Kỳ 29.
Hôm nay, trong điện Bát Giác tụ hội đầy đủ các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh đang dự buổi lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế của Nguyễn Nhạc, khai sáng ra nhà Tây Sơn. Trên ngai vàng, Nguyễn Nhạc mặc áo long bào màu vàng có hai con rồng màu đỏ uốn quanh và quy tụ đầu vào hình mặt trời trước ngực, đầu đội vương miện vàng có nhiều dây dài xuống gần vai là những hạt minh châu óng ánh, buông xuống phất phơ lung linh. Chân hoàng đế đi hài vàng. Một hồi trống cái nổi lên báo hiệu lễ đăng quang bắt đầu. Nguyễn Nhạc nói:
-Hỡi các anh hùng hào kiệt, chúng ta là những nông dân áo vải ở ấp Tây Sơn chỉ muốn thời thế thanh bình để an cư lạc nghiệp, nhưng nhà Nguyễn suy tàn đẩy bách tính vào con đường khổ cực, nghèo đói qua các đời. Trong khi đó, bọn quý tộc cầm quyền sống cực kỳ xa hoa lãng phí. Để có tiền xa hoa lãng phí chúng ra sức tận thu vơ vét bóc lột nông dân và bách tính, cái gì cũng có thể mua bán, mua bán kỷ cương pháp luật, mua bán quan tước làm bại hoại thuần phong mỹ tục, bại hoại đạo đức xã hội và con người. Vì “Quan bức dân phản”, chúng ta phải đứng lên cứu lấy mình, cứu bách tính khỏi cơn nước sôi lửa bỏng đã 200 năm trời. Nhờ sự phù hộ của trời đất, tổ tiên, nhờ sự hy sinh của bách tính và của các anh hùng hào kiệt, chúng ta đã lật đổ sự thống trị của chúa Nguyễn, giải phóng giang sơn, giải phóng bách tính từ Quảng Nam đến mũi Cà Mau. Đất nước một ngày không thể không có vua. Nay ta tuân theo mệnh trời và lòng dân, đáp ứng lòng mong mỏi của các anh hùng hào kiệt, của thần thánh tổ tiên, ta chính thức lên ngôi hoàng đế, lấy đế hiệu Minh Đức hoàng đế, niên hiệu Thái Đức, lấy kinh đô là thành Đồ Bàn, nay đổi là thành Hoàng Đế, quốc hiệu Đại Việt. Nay bố cáo cho trời đất thánh thần, bách tính trong thiên hạ biết, ngõ hầu hướng về để tự hào đất nước từ nay có minh chủ.
Nguyễn Nhạc nói xong, bá quan văn võ trong điện Bát Giác quỳ xuống chắp tay hành lễ:
-Chúc mừng hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
-Miễn lễ, các ái khanh bình thân
-Đa tạ hoàng thượng.
Nguyễn Nhạc nói tiếp:
-Nay phong Trần Thị làm chính cung hoàng hậu.
Bá quan văn võ hành lễ:
-Chúc mừng Trần hoàng hậu. Hoàng hậu thiên tuế, Thiên thiên tuế.
-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.
-Đa tạ hoàng thượng.
-Nguyễn Huệ tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng Quân, tước Bắc Bình Vương, lo công việc bình định các vùng Bắc Quảng Nam, Thuận Hóa.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Nguyễn Lữ tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Nguyễn Lữ là Tán Tương Quân Vụ, tước Đông Định Vương, lo công việc ở miền Gia Định.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
- Phan Văn Lân tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Phan Văn Lân làm nội hầu.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Trần Quang Diệu tiếp chỉ.
-Dạ, có thần.
-Nay phong Trần Quang Diệu làm Thiếu phó.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Võ Văn Dũng tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Võ Văn Dũng làm Đại tư khấu.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Võ Đình Tú tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Võ Đình Tú là Thái úy.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Ngô Văn Sở tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Ngô Văn Sở làm Đại Tư mã.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Bùi Thị Xuân tiếp chỉ.
-Dạ có thần.
-Nay phong Bùi Thị Xuân làm Đô Đốc, kiêm nữ tướng Tây Sơn, quản đốc mọi việc trong hoàng thành và vùng đất thang mộc Tây Sơn.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
-Võ Xuân Hoài tiếp chỉ.
-Dạ, có thần.
-Nay phong Võ Xuân Hoài làm Trung Thư Lệnh.
-Đa tạ hoàng thượng, thần tuân chỉ.
Tiếp theo tất cả các tướng lĩnh đều được phong Đô Đốc, Đại Đô đốc.
Nguyễn Nhạc nói thêm:
-Nay để mừng ta đăng quang hoàng đế, sáng lập nhà Tây Sơn cho phép thiên hạ mở tiệc ăn mừng trong 10 ngày.
-Hoàng thượng anh minh, hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.
Sau đó Nguyễn Nhạc mời thầy học xưa là Trương Văn Hiến về làm quân sư. Quân sư nói:
-Nhà vua nên tiến hành cải cách hành chính cho bộ máy quan lại có hiệu quả, thanh liêm để bách tính được nhờ cậy.
-Dạ, thầy nói phải lắm.
VIII
Một ngày tháng 3 năm 1782, hoàng hôn đang xuống dần trên đầm Thị Nại, đầm nước mặn rộng dài 20 dặm chìm dần trong cảnh thần tiên. Hai dòng sông Côn và sông Hà Thanh vẫn mải mê đưa nước vào đầm làm đầm càng mênh mông như biển cả. Sóng xô lăn tăn vào tận chân tháp Thầy Bói và miếu thờ thủy thần nhô lên trên mặt nước. Xa xa rừng Côn chìm dần trong ánh sáng vàng vọt của hoàng hôn. Những đàn chim nhỏ tung cánh trên trời cao rồi mất hút trong khu rừng để ngủ đêm sau một ngày lang thang lữ thứ. Cửa Rùa phía Tây, núi Phong Mai phía Đông vẫn lầm lũi mở cửa cho đầm Thị Nại thông với biển. Bóng hoàng hôn cũng đã hắt ánh chiều lên 400 chiến thuyền quân Tây Sơn dưới hàng trăm lá cờ đỏ phấp phới. Những thủy binh đi lại trên các chiến thuyền tấp nập. Những khẩu đại bác dương nòng lên trời oai vệ. Các vị chỉ huy đã đứng trên lâu thuyền chuẩn bị cho chiến thuyền xuất phát. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đứng trên chiến thuyền ở giữa. Nguyễn Hụê bảo viên tùy tướng:
-Bắn pháo hiệu và nổi trống báo đến giờ xuất phát.
-Dạ, tuân lệnh.
Phát pháo hiệu đỏ bay vút lên trời sáng rực, trống lớn khua vang liên hồi. Quân Tây Sơn chỉ dùng một âm thanh là trống, trống báo hiệu, trống trong khi xung trận, trống trong khi đấu võ, trống trong các trò vui chơi dân dã. Trống đã làm nức lòng, cổ vũ các chiến binh và làm hoảng loạn, kinh hoàng kẻ địch. Trống dứt hồi thì đoàn chiến thuyền chuyển động. Đủ loại chiến thuyền: Thuyền con đặt một đại bác, thuyền vừa đặt ba đại bác, thuyền lớn 40 đại bác. Các chiến thuyền nối đuôi nhau ra cửa đầm Thị Nại và ra biển lớn, tiến về phương Nam đánh Nguyễn Phúc Ánh đã quay về chiếm cả Gia Định và đánh lan ra cả Bình Thuận.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-29-a11501.html