Sợi dây vô hình - bàn tay vô hình!

Trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có sợi dây vô hình làm ranh giới giữa đúng sai, thiện ác... Than ôi! Giữa giông tố cuộc đời, mang gánh nặng áo cơm, trong cơn say danh vọng, hận thù... sợi dây đó thật mỏng manh và có thể bị lãng quên hay đứt bất cứ lúc nào.

278175527-5984441964915652-1865593059177455424-n-1649597667.jpg

 

- Trời ơi! Tai nạn giao thông! Chết người rồi!

1997, ngã ba Vũng Tàu (bây giờ đã thành ngã tư), người lái xe mô tô say rượu chạy quá tốc độ tông vào xe khiến tôi bị chấn thương sọ não. Người ta thấy thân thể tôi mềm nhũn bất động nên đem đắp chiếu bên đường, chờ người quen đem về chôn.

Ai cũng tránh xa vì sợ liên lụy. Có người lái xe ba gác chở heo thấy tôi còn ấm, chân nhúc nhích liền bỏ tôi lên xe cùng với heo, đem vô nhà thương Biên Hoà, sau đó chuyển vô BV Chợ Rẫy. Chụp CT hộp sọ bị nứt hai đường, hội chẩn bác sĩ nói có thể bị di chứng, mất trí nhớ hay liệt não! Tóm lại bác sĩ chê! Vậy mà như một phép màu, hai ngày sau tôi được ra viện, về nhà… bình thường. Ai cũng bảo có bàn tay vô hình nâng đỡ… khi đầu tôi đập xuống mặt đường! Bao năm nay hai lúa đi tìm ông ba gác chở heo để đền ơn nhưng BV tiếp nhận nói ông chở hai lúa vô xong rồi đi mất, không để lại giấy tờ gì!

Ông ơi! Ông ở nơi đâu!? Ông cứu mạng tôi nhưng tôi không thể đền ơn! Hai lúa đi qua những thăng trầm của nhân sinh có lúc trong tuyệt vọng… Lúc bế tắc nhất hai lúa chỉ con biết cầu nguyện và phó mặc cho số phận…. Và kỳ lạ thay, luôn có qúy nhân vô hình chỉ lối và nâng đỡ. Qua hơn 50 năm làm kiếp con người, trôi nổi như cánh bèo lang bạt, hai lúa xin kính gởi đến quí vị nỗi tâm sự sâu lắng trong lòng mình! Xin lỗi ai đó nếu câu chuyện có lặp lại!

***

Sau hai ngày đạp xe chạy theo đuôi những người đi trước, lúa ế chỏng chơ, bán về rất trễ. Lúa đổi chiến thuật: đeo thùng cà rem (hình) choàng qua cổ thêm 2 cái giỏ lác, một đựng bánh mì, một chứa đồ ve chai băng đồng vừa đi bộ vừa lắc chuông, miệng la to: Ai ăn cà em không? Cà rem đổi ve chai dép đứt, lông vịt... đây......!

Cuộc sống vùng quê của người dân Bạc Liêu hoang sơ, nghèo khổ nhưng lãng mạn đến không ngờ. Những chiếc cầu khỉ, những quán cóc, những ngôi trường mái và vách đều bằng lá dừa nước ẩn mình dưới tán dừa. Cô thợ may tóc dài da trắng mắt bồ câu mở tròn to nghiêng tai nghe giọng vừa rao vừa hò mang nặng nỗi niềm của một sinh viên nghèo trốn học mưu sinh:

À ơi,

Tròng trành như nón không quai,

Như thuyền không lái như ai không chồng...

Như tui đây túi rỗng không đồng!

Đành lòng trốn học ... vác thùng cà rem.

Cô ta động lòng kêu tui mua một cây! Cà rem thủ công đúc trong ống nước hay hộp kim loại dài ngắn, to nhỏ tuỳ... tâm trạng người cắt. Tui đưa cà rem, tay nàng vô tình đụng phải tay tui, như điện giật về nhà 3 ngày không dám rửa tay chỗ đó! Tối ngủ lấy bịch ni lông trùm lại cột thêm sợi dây thun. Lúa làm gì vậy?

Em hãy tắt nắng đi,

Cho màu đừng nhạt mất.

Lúa đang buộc gió lại.

Cho hương đừng bay đi! ( Thơ sưu tầm)

Có hôm trời mưa lạnh, đi đường bùn dính rất dễ... chụp ếch! Lúa ghé chợ cóc gần trường học tay rung chuông liên hồi, miệng la to: Cà rem bán xổ (bán rẻ huề vốn để về nghỉ sớm) đây, vừa nói vừa đưa một cây rất dài cao quá đầu như tề thiên múa thiết bảng, dí dí vào mặt các học sinh vừa tan học: xem đây 1000 đồng cây cà rem to và dài như vậy nè.... Không tiền? Không sao, ai có dép đứt, lông vịt hay đồ đồng nát đem ra đổi cũng được. Các cháu nhỏ chạy về nhà đứa thì xin tiền, đứa đem nồi niêu hư hỏng, đứa đem lông vịt... chạy ra. Lúa tay này thu tiền tay kia cắt... cà rem ngắn lại, mấy đứa nhỏ la: hồi nãy thấy cây cà rem dài sao bây giờ ngắn quá vậy?

- Các cháu biết không, vật chất gặp nóng thì giãn ra gặp lạnh thì co lại! (Lúa tui là dân chuyên Lý mà). Nãy giờ chờ mấy cháu lâu quá trời mưa lạnh nên nó phải... ngắn lại chứ...

- Tụi cháu không hiểu vật lý!

- Vậy hả, cháu xem cái cháu hay dùng (xin lỗi quí vị) tiểu tiện, khi gặp mưa lạnh nó thun lại hay dài ra?

- À cháu hiểu rồi, nó co ngắn lại. Nhưng cà rem phải khác chứ. Ông này xạo quá!

- Chú ơi dép này đứt chưa, đổi được không???

Nhiều đứa trẻ xếp hàng cầm dép của cha mẹ đem ra hỏi.

- Đưa chú coi! Ôi! Những đôi dép nhựa miền quê mòn vẹt, há mồm! Lúa chỉ cần kéo mạnh là nó đứt, một tay nhét vào giỏ lác tay kia lấy kem đổi!

- Chú ơi khoan đi, có nhiều bạn đang đến kìa, nhà thằng chạy đầu giàu lắm, ba nó là cán bộ hợp tác xã.

Một thằng bé đem ra đôi dép hơi há mồm còn mới, nhưng vì nhà giàu con cán bộ nên lúa đưa tay kéo hết lực, đứt, đổi cà rem này. Trong cơn hứng chí và say tiền, một thằng bé dắt em mũi chảy thò lò chân đất mang áo rách đưa tôi đôi dép mòn vẹt mỏng tanh, đã bị đứt nhưng được buộc lại bằng sợi ni lông. Trời ơi! Lúa tui bủn rủn như bị ai đấm mạnh đột ngột trúng vào tim: Ôi đôi dép sao mà giống dép của mẹ tôi ngày xưa, giống từ sợi dây ni lông buộc tạm cho đến độ mòn vẹt... Tôi rưng rưng quay mặt lau nước mưa hoà cùng nước mắt, đưa cho cháu cây cà rem mà không nỡ kéo sợi dây ni lông cho nó đứt. Tôi lặng lẽ trả lại cháu đôi dép trước sự ngỡ ngàng của những đứa trẻ!

PS: Bạn đọc yêu quí của tôi ơi! Trong sâu thẳm trái tim của mỗi người đều có sợi dây vô hình làm ranh giới giữa đúng sai, thiện ác... Than ôi! Giữa giông tố cuộc đời, mang gánh nặng áo cơm, trong cơn say danh vọng, hận thù... sợi dây đó thật mỏng manh và có thể bị lãng quên hay đứt bất cứ lúc nào.

Tuy vô hình và mỏng manh, nhưng nó như sợi dây lèo giúp diều bay lên vững vàng trong gió ngược, như sợi dây neo giúp con tàu không dạt trôi trong sóng nước, giúp con người không lạc lối giữa  bể khổ cuộc đời. Đối diện nguy nan, sinh tử, khi mà tiền bạc sức người... tất cả đều bất lực, sợi dây đó lại hiện ra đưa bạn đến thiên đường hay địa ngục! Và có lẽ nó là vật duy nhất bạn có thể mang theo lúc từ giã cõi đời tạm bợ này. Xin hãy trân quý và gìn giữ nó, người ơi!

 

Chuyện Làng quê

Long Tran

Link nội dung: https://vanhoavaphattrien.vn/soi-day-vo-hinh-ban-tay-vo-hinh-a11716.html