Suốt mấy ngày, đêm liền cùng các y sĩ, y tá, hộ lý của đội phẫu thuật làm việc liên tục để cấp cứu anh em thương binh và cả nhân dân bị thương dồn dập chuyển tới. Khoảng 10 giờ sáng, ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số căn cứ địch trong thị xã Biên Hòa còn ngoan cố nổ súng kháng cự với quân ta.
Một số khác bỏ nơi đồn trú chạy tán loạn, nhà thương Biên Hòa cũng dồn dập tiếp nhận các ca chấn thương. Giữa lúc đó, tại đội phẫu Trung đoàn 113, chúng tôi nhận một cháu bé 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch gồm các vết thương ở đầu, mặt, cổ. Đặc biệt, vùng thắt lưng bị một mảnh đạn xuyên thủng cả mặt trước và sau dạ dày. Em bé trong trạng thái hôn mê vì mất máu.
Sau khi hội chẩn, tôi chỉ lệnh gây mê và kịp thời xử lý theo phương pháp: giải phẫu khẩn hai lỗ thủng dạ dày và đóng thành bụng ba lớp. Chiến dịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, đội phẫu phải cơ động theo đội hình đơn vị, nếu để cháu bé lại sẽ rất nguy hiểm cho việc chăm sóc vết thương sau khi mổ.
Tôi quyết định đưa cháu đi cùng đội phẫu để tiện bề chăm sóc. Đi theo cháu còn có cha, mẹ và một cụ già (có thể bà nội hay ngoại). Ít ngày sau vết thương ổn định, gia đình xin cho cháu về nhà, trong không khí chiến thắng của toàn dân tộc. Trước lúc chia tay trong niềm xúc động vì con, cháu mình đã được cứu sống mà người trực giúp cứu chữa lại là bác sĩ quân y quân giải phóng, lần đầu họ mới gặp. Gia đình đưa ra một xấp tiền còn rất mới để bồi dưỡng cho bác sĩ.
Tôi cười và giải thích: - Bộ đội giải phóng không chỉ là đánh giặc, giải phóng đất nước, còn có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Gia đình yên tâm đưa cháu về, tiếp tục chăm sóc, đề phòng vết thương bị nhiễm trùng... Được biết cháu bé tên là Huỳnh Phú Hữu, Tân Hiệp, Biên Hòa.
Hơn 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi cầu mong biết hoàn cảnh em Hữu ngày ấy hiện nay thế nào?
Trái Tim Người Lính
Thành Đô
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bac-si-bo-doi-giai-phong-tot-qua-a11602.html