-Chị Vy ơi có thương binh về… Thắm vừa chạy vừa hổn hển nói:
-Có đông không em? Vy hỏi lại.
-Có hai ca nặng, ba ca nhẹ chị à.
-Em làm thủ tục chuyển hai ca nặng lên tuyến trên, còn ba ca nhẹ đưa về trạm quân y nhé…
-Vâng ạ… Nói rồi Thắm vội vàng ra xe đón những chiến sĩ bị thương nhẹ về trạm…
Phan Thanh Hùng tập tểnh bước từ chiếc xe U-oát xuống, chân cuốn băng trắng từ đùi đến cổ chân, Vy chạy đến định dìu Hùng nhưng anh xua tay và nói:
-Không cần, không cần đâu tôi tự đi được.
-Không được để tôi dìu anh đi, anh là thương binh phải nghe mệnh lệnh của tôi chứ…Nói rồi Vy ôm ngang lưng Hùng dìu anh vào trạm. Hùng với dáng cao to da ngăm đen, đôi môi thâm sì vì sốt rét bước đi bên Vy cô y tá có dáng người tròn lẵn. Ngay từ phút ban đầu ấy, Hùng đã có cảm tình với cô y tá xinh xắn với làn da trắng, cặp mắt lá răm và hàm răng trắng đều…Và có lẽ vậy, nên Hùng cũng dịu dàng hơn, không cau có như lúc mới nhập trạm...thỉnh thoảng đã thấy anh hát những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh với chất giọng thật ngọt ngào…Hùng vốn sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi ấy có con sông Đuống thơ mộng đã từng đi vào những áng văn thơ tuyệt tác mà nhà thơ Hoàng Cầm đã mô tả trong bài thơ: “Bên kia sông Đuống”:“Ai về bên kia sông Đuống/Cho ta gửi tấm the đen/Nhớ cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng/Thời trẻ thơ thấp thoáng mộng bình yên…”.
Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Phan Thanh Hùng hăng hái xung phong nhập ngũ và anh tham gia chiến đấu ở mặt trận Trị -Thiên. Trong một lần chạm mặt với quân thám báo địch, anh đã bị thương chân trái và chuyển về trạm xá quân y tiền phương điều trị. Tại đây, Hùng đã gặp y tá Trần Thị Vy, cô gái quê hương miền Trung xinh đẹp, thật thà và tình cảm… Năm 1969, Vy lên đường nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong đóng ở Quảng Bình. Nhiệm vụ của đơn vị cô là đảm bảo thông suốt huyết mạch giao thông ở Ngã ba Cổ Kiềng nơi giáp ranh giữa miền tây Vĩnh Linh và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau một năm chiến đấu gian khổ ác liệt, Trần Thị Vy đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và được cử đi học lớp Y tá. Tốt nghiệp loại giỏi Vy được điều về trạm quân y tiền phương thuộc mặt trận B5.Trạm quân y của Vy có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị, những bệnh nhân nhẹ của phía trước chuyển về còn những bệnh nhân nặng phải chuyển về bệnh viện tuyến sau.
Đêm đầu tiên, nằm điều trị, vết thương ở chân của Hùng khá đau do di chuyển trên ô tô qua một quảng đường khá dài, lại phải lội qua nhiều khe suối nên suốt đêm anh không sao ngủ được. Đến gần sáng anh vừa chợp mắt được một lúc đã nghe tiếng của cô y tá Vy:
- Dậy thay băng anh Hùng ơi…Đêm qua anh có đau lắm không?
Mắt Hùng hơi nhíu lại và thủng thẳng đáp:
-Đau… Thức trắng đêm…
-Để em rửa lại vết thương cho anh nhé, cũng may anh chỉ bị phần mềm thôi mà…Nói rồi Vy mang khay dụng cụ y tế cồn, bông băng đến rửa vết thương cho Hùng.
- Ối! Đau…Hùng nhăn mặt
-Ăn thua gì chỉ như kiến đốt thôi…Vy mỉm cười đùa Hùng
-Cô có bị thương đâu mà biết đau…
- Hôm trước có anh thương binh bị dập chân phải cắt cụt, trạm hết thuốc tê, em phải hát để động viên cho anh ấy vượt qua ca phẩu thuật đấy…
-Vậy thì cô hát đi để tôi nghe…
-Vết thương của anh chưa đến mức phải hát đâu…để hôm nào ra viện em hát cho anh nghe nhé…
Một tháng nằm điều trị ở trạm xá, được Vy hết lòng chăm sóc động viên, vết thương của Hùng đã sắp khỏi và anh đã “thầm yêu, trộm nhớ” cô y tá xinh đẹp. Mỗi lần được Vy rửa vết thương hoặc tiêm thuốc, Hùng cảm thấy thích thú, thấp thỏm chờ đợi…Vy cũng bắt đầu có cảm tình với người lính “hát dân ca quan họ” ấy…
Đêm liên hoan văn nghệ để ngày mai Hùng trở về đơn vị, đôi “ trai tài, gái sắc” đã có một buổi tối thật vui... Hùng và Vy nắm tay nhau song ca bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”.
Khi tiếng hát của cặp song ca nam nữ vừa dứt, những tràng pháo tay vang lên không ngớt cùng những tiếng hô vang của mọi người “hôn nhau đi, hôn nhau đi”…Đêm đó Hùng hát tặng mọi người bài hát “Người ơi người ở đừng về” cả khán phòng im phăng phắc, mọi người nghe như nuốt từng lời… mà có lẽ xúc động nhất vẫn là Vy…Cô ngồi đó những giọt nước mắt lăn dài trên má…rồi cô chợt nghĩ: “Không biết lần này Hùng ra đi có còn trở lại, Hùng có nhớ tới cô nơi vùng núi vắng vẻ giữa đại ngàn Trường Sơn này nữa hay không? Hùng ơi anh có biết em yêu anh như thế nào không? Xa anh rồi làm sao em sống nổi đây…thật đúng là “Vừa quen thì lại vừa xa/Vừa đắp chăn lại thì gà gáy tan”…Đang mãi suy nghĩ…bỗng Vy nghe mọi người hô vang:
- Anh Hùng hát rồi đến lượt Vy hát đi, hát đi em Vy ơi…
Vy đứng lên giọng run run:
-Ngày mai anh Hùng trở về đơn vị chiến đấu em mong anh mãi xứng đáng với người chiến sỹ giải phóng quân anh dũng, ngoan cường như hình ảnh anh chiến sĩ giải phóng quân trong bài hát: “Tiếng hát trên đường quê hương” của nhạc sĩ Huy Thục nhé…Rồi Vy cất lên giọng hát trong trẻo: “Theo nhịp bước đường em đi dồn dập tiền phương/ Xuyên rừng núi ngày đêm đi tiếp lương tải đạn /Vượt qua bao nhiêu gian khổ /Máu đã đổ trên đường quê hương /Dù đạn bom vẫn thấy tự do bước đi nhịp nhàng /Anh giải phóng quân miền Nam quê hương ta ơi…”.
Hát đến đây, giọng cô nghẹn lại và khóc nức nở…Hùng vội chạy đến bên cô đưa chiếc khăn mùi soa lau những giọt nước mắt trong tâm trạng đầy xúc động của cô…Sau buổi tối liên hoan văn nghệ, Hùng và Vy nắm tay nhau rảo bước ra khu rừng phía sau trạm xá. Ánh trăng mười sáu vằng vặc xuyên qua kẻ lá tạo khung cảnh rất lãng mạn…Hùng ôm đống lá khô rải xuống đất để “lót lá em nằm”…có lẽ do quá xúc động nên Vy ôm chầm lấy cổ anh hôn lên môi, lên má… Cái hôn đầu đời nóng bỏng của người con trai và người con gái đang độ tuổi hai mươi khiến cả hai run bần bật…Và rồi họ không còn lý do gì để “từ chối” tình yêu mãnh liệt dội lên từ cả hai phía…Ánh trăng như cũng đồng lõa với họ, soi rõ những nét đẹp huyền ảo trên cơ thể người con gái mới lớn chưa một lần yêu khiến Hùng ngây ngất không thể làm chủ bản thân…Hùng bật dậy, quờ lấy chiếc áo lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, giọng run run:
-Anh hư hỏng quá phải không em, mong thông cảm cho anh.. vì quá yêu em…
Vy nở nụ cười tươi và nói:
- Không sao đâu anh, Em tự nguyện mà…
Hai người ở bên nhau đến gần sáng và “Giai điệu tình yêu” lại được lặp lại…
Sáng hôm đó trước lúc chia tay, Hùng đã đưa cho Vy bức thư được viết vội trên mảnh giấy gói lương khô, trong đó Hùng viết: “Xin lỗi em, ngàn lần xin lỗi em, vì quá yêu em nên anh đã không làm chủ được mình…nhưng em ơi giờ đây chúng mình tạm cách xa, không biết ngày nào trở lại…Nếu đêm qua đã để lại giọt máu của anh thì em cố giữ lấy... Nếu sau này em sinh con trai, hãy đặt tên là Phan Trường Sơn và con gái là Phan Mỹ Nguyệt em nhé, để nhớ mãi ánh trăng giữa đại ngàn Trường Sơn đã cho đôi ta một đêm tuyệt vời...Khi phục viên về địa phương em nhớ về Bắc Ninh quê anh, địa chỉ xóm 5 xã… để thưa với bố mẹ rằng em là vợ chưa cưới của anh em nhé. Tạm biệt em, hôn em nhiều…”.
Cầm bức thư trên tay, hai hàng nước mắt tuôn trào trên gò má… nỗi buồn, nỗi trống vắng cô đơn làm cô khuỵu xuống…Một tháng sau, thấy trong người có dấu hiệu khác thường, Vy tâm sự với Thắm người bạn thân cùng tiểu đội: “Hình như chị đã có…”. Thắm ngạc nhiên hỏi lại:
- Chị làm sao…? Hay là đêm hôm trước gặp anh Hùng, rồi…? Vy chỉ cười không trả lời Thắm…
Bụng của Vy cứ lớn dần và đến tháng thứ ba thì cả đơn vị đã biết, họ bàn tán xôn xao và đưa ra những lời đàm tiếu và có những đồn đoán về “tác giả của cái thai”…Lãnh đạo đơn vị họp nhiều lần để tìm giải pháp tháo gỡ, nào là “cứ cho Vy sinh con tại đơn vị” hoặc “Chuyển cô về công tác ở đơn vị khác có điều kiện chăm sóc con”…Cuối cùng đơn vị thống nhất cho Vy được phục viên về địa phương…
Mang cái bầu hơn sáu tháng về quê, mọi người đàm tiếu, xa lánh cô, bố mẹ vừa thương vừa giận con gái không biết giữ gìn, Vy buồn lắm.Nhiều đêm nằm ngủ, cô khóc nước mắt ướt đẫm cả gối. Phần thì nhớ thương Hùng đang chiến đấu nơi xa, phần buồn chán vì dư luận đang cho rằng cô là một người hư hỏng nên bị chửa hoang…nhiều lúc Vy tưởng không thể vượt qua nổi…Nhưng được sự động viên an ủi của gia đình, bạn bè nên cô cũng có phần nguôi dần…
Đến kỳ sinh nở, Vy sinh liền hai cháu, một trai và một gái khỏe mạnh, kháu khỉnh. Vy mừng lắm suốt đêm không tài nào ngủ được, lòng xốn xang nhớ tới Hùng, ước gì cô có được đôi cánh thiên thần để gặp Hùng, báo cho anh biết niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao này…Nhưng cô cũng phải đối diện với một sự thật phủ phàng… cả hai cháu Phan Trường Sơn và Phan Mỹ Nguyệt (đúng hai cái tên mà Hùng căn dặn trước hôm chia tay) không thể nào làm được giấy khai sinh vì không có tên bố. Chính quyền đoàn thể cũng không có sự quan tâm nên cô buồn lắm. Vy quyết định gửi thư cho bố mẹ Hùng để nói rõ sự thật: “Thầy, mẹ kính mến! cho phép con được gọi thầy mẹ như vậy. Nhận được thư này chắc thầy mẹ ngạc nhiên lắm...nhưng đọc hết bức thư này, thầy, mẹ sẽ hiểu mọi chuyện. Con và anh Hùng yêu nhau ở rừng Trường Sơn, nơi trạm xá của đơn vị con đóng quân trong thời gian anh Hùng điều trị ở đó…Một phút mềm lòng, do không kìm nén được cảm xúc, chúng con đã…và giờ đây con đã sinh liền một lúc cho anh Hùng một cháu trai và một cháu gái. Hai cháu mạnh khỏe và giống anh Hùng như đúc thầy mẹ ạ…Con tạm dừng bút và kính chúc thầy mẹ mạnh khỏe, nếu thầy, mẹ tha thứ cho chúng con thì ông bà vào thăm cháu nhé, theo địa chỉ xóm 10 xã…huyện…tỉnh Hà Tĩnh”.
Nhận được thư của Vy gia đình Hùng mừng lắm, vì gần hai năm không hề nhận được tin con, nay có cô “con dâu” báo tin đã sinh cháu…Bố Hùng tức tốc đón xe khách đi vào Hà Tĩnh thăm cháu theo địa chỉ mà Vy đã hướng dẫn.Qua gần hai ngày lặn lội từ Bắc Ninh vào Hà Tĩnh bố Hùng không tin vào mắt mình khi nhìn hai đứa cháu giống hệt Hùng lúc còn bé…ôm hai cháu vào lòng, nước mắt ông chực trào ra vì sung sướng… rồi ông quay sang nhìn Vy và nói:
- Con vất vả quá, sao con không cho thầy mẹ biết sớm từ khi con mới về quê…
- Con xin lỗi thầy, con muốn khi “mẹ tròn, con vuông” rồi mới báo cho thầy, mẹ biết vẫn chưa muộn mà…
- Thôi thế là mừng rồi, giờ thì con yên tâm mọi việc để thầy mẹ lo…
Có lẽ do tủi thân Vy khóc thút thít và nói:
- Cảm ơn thầy mẹ…
Sau lần đó, bố mẹ Hùng đã vào Hà Tĩnh để làm lễ ăn hỏi và xin phép gia đình Vy được đón mẹ con cô về quê. Trong lòng Vy đã vơi đi sự buồn tủi... Hôm gia đình Hùng đón mẹ con Vy, bà con làng xóm đến chia vui và ai cũng mừng cho cô vì “nỗi oan” được giải tỏa… Từ nay cô không còn bị mang tiếng “ không chồng mà lại có con” nữa.
Lại nói về Hùng, sau khi biên thư gửi Vy lần ấy, đơn vị của anh tiếp tục hành quân vào chiến trường Quảng Ngãi, chiến sự hết sức ác liệt nên anh không nhận được tin của Vy…Nhưng trong lòng anh không lúc nào không nghĩ đến Vy, nghĩ đến phút hạnh phúc ngày nào giữa rừng đại ngàn Trường Sơn và anh luôn có cảm giác chắc chắn là Vy sẽ có con…
Trong một trận chiến đấu không cân sức, đơn vị của anh phải rút vào rừng và anh bị lạc, đơn vị nghĩ anh đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về quê. Nhận được tin dữ, Vy ngất xỉu đến lúc tỉnh dậy cố hốt hoảng gọi:
- Con tôi đâu, con tôi đâu…
Phải mất một thời gian dài, Vy mới lấy lại trạng thái bình thường…Sau ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975, Hùng mới tìm được về đơn vị và anh được phục viên về quê. Suốt gần một tuần lễ đi trên chiếc xe đò phải vượt qua những chặng đường hư hỏng do chiến tranh, Hùng mới về tới quê nhà. Từ bến xe thị trấn Thứa, trên ba lô có con búp bê mắt xanh, Hùng đi bộ một mạch về làng… Cảnh làng xóm quê hương không có gì thay đổi so với ngày anh lên đường nhập ngũ. Len lỏi qua mấy lũy tre làng, anh về tới nhà. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt anh đó là một phụ nữ mặc chiếc áo nâu non đang phơi lúa ở sân: “Ai đấy nhỉ? Bố mẹ mình đi đâu hết mà chỉ có cô gái này phơi lúa ở sân?”.Trong đầu Hùng tự hỏi. Khi đến gần anh thấy dáng người cô này khá quen quen, hay là Vy, không có lẽ hình ảnh cô ấy luôn ở trong lòng mình nên mình nghĩ vậy thôi…Khi bước chân vào sân anh không thể tin vào mắt mình Vy đấy ư?Vợ của anh đấy ư? Rồi anh định ôm choàng lấy cô gái…Vy hoảng hốt né người và nói:
- Ôi! Cái ông này dở hơi à…
-Không! anh không dở hơi đâu, anh của em đây, Hùng của em đây…Vy sửng sốt nhìn Hùng rồi kêu to lên:
- Anh nói dối, chồng em đã hy sinh rồi…
Anh đây Vy ơi, anh còn sống và về với em đây này…Có lẽ do quá xúc động nên cô loạng choạng ngã xuống, rất may Hùng đã đón kịp và ôm Vy vào lòng, anh hốt hoảng gọi:
- Vy, Vy ơi em tỉnh dậy đi Vy…
Một lát sau,Vy tỉnh lại cô ôm chầm lấy Hùng và khóc nức nở…Những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc sau bao ngày tuyệt vọng…“anh của em đã về thật rồi, anh còn sống và đã trở về nguyên vẹn bằng xương bằng thịt”… Những người hàng xóm nghe tin Hùng trở về vội vàng kéo đến hỏi thăm, chúc mừng. Nhìn thấy cặp vợ chồng không rời nhau trên sân lúa trong niềm hạnh phúc trào dâng sau bao ngày xa cách, ai cũng mừng cho họ. Đặt ba lô xuống thềm, Hùng hỏi dồn dập:
-Thầy mẹ đi đâu em? Em về lâu chưa? Sau lần đó em có sinh con cho anh không?…Vy mỉm cười và nói:
-Thầy đi ăn giỗ ở làng bên, mẹ đi chùa còn hai con của chúng ta đang đi học anh ạ.
- Sao lại hai con của chúng ta? Hùng ngạc nhiên
- Anh « hư lắm » đúc một lúc được hai con luôn, một trai và một gái.
Hùng sung sướng ôm ghì chặt Vy vào lòng hơn:
-Giỏi… vợ của anh giỏi quá…
Buổi trưa hôm đó khi hai con đi học về Vy thút thít khóc:
-Vào chào thầy đi hai con, thầy của các con vẫn còn sống và đã trở về…
Hai đứa trẻ ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện gì, nên hỏi lại:
- Sao lại vậy hả mẹ, người ta bảo thầy con đã hy sinh?
Hùng ôm chầm lấy hai con, nước mắt giàn giụa vì sung sướng, hạnh phúc: “mình đã được làm bố” rồi anh bảo Vy lấy búp bê trong ba lô đưa cho hai con. Phút giây lưỡng lự làm anh nghẹn ứ cổ:
- Thầy xin lỗi, vì chỉ mua một búp bê thôi, hôm nào thầy gửi các chú trong đơn vị mua thêm cho các con nhé…
Hai đứa trẻ dường như cũng hiểu được niềm sung sướng, hạnh phúc của thầy, mẹ khi nhìn vào chúng nó…/.
Truyện ngắn: của Trần Anh Tuấn
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/phut-mem-long-a11594.html