Kỳ 32.
Nguyễn Hữu Chỉnh đặt ly và có vẻ ngậm ngùi nói:
-Hoàng thượng thì rõ rồi nhưng hai tướng quân chưa rõ vì sao tại hạ bỏ nhà Trịnh, về với Tây Sơn. Số là khi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm còn sống, do say mê tuyên phi Đặng Thị Huệ, đã phế truất ngôi thế tử của người con riêng là Trịnh Tông, còn gọi là Trịnh Khải, lập con còn rất bé của ngài với Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán làm thế tử. Sau khi Trịnh Sâm chết, kiêu binh đa số là lính Thanh-Nghệ đã nổi dậy phế truất Trịnh Cán, đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa. Kiêu binh còn giết chết Trịnh Cán, giết chết cả tuyên phi Đặng Thị Huệ, giết chết cả người phò tá Trịnh Cán là Hoàng Đình Bảo. Tại hạ là người của Hoàng Đình Bảo nên phải đem cả thê tử vào đây nương nhờ, may được hoàng thượng và các anh hùng hào kiệt Tây Sơn cho chỗ dung thân.
Nguyễn Nhạc nói:
-Được Bằng Quận công về, Tây Sơn như đang hạn được mưa.
Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:
-Không dám, không dám.
Cạn một ly nữa, Nguyễn Hữu Chỉnh nói tiếp:
-Bây giờ đất Gia Định đã thu hồi được rồi, tại hạ nghĩ sắp tới hoàng thượng nên cho đánh lấy lại đất Thuận Hóa mà nhà Trịnh đang chiếm, thu hồi toàn bộ đất từ Thuận Hoá-Phú Xuân đến sông Linh Giang vốn là đất của Đàng Trong ta xưa.
Nguyễn Huệ nói:
-Bằng Quận Công nói chính hợp với ý của tại hạ. Tại hạ cũng đã trình điều này với hoàng thượng nhưng hoàng thượng còn phân vân.
Nguyễn Hữu Chỉnh nói tiếp:
-Theo thiển nghĩ của tại hạ thì Tây Sơn nên lấy lại, thứ nhất là mấy năm nay quân Trịnh ở Thuận Hóa và Bắc Bố Chính không tác chiến nên rất lơ là, ý chí và sức chiến đấu giảm suốt, Tạo Quận Công Phạm Ngô Cầu là thống lĩnh nhưng không chăm lo việc quân, chỉ mải mê buôn bán làm giàu với lái buôn Phương Tây, không mua sắm vũ khí, lương thực, không chăm lo quân đồn trú nên lòng quân vô cùng chán nản. Tại hạ nghĩ nếu đánh thì chưa đầy một tháng đã thắng lợi. Thứ hai lấy Thuận Hóa còn là do sự tồn tại lâu dài của nhà Tây Sơn. Được vùng đất đó thêm lãnh thổ, nguồn nhân tài vật lực tăng lên, còn là yếu tố quốc phòng để bảo vệ Đàng Trong. Hệ thống lũy Thầy vẫn còn nguyên giá trị trong việc bảo vệ Đàng Trong. Nếu như nhà Lê-Trịnh mất, một triều đại khác lên thay mà tấn công Đàng Trong, chúng ta còn có lũy Thầy để chặn đứng chúng lại.
Nguyễn Nhạc nói:
-Đa tạ những lời lẽ nhìn xa trông rộng của Bằng Quận Công. Bằng Quận Công nói đúng lắm, triều đại Đàng Ngoài có thể thay đổi, phải có lũy Thầy để bảo vệ Đàng Trong nhỡ bị tấn công. Xin mời cạn ly.
Ba người cạn ly xong, Nguyễn Nhạc lại nói:
-Vậy chúng ta quyết đánh lấy Thuận Hóa đến Nam sông Linh Giang. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nghe chỉ:
-Có thần.
-Nay cử Bắc Bình Vương làm tổng chỉ huy quân thủy bộ tiến đánh Thuận Hóa.
-Thần tuân chỉ
Vũ Văn Nhậm nghe chỉ:
-Có thần.
-Nay phong Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc tiến đánh Thuận Hóa.
-Thần tuân chỉ.
-Nguyễn Hữu Chỉnh nghe chỉ:
-Có thần.
-Nay phong Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc tiến đánh Thuận Hóa.
-Thần tuân chỉ.
-Đông Định Vương Nguyễn Lữ nghe chỉ;
-Có thần.
-Nay phong Đông Định Vương làm thủy sư đô đốc hậu quân tiếp ứng cho đại quân đánh Thuận Hóa.
-Thần tuân chỉ.
Hôm sau, trước khi xuất phát, trong tổng hành dinh, Nguyễn Hụệ nói:
-Chúng ta sẽ chia quân làm ba đạo tiến đánh Thuận Hóa. Đạo thứ nhất là đạo bộ binh do ta chỉ huy đánh chiếm đèo Hải Vân rồi tiến đến Phú Xuân phối họp với đạo thủy binh đánh chiếm thành này. Đạo thứ hai do Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy tiến vào sông Hương, phối hợp với bộ binh hạ thành. Đạo thứ ba là đạo thủy binh do Đông Định Vương Nguyễn Lữ chỉ huy đánh chiếm sông Nhật Lệ, Nam sông Linh Giang, chiếm lũy Thầy, các đồn Bố Chính, Leo Heo, Dinh Cát. Đạo quân này còn có nhiệm vụ ngăn chặn viện binh của nhà Trịnh từ ngoài Bắc vào chi viện.
-Chúng mạt tướng tuân lệnh.
Nguyễn Huệ nói thêm:
-Trận này vẫn phải lấy yếu tố bất ngờ để giành thắng lợi. Ai có kế sách gì làm cho tướng Phạm Ngô Cầu bất ngờ hơn nữa?
Nguyễn Hữu Chỉnh nói:
-Tại hạ biết rõ Phạm Ngô Cầu là người rất mê tín. Bắc Bình Vương cứ cho một tùy tướng giả làm thầy bói nói năm nay Phạm Ngô Cầu gặp hạn lớn, muốn thoát hạn phải lập đàn cầu cúng trong 7 ngày. Như vậy Phạm Ngô Cầu sẽ không kịp điều quân chống cự.
Nguyễn Huệ nói:
-Diệu kế, diệu kế.
Ngồi trong dinh ở Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu vừa uống xong ly trà thì có tùy tướng vào báo:
-Dạ bẩm, vâng lời Tạo Quận Công, mạt tướng đã tìm thấy một đạo sĩ biết xem tướng số về cho chủ soái.
-Cho vào.
-Dạ.
Đạo sĩ bước vào, mặc áo vàng, tay cầm bùa vàng vẽ biểu tượng âm dương, Một tay rung chuông, miệng đọc gì không rõ. Phạm Ngô Cầu bước ra đón:
-Kính chào đạo nhân.
-Không dám, chào chúa công. Chúa công tìm ta có việc gì cần chăng?
-Dạ, xin đạo nhân đoán định xem năm nay ta gặp may mắn hay vận hạn gì không?
-Được, đó là nghề nghiệp của ta mà, chúa công tìm đúng người rồi.
Hai người ngồi vào ghế tràng kỷ, giữa là chiếc bàn gỗ gụ hoa văn chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Sau một lượt trà, đạo sĩ hỏi:
-Xin chúa công cho biết năm sinh?
-Ta sinh năm 1720.
-Đạo sĩ tính rất nhanh và nói:
-Chúa công sinh 1720 là hành thổ, năm nay 1786 là hành thủy, thổ với với thủy tương khắc rất mạnh, có thể dẫn tới mất mạng hoặc là thay thầy đổi chủ.
Phạm Ngô Cầu nghĩ: Không lẽ Tây Sơn ổn định được Gia Định sẽ rảnh tay đánh ra Thuận Hóa. Nghĩ vậy Phạm Ngô Cầu cả sợ hỏi:
-Thầy cho biết cách hóa giải để tại hạ thoát khỏi hạn lớn này.
Đạo sĩ nói:
-Chúa công phải trai giới ăn chay trong 7 ngày, tức là làm cỗ chay bày ở bảy tầng tháp ở chùa Thiên Mụ và ngồi đọc kinh “Kim Cang thọ mạng” sám hối. Nhớ là cỗ chay, nước và hương khói, vậy thôi. Nhớ là cái tâm phải hướng về tâm linh thì phải tin tưởng.
-Đa tạ đạo sĩ.
Phạm Ngô Cầu gọi:
-Người đâu.
-Dạ.
-Đem 10 nén bạc kính biếu thầy.
-Dạ.
Đạo sĩ đi rồi, Phạm Ngô Cầu sai làm cỗ chay hương khói sắp đặt trên bảy tòa tháp ở chùa Thiên Mụ rồi tự ngồi đọc kinh sám hối. Quân lính phục dịch rất mệt mỏi, việc phòng bị bảo vệ Thuận Hóa hoàn toàn bỏ bê, trễ nải.
(Còn nữa)
CVL
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-32-a11548.html