Nổi bật ngay tại lối vào lễ hội là lá cờ đỏ sao vàng và gian hàng Việt Nam với các ấn phẩm sách báo, đồ lưu niệm, nhạc cụ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Từ cây đàn t’rưng làm bằng ống tre, đến những con tò he bằng bột mỳ trộn phẩm màu, từ những cuốn sách song ngữ giới thiệu biển đảo quê hương, đến các ấn phẩm quảng cáo địa danh du lịch Việt Nam..., tất cả đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan. Amandine Chouana, một bạn trẻ Pháp gốc Lào chia sẻ "gian hàng Việt Nam được trình bày rất đẹp, hấp dẫn với những tấm ảnh, những giấy màu trang trí nhiều màu sắc. Tôi thích những chiếc nón và đèn lồng Việt Nam. Nhìn chúng, tôi lại có ý muốn đến thăm đất nước này".
Theo ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, "Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ 2022" là một sáng kiến của làng Yebles để hưởng ứng ngày Quốc tế Pháp ngữ và được duy trì từ 7 năm nay. Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp luôn tham gia sự kiện này và để lại nhiều ấn tượng với Ban tổ chức và công chúng. Ông Đông cũng cho biết Việt Nam sẽ là khách mời danh dự cho mùa thứ 5 dự kiến tổ chức vào năm 2024. "Chúng tôi sẽ mang đến các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm giới thiệu tới đông đảo các nước cộng đồng Pháp ngữ để giúp họ hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam".
Được tổ chức 2 năm một lần từ năm 2015, "Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ" là dịp để người dân thị trấn nhỏ Yèbles giao lưu và tìm hiểu sự đa dạng văn hóa của các quốc gia Pháp ngữ. Ngược lại, đây cũng là dịp để các nước thành viên giới thiệu tới công chúng địa phương văn hoá dân tộc mình thông qua âm nhạc, ẩm thực, văn học hoặc các trò chơi dân gian cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua các buổi thảo luận về một số chủ đề xã hội, dân sinh nổi bật tại các quốc gia Pháp ngữ.
Tại "Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ" lần thứ 4 này, có gần 40 gian hàng đại diện cho nhiều quốc gia và địa phương Pháp ngữ tham dự, từ các nước châu Phi như Côte d'Ivoire, Maroc, Senegal, đến các quốc gia châu Á như Lào, Việt Nam, từ các nước châu Âu như Moldavie, Pháp, hay từ khu vực Bắc Mỹ như vùng Quebec của Canada. Năm nay, Moldavia, quốc gia nhỏ nằm ở Trung Âu, được chọn là quốc gia khách mời danh dự.
Theo bà Marième Tamata Varin, Thị trưởng làng Yèbles, sau 1 năm bị trì hoãn do dịch bệnh, "Ngày hội Cuối tuần Pháp ngữ" đã được tổ chức với sự tham gia của 35 Đại sứ quán, các tổ chức và hiệp hội thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). "Làng Yebles tự hào được chọn là nơi để cộng đồng Pháp ngữ đến từ nhiều nước giới thiệu văn hóa và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc. Đây sẽ là dịp để gắn kết toàn thể cộng đồng lại với nhau, tăng cường tình hữu nghị và tạo ra một sự gắn kết thực sự giữa các dân tộc vì hòa bình và cùng chung sống trên lãnh thổ Pháp”.
Bà Marième Tamata Varin cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các sự kiện này. Bà cho biết chính sự tích cực, năng động và các nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam mà ban tổ chức đã mời đất nước này là khách mời danh dự cho mùa thứ 5 sẽ được tổ chức vào năm 2024.
Để chào đón sự kiện này, tối 19/3, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức một buổi lễ ra mắt đặc biệt với một chương trình ẩm thực, ca nhạc và võ thuật phong phú cả về hương vị, màu sắc và âm thanh, mang lại ấn tượng và sự háo hức mạnh mẽ cho người dân địa phương.
Với 312 triệu người sử dụng, tiếng Pháp vẫn là một trong những ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới. Ngày hội Pháp ngữ thành phố Yèbles lần thứ 4 sôi động đã khép lại. Hẹn gặp lại với sự tham gia đặc sắc hơn, ấn tượng hơn của Việt Nam, trong vai trò khách mời danh dự của ngày hội Pháp ngữ thành phố Yèbles lần thứ 5, dự kiến tổ chức vào dịp 20/3/2024.
Thu Hà - Nguyễn Tuyên (TTXVN)
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/van-hoa-viet-nam-noi-bat-trong-ngay-hoi-phap-ngu-tai-phap-a11289.html