Rãnh nước bên đường nhà tôi là nơi lưu thông nước từ ngoài mau làng dẫn ra sông nông giang chạy dọc theo đồng làng. Mau làng tôi vốn là con sông Mạn Định xưa được ngăn dòng chạy qua địa phận làng. Tôi vẫn nhớ khi xưa mau chưa có người thầu nên chị tôi hay đem te ra đặt bên bờ mà kéo tôm, tép. Mùa mưa nước tràn bờ, thông dòng qua rãnh bên nhà tôi mà ra sông nông giang thoát đi khắp phía. Đến mùa cấy, nước từ sông Mã được bơm về đồng, nhờ vậy mà lại ngược về mau cấp thêm cho dòng xanh mát. Thế nên dù đã bị ngăn dòng, mau làng không vì vậy mà tù đọng, vẫn mơn mởn tô bóng những rặng tre.
Rãnh nước chạy theo con đường ra đồng có bờ đất mọc đầy cỏ voi, cỏ gà. Bờ cỏ này khi lười, tôi hay thả con bò bụng cóc nhà tôi gặm cỏ để tranh thủ chơi cùng lũ bạn. Có đợt nhà tôi nuôi vịt thả ở ao, chỉ cần đổ nước vôi vào rìa bờ rãnh ấy là đã ép được lũ trùn khoang bò lên lổm ngổm đầy bờ, chỉ sẵn nhặt bỏ vào xô mà đem về chăm lũ vịt.
Bên kia bờ trồng hàng xoan đan xen những bụi chuối hột. Bóng mát che rợp những trưa hè cho những đầu xanh chơi ô quan, đánh khẳng... có những hôm nghịch dại ra bờ chuối tìm những tàu lá bám đầy bù nẹt dọa nhau. Những con bù nẹt màu xanh đầy lông nhung nhúc bám ở mặt dưới những tàu lá chuối hột xanh, hễ không may mà đụng vào da thịt thì "thôi rồi lượm ơi", tha hồ sưng ngứa. Lúc đó chỉ biết lấy vôi mà xoa lên mong nó nhanh nhanh xẹp đi cho đỡ ngứa.
Vui nhất ngày xưa là những trưa hè xuống rãnh ngăn bùn tát cá. Ngày ấy rãnh chưa bị ô nhiễm bởi hóa chất và chất thải sinh hoạt như bây giờ. Lũ quần đùi cởi trần tóc vàng cháy nắng trưa không ngủ rủ nhau đem chậu con ra ngăn khúc để tát nước. Cả một đoạn dài tầm mười mấy mét được đắp bờ bằng bùn đen ngay dưới rãnh. Khi lội dưới đó chỉ sợ không may đẫm phải mảnh sành chai hay cái đinh rỉ ai đó vứt xuống thôi. Nhưng may là khi ấy, tôi cũng chưa bị "đứt chân" lần nào.
Tát gần cạn nước, những con cá đã tạo sóng trên những khoảng bùn tránh chân người trốn chạy xa xa. Những bàn tay khéo léo của chúng tôi cũng không ngừng thoăn thoắt lần theo những đám bùn trước mặt. Những con cua mai đen giơ càng lên đe dọa, nhưng rồi cũng đành chấp nhận vào nghỉ trong xô. Những con tôm nhảy tanh tách giật lùi trên bùn cũng đành nằm gọn trong những bàn tay bé nhỏ. Cá rô, the cờ, đòng đong, cân cấn... rủ nhau vào xô, vào chậu hết... Khắp người, khắp mặt đầy bùn lem nhem mà miệng cười vui thích, chiều cả nhà lại được bữa ăn ngon.
Những ngày nước ở rãnh sâu, lũ chúng tôi cũng hay bày trò câu cá. Cần câu chỉ giản đơn là cành tre nhỏ già vót sạch gai và lá, đoạn sợi cước buộc vào cái lưỡi câu (ngày ấy 200 đồng), phao làm bằng cuống rau hoặc mẫu bèo tây, mồi giun đào ở góc vườn... thế mà cũng khiến nhiều chú cá rô thiệt mạng. Chỉ cay nhất lũ the cờ rứt mồi nhưng không chịu cắn câu nên mất mồi vẫn không bắt được. The cờ thường không ăn mà hay đem cho mèo cho chó ăn. Hứng lên thì tôi sẽ mời nó vào trong lọ thủy tinh nuôi chơi nhưng lâu lâu lại chán...
Tôi vẫn nhớ cái thời tập xe đạp. Nhà bọn bạn có xe đạp nữ chỉ sẵn ngồi vào khung mà tập. Xe đạp của bố tôi là xe đạp nam tập khó nhưng không làm giảm ham muốn tập xe. Anh em tôi phải lách một bên khung ngang xe tập. Nghĩ lại thấy thật vui cái thời tập dưới bóng mát hàng lá chuối ve vẫy, đu đưa. Nhớ nhất cái lần em tôi tập xe tông hẳn xuống rãnh làm cả nhà hoảng cả lên.
Ấy vậy mà thời gian trôi, những đứa trẻ ngày xưa dần thành người lớn. Làng lên phố, người đông rãnh thêm ô nhiễm, cá, tôm bỏ đi rồi ở lại miền kí ức. Bờ chuối, hàng xoan cũng bỏ theo mà rãnh nước thì được bê tông hóa có cả nắp đậy. Những buổi trưa hè chang chang nắng gắt, chẳng còn lũ trẻ chơi bên rãnh nước. Bỗng thấy xốn xang luyến nhớ một thời bên rãnh nước ngày xưa...
Chuyện Làng Quê
Trịnh Quang Cảnh
Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/luyen-nho-mot-thoi-ben-ranh-nuoc-ngay-xua-a11701.html