Samuel Agnon - Nhà văn lừng danh gốc Do Thái

Samuel Agnon, tên khai sinh là Shmuel Yosef Halevi Czaczkes (1888 –1970) là nhà văn Israel được trao giải Nobel Văn học năm 1966 cùng với Nelly Sachs. Ủy ban Nobel đã đánh giá về ông với mỹ từ: “Nghệ thuật kể chuyện đặc trưng sâu sắc với chủ đề quán xuyến từ cuộc sống của người Do Thái”.

chan-dung-nha-van-samuel-agnon-1649291731.jpg
Chân dung nhà văn Samuel Agnon. Ảnh internet

 

Samuel Agnon (Shmuel Agnon) sinh ở Buczacz, Galicia, Đế quốc Áo-Hung. Ông được giáo dục theo truyền thống Do Thái, thường đọc kinh Talmud và các tác phẩm thời cổ đại cũng như văn học Do Thái. Năm 1909 ông in truyện ngắn Agunot (Người bị ruồng bỏ), kể về tình yêu trong quá khứ của một người đàn bà. Tên "Agunot" từ đó được ông lấy làm bút danh của mình. Năm 1912 Agnon định cư ở Berlin, nghiên cứu văn học cổ điển, dạy tiếng Hebrew và văn học Do Thái.

Nhà phê bình Robert Albert cho rằng: "Trong di sản văn học phong phú của mình, S. Agnon đã động chạm đến những khía cạnh phức tạp nhất của thế giới đương đại... Không đánh mất mối liên hệ với quá khứ, ông tin tưởng sâu sắc rằng mối liên hệ như thế là cần thiết và có thể có được".

Hai tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của ông là Hakhnasat Kalah (Chiếc màn cưới, 1931) và Oreach Natah Lalun (Người khách đêm, 1937). Những tác phẩm của Agnon phản ánh cuộc sống lưu vong, sự hoang mang và nỗi đau tinh thần của người Do Thái theo bút pháp kết hợp giữa chủ nghĩa hiện thực xã hội bắt nguồn từ văn học Phương Tây với chủ nghĩa tượng trưng, trong đó lòng nhân hậu, tình yêu, nỗi đau được thể hiện như một thứ thuyết bí truyền mang tính chất tôn giáo và huyền ảo.

Trong tuyển tập “Truyện ngắn đặc sắc các tác giả được giải thưởng Nobel”, Samuel Agnon có truyện ngắn khá thú vị mang tên “Cái vỏ cam” do dịch giả Nguyễn Thu Hồng dịch.

Truyện ngắn xoay quanh cái vỏ cam nằm dưới lề đường. Một vỏ của quả cam tưởng như vô hại vô nghĩa lý chẳng có gì để bàn nhưng Samuel Agnon đã dày công đặc tả. Có thể thấy vỏ cam hay các loại vỏ tương tự ở khắp thành phố. Người lơ đễnh đi qua có thể trượt chân trên vỏ cam ấy. Một cụ già trượt vỏ cam và ngã xuống. Cụ đứng lên và đi mất không ai để ý hay xúc động cả. Rồi đến một cô gái cũng ngã khi giẫm phải chiếc vỏ cam. Lần này cái ví của cô gái bung ra khiến các đồ lặt vặt trong ví tung ra tứ phía: Lược, hộp đựng phấn, son, nước đánh móng tay…Những  người đàn ông đổ xô đến giúp cô đứng dậy và nhặt những đồ lặt vặt ấy. Chiếc vỏ cam vẫn ở đó.

Có người  bênh vực rằng, cái vỏ cam chẳng có trách nhiệm về những gì đã xảy ra, kẻ có tội chính là kẻ đã ném nó ra đường, đã ăn cam rồi còn vứt vỏ khắp nơi làm tăng thêm số người tàn tật. Có người lại bàn có vẻ nghiêm trọng hơn, họ quy trách nhiệm từ chiếc vỏ cam là do Tòa thị sảnh mà Sở kiều lộ là cơ quan tồi tệ nhất, kết tội người bóc cam có thấm vào đâu. Tòa thị sảnh làm gì mà không huy động đủ số người để quét đường? Tòa thị sảnh lập ra để thu tiền sao? Hay là đền bù cho dân bằng vỏ rác và vỏ chuối?...

Có người lại cho rằng sẽ dành dụm để đóng bảo hiểm tai nạn, để không bị bất hạnh vì gãy chân như ai đó bị trượt phải vỏ cam. Người ta cứ tranh cãi loạn xị ngậu liên quan đến cái vỏ cam kia. Cái vỏ cam vẫn nằm bên lề đường, bị hàng trăm đôi giày giẫm lên làm cho bẩn nên mất đi vẻ tươi sáng ban đầu của nó. Nhưng nó vẫn may mắn hơn lũ bạn đã bị ném đâu đó vào các đống rác, nó biết được cái mùi vinh quang.

Người ta vẫn cứ tiếp tục tranh luận các câu chuyện liên quan đến cái vỏ cam kia. Nhân vật tự nhận là tác giả đã cúi xuống nhặt nó và vứt đi. Có bà lão liền công kích, bảo ông sẽ làm gì với những thứ rác khác trong thành phố? Tác giả ngẫm nghĩ, dù tương lai xứ sở có ra sao, phân chia hay thống nhất, điều chính yếu là nghĩ đến hiện tại. Vậy chúng ta nên chùi rửa trước nhà chúng ta, ông cúi xuống và bắt đầu dọn dẹp. Trong lúc ông vất vả dọn đường, người khác giúp ông những lời khuyên. Có người dạy ông nghệ thuật gom rác, người dạy nghệ thuật hốt rác, người dạy vứt rác chỗ nào, người dạy cách đốt rác.

Có những lời khuyên trái ngược nhau, làm con người thiện chí kia càng cố gắng làm vui lòng mọi người bằng cách kết hợp những ý kiến trái ngược nhau nhất, thì ông càng thất bại trong việc làm của mình. Đám đông tụ tập lại om sòm, rồi gần như có ẩu đả, thế là có cảnh sát xuất hiện. Mọi người chuồn hết, chỉ còn lại ông tác giả, ông cũng chẳng để ý nên càng nhặt rác, càng dọn rác nhanh hơn để cho con đường nó đẹp ra.

Viên cảnh sát mở cuốn sổ lập biên bản về tội tụ tập bất hợp pháp, ngăn trở lưu thông và gây ồn ào trái phép. Nhân vật tác giả phải bào chữa, rằng đang đi đường thì thấy cái vỏ cam, thấy nó nguy hiểm cho người đi đường thì vứt nó đi, rồi tiếp tục quét luôn cả con đường. Viên cảnh sát nghiêm túc đòi giấy phép của Tòa thị sảnh cho phép ông được phép làm công việc quét rác. Đó là luật lệ. Không được cấp phép thì đó là phạm pháp. Câu chuyện dừng lại ở đó, làm tác giả trầm tư nghĩ về mối liên hệ giữa những đống rác và nhà nước, khốn cho kẻ nào muốn vơ vét sạch sẽ phần nào trong một xứ sở còn đầy những khiếm khuyết và bất công.

Truyện ngắn nói về những câu chuyện liên quan đến một chiếc vỏ cam tưởng như vô nghĩa, mà thấm thía bao góc cạnh của đời sống, xen lẫn nét hài hước cùng sự châm biếm đến tột độ, như là mỗi chúng ta cũng như một ai đó trong câu chuyện vậy.

Một số tác phẩm có thể kể đến của Samuel Agnon: Agunot (Người bị ruồng bỏ, 1909), truyện; Hakhnasat Kalah (Chiếc màn cưới, 1931), tiểu thuyết; Kol Sippurav (Toàn tập truyện ngắn, 1931), tập truyện ngắn; Bi-levav yamim (1933), tiểu thuyết; Sippur Pashut (Một chuyện bình thường, 1935), tiểu thuyết; Oreach Natah Lalun (Người khách đêm, 1937), tiểu thuyết; Shevuat Emunim(1943), tiểu thuyết; Temol Shilsom (Ngày hôm kia, 1945), tiểu thuyết; Ido ve Enam (Ido và Enam, 1950), tiểu thuyết; ʿAd henah (Đến ngày này, 1952), tiểu thuyết; Shira (1971), tiểu thuyết; Haesh ve haetsim (Lửa và gỗ), tập truyện.

 

Phụng Thiên

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/samuel-agnon-nha-van-lung-danh-goc-do-thai-a11621.html