Vĩnh Phúc: Kinh tế 3 tháng đầu năm tăng trưởng khá, đứng thứ 13 cả nước

Chiều 30/3, các ông Phan Thế Huy - Chánh văn phòng UBND tỉnh; Ngô Duy Đông – Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Nguyễn Bá Hiến – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đã họp báo, thông tin về tình hình kinh tế- xã hội 3 tháng đầu năm, nêu các giải pháp thực hiện kinh tế xã hội thời gian tới.

Ông Phan Thế Huy (ảnh dưới ở giữa đứng) – Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Mong muốn trong thời gian tới báo chí tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, thách thức đặt ra.

a8406e0a-7936-4cbe-8a6e-b5ded422e3f4-1648626890.jpeg
 

Ông Trần Quang Ngọc (ảnh dưới) - Phó giám Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc thông tin: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn 0,89% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng cao hơn 1,51% quý I năm 2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của Vĩnh Phúc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đạt mức tăng 14,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,10%; khu vực dịch vụ tăng 1,17%; thuế sản phẩm tăng 1,64%.

28c4dbbc-0e6d-4daa-8862-1daabec0689a-1648626890.jpeg
 


Tuy tổng số vốn thu hút đầu tư đạt thấp nhưng điểm sáng trong quý I đó là tỉnh đã thu hút được 02 dự án có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD (Dự án sản xuất kinh doanh ghế sofa, đệm và trang trí nội thất tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD và dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD).
Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao được triển khai tương đối phong phú, đa dạng, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Công tác quản lý di sản tiếp tục được đẩy mạnh, cơ quan chuyên môn đã tiến hành kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát hành bản đồ các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu tỉnh, triển khai thực hiện tu bổ, chống xuống cấp các di tích đã xếp hạng năm 2022. Đối với công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức môn Muay và Gofl Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2022 tại Vĩnh Phúc đến nay được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Giáo dục và Đào tạo được tổ chức triển khai linh hoạt phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19. Từ ngày 21/3 học sinh các khối lớp 7,8,9 đi học trực tiếp trở lại, ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo các đơn vị nhà trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên, đồng thời, điều phối chương trình học, phương thức học bảo đảm thích ứng linh hoạt, an toàn.
Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đã và đang được kiểm soát, số lượng các ca mắc giảm dần. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 29/3/2021 tại Vĩnh Phúc ghi nhận 335.382 ca mắc, 297.102 người đã khỏi bệnh, 25 ca tử vong.

Trên cơ sở đó, quý 2 và những tháng tiếp theo, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; Đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động; Đẩy nhanh chuyển đổi số và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Hoàn thiện xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai, tài nguyên (đặc biệt là nguồn tài nguyên đất, đá, cát, sỏi); Triển khai đồng bộ các giải pháp chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tuyển sinh đầu vào các cấp học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, đặc biệt là các trường chưa đạt chuẩn quốc gia.

Tiến Dũng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-kinh-te-3-thang-dau-nam-tang-truong-kha-dung-thu-13-ca-nuoc-a11463.html