Phú Thọ: Việt Trì sớm trở thành thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử quốc gia

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, tạo không gian kiến trúc, cảnh quan đẹp gắn với bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi của cha ông để lại là hướng đi của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Nhờ vậy, thành phố đã trở thành một địa điểm nổi tiếng về du lịch tâm linh của Việt Nam. Trong tương lai đây sẽ là thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử quốc gia mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp, hiện đại.

Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại

Chú thích ảnh Thành phố Việt Trì nhìn từ trên cao. Ảnh: phutho.gov.vn

 

Được xem là đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, những năm qua, thành phố Việt Trì tập trung khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, xây dựng thành phố có kinh tế phát triển nhanh, không gian kiến trúc, cảnh quan đẹp, bảo vệ môi trường tạo dựng chất lượng cuộc sống cao cho cư dân.

Những năm gần đây, bộ mặt đô thị thành phố Việt Trì được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, xứng đáng là trung tâm tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của vùng phía Bắc Thủ đô Hà Nội và của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như Quốc lộ 32C; đường Tôn Đức Thắng, đường Phù Đổng và nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Trường Chinh, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang.

Hơn 134 km đường giao thông nội thị và nhiều cây cầu đi bộ được đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố. Nhiều dự án khu đô thị mới cũng được tập trung đầu tư đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, việc chỉnh trang làm đẹp đô thị cũng được quan tâm bằng việc đầu tư khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.

Cùng với đó, hạ tầng văn hóa, xã hội được chú trọng đầu tư tương xứng với những điểm nhấn đáng chú ý như Khu Di tích văn hóa, lịch sử Đền Hùng được quy hoạch mở rộng gần 1.000 ha với nhiều hạng mục công trình lớn phục vụ du khách về giỗ Tổ. Nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ, chợ trung tâm và các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực đường Nguyễn Du, đường Tiên Dung… cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thành phố. Khu công nghiệp Thụy Vân, cụm công nghiệp Bạch Hạc… được đầu tư cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, đạt được kết quả đó, thành phố huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước “đột phá” trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Chỉ tính giai đoạn 2016-2020, thành phố đã huy động hơn 45 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với 5 năm trước. Có được kết quả trên, thành phố đã đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư tham gia phát triển các ngành dịch vụ, thương mại chất lượng cao. Đồng thời, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một đầu mối" từng bước đáp ứng tiêu chí đô thị thông minh.

Lưu giữ những giá trị truyền thống cốt lõi

Chú thích ảnh Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

 

Được xem là đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam, thành phố Việt Trì vẫn đang nỗ lực bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng trên địa bàn . Hiện, thành phố còn lưu giữ được 117 di sản văn hóa vật thể thuộc các loại hình di tích lịch sử - danh nhân, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích văn hóa, kiến trúc tôn giáo, di tích khảo cổ học và 52 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 5 loại hình là lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống.

Đến nay, thành phố có 54 di tích và cụm di tích đã được xếp hạng, gồm 1 di tích đặc biệt quốc gia, 13 di tích cấp Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh. Trong đó, di tích lớn nhất của Việt Trì là Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Ðền Hùng, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất của cả nước, hằng năm đón hàng triệu lượt du khách tụ về Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tỏ lòng thành kính, tri ân Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, thành phố đang lưu giữ, bảo tồn 2 di sản văn hóa phi vật thể lớn của thế giới là “Hát Xoan Phú Thọ”, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và hệ thống các di tích gắn với hai di sản như đình cổ Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu), đền Tam Giang và chùa Đại Bi (phường Bạch Hạc), đình Cổ Tích (xã Hy Cương), đình Ngoại Lâu Thượng (xã Trưng Vương) và các di tích liên quan đến di sản Hát Xoan như Miếu Lãi Lèn, đình An Thái, đình Kim Đới, Đình Thét...

Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, với tiềm năng, lợi thế to lớn để tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa mang đặc trưng đất Tổ, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để quy hoạch, hình thành, phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế, xã hội, trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bảo tồn, phát huy lợi thế du lịch tâm linh hướng về nguồn cội mà tâm điểm là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO vinh danh. Đồng thời, thành phố tiến hành khảo sát, kiểm kê các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn, đánh giá hiện trạng để bảo tồn, tu bổ, xây dựng các di tích đình, đền, nơi thờ tự các danh nhân thời Hùng Vương, Anh hùng dân tộc trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn đất nước Việt cổ, các danh nhân lịch sử, văn hóa...

Cùng với đó, thành phố duy trì, phục dựng và nâng tầm các lễ hội văn hóa dân gian, truyền thống hiện có, gắn với các di tích liên quan thời đại Hùng Vương trên địa bàn, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả;  tổ chức các lễ hội mới để thu hút khách du lịch. Qua đó vừa giáo dục truyền thống, xây dựng phong cách công dân đất Tổ vừa quảng bá, tuyên truyền về thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Việt trì tăng cường sự liên kết với các địa phương trong tỉnh, các tỉnh trong vùng, các trung tâm du lịch, đối tác trong và ngoài nước để hình thành các khu du lịch - dịch vụ...

Trở thành thành phố lễ hội

Ông Nguyễn Mạnh Sơn, Bí thư Thành ủy Việt Trì cho biết, để nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, phát triển Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống cốt lõi, thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, bền vững, hội nhập với khu vực và quốc tế, thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Theo đó, thành phố tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn, thực hiện khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, văn hóa; phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tạo sức bật mới trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, trên cơ sở đó tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Việt Trì tập trung khai thác tốt các tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các nghề truyền thống, sản phẩm phục vụ khách du lịch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp lớn, các dự án sản xuất có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Theo ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh sẽ tiếp tục điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Việt Trì gắn với Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025 và Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, trong đó nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính để tạo lập vị thế mới cho thành phố Việt Trì, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi khu vực, tạo động lực phát triển cho vùng và tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch và phát triển sản phẩm văn hóa, du lịch; hình thành văn hóa và môi trường sống đặc trưng vùng Đất Tổ.

Thành phố phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với giá trị văn hóa vùng đất Tổ, như du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, lễ hội; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối trong tỉnh với vùng Tây Bắc; các hoạt động du lịch hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh - tạo thông điệp ấn tượng, mạnh mẽ “Phú Thọ - Việt Trì một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, chất lượng và an toàn”; hàng năm cập nhật, bổ sung, mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tất cả các di tích trong tỉnh và trên địa bàn cả nước…

Lâm Đào An (TTXVN)

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/som-dua-viet-tri-phu-tho-tro-thanh-thanh-pho-du-lich-van-hoa-lich-su-quoc-gia-a11672.html