Kỳ 34.
Các tướng lục tục kéo đến:
-Kính chào Bắc Bình Vương, chào Bằng Quận Công.
-Miễn lễ, mời các tướng quân ngồi.
-Đa tạ.
Sau một lượt trà, Nguyễn Huệ nói:
-Nay nhà Trịnh Đàng Ngoài suy yếu cực độ, bách tính vô cùng đói khổ. Ta nhân cơ hội này kéo đại quân ra lật đổ nhà Trịnh, cứu vớt lê dân, lập lại nền thống nhất thiên hạ. Các tướng quân thấy thế nào?
Các tướng đồng thanh đáp:
-Chúng mạt tướng nguyện theo ngọn cờ đại nghĩa của Bắc Bình Vương để thống nhất thiên hạ, cứu lê dân bách tính khỏi lầm than.
Nguyễn Huệ nói:
-Đông Định Vương Nguyễn Lữ.
-Có mạt tướng
-Đông Định Vương lĩnh 1 vạn quân ở lại giữ thành Phú Xuân và đất Thuận Hóa.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh nghe lệnh:
-Có mạt tướng.
-Bằng Quận Công giữ chức phó thống lĩnh cuộc Bắc tiến, đem 300 chiến thuyền, 1 vạn thủy binh đi tiên phong ra chiếm Vị Hoàng, uy hiếp trấn Sơn Nam, làm đầu cầu chiến lược để đại binh ta tập kết, từ đó đánh chiếm Thăng Long.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Đô đốc Nguyễn Văn Lộc nghe lệnh:
-Dạ, có mạt tướng.
-Đô đốc đem 1 vạn quân đi tiên phong cùng ta đánh từ Bắc sông Linh Giang ra Thanh Hóa, Sơn Nam để tới Vị Hoàng phối hợp với thủy binh của Nguyễn Hữu Chỉnh.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Đô đốc Vũ Văn Nhậm nghe lệnh:
-Có mạt tướng.
-Đô đốc lĩnh 1 vạn quân đi hậu quân cùng ta đánh từ Bắc sông Linh Giang ra trấn Sơn Nam.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Ta sẽ thống lính 3 vạn quân đi trung quân, tổng chỉ huy toàn bộ chiến dịch Bắc tiến. Các tướng nhất nhất phải nghe lệnh, ai trái lệnh chém.
Các tướng đều đồng thanh đáp:
-Chúng mạt tướng tuân lệnh chủ soái Bắc Bình Vương.
Nguyễn Huệ trao tấu trình cho Nguyễn Lữ và nói:
-Sau khi ta xuất quân, Đông Định Vương hãy cho người cầm tờ trình này cho Thái Đức hoàng đế, còn phải cử người đưa Phạm Ngô Cầu và gia quyến về Quy Nhơn cho triều đình định đoạt.
-Mạt tướng tuân lệnh.
Liền đó, sau khi ăn cơm trưa xong, đại quân Tây Sơn xuất phát. 300 chiến thuyền cờ đỏ rợp biển theo gió nồm mùa hè đi như bay ra biển Bắc. Dân cư ở miền Trung gần bờ biển trông thấy đều nói đó là một hiện tượng chưa từng có bao giờ. Ngày 6 tháng 6 năm 1786, thủy quân Tây Sơn đánh Vị Hoàng, trấn Sơn Nam. Quân Trịnh chưa đánh đã chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh lên bờ lấy được trăm vạn hộc lương, ra lệnh canh phòng cẩn mật, cố thủ chờ đại quân của Nguyễn Huệ đến.
Cánh quân bộ quân phục nâu, đầu buộc khăn đỏ, cờ đỏ rợp trời, trống cái vang như sấm. Nguyễn Hụê trên mình voi, chiến bào đỏ, mặc giáp đồng, mũ đâu mâu đồng, đi hài nâu, lưng đeo thanh đại đao đi trung quân. Trên đầu voi có lá cờ đỏ lớn đề chữ vàng “Bắc Bình Vương” bay phấp phới. Còn có lá cờ dài hơn ghi dòng chữ “Phù Lê diệt Trịnh”. Đại quân hùng dũng tiến ra Bắc.
Sáng hôm sau, ba quân vượt cầu phao lên bờ Bắc sông Linh Giang. Từ đó ra đến Thanh Hóa, quân Tây Sơn không gặp một sự kháng cự nào của quân Trịnh. Tướng lĩnh, các quan văn võ trong các đồn, trong các thành trì và trấn trị cứ thấy bóng cờ quân Tây Sơn là bỏ chạy. Quân Tây Sơn như vào chỗ không người. Qua Thanh Hóa, quân Tây Sơn tiến vào Sơn Nam. Trấn thủ Sơn Nam là Đỗ Thế Dận đem quân chạy về bờ sông Phù Sa. Nguyễn Hụê hội quân bộ và quân thủy ở Vị Hoàng, chuẩn bị đánh các đạo quân Trịnh và đánh Thăng Long. Đó là ngày 17 tháng 7 năm 1786. Trong tổng hành dinh của Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh trình sơ đồ cho Bắc Bình Vương và nói:
-Bẩm Bắc Bình Vương, tướng Trịnh là Trịnh Tự Quyền chỉ huy 2 vạn quân đóng ở Kim Động - Hải Dương. Đạo thứ hai của quân Trịnh do Trấn thủ Sơn Nam Đỗ Thế Dận đóng ở bờ sông Phù Sa. Đạo thứ ba là đạo thủy binh do Đinh Tích Nhưỡng chỉ huy đóng ở cửa sông Luộc. Cửa sông này giao nhau với sông Hồng tại Hưng Yên, chắn con đường thủy về Thăng Long. Ba đạo quân này tạo thành một phòng tuyến ngăn chặn đường bộ và đường thủy về Thăng Long.
Nguyễn Huệ quyết định:
-Đô đốc Nguyễn Văn Lộc.
-Có mạt tướng.
-Đô đốc đem 2 vạn quân đánh tan đạo quân của Trịnh Tự Quyền ở Kim Động, Hải Dương và tiến vào Thăng Long.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Đô đốc Vũ Văn Nhậm.
-Có mạt tướng.
-Đô đốc đem 2 vạn quân đánh tan 2 vạn quân của Đỗ Thế Dận trên bờ sông Phù Sa.
-Mạt tướng tuân lệnh.
-Bằng Quận Công.
-Có mạt tướng.
-Bằng Quận Công cho lấy rơm rạ ngoài đồng, cho quân bện thành hình nộm người, đặt lên thuyền nhỏ cho thủy quân Đinh Tích Nhưỡng bắn vào. Khi chúng hết đạn cho thủy quân ta xông lên, địch sẽ tan vỡ, ta ít bị thiệt hại.
Nguyễn Hữu Chỉnh nói:
-Diệu kế, diệu kế.
Sáng sớm thủy binh của Đinh Tích Nhưỡng đã dàn 100 chiến thuyền trên sông Luộc. Cờ vàng bay phấp phới, đại bác trên thuyền chĩa về hướng Đông, nơi thủy binh Tây Sơn xuất hiện để vào Thăng Long. Theo gió nồm gần 50 chiến thuyền loại nhỏ của Tây Sơn dương cánh buồm lướt tới. Những thủy binh đứng hai bên mạn thuyền đông đúc đã dương cung và súng hỏa mai, cờ đỏ trên thuyền bay phấp phới. Khi thấy thuyền Tây Sơn đã vừa tầm, Đinh Tích Nhưỡng hạ lệnh:
-Bắn.
Các hạng pháo trên thuyền quân Trịnh bắn xối xả. Đạn nổ, lửa khói mù mịt cả dòng sông che lấp cả tầm nhìn của quân Trịnh. Phần do sợ hãi, quân Trịnh cứ bắn, các chiến thuyền Tây Sơn bốc cháy, thủy binh đứng trên mạn thuyền cũng bốc chay. Cả dòng sông ngập chìm trong khói lửa. Bỗng nhiên, tiếng pháo của quân Trịnh im bặt. Đinh Tích Nhưỡng trên đài chỉ huy gào thét:
-Bắn.
-Dạ, bẩm chủ soái hết thuốc súng và đạn rồi ạ.
-Hả, sao vậy?
-Dạ bẩm chủ soái, trên chiến thuyền Tây Sơn quân lính toàn bằng rơm rạ thôi ạ.
-Đinh Tích Nhưỡng kêu lên:
-Chết rồi, trúng kế rồi, ta bị lừa rồi.
Đang khi đó thì hàng trăm chiến thuyền lớn của Tây Sơn ào ạt rẽ nước tiến lên, nã đại bác như mưa vào chiến thuyền quân Trịnh. Thủy binh Trịnh hết đạn nên không thể bắn trả được, các chiến thuyền nổ tung, bốc cháy và chìm dần, 2 vạn thủy binh trúng đạn tan xác hoặc chết cháy hoặc chết đuối. Đạo thủy binh Trịnh bị tiêu diệt hoàn toàn.
Thủy Binh Tây Sơn hướng pháo lên bờ bắn vào bộ binh của Đỗ Thế Dận, lại thêm Vũ Văn Nhậm tiến đánh, bộ binh Trịnh tan vỡ tháo chạy. Tại tổng hành dinh của Bắc Bình Vương, thám mã về báo:
-Dạ bẩm chủ soái, đạo quân của Trịnh Tự Quyền đã bị đô đốc Nguyễn Văn Lộc tiêu diệt.
(Còn nữa)
CVL
PGS TS Cao Văn Liên
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/viet-nam-dien-nghia-tap-v-tieu-thuyet-lich-su-ky-34-a11593.html