Tháng mười là thời gian thu hoạch vụ lúa mùa của năm trước, đến tận giữa tháng năm của năm sau mới đến vụ thu hoạch lúa chiêm xuân (bẩy tháng rưỡi). Khi mà thóc gạo của vụ trước đã dùng gần hết, vụ mới thì chưa đến kỳ thu hoạch. Như vậy mùa giáp hạt là khoảng thời gian tháng ba, tháng tư và nửa đầu tháng năm hằng năm.
…..
Nhớ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Đất nước vừa trải qua chiến tranh ác liệt, mới được hoà bình, thì lại bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận, cùng với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiên tai mất mùa…tình hình kinh tế khi đó rất khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn…mùa giáp hạt của những năm, tháng ấy không thể nào quên.
Nhà tôi 7 người (thầy u tôi với 5 chị em tôi) ăn Tết xong, cót thóc chỉ còn khoảng 80kg. Hai tháng rưỡi nữa mới đến vụ gặp, nhà 7 miệng ăn với 80kg thóc, đúng là bài toán khó đối với Thầy U tôi.
Thầy tôi phải chia 80kg thóc làm năm phần, cứ nửa tháng là u tôi lấy ra một phần gần 20kg xay giã thành gạo ăn, số gạo ấy lại được tính chia ra 15 phần cho 15 ngày. Mỗi ngày chỉ nấu hai bữa trưa, tối độn với khoai, sắn. Bữa sáng thì củ khoai hoặc miếng sắn luộc.
Được hơn nửa tháng thì khoai, sắn trong nhà cũng hết. Thầy tôi tóc đã bạc, lại bạc thêm…còn ít tiền còm cõi tích lũy được phòng khi đau ốm! Thôi thì cũng phải đem ra mua khoai, sắn độn cơm qua ngày.
Nhưng nếu mua khoai, sắn ở chợ làng thì chỉ mua được hai lần đã hết tiền.
Nghe nói trên mạn Phú Thọ, Yên Bái có nhiều sắn khô, sắn tươi bán rẻ hơn ở dưới xuôi. Nhà tôi gần ga tầu hỏa, Thầy tôi với mấy bác trong xóm rủ nhau đi tầu chợ lên Phú Thọ, Yên Bái mua sắn về ăn chống đói.
Trong cái khó lại ló cái khôn! Vì giá sắn dưới xuôi đắt hơn rất nhiều so với mạn ngược, thế là Thầy tôi mua sắn về để nhà ăn một nửa, một nửa u tôi đem ra chợ bán lấy tiền để Thầy tôi đi chuyến khác (mỗi chuyến cả đi và về mất ba ngày, ba đêm). Chính những chuyến “chợ sắn” ấy mà nhà tôi mới qua được cái đói của mùa giáp hạt.
Giáp hạt! Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng do Thầy tôi đã trải qua nạn đói năm Ất Dậu 1945, nên ông biết phải làm gì cho những đứa con của mình. Mặc dù phải ăn độn khoai, độn sắn, nhưng quyết không để đứt bữa.
Giáp hạt những năm ấy, chẳng riêng gì nhà tôi thiếu ăn mà cả làng, cả xã…đều thiếu ăn, chỉ khác nhau là thiếu ít hay thiếu nhiều mà thôi. Giáp hạt làm cho lưng mẹ còng thêm, làm cho tóc cha bạc thêm, vì phải lo cái ăn, cái mặc cho gia đình.
Rồi khó khăn cũng dần qua đi, khi Nhà nước có chính sách mới, giao khoán ruộng đất đến người lao động. Người nông dân đã thực sự làm chủ trên mảnh ruộng của mình. Bởi vậy mà năng xuất, mùa vụ đều tăng trưởng nhanh và mạnh. Từng là một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
……
Mùa giáp hạt bây giờ, tiết trời vẫn như xưa! Mẹ thiên nhiên vẫn ban tặng cho con người một mùa cây thay lá, một tiết trời Xuân ấm áp, trăm hoa đua nở…nhưng chắc chắn không ai phải lo cái ăn, cái mặc như xưa nữa.
Nếm trải gian khó mùa giáp hạt những năm xưa, giúp ta trưởng thành rắn giỏi hơn! Trân quý cuộc đời hơn./.
Chuyện Làng Quê
Nguyễn Hộp
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/mua-giap-hat-a11376.html