa vào tửu sắc, sống xa hoa, không quan tâm đến việc nước. Mọi việc chúa giao hết cho quyền thần Trương Phúc Loan. Từ năm 1765 thì toàn bộ quyền hành chính thức rơi vào tay Trương Phúc Loan. Loan tự xưng là Quốc phó. Trương Phúc Loan đã giết chết Nguyễn Phúc Luân là con lớn của Nguyễn Phúc Khoát, đưa con nhỏ của Nguyễn Phúc Khoát là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần khi đó mới 12 tuổi lên ngôi để Loan dễ bề thao túng. Trương Phúc Loan nắm Bộ hộ, Quân cơ Trung Tượng kiêm Tàu Vụ, thâu tóm quyền kinh tế, chính trị.

(Còn nữa)

CVL

 

PGS TS Cao Văn Liên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-17-a11270.html