Bì bạch

Trạng Quỳnh đã có một thời say đắm nữ sĩ Đoàn Thị Điểm nhưng không biết làm cách nào để chinh phục cho được trái tim nàng thi sĩ. Một hôm nàng vào buồng thay quần áo để tắm thấy thế đây là cơ hội ngàn vàng để chiếm hữu, Quỳnh bèn lân la muốn thi sĩ cho vào tắm chung.

Biết Quỳnh là tay hay chữ, nàng cho câu đối nếu đối được nàng sẽ cho vào tắm chung. Trạng Quỳnh phấn khởi mừng thầm y như mở cờ gì chứ chữ nghĩa văn chương thì chàng một bụng. Nàng nhẹ nhàng nhã chữ ra câu đối " Da trắng vỗ bì bạch ".Câu đối tưởng chừng quá đơn giản chỉ có năm chữ nhưng thâm sâu đủ nghĩa tượng thanh và tượng hình.Thật là câu đối khó vô cùng.Quỳnh bức tóc dò tai mà không tài nào đối được.Thế là giấc mộng ôm người đẹp đành tan tành theo mây khói!

bi-bach-1649579071.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

Lại có một giai thoại khác là Trạng Quỳnh lấy được Đoàn Thị Điểm và trong đêm tân hôn.Đoàn Thị Điểm đi tắm thì Quỳnh đòi tắm chung và nàng ra câu đối trên nếu đối được mới cho vào buồng. Trạng đỗ mồ hôi hột mà không tìm được câu đối đành ngậm ngùi không dám hé răng. Có người thì cho rằng đây là câu đối của thi sĩ Hồ Xuân Hương... nhưng giai thoại nghiêng về Đoàn Thị Điểm nhiều hơn.

Cho đến hôm nay hậu thế gần mấy trăm năm sau vẫn chưa có câu đối nào hoàn chỉnh. Đó là một thách thức không hề nhỏ trên bầu trời văn đàn Việt Nam." Bì bạch " có nghĩa là da trắng mà cũng có nghĩa là tiếng vỗ của hai làn da. Nghĩa là vừa tượng thanh vừa tượng hình, tiếng vỗ này nghe rất tục nhưng rất thanh.Làm sao có từ ngữ nào đối lại vừa tượng thanh lại tượng hình?

Cũng có vài câu đối để đối lại câu trên. Đó là câu " Trời xanh màu thiên thanh ".Thiên thanh nghĩa là trời xanh, tượng hình thì có nhưng không có tượng thanh. Hay câu đối " Rừng sâu mưa lâm thâm ", lâm là rừng và thâm là sâu, có tượng thanh vừa tượng hình nhưng nghe không hay không hợp với cái lý do người đẹp tắm trong buồng! Và còn rất nhiều câu đối của các văn thi sĩ như " Mập phù thở phì phò " " vợ buồn than thê thảm " thê thảm là vợ buồn, hay " đỏ mặt ngắm hồng nhan " hồng nhan nghĩa là đỏ mặt... Các câu đối tuy hay rất hoàn chỉnh nhưng nghe không hay bằng nghĩa tượng thanh nghe khiêu khích của tiếng vỗ bì bạch.

Thật là câu đối tuyệt vời đủ các ý nghĩa vừa tượng thanh và tượng hình với đầy đủ đối ý, đối chữ, đối thanh và đối loại. Cho đến nay chưa có câu đối nào hoàn chỉnh cả tượng thanh lẫn tượng hình.Thách thức trên làm đau đầu các nhà văn thi sĩ của cả nước. Thách thức của câu đối trên cũng là nét đẹp văn hóa của người xưa, họ tôn trọng và ứng xử rất văn hóa trong đời sống của vợ chồng.

Vậy thì ai sẽ là người ra câu đối giải lại lời đối trên của nữ sĩ yêu kiều?

Chuyện làng quê

Dinh van Son

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/bi-bach-a11706.html