Nét quyến rũ ẩm thực của người Tày ở Lâm Bình!

Những bữa cơm tiếp những ngày sau đó cũng vẫn cứ rất ngon, dẫu mỗi xã chúng tôi đến thăm đều có những câu chuyện văn hoá khác nhau. Rượu men lá thơm nồng ấm áp! Ngoài trời giá lạnh! Gió tràn xuống từ lưng núi sau nhà! Chúng tôi ngồi sát cạnh nhau hơn, cùng thưởng thức những món ăn miền núi cao, sự lạ miệng làm món ăn hấp dẫn hơn.

net-quyen-ru-am-thuc-lam-binh-1-1648649987.jpg

Một trong những thứ hấp dẫn luôn cuốn hút chúng tôi trong chuyến đi Lâm Bình chính là ẩm thực của miền núi cao rừng thẳm! Thật tuyệt vời và ấm cúng biết bao khi du khách được cùng ngồi ăn những bữa cơm gia đình trong không khí thân mật cùng với gia chủ. Trên nền nhà sàn hay ngay bên bếp lửa hồng, chúng ta cùng nhau nâng trên tay bát rượu ngô thơm nồng. Ngoài kia là núi bao quanh thung xanh, gió từ núi cao ngay sau nhà đang tràn xuống. Cái lạnh se se rất đặc trưng miền son cước càng làm cho người ta có cảm giác mau đói hơn và muốn được kề vai nâng chén bên nhau.

Bữa cơm chiều tối ngày đầu tiên khi chúng tôi đến homestay khá ngon với những món ăn đậm chất núi rừng. Thức ăn được bày biện bắt mắt trong mẹt, mẹt đã được lót lá chuối, nhìn tựa như một bông hoa rừng đang nở với nhiều màu sắc. Những “cánh hoa” đang được mở ra để chào đón quý khách. Cánh này là màu sắc của món cá sông nướng! Cánh kia là món vịt bản luộc mềm chặt đẹp. Cánh khác là món rau bí xào tỏi xanh tươi, rồi còn món thịt được cuộn với lá bắp cải đem đồ chín! Tôi rất thích món măng tươi thái mỏng xào tỏi, đậm đà hương vị của núi rừng, lại nhan nhát đắng! Húng quế tươi xanh thơm lừng, xôi nếp nương ngũ sắc đang lấp ló trong màu áo xanh của lá dong!

Những bữa cơm tiếp những ngày sau đó cũng vẫn cứ rất ngon, dẫu mỗi xã chúng tôi đến thăm đều có những câu chuyện văn hoá khác nhau. Rượu men lá thơm nồng ấm áp! Ngoài trời giá lạnh! Gió tràn xuống từ lưng núi sau nhà! Chúng tôi ngồi sát cạnh nhau hơn, cùng thưởng thức những món ăn miền núi cao, sự lạ miệng làm món ăn hấp dẫn hơn.

Tại homestay Thảo Nguyen, xã Thương Lam hay Nặm Đíp (xã Lăng Can, Lâm Bình), du khách có thể được thưởng thức trọn vẹn một mâm cỗ Tày do chính các "đầu bếp" người Tày thực hiện. Nơi đây, nguồn thực phẩm “cây nhà lá vườn” tươi ngon được cung cấp từ chính trong vườn nhà hay trong vùng. Một mâm cơm đặc trưng của người Tày ở Lâm Bình đem tiếp đãi khách chỉ nhìn đã mê vì nó thật đẹp. Màu sắc hài hoa, khá bắt mắt, các món ăn đan xen, hoà quện và xoắn xuýt bên nhau khá nhuần nhuyễn. Món ăn cũng đoàn kết và quây quần bên nhau y như chủ và khách. Thì đó, bạn nhìn đi, món nọ cứ quấn quýt bên cạnh món kia, chúng quây quần sít sao trong một cộng đồng mẹt. He he!

Đó cũng là cách chúng tôi muốn khen những người nội trợ đã bày biện rất khéo léo những món ăn trên cùng một chiếc mẹt tre. Họ không cần dùng đến nhiều bát đĩa, trừ riêng mỗi món canh. Tất cả các món ăn đều được bày biện rất khéo léo, đẹp mắt trên các mảnh lá chuối xanh đã được xếp rất khéo như một bông hoa lớn được đặt trên một chiếc mẹt tre. Mẹt tre sẽ tạo cho ta cảm giác dân giã và gần gũi hơn với bản làng. Mẹt có kích thước to bằng chiếc mâm ăn cơm. Đây sẽ là một mâm cơm có nhiều sắc màu, hương vị hòa quện khá ngon lành, thức ăn được nấu hoàn toàn theo cách nấu truyền thống của người dân tộc Tày.

ne-quyen-ru-am-thuc-lam-binh-2-1648649987.jpg

Một trong những món ăn lạ miệng và không thể thiếu trong mâm cơm nơi vùng cao này chính là món nộm rau dớn. Nhiều người đã thích thú reo lên khi nghe tên của món nộm này. Có lẽ chỉ có những người đã từng sống nhiều năm ở miền núi là không cảm thấy lạ thôi. Đó là loài cây mọc nhiều trong các thung lũng, trên các triền đồi núi rừng. Rau dớn thuộc họ với loài cây dương xỉ, ngọn non mềm uốn cong. Rau này có đặc trưng hơi nhớt nhưng nếu ta chần qua hoặc luộc qua rồi mới đem trộn cùng lạc rang giã nhỏ cùng các vị chua ngọt thì sẽ rất hợp!

Món thịt lợn bản đem nướng rất thơm. Trước đó, thịt đã được ướp tẩm bằng gia vị, hạt dổi và thứ mẻ chua ngấu, món ăn sẽ đặc biệt hơn. Bởi vị chua cay mặn ngọt quấn quện, sẽ có mùi thơm rất đặc trưng Lâm Bình bởi vị mẻ ngấu chua. Đó là điểm khác biệt nhất mà tôi biết, sự quyến rũ này thật là khó cưỡng.

Vịt suối hấp chín hay luộc của Lâm Bình cũng là một món ăn khá ngon và mềm. Đó là một đặc sản ở vùng núi ở đây. Vịt suối Lâm Bình là vịt được thả tự nhiên ở ngoài thung, lạch, hay sông suối. Bởi thế, vịt rất sạch, thịt chắc và ngọt thơm. Vịt suối Lâm Bình còn được người dân ở đây chấm cùng vớimột loại nước chấm đặc biệt, đó chính là thứ nước luộc vịt. Này nhé! Nước luộc vịt khi còn đang sôi sùng sục, người ta sẽ đem tưới lên một bát rau răm vừa được thái sợi chỉ thật mỏng, rồi trộn thêm ít bột canh, ít tiêu ớt, nêm cho vừa miệng. Cứ phải đúng là nước đang sôi sùng sục thì mới được, vì nếu dùng nước nguội, vị hăng của lá rau răm sẽ làm lấn át vị ngọt, sẽ giảm đi cái vị ngon ngọt của vịt suối!

Khi ăn món vịt luộc, ta phải chấm cho ngập hết miếng thịt vịt vào bát nước chấm thì mới ngon. Đừng rón rén, ngại ngùng mà dại dột khi chấm hờ hững! Khi ấy, ta mới cảm nhận hết được vị đậm đà, béo ngậy của thịt vịt, quện với vị thơm hăng hăng, cay cay, ngọt ngọt của rau răm và ớt, những hương vị ấy hoà quện trong nhau, tựa như cái gì nhỉ, à phải rồi, như là nụ hôn ngọt ngào ấy, nó làm cho người thưởng thức sẽ được thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực. Nói chung, bạn nên có chút liên tưởng hay sự lãng mạn thì mọi thứ sẽ đẹp đẽ và hấp dẫn hơn!

Mâm cơm của người Tày nơi vùng cao Lâm Bình sẽ không thể thiếu món măng nhồi thịt. Bởi những cánh rừng ở Lâm Bình, nơi mùa nào cũng có nhiều măng tươi. Mỗi mùa lại có riêng loại măng đó. Ví như các thứ măng vầu, măng sặt, măng đắng, măng nứa. Măng nứa cũng còn có loại măng nứa thường, loại măng nứa tép nữa cơ. Mùa này đang là mùa hái măng nứa. Cây măng khi được hái từ vườn sau nhà về, nhìn vẫn còn nhiều lông vỏ. Ta lột vỏ, bỏ đi những lớp áo già, bỗng nhiên các nàng tiên măng nõn nà chợt hiện ra. Tôi nói thế bởi ngày nhỏ ở miền núi, tôi đã được trải nghiệm điều này. Hoa ra, chính ta cũng ăn và biết làm món ăn dân tộc này từ lâu nay!

net-qyen-ru-am-thuc-lam-binh-3-1648649987.jpg

Măng đem rửa sạch, rồi nhồi với thịt băm đã được trộn kỹ cũng gia vị, hành lá. Những chiếc măng nhồi thịt nhìn căng tròn hấp dẫn như gái mười tám. Đem hấp chín các nàng ấy lên và xếp vào mâm! Cắn một miếng măng nhồi thịt, ta như nghe thấy cả mùa măng đang rạo rực mùa Xuân và nghe những tiếng sấm gọi măng tự ngày nào đang vang ngân! Ta nhai măng, nghe vị giòn bên tai. Lắng nghe một thoáng, lại nhấm nháp tiếp vị ngọt của thịt băm đã được hòa quện trong vị ngọt, vị giòn tan sần sật của măng thật là vui tai. Măng ngon thế đấy nhưng luôn phải có thêm chút vị nhan nhát đắng mới thật đậm sâu! Thì trên đời này, sự ngọt ngào nào chẳng vướng bận thêm chút đắng cay! Nếm vị đắng của măng cũng thú vị lắm đấy chứ. Cái vị đăng đắng, ngòn ngọt ấy của măng, sẽ khiến cho người ta nghiện đấy!

Thì đó, cái món măng đắng ấy, ai mà đã ăn được thì rồi đều thấy thích cả! Cứ ăn cho quen, cứ thích thưởng thức vị lạ của nó rồi cũng có lúc khó mà dứt ra! Liệu khi ấy hay khi không còn nó nữa, người ta liệu có thể dễ dàng quên được nó hay chăn ? Bạn lưu ý, chỉ cần đem chần qua chút cho măng mềm, cho bớt đắng, rồi mới đem nhồi thịt vào cho thật khéo, cho thật vừa, cho đủ căng, cho tròn mẩy rồi đem hấp lên, thế là xong! Nói thế thôi, chứ không phải ai làm món ấy cũng khéo, cũng ngon đâu nhé!

Đặc biệt, trong mâm cơm của người Tày ở Lâm Bình còn có một món lạ nữa. Đó là món da trâu xào cùng măng chua. Ai chưa ăn cũng nên thử nhưng dứt khoát cần có bộ răng khỏe! Da trâu sẽ thách thức bộ răng của chúng ta về độ khỏe đấy! Măng chua là thứ măng đã được ngâm chua cùng với ớt. Còn món da trâu ư, cứ tưởng tượng rằng ngày xa xưa các cụ nhà ta mỗi khi dựng nhà vẫn thường lấy da trâu để bện lại thành những sợi dây kéo vô cùng dẻo dai chắc bền để kéo gỗ dựng nhà sàn. Da trâu ngày nay bỗng trở thành một món ăn độc đáo. Món da trâu được chế biến khéo cũng ngon! Nhất là cách khử mùi sao cho khi ăn không còn thấy mùi hoi của da trâu. Nhau một miếng thật kỹ, sẽ muốn nhai thêm miếng nữa. Bạn thử đi! Món da trâu không hề bị dai, mà nghe còn thấy dẻo dẻo, giòn giòn nữa cơ! Đặc biệt, thưởng thức món da trâu cùng thứ rượu men lá sẽ rất lạ. Cảm giác thơm dẻo và sự mềm vừa đủ, lại quyện thêm hương vị chua cay của măng.

Điểm nhấn của mâm cơm đặc biệt, là món cá nướng sông Gâm. Cá ngon phải là cá bỗng. Đã có người hiểu sai thành cá bống, cá bống thì nhỏ, còn cá bỗng thì to. Chọn khéo được con cỡ vừa, chỉ tầm khoảng hơn 1kg, ăn sẽ ngon hơn. Đó là loài cá khá hiếm vì nuôi chúng rất lâu lớn. Người ta phải chờ đợi chúng lớn, có khi mất cả năm. Chờ cá mau lớn lên để người ta làm thịt, ha ha! Phận cá bỗng kia nghe chừng cũng mỏng manh lắm! Những chàng cá to, to đến mức khoảng 3 kg trở lên thì phải chờ mất vài năm. Cá bỗng là loài luôn sống tự nhiên trên dòng sông Gâm, chúng ăn rau, ăn rong rêu, thế cho nên thịt rất chắc và ngọt. Cá bỗng khi nướng lên, đêm chấm trực tiếp với mẻ chưng hay chấm mắm cùng ớt xanh cay xè, đều là tuyệt ngon. Nếu thích, bạn có thể đem cuốn cùng với bánh đa, kèm theo chút rau sống, chuối xanh được thái lát mỏng tang, ăn cũng rất là ngon!

Cá dưới sông, vịt ngoài suối, trứng gà vịt nhà ngay trong chuồng, rau vừa hái ngoài rừng hoặc chạy ra hái trong vườn. Chỉ với những thứ thực phẩm hết sức đơn giản và gần gũi như vậy, người Tày ở Lâm Bình đã làm quyến rũ du khách bằng thứ ẩm thực độc đáo của mình. Một điểm đặc biệt khác ở Lâm Bình là các homestay cùng biết cách tôn vinh vẻ đẹp món ăn quê hương mình. Họ hỗ trợ nhau, cùng nhau giới thiệu những nét đẹp ẩm thực của vùng đất quê hương mình tới du khách phương xa. Điều này, tôi thấy rất rõ trong suốt chuyến đi Lâm Bình. Nhìn mâm cơm thật hấp dẫn mà không quá cầu kỳ. Món ngon nhớ lâu, lại có thêm nhiều măng và rau xanh, phù hợp với những người thừa cân nữa! Món tôm tươi chao mỡ nhìn cũng khá ngon! Tôm tươi và ngon ngọt, giòn tan!

Những món ăn ngon và lạ miệng như măng rừng luộc chấm mẻ, hay là món rượu ngô, món cá ướp mẻ giềng đem nướng thơm lừng. Đặc biệt, chúng ta không thể bỏ qua món rau rớn nộm cùng với lạc rang và món canh nấu lá đắng. Tất cả đều mang theo hương vị thơm lạ của núi, của rừng! Nơi non cao rừng thẳm sẽ làm cho du khách thêm yêu, thêm quý miền đất Thượng Lâm. Hãy thưởng thức các món ăn dân giã và ngon miệng ngay tại đây, ngay lúc này. Đó là những món ăn truyền thống của người Tày do chính tay các bà, các mế, các thiếu nữ dân tộc đã đứng bếp, nổi lửa và khéo léo chế biến phục vụ du khách.

Hãy lên với quê hương Lâm Bình – Tuyên Quang! Cảnh sắc non nước hữu tình sẽ níu giữ bước chân bạn, có khi bạn còn chẳng muốn quay về ngay nữa! Lâm Bình dịu dàng, vốn quyến rũ như một nàng tiên xinh đẹp đang ngủ quên từ lâu trong rừng. Nàng như từ trong truyện cổ tích vừa mới bước ra trong bồng bềnh mây trắng, bay trên đôi cánh khao khát cùng dáng núi, hình sông. Nàng còn biết hát Sli, hát lượn, hát then rất ngọt ngào! Hãy đến, hãy trải nghiệm và khám phá vùng đất Lâm Bình các bạn nhé!

 

Phạm Thị Phương Thảo

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/net-quyen-ru-am-thuc-cua-nguoi-tay-o-lam-binh-a11472.html