Thuở đó, cùng với nó, tôi được phân công về một Đồn CAVT miền biển thuộc địa bàn ác liệt nhất của tỉnh Nghệ An. Từ mép biển, cơ sở vật chất của Đồn đã được sơ tán chuyển vào sâu trong dân ở một xã Đỏ của mảnh đất Nghi Lộc.
Bây giờ ít người còn biết về xã Đỏ, đó là xã mà 100% các gia đình trong xã đều có Đảng viên, thậm chí cả gia đình đều là Đảng viên chiếm tỉ lệ không dưới 40%. Chiến tranh ác liệt đã xáo trộn tất cả nhưng Xã Đỏ vẫn giữ được những tập quán tốt đẹp đã từng được ghi trong Hương ước đặc trưng của mỗi vùng quê Xứ Nghệ. Mỗi khi có chuyện buồn, cả thôn kéo tới thăm hỏi, khi có việc vui, tất cả đến mừng. Nhà ai có bộ đội về phép, nấu một nối nước chè tươi đặt trên cái mươn (chõng tre) cùng với rổ khoai bốc khói là cũng đủ thết đãi cả xóm rồi. Sáng sáng, tất thẩy không ai bảo ai đều kéo ra quét con đường phía trước cửa nhà nên đường làng luôn phong quang sạch đẹp, không một tí phân rơi. Những hộ neo người hay có người đi bộ đội thì đều nhận được sự giúp đỡ về công điểm của HTX. Đấy là ngoài ngõ, còn trong nhà thì mọi người đều sống gương mẫu, nhường nhịn và chưa bao giờ xẩy ra cãi cọ. Trong vườn nhà, không chỗ nào thiếu nhát cuốc cày xới, chỗ này không trồng được thứ gì thì cũng dặm vài ba gốc cỏ cho bò ăn. Tôi phải dừng lại chỗ này hơi lâu một tí vì không hiểu bây giờ người ta hô hào "Xây dựng nông thôn mới" liệu có hơn gì nếp sống nơi này không?
Ban đầu,Tôi cùng nó và một cậu lính 72 người Vĩnh Phú được phân về ở cùng một gia đình lão thành cách mạng. Cụ ông Đảng viên năm 30, tham gia lãnh đạo Xô viết Nghệ Tĩnh, cụ bà Đảng viên 49. Chị con dâu cả tuổi gần 50 cũng Đảng viên lâu năm. Mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi vì mới bị mất đứa con do bị cảm phong hàn (lấy chồng đã lâu nhưng chỉ may mắn có thai 1 lần khi anh về phép trước lúc đi , không khí trong nhà có phần nặng nề.
Ngay buổi tối, tôi và nó đã trổ hết vốn liếng lịch sử của mình để trò chuyện với cụ ông về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh mà cụ là Tổ trưởng trong Đội Xích vệ chuyên "diệt ác trừ gian". Có lẽ đã lâu lắm rồi không có người trò chuyện về một thời oanh liệt đã qua, nay được khơi dậy, cụ hoạt bát hẳn lại và niềm vui đó đã làm thay đổi không khí trong nhà.
Đêm ấy, chúng tôi bàn nhau ngay ngày hôm sau sẽ đào lại cho gia đình một cái hầm trú bom mới, an toàn hơn và dĩ nhiên là phải to hơn vì bây giờ phải chứa thêm anh em chúng tôi nữa. Tất cả các cây si lau (phi lao) to trong vườn cùng với nửa bụi tre cũng đã bị đốn hạ để dựng căn hầm mới. Chứng kiến anh em bọn tôi làm việc, cụ ông rất vui, thậm chí tôi để ý thấy nụ cười đôi lúc còn thoáng qua trên khuôn mặt chị con dâu. Mỗi tối, chúng tôi đều được bồi dưỡng rổ khoai luộc, nó chén rất khỏe và lần đầu tiên tôi được cụ ông cho biết nếu như là ngày xưa, địa chủ tuyển người làm thuê thì nó sẽ được chọn vì "được cái nết ăn". Ăn khỏe thì sẽ làm khỏe!
Một tối, nghe BCH Đồn phổ biến nhiệm vụ mới, chúng tôi trở về rất khuya nên lặng lẽ ra giếng rửa chân rồi lên giường ngủ. Tôi thoáng phát hiện có mùi hương lạ mà sao lại rất quen như là mùi bồ kết gội đầu. Hôm sau là ngày chủ nhật nên chúng tôi rủ nhau đi tắm biển từ mờ sáng. Khi nắng lên, trở về tôi thấy nhà hình như có khách. Một cái áo trắng thấp thoáng trong bếp và cái xe đạp dựng góc sân. Lúc đi phơi mấy bộ quần áo ướt lại thấy trên hàng dây phơi chỗ mọi ngày, có mấy món đồ phụ tùng "xích líp đàn bà" chiếm mất. Tôi càng thắc mắc hơn khi trở lên nhà thấy đồ vật trong nhà như được xắp xếp lại gọn gàng (trừ góc của bọn tôi), trên bàn thờ có cây hương còn đang cháy dở, "Hay là hôm nay nhà có giỗ, nhưng hôm trước có thấy gia đình nói gì đâu"? ý nghĩ đó thoáng hiện trong đầu tôi. Đang loay hoay tính kế lỉnh đi thì bỗng nghe tiếng nói sau lưng:
- Chào các anh!
Giật mình quay lại thấy trước mình là người con gái đang tươi cười, tay ôm một bé gái rất xinh và trắng trẻo như trẻ con thành phố, mái tóc bé loăn xoăn từng lọn. Chào xong thì người con gái đó đon đả rót nước và bưng ra một đĩa lạc luộc còn đang nghi ngút khói. Chị con dâu cũng lên góp chuyện và giới thiệu:
- Đây là Thi, con gái út của ông bà, từng là cô giáo cấp 2, hiện đang làm ở Phòng Giáo dục trên Huyện, lấy chồng ở xã bên, về thăm nhà từ tối qua. Còn bé gái này là con chị thứ 2, chồng ở xóm bên đang làm ở Hà Nội, về quê nghỉ hè.
Tôi ngắm chị, không thể gọi là xinh hay hấp dẫn gì cả và cũng không còn trẻ nữa, chắc cũng chừng 30 tuổi. Tác phong vẫn nhanh nhẹn, cơ thể vẫn rắn rỏi gọn gàng nhưng những nét chân chim nơi khóe mắt nhất là khi cười thì không che giấu được tuổi tác. Chị cứ gọi chúng tôi là anh và xưng là Thi khiến chúng tôi bối rối, vì chúng tôi kém chị cũng phải mươi tuổi. Mặc dù chúng tôi cố tình xưng là em trong khi nói chuyện nhưng chị trước sau vẫn không đổi cách xưng hô, chắc là chị quen gọi bộ đội là anh rồi.
Chị nói chuyện rất vui, chuyện của những người có trình độ, thể hiện ngay cả trong cách dùng từ và lựa chọn hình ảnh. Buổi đầu chúng tôi nói chuyện rất dè dặt vì phải còn giữ ý với gia đình, hơn nữa vì chị cũng đã có chồng. Tôi và nó đều có chung một ý nghĩ là rất lâu rồi mới gặp được người nói chuyện thú vị như vậy vì chúng tôi vốn cũng là những sinh viên mới nhập ngũ.
Rồi chị lại đi. Sau đó chúng tôi được biết chị lấy chồng đã được 9 năm. Nói là lấy chồng nhưng thực ra mới chỉ ăn hỏi, hai người cùng học, anh về phép 1 tuần trước lúc đi B rồi hỏi lấy chị. Kể từ đó chị là gái có chồng. Hàng ngày chị ở lại trên Huyện, cuối tuần lại về nhà chồng, làm ruộng, làm vườn, chăn bò, cắt cỏ...như dâu con trong nhà. Đằng đẵng bao nhiêu năm xa anh là bấy nhiêu năm bặt tin anh. Đã có nhiều lời đồn đoán nhưng chưa có giấy báo tử nên chị vẫn tin là anh còn sống. Gia đình nhà chồng cũng rất thương, cũng có lần bóng gió xa xôi nhưng chị vẫn một mực đợi chờ. Tấm gương của chị đã được bà con lối xóm và đồng nghiệp ở cơ quan hết lòng ca ngợi. Là con của Lão thành cách mạng, chị được kết nạp Đảng rất sớm và đang được bồi dưỡng để lên Lãnh đạo phụ nữ Huyện.
Chủ nhật sau, chị lại về nhưng về sau bữa ăn trưa. Lần này chị mặc cái áo hoa và quần phíp (thuở đó quần lụa là nhất, quần phíp là diện rồi), vẫn hương bồ kết quẩn quanh. Dựa xe góc sân, chị ào vào nhà, mặt đỏ bừng chắc là vừa đội nắng, chị cho biết buổi sáng phải ở nhà chồng. Lần này thì chính tôi lại rót nước mời chị. Mới nhấp một ngụm, chị nói "nước cũ rồi, để Thi đi nấu nước mới", tôi ngăn lại nhưng không kịp, chị đã ào xuống bếp như một cơn gió. Lát sau lên, mặt lại đỏ bừng, chắc là do hơi lửa!
Chị hỏi quê quán, chúng tôi nói dối là quê Nam Định và Vĩnh Phú, nhà làm nông nghiệp nhưng chị cười to:"Hê hê! Thi biết hết rồi nhé, anh Châu nói hết rồi, 2 anh này quê Hà Nội và là sinh viên, còn anh này thì mới đúng là Vĩnh Phú và làm nông này" (anh Châu là Chính trị phó Đồn). Chúng tôi cười xòa chối lấy lệ.
Tôi không muốn kể ra đây chuyện bom đạn, thời chiến đạn bom ai mà chẳng biết. Nhưng một lần, máy bay Mỹ đã trút bom xuống, một quả bom trúng ngay vườn nhà bên cạnh, rất may cả nhà đã kịp xuống hầm trú ẩn nên không ai việc gì. Lúc ấy, ở bên này chúng tôi cũng đã xuống hầm, nhưng sao mãi chưa thấy chị và nó xuống, rõ ràng là trước đó 2 người đang nói chuyện bên chiếc bàn kê giữa nhà cơ mà?
Bom lại nổ, một luồng gió mạnh thốc vào, cuốn theo 2 bóng người ngã dúi dụi. Chị và nó ngã đè lên nhau rồi bỗng nhiên chị bật cười khanh khách, còn nó ngồi dậy, ngơ ngác như chưa hiểu ra chuyện gì. Tôi biết chị cười là để chữa ngượng thôi!
Từ đấy, tuần nào chị cũng về, có lần về nửa ngày, có lần lại về cả ngày. Tôi để ý thấy chị ngày càng chú ý đến ăn mặc và càng có vẻ quan tâm chú ý nhiều tới nó. Chị luôn giành cho nó khi thì củ khoai ngon nhất, khi thì rót cho nó đọi chè tươi sau cùng (rượu trên be, chè dưới ấm mà lị)! Nó thì cứ vô tư đón nhận và nói chuyện cởi mở với chị. Có lúc chị rủ nó đi cùng sang nhà chị gái ở xóm bên, nghĩ ngợi thế nào nó lại nhận lời, vớ cái đèn 3 pin mới sắm, nó đi đến tận khuya mới về.
Tôi biết, trong thâm tâm, nó chỉ coi chị như chị gái nhưng chị lại cư xử với nó như bạn bè mặc dù chị hơn nó tận 12 tuổi. Đã có lúc khi chỉ có 2 người với nhau, chị ngả đầu vào vai nó, thậm chí còn gục vào ngực nó nhưng nó chỉ coi đấy là cử chỉ của sự tin cậy, âu yếm của một người chị. Chị kể cho nó nghe rất nhiều, rằng hồi con gái có người này người nọ để ý nhưng chị chỉ nhận lời mỗi anh. Ở cơ quan lúc này cũng nhiều người ngỏ ý đặt vấn đề hoặc khuyên chị lấy chồng nhưng chị vẫn một mực đợi chờ. Song có một điều chị lại kể rất ít về anh và chỉ nói rằng chị lấy anh cũng là vì thương anh nhà nghèo lại hiếu học!
Thỉnh thoảng các đội chiếu bóng của Quân khu hay của CAVT tỉnh cũng về chiếu phục vụ. Phòng chiếu là một căn hầm rộng như một cái nhà đặt ngầm dưới lòng đất, một ngày có nhiều suất chiếu, mỗi suất khoảng 40 người. Lần đó chiếu ở xóm bên, nơi chị gái lấy chồng, chị rủ nó đi xem suất tối. Khi ngang qua nhà chị gái, chị bỗng đứng lại và ôm ghì lấy nó. Chị áp cả tấm thân đầy đặn sát vào người nó. Người nó run lên vì đây là lần đầu tiên cơ thể nó lại gần gũi với phụ nữ như vậy. Nó còn cảm nhận được cái phần vồng lên ở bụng dưới của chị cọ vào người nó nóng rực. Cả bộ ngực rắn đanh dưới lần áo lót "dày như mo nang, nhọn ngang tên lửa" cũng như đang cố ấn sâu vào ngực nó. Chị nói ngập ngừng qua hơi thở gấp gáp:
- Chúng mình... đi!
Xong rồi chị đặt cái hôn lên môi nó, nóng bừng, ẩm ướt!
Nó như choàng tỉnh khi chợt nhận ra cánh tay của mình cũng đã đặt lên hông chị từ lúc nào, mọi bộ phận cơ thể nó dường như cũng như đang đòi động đậy. Không thể nói được điều gì lúc này, nó chỉ hiểu rằng đây là cơn sốt của thể xác, là sự dồn nén bấy lâu của nỗi thèm khát yêu đương ở một người con gái mang tiếng là có chồng lâu năm mà chưa một lần được chung đụng. Chị đã quyết phá vỡ hàng rào luân lý mà bấy lâu nay đã ra sức giữ gìn. Nó nói thều thào, ngắt quãng:
- Chị Thi! không được đâu, không phải là em không thương chị, hãy hiểu cho em, em chỉ đứng thế này với chị một lúc thôi, chị nghe em, chỉ ngày mai thôi là chị sẽ nghĩ khác!
Nhưng chị vẫn không ngừng rên rỉ.
Bỗng có ánh đèn pin lia qua kèm theo tiếng quát:
- Đôi nào đấy! Bọn bay ơi, lại đây!
Giật mình nhưng nó vẫn đủ tỉnh táo nhận ra tình huống hiểm nghèo nếu bị dân quân bắt sống. Buông vội chị ra, nó co giò phóng qua hàng rào, băng qua vườn, lao vào nhà chị gái. Rất may có mẹ con chị ở nhà, cháu bé đang làm bài tập. Thấy nó vào nhà hốt hoảng, lại nghe thấy tiếng quát tháo ngoài ngõ, chị gái hiểu ra ngay tình thế nên ấn cây bút và tờ giấy vào tay nó, chị nói:
- Chú dậy cháu học, để chị ra ngoài xem sao.
Nó giỏng tai nghe được tiếng dân quân tra hỏi chị Thi:
- Ai như con Thi, mi vừa đứng ở đây với ai? hắn mô rồi?
- Ai cơ! tui vừa đi đến đây mà!
- Thế mi có thấy ai vừa chạy qua đây không?
- Không! tôi mải đi nên nỏ nhìn thấy ai.
- Rõ ràng là tau nhìn thấy hắn chạy, chả nhẽ hắn chạy vào vườn ni. Chúng bay! vào trong nhà ni tìm xem, hắn chỉ ở trong ni thôi, rõ ràng mắt tau nhìn thấy!
Lát sau cả đám kéo vào, hằm hằm sát khí. Nhìn thấy nó, liếc nhìn chiếc quân hàm trên ve áo, tên cầm đầu lễ phép hỏi:
- Anh CA đồn vừa vào đây đấy à?
- Chú ấy đến chơi lâu rồi, đang dậy con tôi học đấy! chị gái phân bua.
- Anh có thấy ai chạy vô đây không?
- Không! Tôi cũng không để ý, có chuyện chi đấy?
- Nỏ có chuyện chi. Thôi chúng ta về thôi! Chào gia đình nhé, cả o Thi nữa, lần sau cũng đừng đi tối một mình!
Ra cửa còn nghe thấy tên đó lầu bầu:
- Cha tổ! rứa mà hắn thoát được, tau mà bắt được thì...!
Dưới ánh đèn dầu, nó và chị gái đều nhận ra mặt chị Thi vẫn còn tái dại.
Từ hôm ấy, nó cố tình tránh mặt chị. Thỉnh thoảng nhớ lại, nó vẫn không khỏi thảng thốt, "hôm ấy mà bị tóm thì không hiểu có chuyện gì xảy ra"? Nó và nhất là chị sẽ mất hết danh dự. Rồi dân làng sẽ bàn tán, bao nhiêu năm gìn giữ sẽ tan trong phút chốc! Còn nó nhất định sẽ bị kỷ luật, thế nào mà chẳng có người nói: "Mới về Đồn đã gây điều tiếng, gái nào không dây lại dây vào gái có chồng, vi phạm chính sách hậu phương quân đội. Chưa kể chênh lệch tuổi tác. Địa phương mà đề nghị thì có lẽ phải đưa lên Quân khu kỷ luật..."! Nhưng lúc ấy, nó lại chỉ thấy thương chị vô bờ!
Rất may là sau đó nó được sung vào đội Cơ động, thủ khẩu trung liên RPĐ trực chiến bắn máy bay và tuần tra bờ biển. Một thời gian sau lại chuyển sang Đội công tác cơ sở mạn phía Bắc. Nó xa chị từ ngày đấy. Ngày xách ba lô rời đi, thấy mặt chị buồn rười rượi !
Sau Hiệp định Pari thì Đồn lại chuyển về chỗ cũ, sát mép biển. Thỉnh thoảng khi về Đồn họp, nó vẫn gặp chị ra chơi. Trong BCH có anh cán bộ kín đáo tán tỉnh chị. Chả hiểu sao Đồn coi chị như người nhà, chị được vào tận chỗ ăn ở của anh em. Nó biết chị vẫn có ý tìm. Trước mặt mọi người, nó vẫn cư xử đúng mực với chị như một người em. Dù sao trong sâu kín đáy lòng nó vẫn không thể quên được cái tối hôm ấy, quên được cái hơi ấm của sự cọ xát mềm mại nơi bụng dưới.
Một dạo, nó thấy chị rất buồn, ánh mắt chị như vô hồn. Nó có hỏi nhưng chị không nói gì, khóe mắt lại rưng rưng. Nó đã tự hỏi "Hay là mình đã làm chị đau khổ". Nhưng rồi cái anh cán bộ nghi là đang tán tỉnh chị cho biết chồng chị, cái người mà chị đã đằng đẵng đợi chờ suốt cả tuổi xuân ấy đã phản bội chị, mà phản bội một cách đê hèn! Thời gian chị bặt tin hắn và cả đơn vị cũng bặt tin hắn, chính là hắn sống trong trại giam của địch. Trong một trận càn, hắn đã bị địch bắt. Hiệp định Pari ký kết và trao đổi tù binh, hắn được trao trả và trở ra an dưỡng tại Bắc Ninh. Thế mà an dưỡng được 1 năm hắn mới ngầm báo tin cho gia đình. Sau cái ngày nhận được tin hắn, gia đình đã bí mật giấu chị ra Bắc Ninh gặp hắn. Qua gia đình, biết chị vẫn chờ đợi, sống thủy chung đúng mực và không để lại điều tiếng gì. Nhưng chị đã 34 tuổi rồi, đã hết vẻ thanh xuân của một người con gái. Trong khi suốt bao nhiêu năm ấy, hắn đã sống nhởn nhơ, hết trong trại giam của địch lại trong trại an dưỡng của ta, nên béo trắng ra và tất nhiên là trẻ hơn chị nhiều. Hắn cần một người con gái trẻ. Thế là hắn cùng gia đình bàn mưu tính kế để ruồng rẫy chị. Hắn viết thư và khuyên chị hãy đi lấy chồng, đừng đợi chờ gì hắn nữa. Gia đình hắn cũng xúm vào trở mặt.
Lúc đầu chị rất ngạc nhiên, chị nói rằng đã mòn mỏi đợi chờ rất lâu ngày này. Đó là ngày vui thống nhất và cũng là ngày vui xum họp. Dù gì chị cũng đã là dâu con trong chừng ấy năm... Thư chị gửi đi, không thấy hồi đáp, trong khi gia đình hắn vẫn không ngớt hùa theo, thậm chí còn sang gặp nhà chị để trả lại lễ ăn hỏi. Việc làm đê hèn đó đã gây ra cú sốc lớn cho cả nhà chị cũng như cho bà con trong xã. Họ rất bất bình nhưng còn làm gì được nữa một khi người ta đã nhất quyết phụ tình?
Sau đận ấy, chị bị suy sụp, già hẳn đi, người càng khô đét lại. Chị chính thức trở thành gái già, gái ế. Những người từng theo đuổi đã tìm được nơi chốn cả. Họ chỉ biết nhìn chị với ánh mắt ái ngại, xót thương!
Đúng vào thời gian đó, chúng tôi được gọi đi học sỹ quan. Trước lúc xách ba lô lên đường, tôi và nó đến chia tay chị. Chị nấc lên, ôm lấy chúng tôi dặn: "Lúc nào có dịp, hãy về thăm Thi, Thi lúc nào cũng nhớ các anh"!
Nhưng không ngờ cái ngày về thăm chị lại kéo dài tới 23 năm sau. Mãi đến năm 1997, tôi và gia đình mới có dịp ghé thăm Cửa Lò, Lúc đó Cửa Lò đã đông vui nhưng chưa được đầu tư để trở thành phố xá như bây giờ. Đồn Biên phòng vẫn đóng trên mảnh đất cũ nhưng người xưa thì chẳng còn ai. Rất may là tôi còn nhớ ra ông Đồn phó nhà ở gần đó. Sau một hồi hỏi thăm rồi cũng tìm ra.
Về hưu đã lâu nhưng trí nhớ vẫn còn rất tốt, ông Đồn phó vanh vách kể lại những sự kiện thời đó. Khi nghe tôi hỏi đến chị Thi, giọng ông trầm hẳn: "Tội nghiệp cái con ấy, người tốt như rứa mà khổ chi là khổ! Già tưởng ế mà may sau cũng lấy được chồng. Chồng hắn đi công nhân, chết vợ, lấy nhau được 1 đứa con trai rồi cũng lăn ra chết. Bây giờ con đó lại trở về nhà đẻ ở cùng thằng con trai đã xây dựng gia đình". Nghe đến đây tôi mừng lắm. Một là mừng cho chị cuối cùng cũng có chồng, có con. Sau nữa là tôi sẽ được gặp lại chị, tôi chỉ sợ chị lấy chồng xa mà không gặp được thôi.
Cơm nước ở nhà ông Đồn phó xong, tôi nhờ ông dẫn vào thăm chị. Con đường cát trắng ngoằn ngoèo có hơn cây số mà tôi tưởng như dài tới dăm bẩy cây. Một phần vì lâu không quen đi bộ trên đường cát lún, một phần cũng bởi vì tôi nóng lòng muốn gặp chị.
Cuối cùng thì cũng đến nơi. Vẫn ngôi nhà gỗ lợp ngói 3 gian 2 chái, vẫn hàng rào duối cắt tỉa kỹ bao quanh mảnh vườn xưa, vẫn cái giếng cũ và hàng dây phơi...tất cả cảnh vật không có gì thay đổi. Duy nhất chỉ có căn hầm mà chúng tôi đào là không còn dấu tích, thay vào đó là những luống cam đang cho ra quả.
Ông Đồn phó hắng giọng:
- Nhà Thi có nhà không? có khách đây này, ra mà xem còn nhận ra ai nữa không?
Một bóng người chạy ra kèm một tiếng reo vồn vã:
- Ôi anh Hàn, sao hôm nay lại đến nhà em? anh vào nhà đi!
- Tôi đến đây để dẫn theo một người, xem o có nhận ra không?
Chị nhìn tôi hồi lâu như lục trong ký ức.
- Ai nhỉ? trông quen lắm! sợ nhận lầm?
Tôi nhoẻn cười:
- Em đây, chị Thi ơi!
Chị chới với, ngồi thụp xuống bậu cửa, 2 tay ôm lấy ngực
- Chú...à... anh! nói rồi chị bỗng lấy tay dụi mắt, giọng trách móc:
- Anh còn nhớ đường về đây gặp Thi à?
- Nhớ, nhớ chứ! em lúc nào cũng nhớ, chỉ vì bận quá nên mãi bây giờ...(chưa nói hết câu giọng tôi cũng nghẹn lại). Xin chị đừng giận em!
Chỉ vào vợ tôi, chị hỏi:
- Ai đây! vợ hả? Thôi tất cả vào nhà đi!
Rồi chị tất tả xuống bếp, mang nước ra rót.
Lúc này tôi mới ngắm chị. Chị già đi nhiều quá, tóc đã bạc nhiều, người khô quắt lại. Có lẽ gặp ngoài đường dù có nghe nói thì cũng chẳng tài nào nhận ra, may mà có ông Đồn phó đưa đến. Duy chỉ có đôi mắt khi cười là còn giống xưa.
Ngồi một lúc thì ông Đồn phó ra về, để vợ chồng tôi ở lại chuyện trò với chị. Tôi vắn tắt nói về mình để tập trung hỏi chuyện chị. Chị cho biết 2 cụ đã mất, cả bà chị dâu cũng mất sau khi nghe tin anh cả hy sinh. Chị lấy chồng, được mấy năm thì chồng mất, chị xin phép mang con về nhà mẹ đẻ để vừa giữ nhà, vừa giữ chuyện hương khói. Con trai mới lấy vợ, vợ chồng đều ra bãi biển làm, vợ bán nước mía còn chồng đi chụp ảnh dạo, cuộc sống thế là cũng đủ ăn.
Tôi còn hỏi nhiều chuyện khác nữa, chị cũng hỏi tôi nhiều lắm nhưng tuyệt nhiên không một lần hỏi thăm về nó. Tôi nghĩ là chị vẫn nhớ nhưng lại muốn chôn sâu nó trong lòng. Bỗng tôi hỏi về thằng chồng đầu tiên đốn mạt của chị. Chị cho biết hắn đã bị con vợ trẻ bỏ để chạy theo người khác. Hắn không có con, hiện nay sống cô đơn với bệnh tật ở quê nhà. Có lần cũng mò qua đây thăm, cốt là xin cho nối lại nhưng đều bị chị xua đuổi. Hàng xóm còn chửi thẳng: "Lại còn dám vác mặt sang đây"! Chị còn hỏi tôi rằng như thế chị có tệ lắm không? Tôi nói:
- Ngữ ấy cứ để vậy cho đáng đời, phụ tình thì tình phụ, thương cái nỗi gì?
Đến xế chiều thì vợ chồng tôi đứng dậy từ biệt để trở về khách sạn, chị muốn giữ ở lại ăn một bữa cơm song chúng tôi từ chối vì còn phải đi theo đoàn. Chị làm ra bộ giận và lại sụt sùi. Tôi xin phép chị được thắp hương cho các cụ và ra về không quên hẹn ngày được trở lại thăm chị.
Chị Thi ơi, thôi cũng được chị ạ! Dù có phải chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay thì rốt cuộc chị cũng không phải chịu phận gái già, vẫn tìm được chút hạnh phúc cuối đời, chị nhỉ?
P/S: Tôi vẫn còn giữ được ảnh chụp chung với chị sau 23 năm và ảnh cùng chị thắp hương cho các cụ.
Theo Trái tim người lính
CCB Dương Công Bắc
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/tp-ho-chi-minh-to-chuc-dem-nhac-21-nam-nho-trinh-cong-son-a11521.html