Sự cố y khoa, nhìn nhận thế nào?

Những sự cố y khoa đối với sản phụ trước, trong, sau quá trình sinh không phải là việc quá hiếm gặp và thường để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp y học cũng không xác định được nguyên nhân cụ thể. Nhìn nhận và xử lý thế nào đối với sự cố y khoa đang là vấn đề rất được quan tâm ?

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, Tuyên Quang tiếp nhận một sản phụ sinh năm 2001 (trú tại xã Trung Trực, Yên Sơn, Tuyên Quang) có thai 37 tuần 5 ngày, vỡ ối ở nhà được gia đình đưa vào viện. Sản phụ được theo dõi chuyển dạ tại khoa Phụ sản sau đó được chỉ định truyền đẻ chỉ huy do ối vỡ sớm, cơn co tử cung thưa yếu. Quá trình truyền đẻ chỉ huy, các yếu tố chuyển dạ đáp ứng tốt nhưng khi cổ tử cung mở hết quá thời gian quy định ngôi không lọt nên sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai.

camoor-1648651640.jpg
Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc (Tuyên Quang).

 

Tuy nhiên, sau khi mổ lấy thai an toàn, trong quá trình thoát mê, sản phụ đang còn thở máy thì xuất hiện dịch qua ống nội khí quản, có lẫn bọt hồng. Sau xử trí ban đầu theo hướng cấp cứu phản vệ, bệnh nhân được chuyển khoa hồi sức cấp cứu ngay lập tức.

Tình trạng bệnh nhân được tiên lượng xấu, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Phương Bắc đã hội chẩn qua điện thoại với bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai; đồng thời mời kíp cấp cứu Bệnh viện Bạch mai lên hỗ trợ cấp cứu. Sau khi sử dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) bệnh nhân được chuyển thẳng lên bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Về trường hợp này, bác sĩ Cao Thị Thuý Anh - Trưởng Khoa sản (BVĐK Phương Bắc) cho biết, chỉ định mổ đối với sản phụ là đúng và rất kịp thời. Nguyên nhân của sự cố nghĩ nhiều đến do phản vệ, chưa loại trừ nguyên nhân do thuyên tắc mạch phổi.

"Quy trình thực hiện mổ rất chặt chẽ, người nhà bệnh nhân đã được giải thích kỹ và ký cam kết trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, dù thăm khám, chẩn đoán, điều trị đúng quy trình kỹ thuậtđến đâu thì sự cố y khoa vẫn có thể xảy ra" bác sĩ Thuý Anh khẳng định.

Sự cố y khoa có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình từ thăm khám, chẩn đoán, chăm sóc đến điều trị. Đặc biệt mỗi bệnh nhân lại có cơ địa khác nhau, có sự cố đôi khi là bất khả kháng do chính cơ địa của mỗi người bệnh. Thêm vào đó, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc. Vì vậy, sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi. Khi sự cố xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân.

Chuyên gia tư vấn của WHO tại Việt Nam - Bác sĩ Vũ Đình Huy nhận định, an toàn người bệnh đang là một vấn đề toàn cầu. Để hạn chế những sự cố y khoa, cần có sự tham gia tích cực của người bệnh và người nhà bệnh nhân vào quá trình điều trị.

Theo bác sĩ Huy, khi xảy ra một sự cố y khoa dù nặng hay nhẹ cơ sở y tế cần thẳng thắn nhìn nhận, dùng bằng chứng khoa học để giải quyết, xử lý tình huống. Đặc biệt không đổ lỗi dù khách quan hay chủ quan, đây được đánh giá là yếu tố tích cực góp phần giải quyết hiệu quả các sự cố y khoa xảy ra.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, 5 năm gần đây ngành y tế đã thay đổi quan điểm phục vụ, đổi mới từ cách nghĩ. Lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến an toàn cho người bệnh, hài lòng cho người bệnh

Ông Khuê thông tin thêm: "Trước đây, khi xảy ra sự cố y khoa, các cá nhân, cơ sở y tế vẫn có tư duy giấu giếm. Đến nay, việc báo cáo sự cố y khoa đã chủ động hơn nhằm tìm ra những nguy cơ để phòng ngừa".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 134 triệu sự cố y khoa xảy ra tại BV ở các nước thu nhập trung bình và thấp, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ với những sự cố y khoa không mong muốn xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Có thể kể đến như trường hợp 1 sản phụ tử vong và 1 sản phụ khác nguy kịch sau khi mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng năm 2019. Sự cố y khoa chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình khiến 8 người tử vong…

Quang Hưng

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/su-co-y-khoa-nhin-nhan-the-nao-a11474.html